Nhân lên niềm hạnh phúc từ những mảnh đời bất hạnh ở Lâm Đồng
Người lao động - 21/02/2024 07:00 ĐOÀN LÂM
Để vơi đi nỗi bất hạnh của những phận người
Ông Trần Văn Kết - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng dẫn tôi đi thăm nơi sinh hoạt, lưu trú của các đối tượng bảo trợ xã hội khi trời chạng vạng.
Trong bữa cơm chiều, bà Nguyễn Thị Năm (93 tuổi) và bà Lộc Thị Kiều (75 tuổi) vừa ăn, vừa chuyện trò vui vẻ.
Bà Lộc Thị Kiều phấn khởi nói: "Tôi vào đây từ năm 2016, cụ Năm vào năm 2005, có cụ ở đây hơn 30 năm rồi. Ở đây chúng tôi được ăn uống đầy đủ và chăm sóc chu đáo. Mọi người đều là một nhà nên vui lắm".
Nông Thị Dung chăm sóc người cao tuổi tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: ĐL |
Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng chia sẻ rằng, đơn vị có 26 cán bộ, nhân viên nhưng đang nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục 81 đối tượng bảo trợ xã hội với những lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau: trẻ sơ sinh; người cao tuổi không nơi nương tựa; trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi, bị bạo hành, lạm dụng; người tâm thần thể ổn định...
“Chúng tôi đang nuôi dưỡng cháu nhỏ nhất là 8 tháng tuổi và cụ cao tuổi nhất là 93 tuổi. Mỗi người đến với Trung tâm trong điều kiện, thời điểm khác nhau. Nhưng điều chung nhất, họ đều là những mảnh đời kém may mắn, rất cần được quan tâm, san sẻ để vơi đi nỗi bất hạnh”, ông Trần Văn Kết nói.
Chưa làm cha nhưng anh Phạm Hoàng Long - Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng luôn dành tình cảm cho trẻ ở đây như con cháu của mình. Ảnh: ĐL |
Chị Nguyễn Tôn Hảo Như - Phòng Người cao tuổi và Tâm thần đến từng phòng kiểm tra tình hình, giúp vệ sinh cá nhân, chia đúng khẩu phần ăn cho từng người. Theo chị Như, những công việc này tưởng chừng đơn giản nhưng đòi hỏi các nhân viên ở đây phải làm bằng cái tâm, phải là “bảo mẫu” của mỗi mảnh đời bất hạnh.
“Dù là ban ngày hay ban đêm, chúng tôi cũng đều thay phiên nhau túc trực để đảm bảo không phát sinh sự cố gì. Bởi có khi bất chợt, có trường hợp tâm thần sẽ lên cơn, quậy phá. Lúc trái gió trở trời, có cụ cao tuổi phát bệnh, phải can thiệp y tế tại chỗ hay nhập viện cấp cứu khẩn cấp… Khi đó, các anh chị em không quản phòng ban nào, đều hỗ trợ lẫn nhau, gác lại công việc riêng của gia đình, thay nhau chăm sóc, chỉ mong các đối tượng sớm được bình an trở lại”, chị Nguyễn Tôn Hảo Như trải lòng.
Còn anh Phạm Hoàng Long - Phòng Trẻ em thì chia sẻ: “Tôi mới vào đây công tác được hơn 3 năm. Khi mới nhận công việc này tôi rất bỡ ngỡ và có phần nản lòng vì chưa lập gia đình, chưa biết chăm sóc trẻ nhỏ như thế nào. Nhưng rồi biết về hoàn cảnh mỗi trẻ ở đây và chứng kiến đồng nghiệp chăm sóc, dạy bảo từng cháu không quản ngày đêm; cả những khi các cháu đau ốm, quấy khóc, hay lúc phải bồng bế nhau nhập viện giữa đêm khuya…, tôi đã hiểu hơn về trách nhiệm và ý nghĩa công việc của mình.
Mặc dù khó khăn, vất vả là vậy, nhưng mọi người ở đây đều làm việc bằng tình thương yêu, đó là tình cảm của một gia đình thật sự. Trung tâm là mái nhà chung, cán bộ, nhân viên và mọi đối tượng bảo trợ đều gắn kết như ruột thịt, san sẻ để vơi đi nỗi bất hạnh, cùng nhau vun đắp những điều tươi đẹp, hạnh phúc mỗi ngày”.
Nhân lên niềm hạnh phúc
Gần 20 năm công tác, ông Trần Văn Phúc Ân - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng đã chứng kiến biết bao số phận kém may mắn tại đây.
“Mỗi đối tượng khi mới vào Trung tâm đều lo âu khi không còn vòng tay chở che của người thân. Họ tưởng rằng sẽ phải một mình đối mặt với mọi thứ trong môi trường mới. Nhưng ở ngôi nhà chung này họ luôn được nhận sự yêu thương, chăm sóc, san sẻ như tình cảm ruột thịt.
Đây chính là niềm vui, động lực lớn, chắp thêm đôi cánh để họ hướng về phía trước. Và không ít người trong số đó đã vững bước, thành công trên con đường sự nghiệp. Đó cũng là niềm hạnh phúc vô cùng lớn của chúng tôi, người "bảo mẫu" của những mảnh đời bất hạnh”, ông Trần Văn Phúc Ân tự hào nói.
Ông Ân nhớ lại trường hợp của Nguyễn Huy Thành - mồ côi cha mẹ, vào sống tại Trung tâm từ khi mới học cấp 2. Được cán bộ, nhân viên của Trung tâm nuôi dưỡng, kèm cặp, Thành đã học hết phổ thông rồi thi đỗ Khoa Văn học của Trường Đại học Đà Lạt. Tốt nghiệp Đại học, ra trường với bằng thủ khoa, Thành đăng ký thi và trúng tuyển tại Chi nhánh phía Nam Thông tấn xã Việt Nam. Hiện nay Thành đang công tác tại tỉnh Ninh Thuận và đã học xong Thạc sĩ.
Một trường hợp khác là Nguyễn Việt Hoàng, cũng sống tại Trung tâm từ nhỏ, nay đã trở thành giáo viên dạy cấp 2 tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Ka Ly thì nay đã là bác sỹ, làm việc tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Và còn biết bao trường hợp trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm, nay đã trưởng thành, có việc làm ổn định ở nhiều nơi như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Kiên Giang…, đóng góp cho xã hội và xây dựng hạnh phúc riêng.
Bà Nguyễn Thị Năm (93 tuổi, bên trái) và bà Lộc Thị Kiều (75 tuổi, bên phải) vừa ăn, vừa chuyện trò vui vẻ. Ảnh: ĐL |
Nông Thị Dung – cô bé người dân tộc Tày, mồ côi cả cha và mẹ. Cả 3 chị em Dung được về Trung tâm khi Dung mới tròn 14 tuổi.
Sống trong tình thương yêu, đùm bọc của các “thầy, cô” (cách gọi cán bộ, nhân viên Trung tâm), chị em Dung đã lần lượt trưởng trành và luôn coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình.
Em gái thứ hai của Dung đã tốt nghiệp Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đà Lạt, hiện làm việc tại Công ty Mobiphone Chi nhánh Lâm Đồng. Em gái út thì đang học Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Yersin Đà Lạt.
Còn Dung, sau khi tốt nghiệp Khoa Văn học tại Trường Đại học Đà Lạt, không ít thầy cô, bạn bè khuyên Dung học tiếp để theo nghề báo chí vì đây là lĩnh vực hợp với sở trường và ước mơ của Dung khi cha mẹ còn sống. Nhưng cô gái trẻ đã gác lại ước mơ của mình, đăng ký thi và trúng tuyển làm nhân viên công tác xã hội Phòng Trẻ em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng.
“Nghĩ lại quãng thời gian được sống dưới mái nhà chung ở Trung tâm, em quyết định quay trở lại đây. Có lẽ em sẽ gắn bó lâu dài với công việc này, tiếp tục vun đắp những tháng ngày hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh trong ngôi nhà thứ hai của mình”, Nông Thị Dung xúc động chia sẻ.
Câu chuyện của Dung thật đẹp! Nguyện vọng của cô gái trẻ cũng thật đẹp! Song, tôi không khỏi suy nghĩ về chia sẻ ông Trần Văn Kết - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng, rằng thời gian qua, có không ít cán bộ, nhân viên do không chịu được áp lực công việc, hoặc vì thu nhập không hấp dẫn, đã chuyển qua làm công việc khác để lo cuộc sống gia đình.
Ông Kết cho rằng, hiện nay cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành nghề theo quy định của Nhà nước, song chưa tương xứng với công sức mà họ bỏ ra để hoàn thành nhiệm vụ, đóng góp cho công tác an sinh xã hội.
"Mong rằng Đảng, Nhà nước sẽ quan tâm hơn nữa, có những chính sách ưu đãi xứng đáng để thu hút và giữ chân cán bộ, nhân viên gắn bó lâu dài với công việc khó khăn, vất vả này, để họ có thể toàn tâm, toàn ý chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh ở Trung tâm như người thân, ruột thịt của mình", Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng bày tỏ.
Voice: Ông Trần Văn Kết - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lâm Đồng.
Hối hả chạy đơn hàng, nhà máy tăng đãi ngộ, tuyển lao động U50 Ngoài việc tăng chế độ phúc lợi nhằm giữ chân người lao động đã gắn bó lâu năm, nhiều doanh nghiệp đang tích cực tuyển ... |
Doanh nghiệp về tận xã tuyển lao động, hỗ trợ tiền cho tháng đầu đi làm Đó là cách của một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực may mặc trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang thực hiện, nhằm tuyển 1.800 ... |
Làn sóng cắt giảm việc làm dự báo sẽ “hạ nhiệt” Tình trạng cắt giảm việc làm “hạ nhiệt”, nhu cầu tuyển dụng tăng lên là những tín hiệu tích cực của thị trường lao động ... |
Tin cùng chuyên mục
Đời sống - 17/09/2024 09:52
Ngành Y tế sát cánh cùng đồng bào vùng lũ: Không thu viện phí, chăm sóc sức khỏe tận tình
Trước thảm họa cơn bão số 3 gây ra, ngành Y tế không chỉ ứng phó kịp thời mà còn có những quyết sách mang tính nhân văn. Một trong những hành động nổi bật là quyết định không thu viện phí đối với các nạn nhân vùng lũ, giúp họ giảm bớt gánh nặng chi phí y tế trong hoàn cảnh khó khăn.
Người lao động - 15/09/2024 08:02
Cuộc thi trực tuyến về ATVSLĐ thiết thực với thực tiễn sản xuất ngành Than
Công đoàn Công ty CP Than Núi Béo cho biết, cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” với các nội dung kiến thức phong phú, rất sát với thực tiễn sản xuất của đơn vị.
Người lao động - 13/09/2024 15:40
Làm thế nào để có nước sạch sinh hoạt sau lũ lụt?
Sau bão, đi kèm với lũ và ngập lụt, người dân và người lao động đặc biệt cần nước sạch để sinh hoạt. Vậy trong điều kiện thiếu thốn nguồn nước an toàn, cần xử lý nước thế nào để làm sạch nước, có nguồn nước đảm bảo sử dụng, phòng chống dịch bệnh?
Người lao động - 13/09/2024 11:26
Gojeck rời thị trường Việt Nam: Tài xế ngỡ ngàng, không tin sắp mất việc
Ngay sau khi nhận thông tin Gojeck sẽ rút khỏi thị trường từ ngày 16/9, nhiều tài xế đã ngỡ ngàng, bởi với nhiều người, đây là công việc đem lại thu nhập chính, lo toan cho cả gia đình.
Người lao động - 12/09/2024 18:17
Phát động Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2024
Cuộc thi “Chung tay vì an toàn giao thông” năm 2024 nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông cho mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ, công nhân, người lao động.
Đời sống - 11/09/2024 07:48
Anh Trần Ngọc Vĩ - người có nhiều sáng kiến tâm huyết mang bản chất Bộ đội Cụ Hồ
Từ một công nhân lái xe mang bản chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ, sau nhiều năm công tác, anh Trần Ngọc Vĩ đã trở thành Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí - Xây lắp thuộc Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế có nhiều sáng kiến, sáng tạo từ thực tiễn công việc và được áp dụng vào hoạt động của công ty.
- Ngành Y tế sát cánh cùng đồng bào vùng lũ: Không thu viện phí, chăm sóc sức khỏe tận tình
- Có bao nhiêu loại hình bảo hiểm xe ô tô hiện nay?
- GX thế hệ mới - chiếc Lexus chưa từng có trong lịch sử
- Công đoàn Trường Tiểu học Trần Văn Vân - những trái tim rực lửa yêu thương
- Tài xế xe ôm tham gia phòng chống tội phạm