Hội bảo vệ người tiêu dùng lặng thinh trước sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà
Kinh tế - Xã hội - 24/10/2019 10:26 Vân Anh (TH)
Từ sau khi nước sinh hoạt được cung cấp bởi Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) bị phát hiện nồng nặc mùi thuốc sát khuẩn clo, thậm chí có mùi khét khó ngửi, cuộc sống của người dân khu vực Tây Nam TP. Hà Nội trở nên đảo lộn.
Nguyên nhân sự cố được cơ quan chức năng xác định là do nguồn nước ở vùng thượng lưu sông Đà – nơi cung cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà bị đổ trộm khoảng 10m3 dầu thải.
Tuy nhiên đến hiện nay, đơn vị trực tiếp cung cấp nước cho người dân là Công ty Viwasupco lại trốn tránh trách nhiệm, chưa hề có động thái nào mang tính chất chấn an dư luận hay xin lỗi người dân. Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương lại vào cuộc chậm trễ và thể hiện sự lúng túng trong xử lý sự cố, khiến người dân vô cùng hoang mang.
Sau gần nửa tháng sống với “cuộc khủng hoảng nước sạch”, bên chịu thiệt thòi nhiều nhất không ai khác vẫn là hàng trăm nghìn hộ dân sinh sống tại địa bàn các quận Tây Nam Hà Nội. Ở góc độ cung – cầu, người dân là những người tiêu dùng phải trả phí để được sử dụng dịch vụ cung cấp bởi Viwasupco. Nhưng khi có sự cố xảy ra, cơ quan nào đã có trách nhiệm đứng ra bảo vệ họ?
Hội bảo vệ người tiêu dùng… lặng thinh
Trả lời phỏng vấn bên lề hành lang Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh nhận định: “Liên quan đến doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này phải nghiên cứu lại, đưa ra những quy định rất cụ thể về việc cam kết đảm bảo chất lượng nguồn nước trong hợp đồng. Chẳng hạn, đưa ra quy định, anh cấp nước cho tôi đảm bảo, tôi mới trả tiền, nếu không anh phải đền bù thiệt hại cho tôi.”
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng đề nghị báo chí lên tiếng, yêu cầu Công ty Viwasupco phải đền bù thiệt hại cho người dân. “Tôi ủng hộ phương án đưa doanh nghiệp này ra tòa. Bây giờ người dân có thể khởi kiện về dân sự. Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội phải đứng ra khởi kiện, giống như vụ Vedan xả thải gây ô nhiễm ở Đồng Nai trước đây”, Đại biểu nêu rõ quan điểm.
Các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra vụ việc, xây dựng kế hoạch khắc phục sự cố, triển khai các biện pháp xử lý nguồn nước bị ô nhiễm… Tuy nhiên, về hành động đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người dân thì cả chính quyền và các hội “nhân danh” bảo vệ người tiêu dùng đều đang… lặng thinh.
Theo quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng quy định cụ thể về “Trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” tại Chương V và “Trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” tại Chương III.
Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. UBND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng địa phương.
Các tổ chức xã hội sẽ thực hiện việc hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn cho người dân khi có yêu cầu; hoặc đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng.
Về diễn biến cho đến thời điểm hiện tại, Luật sư Nguyễn Đại Hải – Công ty Luật Fanci khẳng định: “Nếu thực hiện trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan quản lý Nhà nước có thể xem xét phần lỗi của Công ty Nước sạch sông Đà rồi căn cứ vào đó để yêu cầu đơn vị này phải bồi thường cho người dân cũng như buộc phải khắc phục hậu quả sự cố.
Vi phạm pháp luật thì bị xử lý còn gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Đây là phần trách nhiệm dân sự. Do số lượng người sử dụng nguồn nước này rất lớn nên lúc này, Hội Bảo vệ người tiêu dùng là đơn vị đứng ra thay mặt người dân, có quyền khởi kiện và đưa ra yêu cầu bồi thường cho họ. Các thiệt hại về sức khỏe có thể chưa đủ chứng cứ, nhưng các thiệt hại về tinh thần, làm đảo lộn cuộc sống của người dân là hoàn toàn có. Viwasupco và những bên có lỗi phải liên đới bồi thường số tiền này.
Nhưng tiếc là trong khi sự cố ngày càng thể hiện mức độ nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của rất nhiều người dân thì lại chưa thấy Hội Bảo vệ người tiêu dùng nào lên tiếng”.
Ở cấp Trung ương, từ lâu đã có Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) – một tổ chức xã hội - nghề nghiệp trực thuộc sự quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương; có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích của người dân khi bị xâm phạm nhưng cũng chưa hề góp tiếng nói sau sự việc này.
Phải khẳng định, Vinastas có vai trò quan trọng nhưng dường như chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của một tổ chức nhân danh bảo vệ quyền lợi của người dân.
Theo luật sư Hải, ở đây cũng không loại trừ phần trách nhiệm của Bộ Công Thương khi đây là cơ quan quản lý Nhà nước Vinastas: “Bộ Công Thương phải là cơ quan có trách nhiệm giám sát, đốc thúc trong việc xử lý những vi phạm và đưa ra những phương án để bảo vệ người dân, người tiêu dùng”.
Còn phải nói thêm, đối với sản phẩm nước sạch dùng trong sinh hoạt, người dân là phía “bị động”, bị hạn chế về quyền sử dụng nước. Bởi thực tế, việc cấp nước là do Nhà nước quy định và quản lý sử dụng. UBND TP. Hà Nội lựa chọn đơn vị cấp nước, ký cam kết về chất lượng nước, lộ trình cấp nước, nghĩa vụ của đơn vị cấp nước… Viwasupco trong một phạm vi nào đó độc quyền vận hành, quản lý và bán nước. Người dân hầu hết không nắm được thông tin về nguồn nước sử dụng hay các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn.
Như vậy ở đây, theo quy định về trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã nêu trên, thì UBND TP. Hà Nội cũng cần có trách nhiệm bảo vệ và đòi hỏi những quyền lợi chính đáng cho người dân. Bởi sau cùng, chính hàng trăm nghìn người dân chịu ảnh hưởng mới là những “nạn nhân lớn nhất”, chứ không phải Viwasupco như lời ông Phó Giám đốc Công ty Nước sạch sông Đà đã phát biểu khi trả lời báo chí vài ngày trước.
Đòi bồi thường và khiếu nại như thế nào?
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định, người tiêu dùng có quyền “Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết”.
Đồng thời, có quyền “Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Luật sư Nguyễn Đại Hải cho biết, đầu tiên cần xem xét trách nhiệm của Công ty Nước sạch sông Đà: “Hiện tại, người dân và Công ty nước sạch sông Đà ký kết với nhau hợp đồng dân sự về việc mua bán nước sạch. Khi người dân bị thiệt hại, xâm phạm thì Công ty này phải có trách nhiệm bồi thường.
Người dân chịu ảnh hưởng cần liệt kê đươc ra các thiệt hại của mình. Ví dụ như đã phải sử dụng nước “bẩn” trong thời gian bao lâu, đã bị cắt nước và phải mua nước đóng chai để sinh hoạt, phải xếp hàng lấy nước ở các xe bồn như thế nào, gia đình đã bị ảnh hưởng ra sao... Sau đó, có thể gửi đơn khiếu nại đến Công ty Nước sạch sông Đà.
Khi nhận được đơn khiếu nại, Công ty Nước sạch sông Đà sẽ phải giải quyết đơn khiếu nại theo thủ tục trong Luật Khiếu nại. Nếu đến đây, quyền lợi của người dân vẫn chưa được đảm bảo thì họ có thể khởi kiện ra tòa hoặc gửi đề nghị đến hội bảo vệ người tiêu dùng. Hội Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tập hợp tất cả những người có yêu cầu, những người bị thiệt hại để đứng ra đại diện, khởi kiện ra tòa vì lợi ích của một nhóm người, một cộng đồng”.
Luật sư Hải cũng cho hay, trong trường hợp này, hầu như người dân sẽ không mất nhiều chi phí. Kinh phí khởi kiện là không đáng kể và sau này, bên thua kiện sẽ phải chịu chi phí./.
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 17:13
PVOIL tặng voucher nhiên liệu cho VĐV tham dự Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024
Tổng cộng 2.500 lít nhiên liệu sẽ được PVOIL gửi tặng tới các vận động viên, thành viên Ban Tổ chức, Ban Điều hành của Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 11:27
Hơn 388.000 biển số ô tô đấu giá trực tuyến từ hôm nay 5/9
Bộ Công an vừa phê duyệt kế hoạch đấu giá biển số ô tô phiên đấu giá thứ năm, với 388.389 biển số được đưa lên sàn.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 11:25
Bốn mẫu xe nhận ưu đãi mạnh tay từ Toyota Việt Nam và các đại lý trong tháng 9
Khách hàng có cơ hội nhận ưu đãi hấp dẫn lên tới 100% lệ phí trước bạ khi kết hợp ưu đãi từ Chính phủ, Toyota Việt Nam và tại hệ thống đại lý trong tháng 9 này.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 06:58
Mercedes-Benz S-Class mới sẽ có bản xăng lẫn điện
Hãng xe Đức dự kiến sẽ hợp nhất hai dòng sedan hạng sang chủ lực là S-Class (động cơ đốt trong) và EQS (điện) thành một dòng xe vào năm 2030.
Kinh tế - Xã hội - 04/09/2024 21:02
Ra mắt Ford Territory Sport giá 909 triệu đồng
Ford Territory Sport mang khác biệt về ngoại hình như lại có trang bị tương tự như phiên bản Titanium X.
Kinh tế - Xã hội - 04/09/2024 21:00
Hướng dẫn tẩy ố kính ô tô: Đảm bảo tầm nhìn rõ ràng
Kính ô tô bị ố không chỉ làm mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tầm nhìn của người lái, gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
- Quảng Bình: Hơn chục doanh nghiệp tuyển lao động, nhiều vị trí việc làm hấp dẫn
- "Siêu bão" Yagi: Chuyên gia đưa lời khuyên ứng phó cho các ngành nghề
- Bão số 3 và 3 điều cần nhớ phòng tránh, xử trí để an toàn
- Cách gia cố nhà cửa trước “siêu bão” Yagi
- Thầy giáo Lê Minh Hoàng- Chủ tịch Công đoàn năng động