Nước ta hiện có hơn 400 khu công nghiệp, tập trung chủ yếu ở các khu vực kinh tế trọng điểm của cả khu vực Bắc, Trung, Nam. Các khu công nghiệp, khu chế xuất đã tạo việc làm cho trên 4 triệu lao động. Cũng theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong số các doanh nghiệp khảo sát, doanh nghiệp có lao động di cư từ 500 người trở lên chiếm 55,2%, trong đó nữ chiếm trung bình 30%. Cụ thể, ngành Dệt may – Da giày có tỉ lệ lao động nữ di cư khoảng 67%. Đây cũng là ngành có tỉ lệ lao động nữ di cư cao nhất, vì đặc thù các doanh nghiệp trong ngành này thường có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông lớn. Ngành Sản xuất điện, điện tử, tỷ lệ lao động nữ di cư chiếm khoảng 20%. Có thể thấy rõ, lực lượng lao động di cư đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng kinh tế, phát triển sản xuất, dịch vụ và tăng thu ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nơi họ đến. Theo khảo sát, có 93,5% người sử dụng lao động cho rằng lao động nhập cư góp phần tăng trưởng kinh tế cho doanh nghiệp và địa phương. |
Vai trò quan trọng nhất của tổ chức Công đoàn tại cơ sở là tham gia thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể. Tại các nơi khảo sát, 100% công đoàn tại doanh nghiệp đã đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động để ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó có các nội dung bảo vệ quyền của lao động nữ, như: thỏa thuận về tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, trợ cấp cho lao động nữ; về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nghỉ lễ, nghỉ phép của lao động nữ; và về các chế độ, chính sách đối với lao động nữ khi mang thai, nghỉ thai sản, nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản; tiền hỗ trợ gửi trẻ, nuôi con nhỏ; tiền đi lại… Mô hình phòng vắt trữ sữa mẹ tại nơi làm việc để hỗ trợ bảo quản sữa mẹ cho lao động nữ trong thời gian nuôi con nhỏ đang được một số doanh nghiệp trong hệ thống triển khai. Ảnh: ĐVCC Ở nhiều nơi, công đoàn đã đề xuất với người sử dụng lao động có các chính sách hỗ trợ lao động nữ trong việc chăm sóc con cái, như: hỗ trợ tiền gửi trẻ, hỗ trợ thời gian nghỉ khi con ốm đau... Ngoài ra, công đoàn cũng đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ em cho lao động nữ. Cùng với đó, công đoàn còn tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ làm thủ tục nhập học, chuyển trường cho con, hỗ trợ làm thủ tục thụ hưởng chính sách của địa phương theo Nghị định 105 của Chính phủ. LĐLĐ tỉnh Tuyên Quang trao sổ tiết kiệm cho con đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CĐCC Cùng với chăm lo trực tiếp, công đoàn tại các doanh nghiệp rất chú trọng trong tuyên truyền pháp luật, chính sách an sinh xã hội để người lao động, nhất là lao động nữ di cư hiểu rõ quyền, lợi ích của mình. Trong đó, vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần của lao động nữ di cư là điều tổ chức Công đoàn quan tâm tuyên truyền. Qua nắm bắt thông tin của tổ chức Công đoàn, chủ yếu là do khó khăn về tài chính nên để có thể trang trải chi tiêu hàng ngày, nhiều lao động nữ di cư đã lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần. Do đó, để nâng cao hiểu biết về pháp luật nói chung, bảo hiểm xã hội nói riêng, công đoàn rất tích cực tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội, những bất cập khi rút bảo hiểm xã hội một lần. *Video: Đồng chí Đỗ Hồng Vân phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác tuyên giáo và nữ công năm 2024. |
Về mặt chính sách: Đề xuất Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách có liên quan trực tiếp đến đời sống của lao động di cư, đặc biệt là các chính sách về việc làm, đào tạo nghề, bảo hiểm xã hội, nhà ở, chăm sóc sức khỏe... nhằm tạo cơ hội cho họ có thể song hành cùng với các nhóm lao động khác trong xã hội và bảo đảm chính sách đề ra không tác động tiêu cực đến lợi ích của phụ nữ di cư. Từ đó ban hành các quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền lợi của lao động nữ di cư, đặc biệt là quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con nhỏ. Cần nâng cao nhận thức về lao động di cư thông qua đối thoại chính sách và chia sẻ thông tin, tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về lao động nữ di cư. Xóa bỏ những định kiến và hiểu lầm về lao động nữ di cư, thúc đẩy sự đồng cảm và ủng hộ đối với lao động nữ di cư… Công đoàn tăng cường các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về lao động nữ di cư. Ảnh: CĐCC Nhà nước và chính quyền các thành phố lớn cần có những hỗ trợ thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống của lao động di cư, trước hết là hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm ổn định, cải tạo và phát triển các dịch vụ công cộng, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, bình ổn giá thuê nhà trọ, các loại phí thiết yếu đối với lao động di cư, như: tiền điện, nước, phí vệ sinh, học phí, phí trông trẻ... Đối với chính quyền địa phương: Một trong những vấn đề quan trọng đối với lao động di cư là vấn đề nhà ở, giúp “an cư lạc nghiệp”. Chính quyền địa phương cần đưa vào quy hoạch và dành quỹ đất xây dựng nhà ở cho lao động di cư, tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nữ di cư mua hoặc thuê nhà ở với giá cả hợp lý. Quan tâm nâng cấp cơ sở hạ tầng ở các khu vực có đông lao động nữ di cư sinh sống, trong đó chú trọng đến việc bố trí các công trình dịch vụ phục vụ sinh hoạt hàng ngày như chợ, siêu thị, nhà đa năng, các công trình phục vụ đời sống tinh thần của người lao động như nhà văn hóa, sân chơi thể thao… Siêu thị đoàn viên tại nhiều doanh nghiệp giúp lao động nữ tiết kiệm được chi phí và thời gian mua sắm. Ảnh: DENSO Chính quyền địa phương cần nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ lao động nữ di cư thuận lợi trong việc đăng kí khám chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế, sử dụng thẻ bảo hiểm y tế linh hoạt ở các cơ sở khám chữa bệnh. Đối với môi trường giáo dục con của lao động di cư: chính quyền địa phương cần quan tâm quy hoạch các công trình trường học, nhà trẻ, khu vui chơi, giải trí gần nơi ở của đông lao động di cư và hỗ trợ lao động nữ di cư tìm kiếm, sử dụng các dịch vụ chăm sóc, học hành của con em họ. Bên cạnh đó cần quan tâm áp dụng các chính sách thuận lợi về cư trú, về tiếp nhận con em của lao động di cư vào học tại các trường công lập của địa phương. |
ĐỖ HỒNG VÂN TRƯỞNG BAN NỮ CÔNG, TỔNG LĐLĐ VIỆT NAM |