Doanh nghiệp “khát” nhân lực dịp cuối năm, người lao động cố chờ thưởng Tết
Thị trường lao động - 20/11/2024 15:21 Phương Mai
Thiếu hụt nhân sự, doanh nghiệp đưa ra nhiều phúc lợi để thu hút người lao động |
Nhu cầu tuyển dụng cuối năm tăng cao
Thời điểm cuối năm, nhằm phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh dịp cao điểm lễ Tết hoặc mở rộng quy mô, nhiều doanh nghiệp có xu hướng tăng cường tuyển dụng lao động. Theo nhận định của một số trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL), dự báo, một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ; công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản…
Từ số liệu tổng hợp của Cục Thống kê thành phố Hà Nội, có thể thấy, lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp thời điểm cuối tháng 10 ước tăng 0,5% so với tháng trước, và tăng 0,7% so với cùng thời điểm năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2024, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm 0,9% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại TP Hồ Chí Minh, số liệu từ Cục Thống kê cho thấy, so với cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 6,9%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,1%. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp đang rất cần thêm nhân lực để phục vụ mức tăng trong tiêu dùng, sản xuất.
Tại Công ty TNHH Yi Da Việt Nam (Cụm CN TT Sông Thao, TT Cẩm Khê, H. Cẩm Khê, T.Phú Thọ), bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, phụ trách tuyển dụng, cho biết, từ nay đến cuối năm, công ty có nhu cầu tuyển dụng từ 500-1000 lao động và tăng thêm 2000 lao động cho năm sau, nhằm phục vụ nhu cầu số lượng đơn hàng cuối năm và việc mở rộng quy mô. Các vị trí tuyển dụng bao gồm: nhân viên khối văn phòng, công nhân may, bộ phận khác như: giặt, hoàn thiện, mài, thủ công, đóng gói,... Các vị trí đều được đào tạo tay nghề, chuyên môn, cùng chế độ phúc lợi hấp dẫn.
Công ty Yi Da có nhu cầu tuyển dụng tăng cao dịp cuối năm phục vụ sản xuất và mở rộng quy mô. Ảnh: Văn Quân |
“Tuy nhiên, việc tuyển dụng cuối năm thường gặp khó khăn hơn, khi NLĐ ứng tuyển không nhiều. Nếu như đầu năm, công ty có thể tuyển 400-500 công nhân may/tháng, thì những tháng cuối năm, chỉ có thể tuyển từ 100 đến 200 công nhân may/tháng.
Thêm vào đó, với đặc thù ngành may mặc, NLĐ khi vào làm cần trải qua giai đoạn đào tạo, kiểm tra tay nghề, nên cũng là thử thách với các ứng viên thời điểm mới vào làm.
Tuy nhiên CĐCS phối hợp cùng ban lãnh đạo công ty, luôn quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện và có thêm nhiều chế độ phúc lợi cho công nhân mới để NLĐ có thêm động lực gắn bó với công việc, đặc biệt vị trí công nhân may”, bà Hằng thông tin thêm.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành, thông tin: Dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Bán buôn, bán lẻ, trong tháng 11 sẽ tăng 5% so với tháng trước; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4%; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3%.
Cố làm chờ thưởng Tết
Hiện tại, nhiều nhà tuyển dụng cởi mở hơn về vấn đề bằng cấp, ưu tiên những ứng viên có khả năng đa nhiệm, bao quát công việc, quản lý đội nhóm và giải quyết công việc hiệu quả. Tuy nhiên, NLĐ thường có tâm lý không muốn thay đổi công việc hoặc nơi công tác thời điểm cuối năm, tránh ảnh hưởng đến những quyền lợi cơ bản dịp cuối năm như: thưởng Tết, lương tháng 13...
Tại một số diễn đàn, fanpage trên mạng xã hội, những chủ đề như: “Tháng 10, nếu nghỉ việc thì sẽ mất thưởng Tết, cố gắng lên vì cái Tết có bánh chưng”, hay “Xin lưu ý, nghỉ việc tháng 10 tức là bạn không nhận thưởng Tết ở công ty cũ lẫn công ty mới”,..., nhận được sự hưởng ứng của nhiều lao động trẻ.
Chủ đề làm chờ thưởng Tết được đưa ra bàn tán, trở thành xu hướng trong lao động trẻ. Ảnh: Chụp màn hình |
Nhiều NLĐ đồng tình với quan điểm này. Ảnh: Chụp màn hình |
Dưới phần bình luận, nhiều người đồng tình với quan điểm này. Một số khác cũng bày tỏ rằng, nếu chế độ công ty cũ không được như kỳ vọng, hay cảm thấy quá áp lực, bị chèn ép, hoặc mức thù lao ở công ty mới cao hơn, họ cũng sẵn sàng từ bỏ công việc hiện tại. Các doanh nghiệp cũng nắm bắt được tâm lý này và đưa ra phương án tuyển dụng phù hợp.
Với vai trò thực hiện nhiệm vụ kết nối cung – cầu lao động, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động tìm kiếm việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin hơn 11.000 hồ sơ người tìm việc.
Theo đó, mức lương mong muốn của NLĐ chủ yếu từ 5 đến 10 triệu đồng, phù hợp với mức chi trả của phần lớn doanh nghiệp, số này chiếm gần 72%. Tương tự có khoảng 15,5% NLĐ tìm công việc lương từ 10 - 20 triệu đồng...
Phần lớn người tìm việc trong tháng qua là nhóm chưa qua đào tạo, chiếm 40,16%, tập trung vào các công việc như công nhân sản xuất, nhân viên bán hàng... Gần 30% là nhóm tìm việc có trình độ đại học trở lên, với mong muốn việc làm nhân viên văn phòng, kế toán, kỹ thuật viên.
Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu tuyển dụng tăng cao dịp cuối năm đang là thách thức cho các doanh nghiệp. Điều này đưa ra bài toán về việc nhận định tình hình, thay đổi các chính sách để doanh nghiệp có thể thu hút NLĐ nhiều hơn.
Thiếu hụt nhân sự, doanh nghiệp đưa ra nhiều phúc lợi để thu hút người lao động Để thu hút người lao động, nhiều doanh nghiệp đăng thông tin tuyển dụng kèm nhiều phúc lợi như: Cơm ca, xe đưa đón, nhà ... |
Từ kiến nghị của Công đoàn, doanh nghiệp chấp thuận 11 ưu tiên cho lao động nữ Mới đây, tại Công ty TNHH Quốc tế Cerie Việt Nam (KCN Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã diễn ra hội nghị đối thoại chuyên ... |
Đưa thông tin tuyển dụng trực tiếp đến tận các “chân công trường” Ngày 27/10, Phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024 (Hà Nội) thu hút sự tham gia của 32 đơn ... |
- Doanh nghiệp “khát” nhân lực dịp cuối năm, người lao động cố chờ thưởng Tết
- Trẻ sinh non - đối tượng đặc biệt cần được chăm sóc trong giai đoạn đầu đời
- Chị Nguyễn Thị Thu Nhi – cán bộ công đoàn trách nhiệm và tâm huyết
- Cô giáo Trần Thị Bích Hồng - dấu ấn yêu thương của Trường THCS Phan Chu Trinh
- Người bán vé số dạo ở Bạc Liêu tham gia tổ chức Công đoàn