Điều trị Covid-19 từ xa cho F0 tại nhà: Một số bài học kinh nghiệm
Người lao động - 03/01/2022 14:50 TS. BS. TRỊNH HỒNG LÂN - Phân Viện trưởng, Phân viện Khoa học ATVSLĐ và Bảo vệ môi trường miền Nam
Đường Lê Lai, phường Bến Thành, quận 1, TP. Hồ Chí Minh lúc 10 giờ 42 ngày 21/8/2021 vắng lặng. |
Tháng 8/2021 với TP. Hồ Chí Minh là những những ngày không thể nào quên. Trên khắp các con đường, ngõ hẽm của thành phố, ngay cả khu vực trung tâm vào giờ cao điểm đều vắng lặng khác thường. Hầu hết mọi người đều ở nhà theo dõi thông tin về dịch bệnh. Số liệu về các ca F0 tăng nhanh khủng khiếp và các bệnh viện dã chiến, khu thu dung tập trung liên tục mọc lên nhưng luôn quá tải khiến nhiều người choáng váng. Quá trình tham gia khám, tư vấn điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ xa giai đoạn này để lại cho tôi nhiều bài học kinh nghiệm; đồng thời, cũng là gợi ý cho một số nhiệm vụ nghiên cứu chăm sóc, quản lý sức khỏe NLĐ trong dịch bệnh về sau...
Chuyện chưa cũ kể lại
Khu chung cư cao tầng nơi tôi đang sinh sống mọi thứ như dừng lại. Ban Quản lý chung cư thông báo xuất hiện 5 gia đình có F0 đầu tiên, 3 nhân viên của cơ quan tôi đang công tác cũng bị nhiễm Covid-19. Mọi người vô cùng hoang mang, lo lắng. Ban Quản lý khu chung cư kêu gọi các các gia đình có người làm ngành Y tham gia hỗ trợ bà con chung cư bị bệnh Covid-19, vậy là tôi cùng một chị bác sĩ đã nghỉ hưu phối hợp tham gia trợ giúp cho bà con trong thời điểm khó khăn này.
Mọi người sống trong chung cư cùng chung tay đóng góp, lên phương án xử lý các ca F0 là cư dân của chung cư; mua 5 bình ô-xy dự phòng và 2 máy tạo ô-xy, mượn bình ô-xy của các trung tâm hỗ trợ từ thiện về trợ giúp cho tất cả các ca F0 của chung cư khi cần thiết. May mắn, thời điểm này, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cũng mới xuất hiện một hệ thống mạng lưới các “Tổ y tế từ xa”, bao gồm rất nhiều các giảng viên và sinh viên của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và các cộng tác viên là bác sĩ thuộc các chuyên ngành khác nhau tham gia khám, tư vấn, chăm sóc và theo dõi từ xa cho các trường hợp F0 được cách ly điều trị ở nhà.
Tôi nhận thấy đây là một mô hình chăm sóc sức khỏe từ xa (Telemedicine) rất đơn giản mà hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh thực tế hiện nay. Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh cài đặt phần mềm Zalo là có thể tiếp cận, tư vấn, khám, hội chẩn và điều trị bệnh cho các F0 bị Covid-19 được cách ly và điều trị ở nhà.
Tôi tình nguyện tham gia vào một “Tổ y tế từ xa” từ đó. Tôi nghĩ, đây là một công việc rất có hiệu quả và mang nhiều ý nghĩa trong giai đoạn lịch sử đầy căng thẳng này.
Vào thời điểm đó, rất nhiều bệnh nhân F0 khi phát bệnh đã lây nhiễm cho hầu hết các thành viên trong gia đình (có gia đình có tới gần 10 người với 3-4 thế hệ cùng ở cùng nhà đều bị lây nhiễm Covid-19).
Trong khi đó, nhiều người F0 không thể liên lạc được với bất kỳ cơ sở y tế nào vì tất cả các bệnh viện, khu điều trị tập trung dã chiến, các đội xe cấp cứu 115 đều quá tải không thể tiếp nhận thêm bệnh nhân. Có lẽ chúng tôi - “Tổ Y tế từ xa” trở thành chiếc phao cứu sinh duy nhất của họ.
Một số người khi liên lạc với chúng tôi đã khóc vì quá hoảng loạn. Để làm được nhiệm vụ tư vấn, khám và điều trị, chăm sóc từ xa cho các ca F0, bản thân tôi lúc đầu rất lo lắng. Đây là căn bệnh mới trên thế giới, diễn biến bệnh ở một số trường hợp lại rất nhanh, rất nguy hiểm và khó lường nếu không được xử lý kịp thời và đúng cách.
Trong khi đó, mặc dù là một bác sỹ đa khoa Nội - Nhi, có chứng chỉ hành nghề, nhưng từ lâu tôi chỉ quen nghiên cứu và giảng dạy, khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp thuộc lĩnh vực Y học dự phòng. Để khắc phục, tôi phải ngày đêm tham gia học tập thông qua các buổi đào tạo online, các buổi Hội thảo chuyên đề Covid-19 do Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mời các chuyên gia đầu ngành khu vực phía Nam, chuyên gia nước ngoài hướng dẫn.
Đồng thời, tự mình tìm kiếm các tài liệu khoa học liên quan tới khám, điều trị và chăm sóc bệnh nhân Covid-19; mày mò học cách lắp ráp và sử dụng các loại bình ô-xy, máy tạo ô-xy, máy đo ô-xy máu SpO2… để có thể hướng dẫn online cho các ca F0 sử dụng ở nhà.
TS. BS. Trịnh Hồng Lân cùng các đồng nghiệp tập huấn phòng, chống dịch Covid-19 cho cán bộ, người lao động Công ty TNHH POU SUNG, KCN Bàu Xéo, tỉnh Đồng Nai. |
Tại thời điểm giữa tháng 8/2021, thời gian khám và điều trị bệnh Covid-19 cho các ca F0 trong giai đoạn đầu rất nhiều (hàng chục ca bệnh hằng ngày), do vậy thời gian khám bệnh có thể là bất cứ lúc nào vì có những ca bệnh phải thăm khám 2-3 lần trong ngày.
Mặc dù vất vả nhưng các thành viên “Tổ y tế từ xa” của chúng tôi gồm có 2 bác sĩ và 03 bạn sinh viên y khoa năm cuối của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch làm việc rất tích cực, không kể ngày đêm và tuyệt đối không có ai kêu ca phàn nàn.
Bên cạnh việc cùng các bác sỹ và sinh viên trong “Tổ Y tế từ xa” khám, điều trị bệnh Covid-19 theo hệ thống của nhà trường; còn có nhiều ca F0 khác là các nhân viên của cơ quan tôi, các giáo viên, công nhân và nhiều đối tượng khác khi biết tôi là bác sĩ cũng gọi điện liên hệ nhờ giúp đỡ khám chữa bệnh cho họ và các thành viên gia đình họ bị nhiễm bệnh Covid-19.
Đối tượng bệnh nhân của chúng tôi không chỉ ở khu vực TP. Hồ Chí Minh, mà còn cả những NLĐ ở khu vực tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Chúng tôi lại tiếp tục tự lập ra các Group trên Zalo kêu gọi thêm một số bác sỹ, các em sinh viên ngành Y (là các học trò của tôi) tham gia tư vấn, khám và chữa bệnh cho rất nhiều các gia đình F0.
Chúng tôi tự học tập, hướng dẫn cho nhau và phân công nhiệm vụ để cùng nhau phối hợp giúp đỡ cho các gia đình bệnh nhân Covid. Chúng tôi làm việc với một tinh thần là làm sao giúp cho các ca bệnh không chuyển nặng, giúp các ca F0 càng sớm hồi phục càng tốt, giúp các ca bệnh nặng có thể chuyển viện an toàn nhất có thể. Điều may mắn và vui nhất là hàng trăm ca bệnh mà chúng tôi trực tiếp tham gia khám, điều trị bệnh đều hồi phục và qua khỏi, không có ca F0 nào tử vong ở nhà.
Thời điểm hiện nay, khi tình hình dịch bệnh tại TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản được kiểm soát, khi hầu hết mọi người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19, chúng tôi đã tới cơ quan làm việc bình thường trở lại nhưng hằng ngày vẫn phải tiếp tục tiếp nhận và điều trị cho hàng chục ca bệnh F0 cả cũ và mới, dù đã được tiêm vắc xin đầy đủ.
Tuy nhiên, việc điều trị đã nhẹ nhàng hơn giai đoạn tháng 8-9 rất nhiều vì đa số các ca F0 đều có các triệu chứng rất nhẹ, ít có nguy cơ chuyển nặng như trước đây. Đôi khi, chúng tôi có thể hỗ trợ tư vấn, khám và điều trị cho bệnh nhân F0 bất cứ lúc nào và ở đâu, kể cả khi chúng tôi đang di chuyển trên đường đi công tác chỉ với một chiếc điện thoại di động trên tay.
Nhân viên y tế cung cấp túi thuốc cho bệnh nhân F0 điều trị tại nhà ở TP. Hồ Chí Minh. |
Những bài học kinh nghiệm
Thông qua các hoạt động khám chữa bệnh Covid-19 online cho các ca F0 tại nhà trong thời gian qua, bản thân tôi rút ra được nhiều bài học quí báu trong cuộc chiến chống dịch này:
1. Khi bệnh nhân mắc Covid-19 thường rất hoang mang, lo sợ. Các cán bộ y tế cần động viên, an ủi, tư vấn tâm lý tận tình giúp họ ổn định tâm lý.
2. Cần hướng dẫn bệnh nhân chi tiết, cụ thể về việc khai báo điện tử, khai báo với Trạm y tế nơi cư trú để họ có thể được hỗ trợ các túi thuốc (A, B hay C), tiếp nhận số điện thoại khẩn cấp của các Trạm y tế di động…
3. Chú ý hướng dẫn bệnh nhân và gia đình thật cụ thể, tỉ mỉ về các biện pháp phòng, chống lây nhiễm Covid-19 trong gia đình.
4. Nên chuyển cho bệnh nhân các hướng dẫn thêm dưới dạng Video clip về cách đo ô-xy máu (SpO2), cách tập thở, tập vận động nhẹ nhàng…
5. Trong giai đoạn từ ngày thứ 4 - 6, cần theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển độ để kịp thời xử lý, ngăn chặn sớm bệnh chuyển nặng (tụt ô-xy dưới 95%, chỉ số SpO2 dao động nhiều, đặc biệt cần phát hiện những ca thiếu ô-xy “thầm lặng” tức ngực khó thở khi nằm ngửa, ô-xy tụt khi vận động, gắng sức, tụt ô-xy khi quá lo lắng, hít sâu bị sặc,…).
6. Cần tư vấn, thuyết phục bệnh nhân tích cực tập thở nhiều lần trong ngày, ngay cả khi bệnh nhân chưa có dấu hiệu khó thở.
7. Sau khi khỏi bệnh, test Covid âm tính vẫn cần theo dõi thêm để kịp thời phát hiện và điều trị cho những người bị hậu Covid (Long Covid-19).
8. Khi điều trị các ca F0 có bệnh lý nền, cần theo dõi sát việc họ tiếp tục sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền (có trường hợp vì lo lắng quá cho việc điều trị Covid mà quên đi việc điều trị bệnh lý nền; đây là điều rất nguy hiểm cho bệnh nhân khi tự cách ly và điều trị ở nhà, nhất là với các trường hợp không thể nhập bệnh viện điều trị được).
"Tổ Y tế từ xa” của Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) đang tư vấn cho một F0 điều trị tại nhà. |
9. Khi điều trị Covid-19 nên sử dụng thuốc Đông - Tây y kết hợp sẽ hiệu quả cao hơn việc chỉ sử dụng thuốc Tây.
10. Các “Tổ Y tế từ xa” nên có sự tham gia của các em sinh viên y khoa. Điều này vừa giúp ích rất nhiều cho bệnh nhân trong việc lập hồ sơ, theo dõi F0. Mặt khác, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho các em sinh viên được trực tiếp tham gia công tác tư vấn, khám, điều trị và theo dõi bệnh nhân rất trực quan. Giúp ích nhiều cho các em sinh viên rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp trong tương lai.
11. Đây là một dịp các thầy thuốc như tôi được học tập, rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân trong cuộc chiến căng thẳng phòng, chống Covid-19 của TP. Hồ Chí Minh.
12. Nên vận động các bác sĩ, các cán bộ nhân viên y tế khác đã nghỉ hưu, các bạn học viên, sinh viên ngành Y có điều kiện cùng tham gia. Chúng ta hoàn toàn có thể cùng nhau lập ra các nhóm “Tổ Y tế từ xa”, hoàn toàn có thể khám và điều trị từ xa cho các bệnh nhân bị bệnh truyền nhiễm trong tình huống khó khăn như vừa rồi.
Triển khai chương trình hỗ trợ điều trị cho lao động nữ F0 có biến chứng hậu Covid-19 Nhằm ưu tiên và sớm triển khai việc hỗ trợ điều trị cho lao động nữ F0 có biến chứng hậu Covid-19, Viện Khoa học ... |
Mối nguy hại từ việc mua bán thuốc điều trị Covid-19 trôi nổi tại các khu công nghiệp Hiện tại, các khu công nghiệp ở Đà Nẵng xuất hiện nhiều ca nhiễm, nhiều người đã lợi dụng tình hình này để quảng cáo ... |
Lúng túng trong tiếp nhận, cách ly và điều trị Covid-19 cho thuyền viên Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít địa phương có cảng biển còn lúng túng trong việc xử lý tình ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 11/09/2024 07:48
Anh Trần Ngọc Vĩ - người có nhiều sáng kiến tâm huyết mang bản chất Bộ đội Cụ Hồ
Từ một công nhân lái xe mang bản chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sau nhiều năm công tác, anh Trần Ngọc Vĩ đã trở thành Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí - Xây lắp thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế có nhiều sáng kiến, sáng tạo từ thực tiễn công việc và được áp dụng vào hoạt động của công ty.
Đời sống - 10/09/2024 20:28
Người miền Trung ra Bắc khắc phục hậu quả bão lũ: "Hết việc mới về"
Nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp ở miền Trung đã hỗ trợ nhân lực, miễn phí vận chuyển hàng hoá ra Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc để khắc phục hậu quả bão số 3.
Người lao động - 09/09/2024 18:21
Sập cầu Phong Châu, người lao động ở Phú Thọ sẽ di chuyển như thế nào?
Sau sự cố sập cầu Phong Châu (Km18+300, Quốc lộ 32C), Công an tỉnh Phú Thọ đã nhanh chóng ra thông báo phương án phân luồng giao thông, đảm bảo đi lại, phục vụ đời sống, kinh doanh, sản xuất của người dân và người lao động khu vực.
Người lao động - 09/09/2024 11:19
Sau bão vẫn còn mưa lớn, người lao động cẩn trọng với lũ quét, sạt lở đất
Tuy bão số 3 đã tan, nhưng hoàn lưu cơn bão vẫn sẽ tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh Hóa. Người lao động, đặc biệt công nhân tại các khu vực vùng núi cần cảnh giác với lũ quét và sạt lở đất.
Đời sống - 07/09/2024 21:05
Công nhân thoát nước giữa siêu bão Yagi: “Chút nhọc nhằn này có sá gì?”
Giữa cơn bão số 3, những công nhân thoát nước vẫn túc trực tại các điểm trạm, đảm bảo khơi thông nước, tránh ngập úng trên các tuyến đường Thủ đô.
Người lao động - 06/09/2024 19:17
Người lao động hối hả tích trữ thực phẩm trước "siêu bão" Yagi
Những ảnh hưởng đầu tiên của “siêu bão” Yagi (bão số 3) đã gây mưa lớn cục bộ tại nhiều tỉnh phía Bắc. Để phòng ngừa tình huống phải trú ẩn trong nhà nhiều ngày, người lao động tại Hà Nội và các vùng lân cận đã vội vã đến các siêu thị, chợ dân sinh để tích trữ lương thực, thực phẩm cần thiết.
- Thừa Thiên Huế: Hơn 7.400 việc làm được kết nối qua sàn giao dịch điện tử
- Cô giáo 30 năm tận tâm, nhiệt huyết với nghề dạy học ở Thủ đô
- Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023 - 2028
- Nữ VĐV duy nhất tại VGC PVOIL CUP 2024: "Phấn khích vì lần đầu thử sức ở giải lớn"
- Không tham dự Triển lãm ô tô Việt Nam, Mercedes-Benz tự tổ chức sự kiện riêng tại Hà Nội