Tôi tự hào về thầy tôi
Đời sống - 20/11/2023 19:03 Đinh Thị Ngọc Huyền
Khi thầy cô “tự vá” chính sách |
Những lần học tiếng Anh “ngượng đỏ mặt”
Võ Ngọc Thành là giáo viên tiếng Anh được nhiều học sinh và phụ huynh yêu mến. Mọi người vẫn hay nhận xét cậu là người thông minh, nhạy bén và cầu tiến. Nhìn những gì chàng trai Võ Ngọc Thành đã có được ngày hôm nay, chắc ít ai ngờ cậu ấy từng là một học sinh cá biệt, với những ngày tháng lo sợ không thể thi qua nổi môn tiếng Anh, để được xét tốt nghiệp.
Tôi và Thành là bạn học thời cấp 3. Tháng 2/2023, tôi chuyển hẳn vào Sài Gòn làm việc. Và đây, chính là cơ duyên để tôi gặp lại Thành, cũng như chứng kiến xuyên suốt quá trình cố gắng thay đổi của người bạn thuở nào.
Một buổi học thường ngày của Thành và các bạn sinh viên |
Thành là giáo viên tiếng Anh, chuyên ôn luyện cho các bạn sinh viên “mất gốc”. Thành kể với tôi, trước đây cậu chưa bao giờ nghĩ mình có thể trở thành giáo viên tiếng Anh. Hồi cấp ba, Thành thuộc diện học sinh cá biệt trong lớp, đến một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng chẳng biết.
Sau khi lên đại học, Thành theo học ngành Công nghệ ô tô tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và nung nấu ước mơ đi du học Úc. Chính điều đó đã thúc đẩy một chàng trai “có mối thù truyền kiếp” với tiếng Anh cố gắng theo đuổi con đường ngoại ngữ.
Thông thường, khi mà người ta đã ác cảm với điều gì đó, họ thường sẽ lựa chọn cách trốn tránh nó. Nhưng hơn ai hết, Thành hiểu được tầm quan trọng của ngoại ngữ, nên, cậu đã cố gắng hết mình để chinh phục môn học khó nhằn này.
Từ khi tôi vào Sài Gòn, tôi và Thành vẫn giữ liên lạc, thi thoảng chúng tôi cùng vài đứa bạn cấp 3 hay hẹn nhau ra cà phê.
Theo dõi Thành qua mạng xã hội có, tai nghe mắt thấy có, tuy nhiên, mỗi lần nhắc về Thành, tôi vẫn ấn tượng mãi cái hành trình học tiếng Anh “ngượng đỏ mặt” của anh giáo trẻ.
Thành tâm sự với tôi, có lần Thành ngồi trong nhà vệ sinh học tiếng Anh, vì đọc hơi lớn nên bị bạn bè ở ngoài nghe được. Một vài người đã cười cợt và chế giễu Thành. “Khi đó, mình cũng cảm thấy xấu hổ và tủi thân lắm chứ. Nhưng rồi, chính nó đã tiếp động lực cho mình cố gắng nhiều hơn. Mình muốn chứng minh với mọi người là mình làm được”, Thành kể.
Không chỉ riêng lần đó, sau này, Thành vẫn còn nhiều lần “đỏ mặt” như thế nữa. Đó là những lần chàng trai trẻ ấy ngại ngùng ra phố đi bộ để bắt chuyện với người nước ngoài, phớt lờ ánh mắt của những người xung quanh đứng giữa ngã tư đường để quay clip nói tiếng Anh, bị từ chối khi trò chuyện trực tuyến với người bản xứ qua website…
Thế nhưng, Thành chưa bao giờ bỏ cuộc. “Mệt quá thì mình nghỉ, hết mệt thì mình lại làm tiếp”, Thành nói với giọng đầy quyết tâm. Ngoài thời gian học ở trung tâm, Thành cũng không quên về nhà tự ôn luyện. Cứ thế, Thành tiến bộ lên mỗi ngày. Bây giờ, Thành còn tự tin tham gia dẫn tour cho người nước ngoài, quảng bá những nét đẹp của Sài Gòn.
Bén duyên với nghề giáo
Nhận thấy sự thay đổi ngoạn mục của Thành, bạn bè ai cũng bất ngờ. Một vài người bạn đã nhờ Thành gia sư cho mình, và ngỏ ý trả tiền cho cậu. Học phí đầu tiên Thành nhận có giá 300 nghìn đồng. Thành nói “số tiền này chỉ đơn giản là để mua nước, chứ lúc đó chỉ nghĩ mình biết nhiêu thì giúp nhiêu thôi”.
Sau khi học cùng Thành, nhìn thấy sự nhiệt tình của cậu, bạn bè cứ thế người này giới thiệu đến người khác, rồi cậu trở thành giáo viên tiếng Anh lúc nào không hay.
Người ta vẫn hay bảo là nghề chọn người, trong trường hợp của Thành, nó thật sự rất chính xác. Phải thừa nhận cách truyền đạt của Thành rất tốt, nhưng điều này chính Thành cũng không biết, chỉ đến khi được bạn bè và học sinh nhận xét, Thành mới vỡ lẽ về năng khiếu của mình.
Trong quá trình dạy, có những bạn thi lần một không qua, Thành vẫn tạo điều kiện cho học lại miễn phí, không mất tiền. Yêu quý cái tâm, cái nhiệt tình của Thành, có phụ huynh còn ngỏ ý giới thiệu việc làm cho cậu.
Thành (thứ hai, từ phải) và các bạn sinh viên rèn luyện tiếng Anh thông qua việc bắt chuyện với người nước ngoài. |
Theo lời Thành kể, trong quá trình học tiếng Anh, đã có những lúc việc học của cậu bị chững lại. May sao, trong lúc đó, cậu đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ cô Minh Anh - giảng viên Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM. Đây cũng là người mà cậu vô cùng biết ơn, cô đã truyền cảm hứng cho Thành từ khi mất gốc cho đến tận thời điểm hiện tại.
“Cô và mình chỉ là người lạ thôi nhưng cô giúp mình rất nhiệt tình. Có hôm, hai cô trò ngồi học với nhau xuyên trưa, quên cả ăn uống. Mình biết ơn cô nhiều lắm! Cũng chính sự nhiệt tình của cô đã truyền cảm hứng cho mình. Sau này, mình cũng dạy học trò theo cách y như vậy”.
Trước kỳ thi, Thành sẽ dành thời gian để dò bài cho tất cả học viên. Ai muốn được kiểm tra để tự tin hơn trong buổi vấn đáp, Thành đều sẵn sàng.
Muốn được tận mắt chứng kiến quá trình giảng dạy của Thành, tôi đã xin phép được theo dõi lớp học online của cậu. Qua màn hình điện thoại, tôi cảm nhận được không khí căng thẳng của lớp học.
Thành ân cần dò bài cho từng bạn, chỉnh sửa từng lỗi sai nhỏ. Thi thoảng, tôi lại nghe Thành thở dài, “mai thi rồi mà bây giờ còn chưa thuộc hả”, giọng Thành có chút trách móc.
1 tiếng, 2 tiếng trôi qua, tôi gần như bị cuốn vào những cuộc trò chuyện giàu năng lượng giữa Thành và học viên. Trong quá trình dạy, Thành cũng không quên truyền lửa, thúc đẩy ý chí và tinh thần học của các bạn trong lớp. 2-3h sáng, khi mà đa số mọi người đều đã đi ngủ, lớp học B1 của chàng trai Võ Ngọc Thành vẫn rộn ràng tiếng thầy hỏi bài, trò trả bài.
Nhìn sự cố gắng và cái tâm của Thành với công việc, tôi cũng phần nào hiểu được tại sao học trò yêu quý và thích Thành đến thế. Nó cũng giải thích, vì sao chàng trai trẻ này có thể thành công giúp bao nhiêu học sinh từ không biết gì, xuất sắc vượt qua những bài kiểm tra tiếng Anh đầy cam go.
Thi thoảng, Thành khoe về lớp học của mình trên mạng xã hội, tôi cũng hay góp vui bằng những comment: “cho xin chân trợ giảng nhé”, “ghen tỵ với thầy Thành quá”...
Thành vẫn trách tôi hay ghẹo, thế nhưng, trong những câu đùa ấy có đến 80% là thật. Tôi “nể” cái cách Thành theo đuổi những mục tiêu lớn trong cuộc đời cậu. Tuổi trẻ, có lẽ ai cũng muốn một lần khám phá những giới hạn của bản thân…
Thông qua mạng xã hội, tôi tìm và liên hệ với một bạn học viên của Thành.
Hoàng Lâm chia sẻ: “Anh Thành kể cả lúc dạy hay ở ngoài thì cũng như người anh của em thôi, gần gũi và nhiệt tình. Bình thường anh dạy kèm cho mấy bạn, một phần là công việc. Tuy nhiên, anh cũng trích một phần trong đó ra để thiện nguyện, kêu gọi mọi người hàng tháng đến cô nhi viện hay là phát đồ ăn cho những người có hoàn cảnh khó khăn”.
Không chỉ được học trò yêu mến, Thành còn được phụ huynh học sinh vô cùng quý trọng. Khi tôi liên hệ, ông Huỳnh Phước Phú, phụ huynh của em Huỳnh Phước Phát vô cùng tự hào khi nhắc về người thầy của con trai mình: “Thầy Thành giỏi lắm cô ơi! Giỏi mà cực kỳ khó tánh. Đợt trước con tui thi nó thiếu 2 điểm, nó rớt. Đợt sau là thầy Thành kèm nó cả sáng, chiều. Tối lúc rảnh là qua nhà thầy dạy luôn hoặc là dạy online. Cái môn ngoại ngữ là môn khó đó mà thằng con tui nó qua được, nó dư hẳn 17 điểm luôn. Tui mừng lắm, tui mừng ghê lắm”.
Tôi cảm nhận được niềm vui, sự hân hoan trong từng lời kể của người cha. Đồng thời, cũng cảm nhận được sự trân quý dành cho Thành, thông qua thái độ và những từ ngữ ông miêu tả về người thầy trẻ.
Hành trình “gieo duyên”, lan tỏa những thông điệp tích cực
Nhắc đến hành trình thiện nguyện của mình, Thành kể lại: “Hồi trước mình có vô tình biết được một bài toán, khi mình kiếm được 10 đồng thì giữ lại cho bản thân 5 đồng, cho gia đình 3 đồng và cho đi 2 đồng. Vậy nên, mình bắt đầu nghĩ đến việc làm từ thiện để san sẻ những điều tốt đẹp đến với những mảnh đời kém may mắn. Thuở ban đầu, mình cũng chỉ muốn làm cho vui thôi. Nhưng sau này, càng làm lại càng cảm thấy ý nghĩa. Sau đại dịch Covid-19, có nhiều em nhỏ mất hết gia đình, trở thành trẻ mồ côi. Khi đến mái ấm Chúc Từ, nhìn hoàn cảnh của các em, mình thấy xúc động vô cùng. Mình đến nhiều, bọn trẻ nhớ mặt mình, nên mỗi lần thấy mình tới là cả đám ùa ra gọi chú Thành, chú Thành tới, cảm giác lúc ấy thật sự là vô cùng hạnh phúc”.
Một buổi thiện nguyện tại mái ấm Chúc Từ (57/8 Đ. Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM) |
Khi hỏi về Thành, cô Nguyễn Quỳnh Hồng Nhung - giáo viên tại mái ấm Chúc Từ kể lại: “Bữa rồi ảnh cũng có khoe là có 5 thùng sữa, hỏi ra mới biết là Thành cá độ với học sinh, nếu học sinh học tập đạt kết quả cao thì Thành sẽ đãi các bạn đi ăn, còn nếu các bạn thua, không đạt điểm số như kỳ vọng thì sẽ thua bao nhiêu thùng sữa để đem đến cho mái ấm cho các em”. Thành là vậy, đơn giản và nhiệt tình.
Hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình thiện nguyện, Thành bảo: “nhiều lắm, vui có, buồn có, nhưng mà nhớ nhất chắc là lần đầu đi làm từ thiện”.
Theo lời kể, lần đó Thành tích góp được một số tiền nhỏ sau mấy tháng giảng dạy. Cậu quyết định đặt 200 suất cơm để tặng cho những người vô gia cư. Ban đầu, Thành và các bạn học sinh rất phấn khởi đi phát cơm. Bỗng, Thành chợt phát hiện… có những cô chú trông rất quen. Hóa ra, họ đã nhận cơm rồi cất đi. Sau đó, lại chạy ra đứng ở một khúc đường khác để nhận tiếp. Biết vậy, Thành và các bạn thẳng thừng từ chối. Khi này, họ mới lộ bản chất thật là lưu manh, leo lên xe máy rượt theo đòi đánh nhóm Thành.
Thành ngậm ngùi: “Lúc đó, mình cũng thấy buồn và ấm ức lắm chứ, người ta nhận cơm của mình rồi mà họ còn đòi đánh mình. Sau lần đó, mình biết và né những con đường ấy ra, chỉ đi cho những ai thật sự cần thôi.”
Yêu thương trao đi là còn mãi
Hoàng hôn đang dần buông, những tia nắng cuối ngày bao trùm cả góc trời. Sài Gòn hôm nay thật bình yên, chẳng nhộn nhịp và hối hả của mọi khi. Theo lời hẹn với Thành, tôi cũng bắt đầu di chuyển đến trọ của cậu, để tham gia buổi phát bánh mì từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Vừa tới trước cửa, tôi đã nghe tiếng mọi người rôm rả “ai đó đi mượn dao đi”, “để tôi cắt cho”... Các bạn sinh viên của Thành đang mỗi người một tay chuẩn bị nhân để làm bánh mì.
Tôi ngồi được độ 30 phút, sơ chế xong nguyên liệu thì Thành đi mua bánh mì về. Nguyên liệu đã sẵn sàng, các bạn học viên ai nấy đều rất chuyên nghiệp, người cắt bánh, kẻ bỏ heo quay,... nhanh chóng 100 chiếc bánh mì nghĩa tình thơm ngon đã ra đời.
Những chiếc xe bắt đầu lăn bánh, hành trình trao đi yêu thương bắt đầu.
Các bạn học trò của Thành rất thân thiện và đặc biệt lễ phép. Khi gặp các cô chú lớn tuổi mọi người không quên chào hỏi rồi mới tặng đồ ăn. Các cô chú cũng vui vẻ gật đầu cảm ơn chúng tôi.
Cứ thế, chỉ độ 20 phút là chúng tôi đã phát xong hết những phần thức ăn của mình. Trên đường về, tôi vẫn thấy còn rất nhiều người lớn, trẻ nhỏ đang cực khổ mưu sinh…
Các bạn học viên đang làm bánh mình để gửi tặng những người vô gia cư |
Người ta vẫn hay nói với nhau “Sài Gòn là thành phố hoa lệ, hoa cho người giàu còn lệ cho người nghèo”. Vậy, nếu mỗi người góp một chút sức, có lẽ những giọt lệ kia sẽ cũng sẽ bớt đi phần nào đau thương. Và, chính điều mà Thành cùng các học trò của cậu ấy làm, cũng đang giúp những người kém may mắn ngoài kia bớt đi một nỗi lo. Ít nhất họ không cần phải suy nghĩ, liệu tối nay có gì để ăn không…
Tôi có hỏi Thành: “Nhiều người nghĩ việc làm từ thiện là làm màu, thế Thành nghĩ sao?”
Thành lại bảo: “Mình chỉ đang gieo duyên thôi, để mọi người biết là vẫn còn những hoàn cảnh khó khăn như vậy mà tới giúp. Còn ai, không thích mình, nghĩ mình làm màu thì kệ họ thôi, trăm người 10 ý mà”.
Trên đường về, tôi thấy có những cô chú cũng đang đi phát cơm như chúng tôi. Cuộc sống vẫn là như thế, vẫn là có rất nhiều người khó khăn, kém may mắn. Và… cũng có rất nhiều người sẵn sàng cho đi, bàn tay sẵn sàng nắm lấy một bàn tay.
Bỗng tôi chợt nghĩ, nếu ngày đó, Thành không gặp và được sự nhiệt tình của cô giáo truyền động lực, có khi… bây giờ cuộc sống của cậu ấy đã khác? Còn tôi… tôi chưa bao giờ dám nghĩ bản thân có thể trở thành người cầm bút chuyên nghiệp, cho đến khi được truyền động lực bởi “người thầy đặc biệt” của mình.
Cuộc sống ai cũng sẽ có cơ hội gặp được những người thầy giáo, cô giáo đặc biệt như thế. Một người xa lạ nhưng sẵn sàng từ bỏ cái tôi vì cái ta và trao đi tri thức một cách vô tư, chẳng hề nghĩ ngợi.
Thành vẫn hay lắc đầu khi được gọi là thầy giáo, Thành bảo chữ thầy nặng lắm, cậu chỉ là một người biết tiếng Anh thôi. Thành thích được các bạn học viên gọi là anh hơn vì cảm giác gần gũi, thân thiết và không bị áp lực bởi chữ “thầy”.
Đối với cá nhân tôi, Thành đích thực là một người thầy.
Chữ thầy nặng lắm… nhưng dường như chỉ khi người ta đặt cả tâm huyết vào công việc họ mới thật sự thấu hiểu điều đó.
Nó cũng giống như cái cách mà Thành, cô giáo Thành, hay thầy tôi cùng rất nhiều giáo viên khác ngoài kia đã và đang làm mỗi ngày. Cống hiến và làm đẹp cho đời một cách “vô điều kiện”.
Không chỉ giúp các học viên lấy lại căn bản và niềm yêu thích tiếng Anh, chàng trai Võ Ngọc Thành còn lan tỏa những thông điệp tích cực và hành động ý nghĩa cho xã hội. Cụ thể, cậu và các bạn học viên của mình đã trao tặng hơn 30 thùng sữa cùng 200 bộ quần áo cho các em nhỏ tại Mái ấm Chúc Từ. Bên cạnh đó, Thành cũng khởi động chương trình “bữa tối 0 đồng” và thành công trao tặng hơn 300 phần ăn cho các cô chú và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP.HCM. Ngoài ra, 20 thùng sữa cũng đã được gửi tới Mái ấm tình thương chùa Diệu Pháp để dành tặng các cụ già neo đơn… |
"Người lái đò" và những ước mong bé nhỏ Để cùng học sinh vượt qua vừa rồi, thầy cô Trường PTDT Nội trú Bố Trạch (Quảng ... |
Về một thầy giáo đặc biệt: “Chưa bao giờ nhớ ngày 20 tháng 11” Dòng sông sâu, con sào dài đo được. Lòng người đưa đò, ai biết được sự bao la. Suốt hơn chục năm qua, người “thầy ... |
Cảm xúc 20 tháng 11 Ngày 20/11 thuở xưa, thời tôi còn đi học phổ thông, thường được gọi là Ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo. Còn từ ... |
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 17/09/2024 12:40
Đề xuất nghỉ Tết Âm lịch 2025 kéo dài 9 ngày liên tục
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đang đề xuất phương án nghỉ Tết Âm lịch năm 2025 kéo dài 9 ngày liên tục cho cán bộ, công chức, viên chức.
Đời sống - 17/09/2024 09:52
Ngành Y tế sát cánh cùng đồng bào vùng lũ: Không thu viện phí, chăm sóc sức khỏe tận tình
Trước thảm họa cơn bão số 3 gây ra, ngành Y tế không chỉ ứng phó kịp thời mà còn có những quyết sách mang tính nhân văn. Một trong những hành động nổi bật là quyết định không thu viện phí đối với các nạn nhân vùng lũ, giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí y tế trong hoàn cảnh khó khăn.
Người lao động - 13/09/2024 11:26
Gojeck rời thị trường Việt Nam: Tài xế ngỡ ngàng, không tin sắp mất việc
Ngay sau khi nhận thông tin Gojeck sẽ rút khỏi thị trường từ ngày 16/9, nhiều tài xế đã ngỡ ngàng, bởi với nhiều người, đây là công việc đem lại thu nhập chính, lo toan cho cả gia đình.
Người lao động - 12/09/2024 18:17
Phát động Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2024
Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2024 nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, công nhân, người lao động.
Đời sống - 11/09/2024 07:48
Anh Trần Ngọc Vĩ - người có nhiều sáng kiến tâm huyết mang bản chất Bộ đội Cụ Hồ
Từ một công nhân lái xe mang bản chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sau nhiều năm công tác, anh Trần Ngọc Vĩ đã trở thành Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí - Xây lắp thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế có nhiều sáng kiến, sáng tạo từ thực tiễn công việc và được áp dụng vào hoạt động của công ty.
Đời sống - 10/09/2024 20:28
Người miền Trung ra Bắc khắc phục hậu quả bão lũ: "Hết việc mới về"
Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ở miền Trung đã hỗ trợ nhân lực, miễn phí vận chuyển hàng hoá ra Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc để khắc phục hậu quả bão số 3.
- Hành trình 14 năm chinh phục khách hàng Việt của Nissan Navara
- Công ty CP Gỗ Quảng Phát tuyển gần 50 lao động tại Quảng Bình
- Vĩnh Phúc có thêm 2 dự án FDI đi vào hoạt động trong tháng 8/2024
- Suzuki Swift ngừng bán tại Việt Nam?
- Cô Huỳnh Kim Diệu - người “truyền lửa” nhiệt huyết của Công đoàn Trường THCS Đông Thuận