Tăng quyền chủ động giám sát và phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn
Chính sách mới - 21/06/2024 15:03 MINH KHÔI
Điều 16 Dự thảo Luật quy định về quyền giám sát của Công đoàn: “Công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn”.
LĐLĐ huyện Tân Yên (Bắc Giang) tham gia đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật tại một số doanh nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Đ.L |
Giám sát của công đoàn mang tính xã hội, được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, người lao động; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được giám sát.
Thực tế, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có tổ chức Công đoàn, là hoạt động giám sát mang tính xã hội, không mang tính quyền lực nhà nước.
Điều này xuất phát từ bản chất nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân; nhân dân (người lao động) thực hiện quyền làm chủ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình thông qua tổ chức đại diện của họ là công đoàn.
Hiện nay, công đoàn là chủ thể vừa có tư cách trực tiếp, chủ trì giám sát; vừa phối hợp giám sát đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị. Điểm b khoản 1 Điều 6 Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị “về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” quy định: “Các đoàn thể chính trị - xã hội: Chủ trì giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”.
Ông Trần Văn Mỹ - Tổng Giám đốc Công ty SCAVI Huế (bên phải) cùng lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành giám sát, kiểm tra chất lượng bữa ăn ca tại nhà ăn công ty. Ảnh: TS. |
Khoản 4 Điều 88 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định quyền, trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam các cấp như sau: “Thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở của đoàn viên công đoàn”.
Ngoài ra, Luật Mặt trận Tổ quốc quy định “các tổ chức chính trị - xã hội chủ trì giám sát” nội dung liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, quyền, trách nhiệm của tổ chức mình “theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và quy định của pháp luật”.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Ngọc Định (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho rằng Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) theo hướng tăng quyền chủ động giám sát của tổ chức Công đoàn là phù hợp. Điều này góp phần phát hiện sớm những vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, thực hiện tốt vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ lao động.
ĐBQH Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Hồ Long |
Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) bày tỏ sự ủng hộ với Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ông cho rằng, so với luật hiện hành, quyền và trách nhiệm giám sát của công đoàn đã được tách thành một điều và công đoàn không chỉ tham gia phối hợp, mà còn có quyền chủ động thực hiện giám sát nhằm khẳng định rõ hơn vai trò của công đoàn trong hoạt động giám sát xã hội.
Thực tiễn hoạt động giám sát của tổ chức Công đoàn cho thấy, giai đoạn 2014-2019, công đoàn các cấp đã chủ trì giám sát trên 25 nghìn cuộc, tham gia giám sát trên 47,7 nghìn cuộc.
Trong nhiệm kỳ XII (2018 - 2023), công đoàn đã thực hiện giám sát hơn 166 nghìn cuộc, hơn 27 nghìn người được giải quyết về các chế độ, chính sách với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là hơn 113 tỷ đồng.
Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo, triển khai, hướng dẫn công tác giám sát thường xuyên trong toàn hệ thống, đặc biệt là phát huy vai trò của công đoàn cơ sở trong chủ động nắm bắt thông tin, tình hình tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, từ đó, giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý.
Việc quy định cụ thể hơn Công đoàn có quyền chủ động thực hiện giám sát để đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật Việt Nam; đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thuận lợi trong tiếp cận các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Biên chế công đoàn hiện chỉ bằng 1/3 các tổ chức chính trị - xã hội khác Nhiệm vụ của công đoàn đặc thù và ngày càng nặng nề nhưng biên chế công đoàn lại rất thấp so với các tổ chức ... |
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất phương án giao biên chế 5.899 cán bộ công đoàn chuyên trách Tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) chiều ngày 8/6 (Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV), một ... |
Vô vàn bất cập khi thiếu biên chế công đoàn Gần 4 năm trước, khi anh Thể được bổ nhiệm làm Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm (Hà Nội), đơn vị có 6 biên chế. ... |