Hai vợ chồng lao động bị thương trong vụ cháy ở Trung Kính đã chuyển viện
An toàn, vệ sinh lao động - 25/05/2024 08:44 Hà Vy
Nguy cơ cháy nổ tại các khu nhà trọ công nhân |
Đoàn công tác của Tổng LĐLĐVN đến thăm hỏi những người gặp nạn
Chiều ngày 24/5, đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cùng đoàn công tác đã tới Bệnh viện Giao thông vận tải để thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ cho 5 nạn nhân vụ cháy tại Trung Kính, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Cùng đi có đại diện LĐLĐ TP Hà Nội.
Đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện Giao thông vận tải Việt Nam về tình hình sức khoẻ các nạn nhân vụ cháy ở Trung Kính. Ảnh: Hải Nguyễn |
Trao đổi với phóng viên Cuộc sống an toàn, đồng chí Trần Thị Thanh - Phó Ban Phụ trách Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ TP Hà Nội cho biết, ngay sau khi nắm bắt được thông tin về vụ cháy tại số 1, ngách 43/98/31, ngõ 43 đường Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, LĐLĐ TP Hà Nội đã đề nghị các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khẩn trương rà soát thông tin về các đoàn viên công đoàn, người lao động và thân thân (bố mẹ, vợ, chồng, con là nạn nhân trong vụ cháy) chịu ảnh hưởng để báo cáo Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Qua nắm bắt đã có 14 người thiệt mạng trong vụ cháy, trong đó có 2 trường hợp tử vong là công nhân lao động.
Trong số những nạn nhân bị thương đang được điều trị tại Bệnh viện Giao thông Vận tải có chị N.T.X (quê Hòa Bình, làm việc tại công ty TNHH đầu tư giáo dục Trạng Nguyên) và chồng là anh N.T.K (quê Phú Thọ, làm việc tại Công ty CP ULTTY Việt Nam). Được biết, bà N.T.A.T (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là chủ nhà).
Anh N.T.K kể, vào khoảng 1 giờ sáng, đang ngủ thì vợ chồng anh giật mình vì 2 tiếng nổ. Sau đó, lửa nhanh chóng bùng phát dữ dội lên các tầng trên. Khi lửa xộc lên đến các phòng, không còn lối chạy ra ngoài, anh bình tĩnh trấn an vợ, cùng nhau tẩm nước vào vải, quấn thành nhiều lớp để che miệng, mũi, bịt kín các khe hở.
Trong tình huống nguy hiểm như vậy, hai vợ chồng cứ ở yên trong phòng, khi lực lượng phòng cháy, chữa cháy và và cứu hộ, cứu nạn đến dập tắt đám cháy mới ra ngoài.
Chị N.T.X cảm ơn lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thăm hỏi, động viên. Ảnh: Hải Nguyễn |
“Lửa cháy vào cửa sổ nhà tôi khiến vợ nhìn thấy rất hoảng sợ. Do từng được huấn luyện về phòng cháy và kỹ năng thoát nạn nên tôi hiểu rằng nếu chạy ra ngoài khi không có lối thoát nạn sẽ chỉ có con đường chết” - anh N.T.K cho biết.
|
BS. Bùi Hồng Giang, Trưởng khoa cấp cứu, Bệnh viện Giao thông Vận tải (Hà Nội) chia sẻ với phóng viên Cuộc sống an toàn: Hai vợ chồng anh N.T.K được đưa vào bệnh viện trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc được, người bám đầy tro bụi, SpO2 99%.
Trong số 6 nạn nhân được chuyển đến Bệnh viện Giao thông vận tải để điều trị, hai vợ chồng anh có sự tiến triển phục hồi tốt.
Tình trạng viêm phổi do bỏng đường hô hấp do khí độc cần được tiếp tục theo dõi nên hai vợ chồng anh được chuyển đến Khoa Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai vào chiều ngày 24/5.
Thăm hỏi, động viên các nạn nhân trong vụ cháy được điều trị tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Giao thông vận tải, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh đã động viên các nạn nhân, vợ chồng anh N.T.K yên tâm điều trị, tuân thủ phác đồ của bác sĩ để sớm hồi phục, quay trở lại với công việc và cuộc sống bình thường.
Tại đây, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã trao quà hỗ trợ cho các nạn nhân. Đại diện LĐLĐ TP Hà Nội và LĐLĐ quận Cầu Giấy cũng đã trao quà cho các nạn nhân.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Phan Văn Anh bày tỏ mong muốn, tập thể Bệnh viện tiếp tục dành những nguồn lực tốt nhất để cứu chữa kịp thời, chăm lo cho các nạn nhân, để họ ổn định tâm lý, sức khỏe, vượt qua tai nạn.
Theo BS. Bùi Hồng Giang, để phối hợp điều trị tốt nhất cho người bệnh trong vụ cháy nhà trọ này cả về sức khoẻ và tinh thần, tâm lý, trong chiều 24/5, Bệnh viện Giao thông Vận tải đã chuyển 3 trong tổng số 6 nạn nhân của vụ cháy nhà trọ ở phố Trung Kính, phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy, TP Hà Nội đang điều trị tại đây đến Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai điều trị.
Không thể nhảy xuống để thoát thân
Theo thông tin từ chính quyền địa phương, ngôi nhà xảy ra cháy được xây dựng với diện tích khoảng 150m2 trên tổng diện tích khu đất xây dựng là 205m2, phần diện tích còn lại khoảng 55m2 là sân trống. Tất cả các căn phòng trong ngôi nhà này đều được nối với hành lang thoáng, dễ dàng nhảy xuống sân nếu có sự cố xảy ra.
Tuy nhiên, khoảng sân 55m2 là sân trống bố trí để xe máy, xe đạp, xe đạp điện. Lúc vụ cháy xảy ra, toàn bộ khoảng sân này bao trùm trong ngọn lửa, những người trong nhà không thể nhảy xuống để thoát thân.
Trong khi đó, các hướng còn lại của nhà trọ bị bịt kín vì nằm sát các nhà bên cạnh. Phía tầng tum của ngôi nhà thấp hơn các căn nhà xung quanh nên các nạn nhân không thể trèo sang nhà hàng xóm để thoát hiểm.
Cúi thấp khi di chuyển khỏi đám cháyLiên quan đến đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các nhà cao tầng, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ cho biết: “Có nhiều nguyên nhân để xảy ra cháy nổ, trong đó về phía chủ đầu tư là tự ý hoán cải công năng tòa nhà, không thông báo với cơ quan chức năng và không đảm bảo điều kiện về PCCC. Các công trình chung cư mini, nhà cao tầng gây khó khăn đối với lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy như: chiều cao của công trình; ngõ hẹp. Kỹ năng thoát nạn là kỹ năng sinh tồn cần có với mỗi người dân để thoát khỏi nguy hiểm khi có cháy nổ. Với tình huống cháy từ căn hộ dưới đang cháy lên: Người dân nhìn qua cửa sổ thấy lửa khói đang liếm lên cửa sổ của căn hộ mình lập tức phải tháo toàn bộ rèm khỏi cửa sổ, ra khỏi toàn bộ những bức tường của nhà mình, giật xuống để hơi nóng không cháy lan qua rèm. Đồng thời sử dụng phương tiện ngăn nguy cơ cháy lan qua cửa sổ đến căn hộ mình như đóng cửa, sử dụng khăn ướt ngăn đám cháy qua cửa sổ, thông báo cho lực lượng chức năng, đưa thành viên trong gia đình ra chỗ thoáng khí để không hít phải hơi khí độc và chờ lực lượng chức năng đến hỗ trợ cứu nạn. Đó là giải pháp cuối cùng khi không còn đường thoát nạn thì bắt buộc ở trong căn hộ. Còn khi di chuyển thoát nạn trên hành lang có khói thì quá trình di chuyển phải hạ thấp trọng tâm, khoảng cách 60cm tính từ sàn trở lên là vùng không khí tương đối sạch để giảm thiểu nguy cơ hít phải khói khí độc. Trong quá trình di chuyển có mặt nạ phòng chống khói, khí độc hoặc sử dụng khăn ẩm khăn ướt, bịt vào cơ quan hô hấp để giảm thiểu nguy cơ hít phải khói khí độc. Đó là kỹ năng sống, giúp chúng ta giảm thiểu nguy cơ bị thiệt mạng trong đám cháy, tăng khả năng cứu được người thân, hàng xóm và đồng nghiệp, bạn bè. Đó là điều quan trọng mà mỗi người dân cần tìm hiểu, rèn luyện, bồi dưỡng để đảm bảo an toàn cho chính mình và cho cộng đồng. Mỗi người dân hãy học kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng sinh tồn để đảm bảo an toàn trong đám cháy". |
Tin cùng chuyên mục
An toàn, vệ sinh lao động - 06/09/2024 19:30
"Siêu bão" Yagi đổ bộ, cần làm gì để tránh xảy ra hỏa hoạn, thương tích?
Bão Yagi đổ bộ, người dân, hộ gia đình, cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần cẩn trọng, chủ động phòng ngừa cháy, nổ trong mọi thời điểm.
Người lao động - 06/09/2024 11:50
"Siêu bão" Yagi: Chuyên gia đưa lời khuyên ứng phó cho các ngành nghề
Chuyên gia Tổng cục Khí tượng Thủy văn đưa ra lời khuyên trong phòng, tránh "siêu bão" Yagi sắp tới, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.
An toàn, vệ sinh lao động - 01/09/2024 17:53
"Đau chết lặng vì tai nạn lao động, bố tôi vẫn nhận lỗi do mình chủ quan"
Mỗi lần nhớ về người bố đã khuất, chị Nguyễn Thị Thanh Hoàn - Công đoàn cơ sở Văn phòng I Tập đoàn Dệt May Việt Nam luôn nhớ về hình ảnh bố mình bặm môi, ngực loang lổ vết máu ở phòng cấp cứu, vẫn nhận lỗi tai nạn do mình chủ quan.
An toàn, vệ sinh lao động - 20/08/2024 16:35
Sẽ ra mắt nhiều sản phẩm truyền thông mới về phòng, chống tác hại thuốc lá
Nhiều sản phẩm truyền thông mới của Công đoàn về phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ ra mắt trong năm nay là lời khẳng định của đại diện lãnh đạo Tạp chí Lao động và Công đoàn tại toạ đàm diễn ra sáng nay (20/8).
An toàn, vệ sinh lao động - 20/08/2024 07:16
Từ kinh nghiệm thực tế đến Giải thưởng về công tác an toàn vệ sinh lao động
Từ ý thức, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tế về an toàn vệ sinh lao động, cùng với sự vận dụng linh hoạt các kiến thức pháp luật đã giúp anh Hồ Nam Hải (Skypec) đoạt giải trong cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu công tác ATVSLĐ”.
An toàn, vệ sinh lao động - 16/08/2024 06:00
Phòng ngừa tai nạn lao động nhìn từ chất lượng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung quan trọng của công tác ATVSLĐ. Thực hiện tốt công tác này sẽ giúp nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và cả thái độ cho người sử dụng lao động (SDLĐ), người lao động. Qua đó, bảo đảm ATVSLĐ, phòng ngừa, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn lao động.
- Bão Yagi đổ bộ, người lao động đặc biệt lưu ý sẽ có “khoảng lặng” nguy hiểm
- Trước giờ siêu bão Yagi đổ bộ: Sỹ quan, thuyền viên và các đội tàu đã trú ẩn an toàn
- Xe điện Volvo EC40 cập bến Việt Nam, có thể ra mắt cuối năm nay?
- Kỳ 1: Thầy giáo người Mạ giàu tình cảm và lương thiện
- Chủ động triển khai kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho đoàn viên, người lao động