Mức lương nào để người lao động bảo đảm mức sống tối thiểu?
Công đoàn - 26/07/2019 12:03 P.V
Mức lương của người lao động được nhiều người quan tâm. Ảnh minh họa |
BTV: Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương khẳng định đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Để có căn cứ cho Thủ tướng Chính phủ quyết định mức lương tối thiểu năm 2020 cho người lao động thì Hội đồng tiền lương quốc gia gồm đại diện 3 bên (đại diện người lao động, người sử dụng lao động và cơ quan quản lý nhà nước) phải họp, thương lượng và thống nhất mức lương tối thiểu để khuyến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét. Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên từ cuối tháng 6 và các bên còn có mức đề xuất rất cách biệt, trong khi yêu cầu đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ là không thể khác. Để tìm hiểu và làm rõ hơn mức lương nào có thể giúp người lao động và gia đình họ bảo đảm mức sống tối thiểu, trong khi Hội đồng tiền lương quốc gia vẫn phải tiếp tục các phiên họp thương lượng, chúng tôi đã mời đến chương trình vị khách mời là PGS.TS Dương Văn Sao, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn, chuyên gia về kinh tế lao động.
1. Câu hỏi đầu tiên xin được hỏi PGS Dương Văn Sao là theo ông, thế nào là mức sống tối thiểu và các căn cứ để xác định mức sống tối thiểu làm cơ sở để quyết định mức lương tối thiểu?
( PGS trả lời, trong đó có nội dung hiện nay chưa có cơ quan có thẩm quyền công bố mức sống tối thiểu hàng năm).
Mức sống tối thiểu là một mức sống đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của con người, bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.
Để xác định mức sống tối thiểu, cần tính toán chi phí lương thực thực phẩm dựa trên rổ hàng hóa tiêu chuẩn đảm bảo dinh dưỡng phù hợp nhân với giá cả phổ biến trên thị trường tại thời điểm tính và chi phí phi lương thực thực phẩm như nhà ở, đi lại, quần áo, chi phí giáo dục, y tế, và chi phí các sự việc bất khả kháng như tai nạn, ốm đau, bệnh tật,... dựa trên chi phí thực tiễn cần thiết.
Đồng thời, mức sống tối thiểu tính cho một người cần phải bao gồm cả chi phí cho người phụ thuộc. Thông thường ở Việt Nam với hộ gia đình phổ biến 4 người (bố mẹ và 2 con), thì mức sống tối thiểu tính cho một người cần bao gồm chi phí cho một người phụ thuộc.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có cơ quan có thẩm quyền công bố mức sống tối thiểu hàng năm, nên hàng năm, Tổ kỹ thuật giúp việc Hội đồng tiền lương tính toán mức sống tối thiểu và khuyến cáo để Hội đồng tiền lương thương lượng mức lương tối thiểu trên tinh thần đảm bảo mức sống tôi thiểu của người lao động và gia đình họ.
2. Vậy trong khi chưa có cơ quan có thẩm quyền công bố mức sống tối thiểu hàng năm, thì tính toán của Tổ kỹ thuật giúp việc Hội đồng tiền lương có đủ cơ sở để tin cậy hay không? Mức tăng lương tối thiểu năm 2020 mà Tổ Kỹ thuật đề xuất là 5,2% theo ông đã có sức thuyết phục hay chưa?
Các cách tính toán khác nhau sẽ cho con số khác nhau. Ví dụ: Sàn lương châu Á tính toán mức sống tối thiểu cho năm 2016 cho Việt Nam là 8,9 triệu. Liên minh lương đủ sống toàn cầu tính toán mức sống tối thiểu ở vùng I Việt Nam năm 2016 là 5,2 triệu. Cả hai phương pháp tính này của quốc tế tính cho năm 2016 nhưng kết quả mức sống tối thiểu 2016 của họ đều cao hơn mức lương tối thiểu hiện tại của Việt Nam.
Năm 2019, lương tối thiểu bình quân các vùng ở Việt Nam là 3,5 triệu và vùng I là 4,18 triệu. Như vậy có thể thấy cách tính lương tối thiểu của Việt Nam có độ vênh với phương pháp tính của quốc tế áp dụng cho thực tiễn Việt Nam, mặc dù quan niệm tính mức sống tối thiểu của các phương pháp đều tính đều bao gồm chi phí lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm tối thiểu cần thiết cho con người.
Trong tính toán của Tổ kỹ thuật, tôi thấy có một số bất cập sau:
Thứ nhất, tính chi phí lương thực thực phẩm: rổ hàng hóa Tổ kỹ thuật đưa ra là dựa trên thói quen tiêu dùng của nhóm dân cư có mức tiêu dùng thấp. Cụ thể là điều tra mức sống dân cư theo nhóm dân cư xếp từ 1 đến 10 (nhóm 1 là nhóm có mức tiêu dùng bình quân thấp nhất và nhóm 10 là nhóm có mức tiêu dùng bình quân cao nhất), thì mức sống tối thiểu mà Tổ kỹ thuật tính là dựa trên lượng calo tiêu dùng bình quân của nhóm 2 và nhóm 3.
Với người thu nhập thấp, tùy theo giá cả thị trường, năm nay, họ có thể ăn thịt bò, thịt vịt, nước cam, nước xoài… nhiều hơn (tức là ăn những loại thực phẩm ngon, dễ ăn hơn), nhưng đến năm sau họ có thể ăn những thực phẩm này ít hơn vì giá cả những thực phẩm này tăng, và thay vào đó, họ sẽ ăn nhiều thịt lợn, trứng gà, trứng vịt, lạc, đậu phộng, chuối hơn so với năm trước (những mặt hàng có giá cả thấp hơn)
Vì vậy, rổ hàng hóa Tổ kỹ thuật tính được điều chỉnh hàng năm tùy theo chi tiêu của nhóm dân cư, mặc dù tổng lượng calo vẫn như nhau. Mức đề xuất tăng 5,2% của Tổ kỹ thuật đưa ra mới chỉ đáp ứng được tổng lượng calo theo khuyến cáo của Viện dinh dương (là 2300 calo) nhưng không đảm bảo chất lượng bữa ăn. Đây là điểm bất cập trong tính chi phí lương thực thực phẩm của Tổ kỹ thuật.
Thứ hai, tính chi phí phi lương thực thực phẩm, để trang trải các chi phí khác ngoài thức ăn: Tổ kỹ thuật tính tỷ lệ lương thực thực phẩm/ phi lương thực thực phẩm là 48/52, tức là 48% là chi phi cho LTTP thì 52% là chi phí cho phi LTTP. Tuy nhiên, chúng ta đều biết đất nước càng phát triển, cuộc sống con người được cải thiện thì chi tiêu cho phi LTTP sẽ cao hơn.
Chi phí phi LTTP bao gồm cả chi phí dự phòng và phòng ngừa rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau, bệnh tật,… Tham khảo tỷ lệ LTTP/phi LTTP ở các nước khác có trình độ phát triển tương đồng với Việt Nam như Campuchia; Srilanka; Philipin; Fiji; Ấn Độ; Mông Cổ, và các nước khác thì thấy tỷ lệ chi cho phi LTTP ở các nước này đều cao hơn mức tính của Việt Nam. Đây là điểm bất cập thứ hai, tức là tỷ lệ lương thực thực phẩm/phi lương thực thực phẩm của Tổ kỹ thuật vẫn chưa được điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.
Ngoài ra, còn một số yếu tố nữa như chi phí nhà ở, tỷ lệ người phụ thuộc,.... tôi thấy cũng chưa thực sự phù hợp. Chi phí nhà ở được tính dựa trên giá thuê nhà ước tính (hơn 400.000 đồng/người) và mức ước tính này rất khó để thuê nhà ở đảm bảo chất lượng theo khuyến cáo. Hay tỷ lệ người phụ thuộc được tính bằng 70% của người lớn, nhưng thực tế, chi phí sữa sơ sinh, học hành và thuốc men của trẻ con nhiều khi cao hơn cả người lớn.
Ngoài ra. mức tăng 5,2% mà Tổ kỹ thuật đưa ra chưa tính tới các chỉ số phát triển của Việt Nam như tăng trưởng GDP và năng suất lao động .
3. Phải chăng tính toán của Tổ kỹ thuật chưa có tính thuyết phục nên hai bên (đại diện người sử dụng lao động là Phòng Thương mại – Công nghiệp Việt Nam và các hiệp hội cũng như bên đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) còn đưa ra những con số rất khác nhau và khác xa mức đề xuất của Tổ Kỹ thuật (2-3% của đại diện người sử dụng lao động và 7-8% của đại diện người lao động)?
Đúng vậy. TLĐ đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra mức tăng 7-8%, điều chỉnh lại những bất cập trong tính toán của Tổ kỹ thuật và cân nhắc rất nhiều yếu tố khác, bao gồm:
Thứ nhất, năm nay, GDP tăng tốt, khoảng 7% (năm 2018 đạt 7,08%, tăng cao nhất kể từ năm 2000 đến nay.
Thứ hai, năng suất lao động tăng xấp xỉ 6%, cũng là chỉ số tốt.
Thứ ba, đánh giá tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, tình hình xuất khẩu khẩu và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt ở các ngành đông lao động, với tỷ lệ đơn hàng tăng, cho thấy khả năng chi trả của doanh nghiệp tốt, phần nhiều các doanh nghiệp phát triển và mở rộng sản xuất, phải tuyển thêm lao động.
Rất nhiều doanh nghiệp trong các ngành dệt may, da giày, điện tử,… cho biết tình trạng khan hiếm lao động. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng hơn so với năm trước. Một số doanh nghiệp cho biết đơn hàng tăng là do nhãn hàng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Thứ tư, triển vọng phát triển của Việt Nam trong thời gian tới nhờ CPTPP và EVFTA có hiệu lực, sẽ có lợi về giảm thuế cho doanh nghiệp. Với CPTPP và EVFTA, lương tối thiểu đủ sống là yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp. Rất nhiều nhãn hàng quốc tế cam kết trả lương đủ sống và yêu cầu doanh nghiệp trả lương đú sống cho người lao động. Vì vậy, nếu tăng lương tối thiểu đủ sống sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh đơn hàng tốt hơn.
Thứ năm, Bộ Lao động cho biết tỷ lệ doanh nghiệp đã trả cao hơn mức lương tối thiểu năm 2019 đạt khá cao. Lương tối thiểu chỉ áp dụng với những người lao động yếu thế và có mức lương thấp, ngang với lương tối thiểu, và vì vậy, tăng lương tối thiểu sẽ không ảnh hưởng nhiều tới nhóm doanh nghiệp đã trả lương cao hơn lương tối thiểu.
4. Với tư cách là một chuyên gia, theo ông mức tăng lương tối thiểu năm 2020 ở mức nào thì có thể bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ nhưng vẫn thúc đẩy doanh nghiệp phát triển?
Như tôi đã nói ở trên, mức tăng 7-8% đã cân nhắc kỹ tất cả các yếu tố, bao gồm cả mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, triển vọng phát triển của nền kinh tế và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Nếu tăng dưới mức này, người lao động vẫn có thể sống được như bao nhiêu năm nay, nhưng chất lượng cuộc sống của họ không được cải thiện, chưa nói tới có một khoản phòng ngừa rủi ro trong cuộc sống.
Rất nhiều người lao động thu nhập thấp mà Tổng Liên đoàn LĐVN khảo sát cho biết khi ốm đau, họ không đủ tiền để trang trải viện phí và thuốc men, rơi vào tình trạng nợ nần và thậm chí phải bán cả phương tiện đi lại của mình; có người bệnh nặng phải bán cả nhà. Đây cũng là thực trạng gần đây báo chí và truyền thông đưa tin rất nhiều về tình trạng “tín dụng đen” trong công nhân lao động.
5. Giả sử năm 2020 đạt được mức tăng lương đảm bảo mức sống tối thiểu, vậy sang năm Hội đồng tiền lương quốc gia có họp để thương lượng về việc tăng lương nữa hay không? Nhiều nước trên thế giới thì đang hướng tới lương đủ sống. Ông kỳ vọng gì về mục tiêu này ở Việt Nam ta?
Chắc chắn cần tiếp tục thương lượng về tiền lương tối thiểu. Phương pháp tính toán mức sống tối thiểu của Việt Nam dựa trên thói quen tiêu dùng của nhóm dân cư thu nhập thấp và chi tiêu thấp, áp dụng từ năm 2010 đến nay đã không còn phù hợp trong điều kiện đất nước phát triển hiện nay. Hội đồng tiền lương cần xem xét lại phương pháp tính toán mức sống tối thiểu, cân nhắc các phương pháp tính toán mới, tham khảo các phương pháp tính toán của quốc tế để phù hợp hơn.
Nếu không, chúng ta sẽ xây dựng mức lương tối thiểu để duy trì mức sống tối thiểu mà không đảm bảo cải thiện chất lượng cuộc sống phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Không thể tiếp tục áp dụng phương pháp tính toán của 10 năm trước để áp dụng cho thời kỳ đất nước bước vào Cách mạng công nghiệp 4.0.
Quốc tế đang hướng tới lương đủ sống. Lương đủ sống mà quốc tế nói tới cũng không có gì khác là hướng tới đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của con người như tôi đã nói lúc đầu, bao gồm thực phẩm đủ dinh dưỡng, nhà ở phù hợp, các tiện ích, chăm sóc sức khỏe, quần áo, đi lại và giáo dục, quan hệ xã hội, cùng với một khoản tiền tiết kiệm cho tương lai và các sự việc bất khả kháng xảy ra.
Quốc tế quan niệm lương tối thiểu phải là lương đủ sống, tức là tối thiểu đủ sống hay đủ sống ở mức tối thiểu. Muốn làm được như vậy, như tôi đã nói, cần thay đổi phương pháp tính toán mức sống tối thiểu ở Việt Nam. Phương pháp tính của Việt Nam được áp dụng từ 10 năm trước, không còn phù hợp với nhu cầu cuộc sống và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay, nên nếu vẫn tiếp tục tính như vậy, sẽ không đảm bảo lương tối thiểu đủ sống ngày hôm nay.
Tôi xin nói thêm, lương không đủ sống có rất nhiều hệ lụy đối với sự phát triển và ổn định của đất nước.
Lương không đủ sống là nguyên nhân của 80% các cuộc đình công diễn ra ở Việt Nam trong nhiều năm qua.
Lương không đủ sống không kích thích người lao động làm việc, làm việc không năng suất và ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp.
Một điểm quan trọng là lương thấp sẽ không kích thích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, mà vẫn bị hút vào sử dụng lao động giá rẻ. Như vậy, không tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thời kỳ CMCN 4.0. Người lao động lương thấp sẽ phải làm thêm giờ để kiếm sống, không có thời gian nghỉ ngơi bù đắp sức khỏe, không có thời gian học tập nâng cao trình độ.
Vì vậy, tôi cho rằng chính sách lương tối thiểu phù hợp và đủ sống là hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Cần tận dụng lợi thế ngược về “độ trễ” Ông Lê Đức Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động, Viện ATVSLĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, đã đưa ra một số góp ý ... |
Thương mại điện tử ngày càng phát triển và những rủi ro kèm theo Tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại điện tử trong những năm gần đây ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhưng đi kèm với ... |
Tin cùng chuyên mục
Công đoàn - 11/09/2024 16:47
Công đoàn kêu gọi ủng hộ một ngày lương cho đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Các cấp Công đoàn Việt Nam vận động ủng hộ, hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 với mức phấn đấu là mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động một ngày lương/thu nhập trở lên.
Hoạt động Công đoàn - 11/09/2024 12:43
Thái Nguyên: Công nhân vùng lụt ăn ở miễn phí tại công ty
Do tình hình mưa lũ rất phức tạp, các cấp công đoàn tỉnh Thái Nguyên cùng với doanh nghiệp đã ngay lập tức có những phương án hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên và người lao động, vừa đảm bảo an toàn và sản xuất kinh doanh.
Hoạt động Công đoàn - 11/09/2024 10:00
Tấm gương cán bộ Công đoàn năng động, sáng tạo của Trường THCS Trần Quốc Toản
Cô giáo Trần Thị Hoàng Yến - Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Trường THCS Trần Quốc Toản (phường Tân Lập, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là một cán bộ Công đoàn năng động, đổi mới, sáng tạo trong công việc.
Hoạt động Công đoàn - 11/09/2024 06:53
Công đoàn Agribank CN thành phố Vĩnh Yên Vĩnh Phúc - ngôi nhà thân yêu của tôi
Cho đến khi tôi được gặp các anh chị đồng nghiệp của mình - Công đoàn Agribank Chi nhánh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), tôi mới nhận ra rằng, ngay cả những người từng xa lạ cũng có thể làm thay đổi cuộc sống và mang đến nhiều điều đẹp đẽ cho mình.
Hoạt động Công đoàn - 10/09/2024 16:58
Hải Phòng: Bão Yagi tàn phá nhiều nhà xưởng, công đoàn tập trung hỗ trợ toàn diện
Bão số 3 (Yagi) tàn phá nghiêm trọng nhiều nhà xưởng trong các khu công nghiệp tại TP Hải Phòng.
Hoạt động Công đoàn - 10/09/2024 08:02
Công đoàn Bệnh viện 108: Nâng cao chất lượng cuộc sống và khích lệ nỗ lực chuyên môn
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) từ lâu là một biểu tượng của sự tận tụy và đầy tình người. Trong đó, Công đoàn Bệnh viện 108 là người bạn đồng hành không thể thiếu, là cây cầu kết nối và là điểm tựa vững chắc cho tất cả các cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
- Công đoàn kêu gọi ủng hộ một ngày lương cho đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
- Tình dân tộc, nghĩa đồng bào mạnh hơn trong bão lũ…
- Thái Nguyên: Công nhân vùng lụt ăn ở miễn phí tại công ty
- Tuyển 1000 lao động làm nông nghiệp tại Australia
- Giá xe Mitsubishi Triton thế hệ mới từ 655 triệu tới 924 triệu đồng