Xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa vì sự phát triển bền vững của đất nước
Kinh tế - Xã hội - 02/04/2024 06:30 PGS.TS BÙI HOÀI SƠN PGS.TS BÙI HOÀI SƠN
Công đoàn góp phần xây dựng văn hóa an toàn |
Kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết với tiêu đề “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”. Đây là bài viết rất quan trọng, nhằm khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc Việt Nam anh hùng; khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trong bài viết, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh rất nhiều thông điệp về văn hóa, ở đó, văn hóa chính là sức mạnh nội sinh của dân tộc, giúp đất nước của chúng ta phát triển bền vững và trở nên hùng cường, tạo nên sự tự tin và tự hào dân tộc để chúng ta hội nhập vững chắc vào thế giới đang diễn ra quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ, chi phối sự tồn vong của mỗi dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi gặp mặt văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. |
Văn hóa bao giờ cũng được xem là một điểm tựa tinh thần quan trọng của mỗi quốc gia, để từ những hệ giá trị đúc kết qua thời gian, tinh thần dân tộc, yêu nước, đoàn kết, chia sẻ, gắn kết từ những ký ức về tổ tiên, câu chuyện truyền thuyết, lịch sử, phong tục, tập quán, thực hành nghi lễ, dân ca, dân vũ,... giúp hình thành nên một chủ quyền quốc gia thiêng liêng về văn hóa. Chính vì thế, trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc. Nói lên bản sắc dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”[1].
Đất nước chúng ta đã trải qua nhiều phen binh lửa, với rất nhiều khó khăn, gian nan, thử thách, nhưng nhờ những giá trị văn hóa được kết tinh và thực hành ở các làng quê nên cơ đồ đất nước luôn được phục hồi và tươi sáng hơn trước. Chúng ta có thể thấy sức mạnh ấy rõ ràng trong những năm tháng gần đây. Năm nay (2024), chúng ta kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Giải phóng Thủ đô.
Chính văn hóa cứu quốc với khẩu hiệu “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” đã trở thành ngọn hải đăng dẫn dắt cả dân tộc đi tới một thời đại mới, ở đó, “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Sau khi thống nhất đất nước (1975), văn hóa bước vào một giai đoạn phát triển mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc – văn hóa kiến quốc. Lựa chọn đường lối phát triển văn hóa trong thời kỳ mới thực sự là những thử thách rất lớn, đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt và chiến lược toàn diện, phù hợp với từng bối cảnh phát triển đất nước.
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là sự lựa chọn sáng suốt đầu tiên để chúng ta thích ứng với bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đang thách thức sự tồn tại của các quốc gia, ở đó, những quy luật của kinh tế thị trường như cung – cầu, giá trị, cạnh tranh,... đã làm biến đổi và làm lung lay những giá trị vốn được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử và tưởng chừng tồn tại một cách vững chắc, trong khi xu thế toàn cầu hóa buộc chúng ta phải thích nghi và lựa chọn những tư duy mới, cách tiếp cận mới, ngôn ngữ mới, lối sống mới,... để làm giàu có hơn văn hóa dân tộc.
Lúc này, như Tổng Bí thư đã viết, chúng ta quyết tâm lựa chọn: “Nền văn hoá mà chúng ta xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao”[2].
Một xã hội càng thay đổi nhanh, càng hội nhập sâu rộng thì càng cần có một hệ điều tiết để tránh những xao động, xao nhãng, lạc lối có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ với ai. Văn hóa với hệ thống các giá trị và đạo đức chính là những hệ điều tiết cần thiết đó. Khi những công trình xây dựng như cầu, đường, trường học, sân vận động, nhà văn hóa, bảo tàng, thư viện, công viên,... ngày càng nhiều hơn, chúng ta càng cần những công trình đó có bản sắc Việt Nam, để chúng ta có thể tự hào về những dấu ấn của thời đại Hồ Chí Minh. Khi những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như lễ hội, âm nhạc, múa, kịch, phim ảnh,... ngày càng đa dạng và phong phú hơn, chúng ta càng cần có thêm những dấu ấn văn hóa nghệ thuật dân tộc để khẳng định giá trị trường tồn, riêng có của đất nước trong dòng chảy văn hóa thế giới.
Văn hóa cũng không phải là thứ gì đó tĩnh tại, “nhất thành bất biến”, tiếp biến văn hóa là quá trình chúng ta tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới để làm giàu có thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Vì thế, bằng bản lĩnh và sự tự tin vào chính truyền thống văn hóa của dân tộc mình, chúng ta sẽ luôn tiếp thu một cách có chọn lọc những gì tinh túy, phù hợp nhất để có một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hình thành nên một chủ quyền văn hóa quốc gia mới mạnh mẽ và sâu sắc hơn.
Sự phát triển của xã hội và nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa trong sự phát triển chung của xã hội càng chứng minh những nỗ lực đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong chăm lo đến sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tư tưởng của Tổng Bí thư cho thấy, xét cho đến cùng, mọi sự phát triển kinh tế - xã hội đều vì mục đích văn hóa, khi nhấn mạnh: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”[3].
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện thân mật với văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. |
Tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giúp chúng ta hiểu thêm rằng: Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội vì nó không chỉ là một phần của lịch sử, truyền thống và định hình nhận thức của một dân tộc mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển và hình thành của mỗi cá nhân và toàn xã hội. Văn hóa chính là cách chúng ta nhận thức, thích nghi với thế giới xung quanh, từ đó định hình cách mà mỗi người suy nghĩ, hành động và tương tác với nhau.
Phát triển văn hóa giúp tạo ra một ý thức cộng đồng, trách nhiệm đạo đức công dân mạnh mẽ và gắn kết, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước. Văn hóa là nguồn gốc của sức mạnh nội sinh của một quốc gia, là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và phát triển trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nghệ thuật, khoa học, kinh tế và chính trị. Sự hài hòa giữa phát triển văn hóa và tăng trưởng kinh tế cung cấp động lực cho sự tiến bộ của quốc gia, thúc đẩy sự nghiên cứu, sáng tạo và đổi mới. Văn hóa đồng thời là một phần không thể tách rời của bản sắc dân tộc. Bằng cách bảo tồn và phát triển văn hóa, chúng ta cũng bảo vệ và tôn vinh Tổ quốc của mình.
Đồng thời, phát triển văn hóa hài hòa với tiến bộ và công bằng xã hội là một phần không thể thiếu trong việc xây dựng một chủ nghĩa xã hội với sự phát triển bền vững và công bằng cho tất cả các thành viên của xã hội. Phát triển văn hóa không chỉ đề cao bản sắc dân tộc mà còn mở ra cơ hội giao lưu, hội nhập và hợp tác với cộng đồng quốc tế, giúp không chỉ mở rộng tầm nhìn của mỗi người mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh, đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội.
Hơn lúc nào hết, xây dựng chủ quyền quốc gia về văn hóa, để văn hóa không chỉ trở thành môi trường lành mạnh cho sự phát triển nhân cách, đạo đức cho mỗi người mà còn có tác động lan tỏa tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội càng trở nên cần thiết. Bối cảnh văn hóa mới đặt ra những thời cơ cũng như những thách thức mới.
Chúng ta khó có thể tưởng tượng hết tác động của bối cảnh, không chỉ có tác động của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, mà còn có cả sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ lần thứ tư, ở đó, với trí tuệ nhân tạo (AI), thế giới ảo, không gian mạng,... đặt ra những vấn đề về sự hình thành của văn hóa số trong một không gian xã hội số, tương quan với kinh tế số, của những công dân số. Ở đó có rất nhiều vấn đề mới liên quan đến văn hóa mà lịch sử loài người chưa từng đối mặt. Những kinh nghiệm cũ, có thể đã rất thành công, giờ đây lại bị thách thức bởi những thực tế mới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 75 nămthành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. |
Tận dụng được cơ hội, vượt qua được các thách thức mới sẽ giúp cho văn hóa Việt Nam có được một cơ đồ tươi sáng, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc. Để đạt được điều đó, chúng ta cần phải quyết tâm hơn nữa trong việc xây dựng một nền văn hóa mới, vừa là hệ điều tiết, đồng thời đóng vai trò kiến tạo cho sự phát triển đất nước, từ đó "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam... kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất"[4].
Cuối cùng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa. “Con người xã hội chủ nghĩa là con người có những đạo đức cao quý, những tình cảm đẹp đẽ, một lòng, một dạ sống vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì nhân dân, làm việc tự giác và có kỷ luật”[5]. Hướng đến mục đích lớn lao ấy, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa chắc chắn là một trong những đích đến quan trọng của sự phát triển văn hóa để chúng ta hướng đến một xã hội xã hội chủ nghĩa văn minh, công bằng, bình đẳng, hướng tới phồn vinh và hạnh phúc, giúp mỗi người dân có cơ hội phát triển toàn diện, không chỉ về mặt vật chất mà còn về mặt tinh thần, tạo điều kiện cho sự đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế, xã hội, và văn hóa.
Văn hóa xã hội chủ nghĩa đặt giá trị nhân văn và ý thức xã hội lên hàng đầu, khuyến khích mọi người tham gia và đóng góp vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Như thế, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa là một phần quan trọng của quá trình xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ và bền vững.
Hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 – 2030) và 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa là định hướng chiến lược căn bản, vừa là nguồn cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong nỗ lực, quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh, phồn vinh và hạnh phúc, chứng minh đường lối đúng đắn mà Đảng và cả dân tộc ta đã hướng tới để làm rạng danh dân tộc Việt Nam, đặt đất nước ta vào một vị thế vững chắc trên bản đồ chính trị quốc tế, ở đó, việc xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.
[1] Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
[2] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng".
[3] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng".
[4] Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
[5] Văn kiện Đảng toàn tập, tập 43: (1982 (2005), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 245.
Công đoàn góp phần phát huy lợi thế mỗi vùng trong phát triển đất nước Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 ... |
Quyết tâm xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng Nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài ... |
Công đoàn góp phần xây dựng văn hóa an toàn Công đoàn Công ty TNHH TOTO Việt Nam phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tổ chức tốt các hoạt động nâng ... |
. |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 04/09/2024 10:35
Tự tin vào triển vọng lợi nhuận của Masan Group, SK Group gia hạn quyền chọn bán
Ngày 04/9, SK Group ("SK Group" hay "Công ty") công bố SK Group và Masan Group cùng thống nhất gia hạn thời gian thực hiện quyền chọn bán của SK Group với Masan Group thêm tối đa 5 năm.
Kinh tế - Xã hội - 03/09/2024 15:00
Phân luồng giao thông để hạn chế ùn tắc trong ngày cuối kỳ nghỉ lễ 2/9
Hôm nay (3/9) là ngày cuối trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, người dân từ các địa phương quay trở lại thành phố lớn để làm việc. Như thường lệ, lưu lượng phương tiện giao thông ngày này gia tăng đột biến tại các khu vực bến xe, tuyến cao tốc và các cửa ngõ thành phố lớn.
Kinh tế - Xã hội - 03/09/2024 07:26
Rao bán Suzuki Jimny cũ giá 1,4 tỷ đồng
Giải thích việc bán chiếc Suzuki Jimny đã qua sử dụng đắt gấp rưỡi xe mới, người bán cho hay tiền độ xe hết 500 triệu.
Kinh tế - Xã hội - 03/09/2024 07:15
Thực hư thông tin người có bằng B1 không được điều khiển ô tô từ 1/1/2025
Nhiều trang báo điện tử, các Fanpage Facebook đưa tin "Giấy phép lái xe hạng B1 không được điều khiển ô tô từ 1/1/2025", gây xôn xao dư luận. Vậy thực hư thông tin này như thế nào?
Kinh tế - Xã hội - 02/09/2024 08:00
TP HCM đón “siêu” trung tâm khám chữa bệnh hạng sang lớn nhất Việt Nam
Tọa lạc tại Quận 7 với diện tích “khủng” 24.000m2, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh sở hữu hệ thống thiết bị, công nghệ hiện đại đẳng cấp quốc tế, đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu hùng hậu.
Kinh tế - Xã hội - 02/09/2024 00:00
Những mẫu xe mới sắp ra mắt trong tháng 9/2024 tại Việt Nam
Những mẫu xe mới sắp ra mắt thị trường Việt Nam trong tháng 9/2024 hầu hết đều là ô tô gầm cao của các thương hiệu quen thuộc, duy nhất một là xe Trung Quốc.
- Tự tin vào triển vọng lợi nhuận của Masan Group, SK Group gia hạn quyền chọn bán
- Tập trung nguồn lực chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trong tình hình mới
- Nồi cháo tình thương của Công đoàn Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc
- Bí quyết vượt chỉ tiêu phát triển đoàn viên chỉ sau hơn nửa năm
- Từ vụ “thần dược” Lipixgo: Nhức nhối nạn thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng, lừa người tiêu dùng