Không tăng ca, bị giảm ngày làm, công nhân mòn mỏi chờ qua khó khăn
Công đoàn - 11/06/2020 18:20 Nguyễn Nga
Lương công nhân ba cọc ba đồng, lo cho sinh hoạt gia đình rồi các con ăn học khiến họ "toát mồ hôi". Ảnh N.Nga |
Xóm trọ công nhân trên đường 1K, khá gần KCX Linh Trung 1 trời ngả về chiều tối, điện trong phòng trọ công nhân cũng được bật lên. Hầu hết, các phòng trọ tại đây đều là hộ gia đình công nhân, có con nhỏ nên không khí trở nên khá bận rộn. Đến giờ, tiếng trẻ con khóc đòi ăn, tiếng người lớn nhắc nhở bọn trẻ đi tắm rửa, ăn cơm; mùi thức ăn tỏa ra từ các căn phòng trọ, khiến cho mỗi ai được chứng kiến đều nhớ đến bữa cơm gia đình.
Chắt chiu để con đủ ăn, đủ học
Xa xa, thấy bóng dáng nhỏ nhắn, mặc chiếc áo màu xanh đang dỗ dành con nhỏ và đút cơm cho chúng ăn, tôi tiến lại hỏi chuyện và được biết chị là Diễm, quê Quảng Trị hiện đang làm việc tại Công ty Nissei, KCX Linh Trung 1. Chị Diễm và chồng cùng hai con vào TP. HCM lập nghiệp đã nhiều năm nay. Đứa con lớn của anh chị đã 9 tuổi, đứa nhỏ mới 14 tháng tuổi, cả hai đều đi học, cả tháng cũng tiêu tốn của anh chị khoảng 4 triệu đồng.
Khi tôi đề cập đến cuộc sống hiện tại của gia đình anh chị như thế nào với sự ảnh hưởng không nhỏ của dịch bệnh, chị Diễm lắc đầu ngao ngán: “Khổ lắm cô ơi, làm hành chính không tăng ca, cả hai vợ chồng được 9 triệu đồng/tháng. Tính ra 2 triệu tiền thuê trọ, 4 triệu tiền 2 đứa con ăn học, hơn 2 triệu tiền sữa cho bọn nhỏ, còn tiền ăn cho gia đình ngày 1 bữa không đủ. Mấy tháng nay còn phải vay thêm người thân”.
Tôi hỏi lại rằng chị đã phải vay người thân chưa, chị nói rồi chứ, cuộc sống khó khăn mà trăm thứ tiền không bớt. Vừa cho đứa con nhỏ 14 tháng tuổi ăn, chị Diễm vừa kể, hai vợ chồng theo mọi người vào TP. HCM làm ăn gần chục năm, vì hồi đó ở quê chị có phong trào Nam tiến để lập nghiệp. Thời gian cứ trôi đi, cuộc sống vợ chồng công nhân cũng ngày một quen, tiền kiếm được vừa đủ để trang trải cuộc sống ở thành phố lớn. Cuộc sống gia đình sẽ không có nhiều xáo trộn nếu như dịch bệnh Covid-19 không xuất hiện và làm ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống gia đình chị cũng như nhiều anh chị em công nhân khác trong khu trọ.
Chính vì thế, gia đình chị Diễm phải thắt chặt chi tiêu ngay từ bữa ăn của hai vợ chồng. Bé con nhỏ 14 tháng tuổi anh chị có chế độ ăn riêng, đứa lớn đang học lớp 3 ăn bán trú tại trường, hai vợ chồng đi làm, tối về. Cho nên, một ngày gia đình chị chỉ nấu bữa tối, bữa sáng thì hai vợ chồng ăn nhẹ, lúc có lúc không.
“Ngày xưa, kiếm được nhiều tiền hơn thì ăn ngon, bây giờ làm ít tiền thì ăn ít thôi, một ít rau, dăm ba cái đậu phụ, quả trứng luộc cũng xong một bữa ăn. Hai vợ chồng tôi còn giữ được việc làm thời gian này là tốt lắm cô ơi, chứ như anh họ (chị Diễm chỉ sang căn phòng đối diện) đã nghỉ làm 3 tháng nay rồi, tiền tích lũy có được cũng tiêu cạn rồi”, chị Diễm bộc bạch.
Thấy tôi nói chuyện với chị Diễm, chồng chị đang phụ vợ nhặt rau nói vọng ra, cho biết, anh T. hàng xóm của anh chị cũng bị công ty cho nghỉ gần hết tuần, có tuần chỉ làm 2 buổi, khó khăn lắm, kiếm việc giờ còn khó hơn lên trời.
Phiếu thu tiền phòng trọ của chị Thanh. Ảnh N. Nga |
"Tiết kiệm hết mức cũng chẳng đủ được"
Cách phòng chị Diễm khoảng 3 căn trọ là phòng của chị Thanh, nữ công nhân độc thân ngoài 40 tuổi hiện đang làm công nhân tại Công ty TNHH Sản xuất Upgain (VN) Manufacturing tại KCX Linh Trung 1, quận Thủ Đức. Chị Thanh vừa đi làm về, ghé qua chợ mua được một ít rau muống, 3 miếng sườn và 3 củ khoai tây kèm theo mấy quả ớt.
Thấy tôi, chị Thanh rủ vào nhà uống nước. Vừa về chị vội xắn tay áo rửa đống bát đũa để từ lúc sáng trước khi đi làm. Sau đó, chị nhặt rau và chuẩn bị bữa cơm tối. Vừa nhặt rau, chị Thanh kể cho tôi nghe cuộc sống khó khăn và chật vật của mình. Chị chỉ tay vào đống đồ ăn vừa mua được, bảo: “Ba miếng sườn này mà chị mua cũng 20.000 đồng, rau muống 2.000 đồng, khoai tây 8.000 đồng; tổng chi phí vừa tròn 30.000 đồng/bữa ăn. Nói thật với em, cả tháng nay chị mới dám động đến thịt vì mắc quá. Nếu chỗ này, trước dịch, thịt không đắt cũng chỉ 20.000 đồng/bữa thôi. Chị sống một mình tiết kiệm hết mức cũng chả đủ được”.
Chị Thanh đứng dậy, đưa cho tôi phiếu thu tiền trọ tháng trước và tháng này bằng nhau, 1.322.000 đồng. Tôi hỏi chị Thanh, công nhân khó khăn, sắp thất nghiệp hết cả mà không được chủ nhà giảm cho đồng nào sao? Chị cười nhẹ mà lắc đầu, có em ơi, tháng trước giảm cho 2.000 đồng.
Thấy tôi tò mò về cuộc sống của nhiều anh chị em công nhân trong xóm trọ, chị Thanh cũng thật thà nói: "Đa số công nhân giờ đều giảm giờ làm, giảm ngày làm, nếu không thì hết hạn, không được ký hợp đồng thêm. Lý do vì doanh nghiệp không xuất được hàng nữa, không có tiền trả thêm lương. Từ trước đến nay, công nhân sống ổn được chủ yếu nhờ vào đồng lương tăng ca, thêm giờ, chứ trông cậy vào lương chính, lương cơ bản có bao nhiêu đâu. Còn bây giờ, ai khó khăn chị chưa rõ nhưng riêng công nhân là chị thấy rồi, về quê cũng chẳng biết làm công việc gì, thành phố lớn việc còn hết, huống chi tỉnh lẻ".
Cơn mưa chiều vừa dội xuống, từ cổng xóm trọ, một vài công nhân đi làm muộn hối hả chạy xe về phòng trọ để tránh mưa cho kịp. Trên khuôn mặt họ lộ rõ vẻ mệt mỏi, lo lắng cơm áo gạo tiền, sống sao cho qua giai đoạn khó khăn này. Tiếng mưa rơi hòa vào tiếng trẻ con khóc, tiếng người lớn trò chuyện, để lại sau đó là những câu chuyện dài không hồi kết...
Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 11/6, tổng số người nhiễm trên toàn cầu đã vượt quá 7,4 triệu người với hơn ... |
Người lao động Sùng Mí Thà cùng gia đình rời Hà Giang vào Bình Dương tìm công việc với mức lương hứa hẹn 9 triệu ... |
Ngày 05/6/2020, Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar (Công ty Mekophar) cùng CĐCS đã tuyên truyền vận động người lao động tham gia hiến ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 01/09/2024 18:38
Người thầy độc thân mà không cô đơn nhờ "Mái ấm Công đoàn"
Thầy Nguyễn Minh Thành (SN 1965), đoàn viên Trường THCS Đồng Rùm, xã Tân Thành (Tân Châu, Tây Ninh) là tấm gương sáng trong sự nghiệp trồng người, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, được học sinh yêu mến.
Vòng tay Công đoàn - 01/09/2024 06:00
Kỳ 2: Tái sinh trong "Vòng tay lớn"
Khi thấu hiểu hoàn cảnh nghiệt ngã của tôi, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi Công đoàn các cấp cùng “nối vòng tay lớn”, tạo mọi điều kiện để tôi có thể “biến ước mơ thành hiện thực”... Cùng với tài đức của các thầy thuốc, y bác sĩ, tôi đã được tái sinh cuộc đời thứ hai.
Hoạt động Công đoàn - 31/08/2024 19:38
Được Công đoàn tiếp sức, mẹ con thai phụ ngành ngân hàng vượt qua cơn đột quỵ
Chị Phan Thị Lan (SN 1989), Công đoàn viên Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam- Chi nhánh Phú Mỹ (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) là người nhiệt huyết với công việc, không may bị bệnh hiểm nghèo. Chính vòng tay Công đoàn đã giúp chị vượt qua tất cả, tìm lại được giá trị cuộc sống.
Hoạt động Công đoàn - 31/08/2024 17:43
Khí thế hào hùng, tinh thần nhiệt huyết trên công trình đường dây 500kV mạch 3 sẽ tiếp tục lan tỏa
Phong trào thi đua liên kết trên công trình đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối đã khép lại, nhưng dư âm, khí thế hào hùng và nhiệt huyết từ phong trào thi đua này sẽ tiếp tục lan tỏa.
Công đoàn - 31/08/2024 14:28
Công đoàn ngành Giáo dục An Giang tích cực chăm lo đời sống đoàn viên
Theo Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục An Giang Nguyễn Chí Sơn, hoạt động công đoàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật ở năm học 2023 - 2024. Trong đó, công tác chăm lo đoàn viên, nhà giáo, người lao động (NG-NLĐ) được quan tâm kịp thời, chu đáo, nhất là những hoàn cảnh khó khăn từ nguồn tương trợ công đoàn ngành, tổng số tiền hơn 202,5 triệu đồng.
Hoạt động Công đoàn - 30/08/2024 17:28
Kỳ 1: Số phận nghiệt ngã và những yêu thương đong đầy...
Tôi là Nguyễn Thị Kim Tường (sinh năm 1976), giáo viên môn Văn, Trường THPT Vinh Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế). Tôi xin kể lại biến cố cuộc đời đầy bi kịch của mình và nhờ vòng tay Công đoàn đã “tái sinh” tôi thêm lần nữa, cho tôi có cơ hội trở lại nghề giáo và vượt lên số phận nghiệt ngã để trở lại cuộc sống bình thường đầy mơ ước!