Nghề xiếc - muôn vàn âu lo
An toàn, vệ sinh lao động - 18/06/2024 15:22 Hà Vy
Điều chỉnh chế độ, chính sách với diễn viên xiếc: Phải nhanh lên mới kịp! |
Đào thải khắc nghiệt, 45 tuổi đã chờ nghỉ hưu
Nghề xiếc có đặc thù: tuyển vào từ lúc còn nhỏ, phải mất ít nhất 8 năm khổ luyện mới đảm bảo biểu diễn thành công một tiết mục xiếc chính quy và phải thường xuyên tập luyện mới đảm bảo duy trì được tiết mục đó.
Diễn viên xiếc trong giờ tập luyện. Ảnh: LĐXVN cung cấp |
Đồng chí Trần Quang Vinh - Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết: “Các thể loại tiết mục của Xiếc đều tiềm ẩn nguy hiểm, để lại hậu quả sau này cho nghệ sĩ. Nhất là với nghệ sĩ phải tập luyện, biểu diễn tiết mục nhào lộn trên cao, đu dây trên không trung, đu bay, đu quăng, nhào lộn trên sào, cầu bật… Khi biểu diễn trên cao, những yếu tố bất định về sức khoẻ con người là không thể lường hết được. Khi nghệ sĩ thực hiện nhiều động tác huy động sức mạnh đôi tay, đôi chân để tiết mục đạt chất lượng cao nhất thì nguy cơ càng cao".
Ảnh hưởng bởi điều kiện lao động đến sức khoẻ của từng nhóm nghệ sĩ xiếc rất đa dạng. Do thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng cường độ cao trong không gian rạp xiếc, đặc biệt là tập trung biểu diễn trong các thể loại thăng bằng, trò khéo và nhào lộn nên nghệ sĩ bị ảnh hưởng rất nhiều đến thị lực.
Nghệ sĩ biểu diễn, nuôi dạy thú làm việc trong môi trường độc hại, mùi hôi, lông thú, chất thải của con thú dẫn đến nguy cơ mắc bệnh về hô hấp như ung thư phổi, ung thư vòm họng.
Việc nuôi và huấn luyện thú còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì không phải lúc nào con người cũng có thể kiểm soát và điều chỉnh được thú tính của chúng.
Thực tế đã có một số nghệ sĩ phải chuyển công tác bị những ảnh hưởng bởi điều kiện làm việc.
Còn các nữ diễn viên bị suy giảm sức khoẻ khi lập gia đình, sau khi có con do ảnh hưởng của áp lực luyện tập và biểu diễn với cường độ cao từ khi còn rất trẻ, tham gia tiết mục đông người với khối lượng công việc lớn.
Một buổi tập luyện của các nghệ sĩ. Ảnh: LĐXVN cung cấp |
Hầu hết các nghệ sĩ phải phải rèn luyện những kĩ năng mang tính khác thường mà người bình thường, kể cả khi trưởng thành, cũng khó có thể làm được (uốn dẻo, đu dây, nhào lộn, trụ người, nâng vật nặng hơn rất nhiều lần trọng lượng cơ thể).
Do vậy, hệ cơ xương khớp bị ảnh hưởng, thoái hoá sớm hơn so với những người không hoạt động trong xiếc. Đã có trường hợp nghệ sĩ bị vôi hoá cột sống khi còn trẻ.
Trong 10 năm qua, Liên đoàn có một vụ tai nạn lao động khi nghệ sĩ thực hiện tiếp đất chưa đạt chuẩn.
Vì vậy, Liên đoàn luôn đánh giá một chương trình biểu diễn ngoài yếu tố nghệ thuật thì an toàn mới được gọi là một chương trình thành công. Ngoài phương tiện bảo vệ như dây đai, đệm, phụ trợ đi kèm, để đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ trong quá trình biểu diễn, Liên đoàn thành lập Tổ An toàn thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ quy định về an toàn lao động trước, trong và sau biểu diễn. Từ đó góp phần hạn chế được rất nhiều tai nạn.
“Chúng tôi chủ động bảo trì, bảo dưỡng trang thiết bị tập luyện và biểu diễn. Đồng thời mời chuyên gia thường xuyên phổ biến kiến thức, tuyên truyền nhắc nhở các cháu, các em chú ý đảm bảo an toàn trước, trong và sau biểu diễn. Tuy nhiên, vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ do đặc thù nghề nghiệp” - đồng chí Trần Quang Vinh cho biết.
Sau gần chục năm khổ luyện, chỉ ở độ tuổi ngoài 40, nhiều nghệ sĩ đã thôi tham gia biểu diễn.
Một tiết mục có tính nguy hiểm, được thực hiện bởi các nghệ sĩ. Ảnh: LĐXVN |
Chảy máu chất xám - do đâu?
Khó khăn lớn của xiếc hiện nay là từ khâu tuyển đầu vào đã rất hiếm vì nghề này học khó, học khổ, thời gian dài. Hàng chục năm trở lại đây, lượng đào tạo ở trường Trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam cực ít. Học viên chịu sự đào thải rất khắc nghiệt, mỗi khoá tuyển sinh sau sàng lọc chỉ còn từ 30 đến 40 cháu.
Số học sinh tốt nghiệp lại phân bổ đến nhiều đơn vị như Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Xiếc TP Hồ Chí Minh, các đơn vị tổ chức sự kiện ở Đà Nẵng, Nha Trang… hay một số công ty tổ chức sự kiện nên càng hiếm.
Năm 2023, Liên đoàn chỉ tuyển dụng được từ trường xiếc 7 đến 8 cháu học sinh. Liên đoàn lại không có chức năng đào tạo tại chỗ nên rất khó đề đào tạo, tuyển dụng diễn viên xiếc.
“Nghề xiếc cũng như nghề võ, đòi hỏi người học ngoài năng khiếu phải thực sự tâm huyết, đam mê, khát vọng và hi sinh mới làm được. Gian khổ nhất là ở giai đoạn tập luyện phải chuẩn bị sức khoẻ, đức kiên trì, lòng dũng cảm vượt lên mấy trăm phần trăm công sức. Từ đó mới có những kinh nghiệm, sau nhiều năm mới gọt giũa, tiết mục chất lượng cao, đi thi mới đoạt giải cao, từ đó mới thành danh” - đồng chí Trần Quang Vinh chia sẻ.
Tại không ít diễn đàn, lãnh đạo Liên đoàn Xiếc Việt Nam kiến nghị tình trạng “chảy máu chất xám” do một số công ty giải trí, tổ chức sự kiện tìm mọi cách “chèo kéo” diễn viên bằng trả lương cao.
Tiết mục lắc vòng tác động đến cột sống của nghệ sĩ. Ảnh: LĐXVN |
Trong khi Liên đoàn mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của để đào tạo nên một diễn viên chuyên nghiệp thì sau một thời gian, các công ty này tìm mọi cách lôi kéo diễn viên xiếc. Hạn chế về cơ chế tài chính của đơn vị ảnh hưởng đến chế độ đãi ngộ, dù lãnh đạo Liên đoàn đã tìm mọi cách để nâng cao đời sống cho diễn viên.
Liên đoàn còn nâng cao công tác đào tạo hằng năm, nâng cao môi trường văn hoá, quan tâm đến đời sống và tinh thần cho viên chức, người lao động. Đồng thời tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ, kết hợp với vận động, thuyết phục họ yên tâm công tác.
Tuy nhiên, vẫn có một số nghệ sĩ thôi việc, một phần do nhận thức chưa đầy đủ, phần vì chế độ chính sách còn bất cập.
Quy định “trói” đơn vị quản lý lao động
Thiếu nguồn tài chính, chế độ chính sách còn hạn chế, cộng thêm vướng mắc trong các văn bản hướng dẫn thực hiện về ký hợp đồng lao động, bố trí công việc cho nghệ sĩ xiếc khi không còn phục vụ biểu diễn đang là khó khăn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Theo đồng chí Trần Quang Vinh, việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với diễn viên xiếc như hiện nay là không phù hợp với đặc thù nghề. Bởi diễn viên xiếc có điều kiện lao động được xếp vào loại V, VI, loại đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trước đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành một số văn bản hướng dẫn về áp dụng chế độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong đó có: Quyết định số 1453/LĐTBXH-QĐ ngày 13/10/1995 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về ban hành tạm thời Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Gần đây nhất là Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 12/11/2020 quy định về ban hành danh mục tạm thời, danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Nghệ sĩ biểu diễn trên đôi giầy trượt Patin. Ảnh: LĐXVN |
Căn cứ vào đó, Liên đoàn đã giải quyết được cho một số nghệ sĩ có nguyện vọng nghỉ hưu sớm. Liên đoàn còn tạo điều kiện như: Nghệ sĩ đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội, đã có công việc bên ngoài, trong đó có 15 năm làm diễn viên xiếc thì đề xuất đơn vị giới thiệu đi giám định. Số năm đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ thì thực hiện theo quy định trừ theo tỷ lệ nghỉ hưu trước tuổi.
Video nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn:
Nhưng nghỉ hưu như vậy, nghệ sĩ nhận mức lương rất thấp. Do bị trừ tỷ lệ nghỉ hưu trước tuổi và chưa đủ năm đóng bảo hiểm nên có trường hợp sau nhiều năm nghỉ hưu cũng chỉ được nhận mức lương hưu hơn 2 triệu đồng/tháng.
Tiền lương nghệ sĩ xiếc thực hiện theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ cũng rất thấp. Theo đó, khởi điểm, nghệ sĩ vẫn ăn lương diễn viên hạng IV (bậc 1, Trung cấp, hệ số 1,86) x lương cơ sở là 1.800.000 đồng (sau khi trừ bảo hiểm) còn hơn 3 triệu đồng/tháng.
Hay trường hợp NSND Tạ Duy Ánh nghỉ hưu tháng 1/2023. Dù đã nới được độ tuổi nghỉ hưu (61 tuổi), lương của NSND, đạo diễn nghệ thuật hạng II. Sau khi nghỉ hưu, hơn 40 năm đóng bảo hiểm, lương tương đương chuyên viên chính, khi mức lương cơ sở tăng lên 1.800.000 đồng thì lương hưu hằng tháng cũng chỉ gần 8 triệu đồng.
Bên cạnh đó, điều kiện để nghệ sĩ xiếc xét hạng chức danh nghề nghiệp còn ngặt nghèo. Lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã rất quan tâm, nhiều lần phản ánh nhưng chưa thực hiện được.
Thông tư số 10/2022/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành biểu diễn và điện ảnh thì rất khó để các diễn viên xiếc được xét thăng hạng.
Cụ thể, muốn thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng III phải đạt tiêu chí: Có bằng Đại học (kèm theo danh hiệu NSND, NSƯT). Nếu không có danh hiệu này thì phải có bằng Đại học chuyên ngành Sân khấu. Trong khi đặc thù công việc khiến các diễn viên phải thường xuyên tập luyện và đi biểu diễn xa nên ít có thời gian đi học.
Với những yêu cầu như vậy thì nghệ sĩ phải tham gia các cuộc thi, đoạt giải thưởng. Trên thực tế, trường hợp xét thăng hạng diễn viên hạng III (tương đương chuyên viên) đã là rất khó (có bằng Đại học), chưa kể lên hạng cao hơn.
Khó khăn như thế nên Liên đoàn Xiếc Việt Nam có 100 diễn viên thì hiện chỉ có 30 trường hợp đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị xét thăng hạng lên hạng III. Quy định về thăng hạng đối với viên chức là diễn viên hạng IV khó thực hiện hơn các đơn vị hành chính sự nghiệp khác rất nhiều.
Hầu hết nghệ sĩ của Liên đoàn ngoài hưởng lương theo ngạch bậc thì có phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp nặng nhọc độc hại được chi trả đúng quy định. Xưa là bồi dưỡng hiện vật, nay là chi trả phụ cấp ưu đãi nghề là 20% của lương theo ngạch bậc. Phụ cấp nặng nhọc, độc hại nguy hiểm của diễn viên xiếc tính hệ số 0,3 x lương cơ sở.
Ngoài ra, các buổi biểu diễn hằng tuần, hằng tháng có thêm bồi dưỡng chi trả cho diễn viên. Tuy nhiên, thang bảng lương với nghề đặc thù như xiếc còn bất cập. Công việc này đòi hỏi sức vóc nghệ sĩ, cường độ tập cao, yếu tố có hại như tiếng ồn, trên cao, tồn thương cơ thể nhưng lại “ráo mồ hôi là hết tiền”.
Chế độ, chính sách hiện áp dụng chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp hay cách khách là còn quá thấp. Đơn vị muốn giữ chân nghệ sĩ cũng rất khó khăn.
Từ năm 2018, thực hiện tinh gọn bộ máy từ 09 phòng, ban, đoàn biểu diễn xuống còn 07, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn 3 đoàn biểu diễn với 100 nghệ sĩ. Lứa tuổi chủ yếu là từ 30 đến 40 tuổi, một số trường hợp trên 50 tuổi.
Việc tuyển dụng thêm những diễn viên trẻ để xây dựng các chương trình, tiết mục, phục vụ hoạt động biểu diễn, đồng thời để đào tạo lớp kế cận phải chờ có cán bộ, viên chức, diễn viên đến tuổi nghỉ chế độ và trên cơ sở chỉ tiêu biên chế Bộ giao, thiếu hụt mới được tuyển dụng bù.
Hiện, Liên đoàn phải trang trải kinh phí để trả lương cho diễn viên hợp đồng nhằm duy trì và phát triển các tiết mục.
“Điều bất cập là Nghị định 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập quy định, các đơn vị sự nghiệp không được ký hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ.
Gần đây nhất là Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa tháo gỡ được cho các đơn vị nghệ thuật nhóm 3, 4 nói chung và Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói riêng. Cụ thể tại khoản 2, khoản 3 Điều 9 Nghị định 111 cho phép ký hợp đồng nhưng vẫn khống chế trong chỉ tiêu biên chế được Bộ giao.
Cho nên, dù Liên đoàn có nguồn thu cũng chỉ ký hợp đồng ngắn hạn. Điều này ảnh hưởng tâm lý người lao động vì nếu đã hợp đồng ngắn hạn, lương thấp, nếu không đóng bảo hiểm xã hội nữa thì càng không yên tâm.
|
Nếu không ký hợp đồng với các nghệ sĩ trẻ thì Liên đoàn không có nguồn lực xây dựng chương trình biểu diễn chất lượng cao, chiến lược lâu dài. Đội ngũ diễn viên lớn tuổi (nam 45 tuổi, nữ 40 tuổi) sau một thời gian cống hiến không còn đủ sức khoẻ, gân cốt bắt đầu rã rời, tỷ lệ mắc bệnh nghề nghiệp rất cao, trừ một số thể loại tiết mục như ảo thuật, xiếc thú, hề. Còn loại hình trên cao, nặng nhọc như đế trụ, đu bay, diễn viên ngoài 50 tuổi còn thực hiện được là rất hiếm.
Đơn vị cần nguồn nhân lực hợp đồng vì một số nghệ sĩ vẫn chưa đến tuổi nghỉ chế độ, vẫn duy trì công việc, trả lương nhưng không phục vụ biểu diễn. Đơn vị cố gắng tăng nguồn thu để hợp đồng với các diễn viên nhưng chính sách thì chưa tháo gỡ được.
Do vậy, mong muốn của Liên đoàn là cần có đợt rà soát các văn bản pháp luật để sửa đổi, bổ sung với tình hình thực tế, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị quản lý lao động đặc thù.
Tin cùng chuyên mục
Người lao động - 20/09/2024 13:34
An toàn lao động đã trở thành thói quen, hành vi của từng cán bộ, nhân viên ngành Điện lực
Trong ngành Điện lực, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu, bởi đây là lĩnh vực đặc thù, có mức độ nguy hiểm cao, đòi hỏi sự nghiêm ngặt trong mọi hoạt động liên quan đến vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện.
Người lao động - 15/09/2024 08:02
Cuộc thi trực tuyến về ATVSLĐ thiết thực với thực tiễn sản xuất ngành Than
Công đoàn Công ty CP Than Núi Béo cho biết, cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” với các nội dung kiến thức phong phú, rất sát với thực tiễn sản xuất của đơn vị.
Người lao động - 13/09/2024 15:40
Làm thế nào để có nước sạch sinh hoạt sau lũ lụt?
Sau bão, đi kèm với lũ và ngập lụt, người dân và người lao động đặc biệt cần nước sạch để sinh hoạt. Vậy trong điều kiện thiếu thốn nguồn nước an toàn, cần xử lý nước thế nào để làm sạch nước, có nguồn nước đảm bảo sử dụng, phòng chống dịch bệnh?
An toàn, vệ sinh lao động - 06/09/2024 19:30
"Siêu bão" Yagi đổ bộ, cần làm gì để tránh xảy ra hỏa hoạn, thương tích?
Bão Yagi đổ bộ, người dân, hộ gia đình, cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần cẩn trọng, chủ động phòng ngừa cháy, nổ trong mọi thời điểm.
Người lao động - 06/09/2024 11:50
"Siêu bão" Yagi: Chuyên gia đưa lời khuyên ứng phó cho các ngành nghề
Chuyên gia Tổng cục Khí tượng Thủy văn đưa ra lời khuyên trong phòng, tránh "siêu bão" Yagi sắp tới, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
An toàn, vệ sinh lao động - 01/09/2024 17:53
"Đau chết lặng vì tai nạn lao động, bố tôi vẫn nhận lỗi do mình chủ quan"
Mỗi lần nhớ về người bố đã khuất, chị Nguyễn Thị Thanh Hoàn - Công đoàn cơ sở Văn phòng I Tập đoàn Dệt May Việt Nam luôn nhớ về hình ảnh bố mình bặm môi, ngực loang lổ vết máu ở phòng cấp cứu, vẫn nhận lỗi tai nạn do mình chủ quan.