Chuyện cũ kể lại
game doi thuong - 19/08/2024 20:02 AN VINH
Trong không khí của ngày kỷ niệm 19/8, câu chuyện tôi kể như một sự bày tỏ lòng yêu quý và sự kính trọng đối với những người trong lực lượng, những người anh, người bạn, người em, người cháu thân quý của tôi đã từng và đang là cán bộ chiến sĩ CAND Việt Nam
Chiếc nhẫn vàng của người quản giáo
Một trong những người quản giáo để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất là người Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 2 Bộ Công an. Ông là Nhà giáo Nhân dân, sau này lên Thiếu tướng Cục trưởng V26, rồi Trung tướng Tổng Cục phó Tổng Cục VIII, Bộ Công an. Đó là thầy Phạm Đức Chấn.
Nay thầy đã về hưu, vui thú điền viên dưới quê Thái Bình. Nhớ hồi thầy còn là hiệu trưởng, cách đây cũng 30 năm, tôi có tới trường thầy để lấy tư liệu viết lời bình cho một phóng sự truyền hình phát trên VTV1 mang tên “Những cánh diều hoá đá”, nói về học sinh của trường giáo dưỡng nằm gần chân núi Cánh Diều ở Ninh Bình.
Thầy Chấn có một tấm lòng thương yêu các học trò hiếm có, như người cha đối với những đứa con đẻ của mình, kể ra không xiết. Bù lại, các cháu học sinh hư cũng yêu quý thầy Chấn như ông bà, như cha mẹ, để đền đáp lại tấm lòng của thầy.
Năm 1967, khi chiến tranh phá hoại xảy ra, trường của thầy Chấn phải chuyển từ Lao Cai về Yên Mô, Ninh Bình. Khi chuyến tàu hoả chở mấy trăm học sinh của trường đang chạy trên đường thì gặp máy bay Mỹ ném bom. Tàu dừng khẩn cấp, thầy Chấn cho các cháu học sinh tuỳ nghi di tản, mạnh ai nấy chạy vào rừng tìm chỗ trú ẩn. Vậy mà hết báo động, điểm danh lại trên tàu không thiếu một cháu nào. Không một ai trong số hàng trăm học sinh hư ấy đã nỡ bỏ trốn thầy Chấn nhân lúc chạy tránh bom.
Cũng dịp về thực tế ở Trường Giáo dưỡng số 2 cả tuần ấy, một tối, thầy Chấn rủ tôi ra xóm dân cạnh trường mừng một đám cưới. Hoá ra chú rể vốn là học sinh cũ của trường. Sau khi ra trường, em lưu luyến thầy Chấn và các thầy cô trong trường đến mức không xa được trường, mà em cũng là một đứa trẻ mồ côi, có về quê cũng chả còn ai mà nương tựa.
Thầy Chấn đã xin xã sở tại cho cậu học trò ấy một miếng đất nhỏ ngay cạnh trường. Với nghề mộc được học trong trường, chẳng mấy chốc mà cậu học trò này trở thành một thợ giỏi nổi tiếng trong vùng. Xây được nhà gạch khang trang, lấy được cô vợ xinh xắn là giáo viên trường làng. Tối ấy, trước khi ra về, thầy Chấn trao cho cậu học trò cũ một cái hộp màu đỏ nhỏ như bao diêm và ghé tai nói thầm gì đó với cậu học trò.
Tôi thấy em trào nước mắt, run run ôm tạm biệt thầy Chấn. Đêm về trường, tôi tò mò hỏi đấy là cái hộp gì, thầy Chấn kể ông đã trao cho chú rể một cái nhẫn vàng 1 chỉ để chú tặng cô dâu trong lễ thành hôn. Ngày hôm sau, chiếc nhẫn vàng ấy và tấm lòng vàng của thầy Chấn là một chi tiết tôi không thể nào quên khi nghĩ về những cán bộ, chiến sĩ quản giáo ngày ấy.
Thân phận một người quản giáo
Cường là một sĩ quan cấp uý thuộc biên chế Công an Hà Nội, làm cán bộ quản giáo tại Trại giam Hoả Lò. Như nhiều đồng nghiệp của mình, đồng lương cấp uý khá là chật vật để nuôi sống 1 vợ 2 con với cả cha già mẹ héo, chú ấy phải nhận làm thêm suất bảo vệ, canh gác ban đêm trông đuổi tụi đánh bắt câu trộm cá Hồ Tây sau giờ làm việc trong Hỏa Lò.
Ngày thì trông tù, đêm trông cá, nhiều hôm chỉ được ngủ vài ba tiếng, mắt thiếu ngủ lúc nào cũng đỏ như mắt cá chày. Nhưng mất ngủ không khổ bằng mất sĩ diện. Nhiều khi gặp bọn câu, đánh cá trộm, bình thường thì chỉ một đòn là chúng biết tay Cường "cá" ngay, nhưng khổ nỗi chỉ dám xua đuổi chúng mà chẳng dám đụng độ xô xát bao giờ.
Có bữa đụng đứa lưu manh, đuổi nó không cho câu thì nó tẩn lại mình. Vịnh Xuân cao thủ học từ thuở nhỏ ngay đình làng Yên Phụ, cộng thêm võ tự vệ lẫn tấn công học trong trường cảnh sát thuở sinh viên, cũng chỉ dám thủ chả dám công, chỉ biết đỡ đòn cho xong việc, ngậm ngùi giấu đi cái thẻ đỏ cùng danh xưng công an để làm tròn bổn phận người làm bảo vệ thuê cho Hợp tác xã cá Tây Hồ.
Nghèo, bận, mệt, vất vả, nhưng chú em lúc nào cũng cười tươi roi rói, lại rất chi là nồng nàn tận tình với anh em nên có đông bạn bè. Những hôm Cường trực đêm là cái bè trông cá của chú ấy lại như cái club Thuỷ tạ, đông vui như hội.
Nhà Cường ngay đầu dốc xuống làng Yên Phụ, ngay bên kia bờ hồ, vậy mà tối đêm cũng chẳng tranh thủ rẽ về vui vầy vợ con được ít phút, cứ cố làm đủ giờ trọn buổi cho "lúc nhận đồng lương không ngượng tay'' như có lần Cường tâm sự.
Có những lúc từ bè cá nhìn về những ngọn đèn vàng bên kia làng Yên Phụ, mắt Cường chợt như mờ sương, thấy như đang ở mãi tận góc bể chân trời nào xa xôi lắm.
Có lẽ những lúc ấy Cường thèm được ôm 2 đứa con thơ vào lòng mà cưng nựng lắm, thèm được ôm người vợ tảo tần vào lòng mà âu yếm lắm, và cả nhớ cái tổ ấm nhỏ bé có cha mẹ già sống cùng đó lắm.
Bây giờ thì bè trông cá ấy đã tan. Từ cái ngày chàng đồng đội cũ cùng trang lứa của Cường lên làm Chủ tich Thành phố, mọi tàu thuyền nhà hàng nổi trên hồ Tây đã bị dọn sạch, trong đó có cả cái bè trông cá của Cường.
Cường “cá” cũng thôi làm thuê trông cá, đã lên cấp tá, đã sắp nghỉ chế độ chờ hưu. Lũ bọn tôi đứa già thì ốm yếu, đứa trẻ thì lo làm ăn, phấn đấu sự nghiệp, cả hội ít có dịp tao ngộ bên hồ Tây như ngày xưa nữa.
Hợp tan, tan hợp nhập nhòe như bóng chim tăm cá. Có quý lắm, có yêu lắm, có thương lắm, những người như thầy Chấn, chú em Cường và các cán bộ chiến sĩ quản giáo khác, thì ngày đại lễ 19/8 này, ta mới có thể nhận ra, mới nhớ đến, mới thấy trân trọng họ cùng những công việc gian khổ và thầm lặng ít khi được nói tới vào những dịp lễ lạt đình đám này.
AN VINH
Nếu đồng tình với góc nhận định trong bài viết, bạn có thể mời tác giả An Vinh một "ly cà phê" thông qua Ví MoMo bằng cách ấn vào nút “Buy me a coffee” ở bên dưới hoặc quét mã QR. "Buy me a coffee" Hoặc bạn cũng có thể tặng "ly cà phê" cho tác giả An Vinh bằng cách chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của Tạp chí Lao động và Công đoàn, số tài khoản: 118000001631, Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Hà Nội. Lưu ý, trước khi chuyển tiền, bạn đọc vui lòng gõ nội dung: "Tặng cà phê cho tác giả An Vinh". Đọc cà phê tối, tặng "cà phê" là chương trình của Tạp chí Lao động và Công đoàn. Khi đọc các bài viết trên mục game doi thuong , nếu bạn đọc đồng cảm với góc nhìn của tác giả thì có thể mời người đó một "ly cà phê". Mỗi "ly cà phê" trị giá 23.000 đồng (1 USD). |