Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global, mã VGI) thuộc Tập đoàn Viettel mới công bố báo cáo tài chính quý 4/2022 và năm 2022. Theo đó, VGI ghi nhận khoản lỗ lên tới 2.721 tỷ đồng trong quý 4/2022. So với cùng kỳ năm 2021 (141 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế của VGI giảm 2.862 tỷ đồng (hơn 20 lần).
Kết quả kinh doanh bết bát của quý 4/2022 của VGI kéo lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 xuống 1.549 tỷ đồng. Dù vậy, công ty vẫn có kết quả tăng trưởng tốt, gấp gần 5 so với năm 2021 (1.549 tỷ của 2022 so với 346 tỷ của 2021).
Theo giải trình của VGI, kết quả kinh doanh quý 4/2022 lỗ do công ty trích lập dự phòng đầu tư và phải thu với Công ty Viettel Myanmar. Tổng giá trị ảnh hưởng làm giảm lợi nhuận từ việc trích dự phòng là 6.011 tỷ đồng.
Nếu loại trừ khoản dự phòng này từ Công ty Viettel Myanmar, kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của quý 4/2022 tăng 87 tỷ đồng so với cùng kỳ (hơn 160%). Luỹ kế cả năm 2022 tăng 2.915 tỷ đồng so với 2021 (gấp gần 9,5 lần).
VGI cho biết công ty phải thực hiện trích lập dự phòng đầu tư và phải thu với Công ty Viettel Myanmar bởi tình hình bất ổn tại quốc gia này. Theo đó, ngày 21/10/2022, Lực lượng Đặc nhiệm Tài chính quốc tế (FATF) đưa Myanmar vào diện tăng cường kiểm soát vì không ngăn chặn được các hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Vì thế, VGI quyết định phương án trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư và dự phòng nợ phải thu quá hạn thanh toán. Theo công ty, động thái này giúp đảm bảo nguồn tài chính dự phòng khi tổn thất thực sự xảy ra. VGI công bố dòng tiền từ Myanmar trả về công ty trong năm 2022 đạt 1.328 tỷ đồng, gấp gần 3 lần 2021.
VGI đối mặt với môi trường kinh doanh bất ổn ở Myanmar |
Ngoài tình hình kinh doanh bất ổn tại Myanmar, VGI cũng đối mặt kết quả khó khăn ở công ty Viettel Cameroon. Khoản phải thu khách hàng ngắn hạn tại Viettel Cameroon cuối năm 2022 lên tới 4.143 tỷ đồng, chiếm 58% trong tổng số khoản phải thu ở tất cả thị trường khác của VGI (7.135 tỷ đồng). Trong 4.143 tỷ đồng khoản phải thu ngắn hạn tại Viettel Cameroon, công ty xác định giá trị chỉ có thể thu hồi 1.318 tỷ đồng, đẩy nợ xấu lên 2.825 tỷ đồng (chiếm 68%). Ngoài ra, nợ xấu ở thị trường Cameroon của VGI còn đến từ khoản phải thu cho vay 3.595 tỷ đồng với giá trị có thể thu hồi chỉ 331 tỷ đồng, khiến nợ xấu từ mục này lên tới 3.263 tỷ đồng.
Xếp ngay sau VGI, ở vị trí Á quân thua lỗ trên sàn chứng khoán là Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines - mã HVN) cũng trải qua năm kinh doanh thua lỗ, bất chấp thị trường hàng không hồi phục mạnh sau đại dịch.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2022 của Vietnam Airlines, trong 3 tháng cuối năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 19.500 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Tuy nhiên, hãng hàng không vẫn lỗ gộp 828 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 635 tỷ của cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh thất vọng của Vietnam Airlines đến từ chi phí tài chính tăng mạnh, gấp 3,6 lần cùng kỳ, lên hơn 1.000 tỷ đồng, do lỗ chênh lệch tỷ giá và lãi vay. Công ty cũng thất bại trong việc giảm chi phí bán hàng. Hạng mục này tăng lên hơn 1.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Vì vậy, Vietnam Airlines lỗ ròng gần 2.700 tỷ đồng trong quý 4/2022. Cả năm 2022, hãng hàng không quốc gia lỗ ròng 10.400 tỷ đồng dùdoanh thu gấp 2,5 lần cùng kỳ, đạt 70.500 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2022, lỗ lũy kế 12 quý liên tiếp của Vietnam Airlines hơn 34.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng. Căn cứ theo Điều 120 Nghị định 155, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị huỷ niêm yết trong các trường hợp gồm lỗ 3 năm liền hoặc tổng lỗ luỹ kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) có văn bản gửi Vietnam Airlines lưu ý về khả năng bị huỷ niêm yết cổ phiếu HVN.
Tập đoàn Hoà Phát (mã HPG) trải qua quý 4/2022 và cả năm 2022 sóng gió cùng ngành thép khi doanh thu sụt giảm mạnh, lợi nhuận tăng trưởng âm quý thứ 2 liên tiếp.
Với thị phần lớn nhất ngành, Hòa Phát là doanh nghiệp chịu “đau thương” nhiều nhất. Trong quý 4/2022, doanh thu của tập đoàn xuống mức 26.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Hoà Phát ghi nhận mức lỗ sau thuế kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng (cùng kỳ lãi hơn 8.000 tỷ đồng). Quý 3/2022, Hòa Phát lỗ gần 1.800 tỷ đồng. Đây là chu kỳ 3 tháng đầu tiên Hoà Phát thua lỗ kể từ cuối năm 2008.
Trong cả năm 2022, Hòa Phát đạt doanh thu 142.000 tỷ đồng, giảm 5% so với 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 8.400 tỷ đồng, bằng 24% so với năm 2021.
Kết quả kinh doanh không như ý của tập đoàn thép lớn nhất Việt Nam đến từ nhu cầu tiêu thụ giảm, giá cả nguyên liệu diễn biến phức tạp.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Tổng xuất khẩu thép của Việt Nam là 6,28 triệu tấn, giảm hơn 19% so với năm trước đó.