Thầy giáo nghèo vượt khó nhờ những "trợ lực" từ Công đoàn Giáo dục Bạc Liêu
Hoạt động Công đoàn - 24/08/2024 17:32 Lê Thái
Bạc Liêu: Chăm lo đời sống người lao động gắn với đặc thù từng đơn vị HDBank Giá Rai - Bạc Liêu chính thức đi vào hoạt động Bạc Liêu: Cải thiện bữa ăn giữa ca cho công nhân |
Đứa con tật nguyền và ân tình của công đoàn
Thắp xong nén nhang trên bàn thờ con gái vừa mất cách đây hơn 2 tháng, Hải vẫn còn rưng rưng nước mắt thương nhớ con. Giọt nước mắt của của người cha khóc đứa con xấu số, suốt 15 năm qua chống lại tật nguyền.
Câu chuyện trao đổi giữa tôi và Hải diễn ra vào một buổi trưa, Hải kể cho tôi nghe về những ngày tháng buồn vui của gia đình mình. Năm 2001, Trường THPT Vĩnh Hưng thành lập, Hải về trường công tác sau đó một năm. Nhớ lúc còn đi học, Hải giỏi nhất môn toán và sau khi ra trường Hải chọn nghề sư phạm và được dạy đúng theo môn học sở trường của mình.
Anh Trịnh Thanh Hải thắp nhang bên bàn thờ con gái mới mất. Ảnh: NVCC |
Đầu năm 2003, Hải gia nhập vào tổ chức công đoàn. Năm 2006, Hải lập gia đình và năm 2007 Hải vui mừng đón cháu trai đầu lòng. Năm 2010, Hải lại tiếp tục đón tin vui khi sinh bé gái thứ hai. Nhưng cũng từ đây gia đình Hải lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn bó chặt, cứ tưởng chừng không thể vượt qua. Bé gái không may bị bệnh bại não, gia đình chỉ biết nhìn con mà khóc.
“Cháu bị bệnh thường xuyên, nhẹ thì vài ngày, nặng hơn là vài tuần và cứ thế có nhiều đêm trông con thức trắng. Trong đợt dịch Covid-19, cháu nằm viện 2 lần cũng hết 80 ngày, đây là đợt nằm viện dài nhất. Chi phí điều trị cho bé không có là bao, phần nhiều được bảo hiểm trẻ khuyết tật chi trả. Nhưng chi phí đi lại và test covid cũng hết 30 triệu đồng. Cứ mỗi lần cháu bệnh là Công đoàn Trường THPT Vĩnh Hưng, Công đoàn Sở Giáo Dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu đều hỗ trợ vật chất và thường xuyên thăm hỏi động viên tinh thần”, Hải tâm sự.
Bác sỹ điều trị cho biết, thông thường trẻ bị bại não thì chỉ sống được cao nhất là 12 tuổi, nhưng con gái của Hải ở tuổi 15. Đó cũng là ngần ấy năm, vợ chồng Hải chăm sóc cho cháu bằng tất cả tình yêu thương. Mặc dù cháu không nói được, nhưng mọi ánh nhìn của cháu, Hải đều hiểu con gái muốn nói gì.
Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Hưng cho biết, thấu cảm với nỗi đau của Hải, nhà trường cũng như Công đoàn ngành giáo dục của tỉnh Bạc Liêu luôn luôn đồng hành để sẻ chia những vui buồn, khó khăn cùng đoàn viên Trịnh Thanh Hải cả về vật chất và tinh thần.
Công đoàn hỗ trợ xóa nhà lá
Trước khi về trường công tác Trường THPT Vĩnh Hưng, Hải phải ở nhà trọ. Sau khi lập gia đình, vợ chồng phải về ở nhà ba mẹ tại xã Châu Thới, cách trường gần 10km. Lúc sinh bé trai đầu lòng, ba mẹ vợ cho Hải căn nhà lá cách trường không xa để đến Hồng Dân, một huyện gần đó lập nghiệp.
Hải kể cảnh thuở “hàn vi” bằng giọng buồn buồn: “Nhà cũ, trời mưa phải hứng nước bằng 7, 8 cái thau lớn. Mưa giông lớn cũng không dám ngủ, sợ nhà sập. Vì nhà lá nên cứ hơn 3 năm phải sửa lại 1 lần, gặp cảnh nghèo nên cũng khó mà sửa đi sửa lại”.
Ngôi nhà của anh Trịnh Thanh Hải được “Mái ấm công đoàn” ngành Giáo dục tỉnh Bạc Liêu hỗ trợ xây dựn năm 2016. Ảnh: NVCC |
Năm 2016, xét thấy hoàn cảnh quá khó khăn về nhà ở, Công đoàn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ 30 triệu đồng để cất lại nhà. Nghe tin Hải được hỗ trợ tiền cất nhà, người thân, họ hàng đều rất vui và sẵn lòng cho vay, cho mượn tiền thêm để làm nhà. Bởi Hải là người rất thiệt thà, tốt bụng nên ai cũng quý, nhất là phụ huynh luôn muốn giúp đỡ.
Nghe tin sắp sửa nhà, phụ huynh dẫn Hải qua tới tỉnh Sóc Trăng để mua vật tư tận gốc, giá rẻ để giảm bớt chi phí. Hải cho biết, nếu Công đoàn không xét hỗ trợ thì mình cũng không dám ước mơ có được căn nhà kiên cố như bây giờ. Bởi có món quà hỗ trợ của Công đoàn mới có động lực vay mượn để hoàn thành căn nhà.
Không giấu được niềm vui, Hải dẫn tôi ra phía sau nhà, nơi Hải đang thực hiện mô hình nuôi lươn 4 năm nay. Mỗi đợt Hải xuất bán khoảng hơn 2,5 tấn lươn thịt. Lươn xuất bán phải đủ từ 17 tháng trở lên. Để có lươn bán liên tục, sau 8 tháng Hải chuẩn bị cho lứa lươn con mới. Đây là nghề tay trái do Hải tìm tài liệu tự học cách để nuôi để phụ thêm cho kinh tế gia đình. “Với kỹ thuật chăm sóc riêng của mình, nếu lươn thịt có giá từ 90 ngàn đồng/kg thì có lãi. Có lúc bán được 120.000 đồng/kg thì trúng khá lớn”, Hải nói.
Thành tích của anh Trịnh Thanh Hải đạt được sau 20 năm công tác. Ảnh: NVCC |
Cuộc sống con cái tật nguyền và cái nghèo đè nặng lên vai Hải nhưng anh không nản chí, vẫn cố gắng vượt qua mọi gian khó của cuộc đời. Nhiều năm liền, Hải là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Hải còn là một giáo viên yêu nghề và tận tâm với nghề, hết lòng chăm lo cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học lực kém. Vì vậy những thế hệ học sinh của Hải luôn nhớ về người thầy dạy toán tận tụy và luôn thương yêu học sinh của mình.
“Hơn 20 năm qua, Công đoàn luôn là điểm tựa vững chắc để gia đình mình vượt qua mọi khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có mái ấm vững chắc và hơn thế nữa… Công đoàn đã trở thành người đồng hành suốt 15 qua cùng chăm lo cho con gái bệnh tật. Thật không có lời nào để diễn tả hết tình cảm và bày tỏ tấm lòng biết ơn. Chỉ mong mô hình nuôi lươn của mình càng đạt hiệu quả hơn, có lời nhiều hơn để đóng góp cho công đoàn hỗ trợ những công đoàn viên khác có hoàn cảnh giống như mình trước kia. Bởi đó là món nợ ân tình”, Hải chia sẻ.
Dự án 300 căn nhà cho người nghèo ở Bạc Liêu bị bỏ hoang “Năm 2011, tại khu dân cư chúng tôi sinh sống đã khởi công Dự án 300 căn nhà ở cho người nghèo bằng vốn ngân ... |
Khu đô thị Bạc Liêu City, dự án "ma" được ngang nhiên rao bán Hoạt động quảng cáo mở bán đất dự án Khu đô thị Bạc Liêu City diễn ra rầm rộ, trong khi Chính quyền TP Bạc ... |
CLB Thiện nguyện Ấm tình yêu thương trao tặng nhà tình nghĩa cho bà Nguyễn Thị Nhãn Sáng ngày 14/3/2023, CLB thiện nguyện Ấm tình yêu thương do Công ty CP Xây dựng Sài Gòn (SCC) sáng lập đã phối hợp với ... |