Lao động nhập cư và làn sóng “bỏ phố về quê”
Người lao động - 06/11/2024 19:48 Phương Mai
Vai trò của tổ chức Công đoàn đối với lao động nữ di cư |
“Làm ở đâu thì cũng là kiếm tiền”
An cư và lạc nghiệp ở Hà Nội vốn là mục tiêu của không ít người, đặc biệt là người lao động nhập cư từ khu vực lân cận, các tỉnh Bắc Bộ. Thế nhưng, trước những rào cản trong cả công việc và đời sống, nhiều người chọn quay trở về quê hương lập nghiệp.
Chán ngấy cảnh tắc đường, nhiều người lao động chọn về quê để sống cuộc sống yên bình. Ảnh minh họa |
Tốt nghiệp một trong những trường đại học hàng đầu về luật, dành nhiều thời gian để học nâng cao và học thêm ngoại ngữ, song chị Trương Vũ Ánh (28 tuổi, quê Hà Nam) vẫn chọn về quê làm việc sau 3 năm “thử sức” ở chốn “phồn hoa đô thị”. Đáng nói, chị Ánh từng nuôi ước mơ trở thành một luật sư giỏi, nhưng chặng đường lại không thuận lợi như mong muốn.
Chị cho biết: “Thời điểm vừa ra trường, tôi có cộng tác cho một số văn phòng về luật, nhưng mức thu nhập chỉ 2 đến 3 triệu đồng/tháng. Nói là cộng tác nhưng thời gian đi làm và nghiên cứu các tài liệu gần như cả ngày, phải tranh thủ buổi đêm để làm thêm việc khác, mới được 5-6 triệu đồng/tháng. Như vậy cũng chỉ đủ để trang trải các chi phí khác như: tiền thuê nhà, tiền điện nước,..., cái gì cũng đắt đỏ. Nhưng vì có tiền chi trả mà gần như kiệt sức thế này thì “quá tội”, nên tôi quyết định về quê”.
Trở về địa phương, chị Ánh xin vào làm việc tại một công ty tư nhân trong Khu Công nghiệp (KCN) Đồng Văn, với mức lương khởi điểm 6 triệu đồng/tháng. Bù lại, các chi phí như: tiền thuê nhà, ăn uống bên ngoài gần như được bỏ hoàn toàn. KCN cách nhà khoảng 6km, hàng ngày chị tự đi xe máy đi làm, trưa được hưởng chế độ ăn của công ty. Việc này giúp chị Ánh còn có thêm khoản tiết kiệm.
“Sau 1 năm, lương tôi tăng lên khoảng gần 9 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng tôi chỉ cần phụ với gia đình 1 triệu cho sinh hoạt phí, còn lại tôi trích khoảng 3 triệu cho phần tiết kiệm. Kết hợp với các khoản tiền thưởng năng suất, tôi đã tự mua được cho mình chiếc xe máy đầu tiên. Đó là điều chưa từng dám nghĩ tới khi đi làm ở Hà Nội. Mua được xe tôi tiếp tục trích tiền gửi nhờ mẹ mua vàng giúp. Thời điểm vàng chưa tăng thì mua 2 tháng/chỉ, đợt này vàng cao, tôi chuyển sang tích lũy bằng tiền mặt”, chị Ánh cho biết.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian về quê, chị Ánh cũng từng rơi vào trạng thái “nhàm chán” cuộc sống cứ thế lặp đi lặp lại mỗi ngày. Bên cạnh đó, điều kiện vui chơi, giải trí cũng hạn chế, chị đã từng thêm một lần “ngược phố”. Thế nhưng, mức sống ở Thủ đô ngày một cao hơn trước, thêm việc quen đi “đường thông hè thoáng” ở quê khiến cô nhân viên ngay lập tức trở về nhà, vì không chịu nổi cảnh tắc đường.
Khác với chị Ánh, chị Lê Thủy (30 tuổi) chưa từng nghĩ sẽ về quê làm, mọi chuyện xảy ra gần như là “duyên định”. Ra trường với tấm bằng giỏi ngành Tài chính - Ngân hàng, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, chị đã nghĩ sẽ tìm cách định cư tại Thủ đô. Câu chuyện từ chính gia đình mình sau đó đã khiến chị Thủy thay đổi suy nghĩ.
Chị Lê Thủy chọn về quê làm việc và tận hưởng không gian yên bình nơi đây. Ảnh: NVCC |
Chị chia sẻ: “Ngày đó bà tôi mất, cậu tôi đi làm xa, nhưng suýt không thể về kịp vì đang có chuyến công tác và chuyến bay bị hoãn. Tôi đã nghĩ “làm ở đâu thì cũng là kiếm tiền, miễn đó là công việc chân chính”, vậy sao không chuyển về gần nhà, có thể thu nhập sẽ không bằng đâu, nhưng ít nhất là được gần người thân, đó mới là giá trị quý báu nhất mà tôi có nên tôi đã về”.
Về quê làm, bản thân chị Thủy cũng xác định sẽ thử 1-2 năm, nếu không hợp sẽ quay trở lại, coi như lấy trải nghiệm. “Dần dần thấy ở quê yên bình, sáng đi tối về ở với bố mẹ, ăn cơm bố mẹ nấu, ở nhà rộng rãi thoải mái. Nghĩ cảnh ở trọ ngại nên tôi quyết ở quê luôn, “trộm vía” công việc ở quê cũng ổn. Mà chẳng phải riêng tôi đâu, nhiều người bạn cùng lứa cũng dần chuyển về quê làm hết”, chị Lê Thủy cho biết.
Thay đổi diện mạo vùng quê, thu hút nhân lực
Có thể nói, cuộc sống bấp bênh tại thành phố lớn đang là rào cản lớn cho lao động ngoại tỉnh. Đa phần vì đi làm hàng chục năm nhưng lương chỉ đủ ăn uống cơ bản, thuê nhà và bù vào vật giá leo thang. Với công nhân, nếu không được chu cấp nơi ăn, ở, thậm chí khoản chi tiêu còn bị “hụt” so với mức lương tương đương nếu làm ở quê.
Một nguyên nhân khác khiến nhiều người lao động “di cư ngược” về quê đến từ nỗ lực thay đổi, đưa ra các chính sách mới về quyền lợi và đào tạo nguồn nhân lực đến từ các địa phương. Nhiều địa phương có chính sách ưu đãi để thu hút công nhân về nông thôn làm việc, như trả lương tương đương với thành phố, đào tạo nghề, công nhân có trình độ, tay nghề được sắp xếp, bố trí vị trí, thu nhập tương xứng...
Chẳng hạn, việc đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và đào tạo nghề tại chỗ giúp cải thiện khả năng tiếp cận việc làm chất lượng cao của người lao động.Tỉnh Nam Định hiện có 33 cơ sở GDNN, với tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT học đại học đạt trên 60%; tỷ lệ học sinh học trường nghề tăng hàng năm từ 10-15%... nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã dần đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động về trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỷ luật và tác phong lao động. Từ đó cung cấp được nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo vùng.
Học sinh Trường cấp 3 nông nghiệp (mô hình Nhật Bản) tại Nam Định trong một giờ thực hành. Ảnh: Báo Nam Định |
Hiện nay, tỉnh Nam Định đang quan tâm thu hút và lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp có chuyên môn và tiềm lực thực sự về tài chính, đầu tư hạ tầng; xúc tiến thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhất là những nhà đầu tư dự án lớn, có công nghệ cao thân thiện môi trường... Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đang tiếp cận, xúc tiến cơ hội đầu tư tại địa bàn tỉnh. Đây là cơ hội rất lớn mở ra với người lao động, khi nhu cầu tuyển dụng với chế độ đãi ngộ tốt ngày một lớn.
Hay việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông như: các tuyến cao tốc, các trục dọc đường ngang, cầu vượt sông lớn phá thế bị chia cắt, tạo ra không gian phát triển mới cũng được các địa phương chú trọng. Việc xây dựng và phát triển các khu, cụm công nghiệp mới tạo ra nhiều cơ hội việc làm.
Tại Hà Nam, công trình cầu vượt đường sắt Bắc - Nam kết nối đường Lê Duẩn với quốc lộ 1A và cầu Châu Sơn (TP Phủ Lý) đang được chú trọng. Đây là cầu vượt đường sắt tại nút giao đường Lê Duẩn - Đinh Tiên Hoàng (tuyến đường cũ từ TP Phủ Lý đi TP Nam Định). Với dự án này, phương tiện từ nút giao Liêm Tuyền có thể đi thẳng đường Lê Duẩn sang QL1A và ngược lại. Trong đó, có nhiều công nhân làm việc tại KCN Châu Sơn, việc đi làm mỗi ngày cũng trở nên thuận tiện và an toàn hơn.
Dự án cầu vượt khi hoàn thành sẽ cải thiện rõ rệt việc tham gia giao thông của người dân và công nhân tại KCN. Ảnh: GDTĐ |
Ngoài ra, các địa phương cũng đẩy mạnh nhiều chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông thôn, chế biến nông sản và dịch vụ du lịch sinh thái, cộng đồng, cũng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút người lao động về làm việc.
Việc “bỏ phố về quê” không chỉ đơn thuần là chuyển nơi làm việc, mà còn là hành trình tìm và gây dựng một cuộc sống yên bình, nhưng vẫn đủ đầy, phát triển của nhiều người lao động. Dù cơ hội việc làm ở một số ngành nghề còn chông chênh, nhưng nhiều người vẫn kỳ vọng về một tương lai đáng sống hơn nơi quê nhà, thậm chí, nhiều người trẻ đã đặt ra sẵn mục tiêu là “học xong sẽ quay về quê để làm việc”.
Lao động di cư thường là đối tượng đầu tiên bị cho nghỉ việc Do , nhiều lao động di cư vẫn thường phải làm những công việc tạm thời, phi chính thức ... |
Phần lớn lao động nữ di cư phải sống xa con, sinh hoạt không đảm bảo Thu nhập thấp, đời sống, nơi ở không đảm bảo nên phần lớn lao động nữ di cư phải chấp nhận cuộc sống xa con. |
Vai trò của tổ chức Công đoàn đối với lao động nữ di cư Sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp và quá trình đô thị hóa tạo luồng di cư lao động lớn, trong đó ... |