Chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu mới
Kinh tế - Xã hội - 21/10/2024 19:58 Phương Mai
Nhân sự “phù hợp” – yếu tố cốt lõi trong phát triển nguồn nhân lực doanh nghiệp |
Những tín hiệu tích cực
Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, triển khai các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”…, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát tình hình thực tiễn, tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp - Ảnh: baochinhphu.vn |
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, 9 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.
Ước cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt.
Lao động, việc làm chuyển biến tích cực. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ năm 2024 ước đạt 28,1%, tăng 1,3%).
Lực lượng lao động, tỷ lệ lao động có việc làm tăng (tính chung 9 tháng, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 210,6 nghìn người so với cùng kỳ; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 212 nghìn người); tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm (tính chung 9 tháng, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 2,38%, giảm 0,17% so với cùng kỳ); thu nhập bình quân người lao động đạt khoảng 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 7,4%.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế khi chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ cao, các ngành phục vụ kinh tế số, kinh tế xanh, trí tuệ nhân tạo, chip bán dẫn, điện toán đám mây, Internet vạn vật… Công tác đào tạo chưa theo kịp yêu cầu mới về sử dụng lao động và nhu cầu phát triển.
Trong 9 tháng năm 2024, chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra. Ảnh minh họa: ST |
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Đây là một trong 11 nhiệm vụ, giải pháp năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu trong báo cáo. Cụ thể, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Phấn đấu năm 2025 thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Triển khai hiệu quả các đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư bán dẫn và nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao. Phát huy hiệu quả hệ sinh thái, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia.
Một nhiệm vụ khác là: Thúc đẩy cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững; đồng thời, phát triển các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, cần mở rộng độ bao phủ và phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường kết nối cung cầu, phát triển thị trường lao động toàn diện, bền vững, hiện đại, hội nhập; làm tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động.
“Chúng ta đang đứng trước thời cơ, thời điểm rất quan trọng để tăng tốc, bứt phá thực hiện mục tiêu kế hoạch năm 2024, năm 2025 và cả giai đoạn 2021 - 2025. Phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng không khó khăn nào có thể cản được quyết tâm, sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc. Mỗi thách thức là cơ hội để chúng ta trưởng thành, khẳng định sức mạnh và bản lĩnh của con người Việt Nam”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng đề nghị “đẩy mạnh, tiên phong, bứt phá” để tăng năng suất lao động Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam, toàn thể đoàn viên, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp cùng ... |
Đào tạo nguồn nhân lực "tại chỗ" - Nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp Để có nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhiều công ty, tập đoàn lớn đã nghiên cứu đầu tư mô ... |
Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ... |