Gian nan đi tìm quyền lợi sau tai nạn lao động của một giảng viên Trường ĐH Quảng Bình
An toàn, vệ sinh lao động - 07/11/2022 18:19 ĐỖ THIỆM
Nhanh chóng giải quyết chế độ cho người bị nạn ở Công ty MiwonChờ giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệpKết dư quỹ lớn nhưng giải quyết và chi trả chế độ hạn chế |
Cô giáo Bùi Thị Mến trong thời gian điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba (tỉnh Quảng Bình) sau tai nạn lao động. Ảnh: NVCC |
Hai đoàn điều tra - hai kết luận
Ngày 12/3/2021 trên đường từ nhà đến Trường Đại học Quảng Bình để nhập điểm học phần thực tế chuyên môn cho lớp Đại học Sư phạm Giáo dục Tiểu học 2 (K59) thì cô Mến bị ngã xe máy, xe đè lên chân và người nên bị chấn thương. Cô được người dân hỗ trợ và đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba.
Vụ tai nạn của cô Mến được một số người dân chứng kiến. Sau đó, được lập biên bản và trình báo để Công an phường Nam Lý, thành phố Đồng Hới xác nhận. Ngay sau khi được sơ cấp cứu, cô Mến đã nhắn tin, chụp bảng điểm gửi qua Zalo nhờ cô Trần Thị Ánh Tuyết nhập điểm giúp cho sinh viên; đồng thời cô cũng làm tờ trình báo cáo Khoa Sư phạm và Phòng Đào tạo - Trường Đại học Quảng Bình về sự việc mình bị tai nạn, phải nhập viện và xin nghỉ để điều trị chấn thương.
Sau đó, cô phải tiếp tục bổ sung nhiều lần giấy tờ để chứng minh bản thân bị tại nạn trên tuyến đường và trong thời gian đến trường làm nhiệm vụ. Đó là 2 lần bổ sung xác nhận của Công an phường Nam Lý về vụ tai nạn (lần thứ nhất là ngày 18/3/2021 và lần thứ hai là ngày 16/11/2021); 2 lần bổ sung giấy ra viện cùng giấy chứng nhận thương tích (lần thứ nhất điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cu Ba từ ngày 12/3 – 29/3/2021 và lần thứ hai điều trị tại Bệnh viện Việt Đức từ ngày 11/4 – 27/4/2021. Ngày 21/7/2021, bổ sung đơn xin làm hồ sơ tai nạn lao động gửi Trường Đại học Quảng Bình. Đến ngày 20/8/2021, đoàn điều tra tai nạn lao động của nhà trường mới tiến hành điều tra và kết luận “Không phải là tai nạn lao động”.
Không đồng ý với kết luận của đoàn điều tra tai nạn cấp cơ sở, cô Mến khiếu nại đến Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình và được giải quyết theo Quyết định số 1966/QĐ-ĐHQB ngày 29/11/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình – PGS.TS Nguyễn Đức Vượng với nội dung giữ nguyên kết luận của đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở.
Để bảo vệ quyền lợi cho mình, cô Mến tiếp tục gửi đơn đến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình khiếu nại Quyết định hành chính số 1966/QĐ-ĐHQB ngày 29/11/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.
Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình và một số ngành chức năng đã kịp thời vào cuộc, tổ chức điều tra, xác minh lại vụ việc theo quy định. Ngày 05/5/2022, Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh tiến hành điều tra lại vụ tai nạn đối với cô Mến.
Sau khi xem xét hồ sơ, tài liệu, làm việc với những người liên quan và thu thập thêm chứng cứ chứng minh, Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Quảng Bình đã kết luận về vụ tai nạn như sau: “Bà Bùi Thị Mến bị tai nạn đang trên tuyến đường từ nơi ở đến nơi làm việc để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong quãng đường hợp lý, thời gian hợp lý là đủ điều kiện để hưởng chế độ tai nạn lao động theo quy định pháp luật”.
Đại diện Trường Đại học Quảng Bình thể hiện quan điểm trong biên bản của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh. Ảnh: NVCC |
Thế nhưng, tại biên bản điều tra của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, đại diện Trường Đại học Quảng Bình – Phó Hiệu trưởng Võ Khắc Sơn ghi rõ: “Trường Đại học Quảng Bình không đồng ý với kết luận của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh tại biên bản này”.
Tiếp đó, UBND tỉnh Quảng Bình đã thành lập đoàn liên ngành, xác minh vụ việc và Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định 1998/QĐ-UBND ngày 14/4/2022 về việc giải quyết khiếu nại của cô Bùi Thị Mến (lần 2), công nhận nội dung khiếu nại của cô Mến đối với Quyết định số 1966/QĐ-ĐHQB ngày 29/11/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình; đồng thời, yêu cầu Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Bình: “Hủy bỏ Quyết định số 1966/QĐ-ĐHQB ngày 29/11/2021; cấp giấy giới thiệu giám định y khoa đối với bà Bùi Thị Mến”.
Ngày 27/7/2022, Trường Đại học Quảng Bình có văn bản giới thiệu cô Bùi Thị Mến đi giám định y khoa. Tại biên bản giám định số 53/GĐYK-TNLĐ ngày 19/8/2022, Hội đồng giám định y khoa tỉnh Quảng Bình kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động của cô Mến là 34%. Ngày 12/9/2022, Trường Đại học Quảng Bình có văn bản số 1713/TNLĐ-ĐHQB kèm hồ sơ gửi Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp tai nạn lao động cho cô Bùi Thị Mến.
Căn cứ hồ sơ, tài liệu liên quan và quy định pháp luật về Bảo hiểm xã hội, an toàn, vệ sinh lao động, ngày 28/9/2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định về việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động đối với cô Bùi Thị Mến, mức hưởng 1.340.453 đồng/tháng, thời gian được hưởng từ tháng 8/2022.
Như vậy, sau 17 tháng gian truân kể từ khi bị tai nạn, cô Bùi Thị Mến mới chứng minh được sự thật và được hưởng đúng quyền lợi vốn dĩ đã có của chính mình.
Không giấu được niềm vui, cô giáo Bùi Thị Mến khoe với chúng tôi rằng cô vừa được nhận lương hưu của 5 tháng liền kề từ khi có quyết định nghỉ hưu đến nay, đây cũng là lần nhận lương hưu đầu tiên của cô sau gần ba chục năm gắn bó với nghề.
“Dù qua không ít gian nan nhưng cuối cùng thì lương hưu đã được nhận và cũng được công nhận tai nạn lao động. Vậy là mình cũng toại nguyện rồi” - vừa lật từng trang hồ sơ cá nhân, cô giáo Bùi Thị Mến vừa trải lòng.
Đưa cho phóng viên Tạp chí Lao động và Công đoàn xem quyết định về việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, cô giáo Bùi Thị Mến phân trần: “Cực chẳng đã cô mới phải đơn thư, khiếu nại; có được quyết định này rồi nhưng thực sự trong lòng cũng chẳng được vui, vì dù sao quá trình đằng đẵng theo đuổi vụ việc cũng phần nào ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, làm tổn thương đến tình đồng nghiệp, mối quan hệ với lãnh đạo và cả thanh danh, uy tín của nhà trường”.
Qua vụ việc này, cô Mến cũng mong muốn các cấp, các ngành chức năng liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến, tập huấn cho cả người lao động, cán bộ công đoàn và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về pháp luật an toàn, vệ sinh lao động để không có trường hợp đáng tiếc xảy ra tương tự như trường hợp của mình.
Quyết định hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng - gần 2 năm sau vụ tai nạn cô Bùi Thị Mến mới được hưởng. Ảnh: NVCC |
Ý kiến từ ngành chức năng
Là người được phân công làm Trưởng đoàn Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, trực tiếp điều tra lại vụ tai nạn lao động của cô giáo Bùi Thị Mến, đồng chí Đoàn Xuân Toản, Phó Chánh thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho biết, đây là vụ việc có tình tiết khá đơn giản, thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị sử dụng lao động (cấp cơ sở). Sở dĩ vụ việc kéo dài và cả cấp tỉnh phải vào cuộc, chủ yếu là do thiếu sự am hiểu kiến thức pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội, … của những người có thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
“Tình tiết quan trọng trong vụ việc này là việc xác định chính xác người lao động (NLĐ) bị tai nạn có đúng là đang trên tuyến đường từ nơi ở đến nơi làm việc để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong quãng đường hợp lý, thời gian hợp lý hay không”, đồng chí Toản nhấn mạnh.
Đồng chí Đoàn Xuân Toản bày tỏ, khi giải quyết vụ việc, những người có trách nhiệm, có thẩm quyền cần chủ động nắm chắc những quy định pháp luật có liên quan. Ở đây cụ thể là những quy định về quản lý, phân công lao động, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nội quy lao động (hay quy chế làm việc); những quy định về an toàn, vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội…
Đồng thời phải thấm nhuần quan điểm của Đảng, Nhà nước trong giải quyết công việc liên quan đến người dân. Ở vụ việc này, đó là phải đặt quyền lợi của NLĐ lên trên hết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ trong khuôn khổ pháp luật. Cần đặt mình vào hoàn cảnh, điều kiện của NLĐ, tư vấn, hỗ trợ họ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định chứ không phải chỉ máy móc, rập khuôn theo kiểu “khi nào có đủ hồ sơ thì mới giải quyết”.
Qua vụ việc của cô Bùi Thị Mến, đồng chí Đoàn Xuân Toản cũng nhắn nhủ đến NLĐ cần chủ động tìm hiểu và chấp hành nghiêm về thời gian, nội quy lao động, làm việc của cơ quan, đơn vị, nhất là việc thông tin, báo cáo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được phân cấp, phân công. Kịp thời báo cáo với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp…
Đồng chí cũng cho rằng, trong điều kiện hiện nay và thời gian tới, khi quan hệ lao động ngày càng phức tạp, hình thức thể hiện cũng phong phú, đơn cử như hình thức hợp đồng lao động qua thư điện tử, email, hay nơi làm việc của một số ngành nghề mới cũng linh hoạt, do NLĐ tự bố trí, sắp xếp…điều đó đòi hỏi cả NLĐ và người sử dụng lao động phải thường xuyên cập nhật những quy định pháp luật mới, điều chỉnh quan hệ mới phát sinh này như thời giờ làm việc, việc làm, tiền lương, Bảo hiểm xã hội và nhất là trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.
Còn đồng chí Đinh Quang Công, chuyên viên Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình, thành viên Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh trong vụ tai nạn lao động của cô Bùi Thị Mến thì cho rằng: “Trong vụ việc này, nếu những người được phân công giải quyết ở cấp cơ sở nắm chắc quy trình, hồ sơ thủ tục điều tra, kết luận về tai nạn lao động và giải quyết chế độ chính sách cho người bị tai nạn lao động thì chắc chắn không bị rơi vào tình trạng bị động, bế tắc như vậy”.
Qua đó, đồng chí Công cũng đưa ra khuyến nghị đối với công đoàn cơ sở trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là cần nắm vững và thực hiện quyền, trách nhiệm của tổ chức mình trong công tác an toàn, vệ sinh lao động theo Điều 10 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015. Chủ động tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, ...
Cũng theo đồng chí Đinh Quang Công, để có thể chủ động trong tham gia đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo quy định, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, cán bộ công đoàn cơ sở phải thường xuyên tìm hiểu, trang bị cho mình những kiến thức pháp luật và kinh nghiệm trong đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của NLĐ, người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động, …
Quy trình điều tra tai nạn lao động quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 11 Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động như sau: “Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động nhẹ hoặc tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của người sử dụng lao động quy định tại khoản 1 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, người sử dụng lao động phải thành lập ngay đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở…”. Hay tại Điều 13 Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định: “Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở điều tra theo quy trình, thủ tục sau đây: 1. Thu thập dấu vết, chứng cứ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động. 2. Lấy lời khai của nạn nhân, người biết sự việc hoặc người có liên quan đến vụ tai nạn lao động theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này. 3. Đề nghị giám định kỹ thuật, giám định pháp y (nếu xét thấy cần thiết). 4. Phân tích kết luận về: diễn biến, nguyên nhân gây ra tai nạn lao động; kết luận về vụ tai nạn lao động; mức độ vi phạm và đề nghị hình thức xử lý đối với người có lỗi trong vụ tai nạn lao động; các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tai nạn lao động tương tự hoặc tái diễn”. Còn tại Điều 23 Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định: “Trường hợp người lao động bị tai nạn giao thông khi đang thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động hoặc khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc đi từ nơi làm việc về nơi ở thì đoàn điều tra tai nạn lao động có thẩm quyền quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động, Điều 11 và Điều 21 Nghị định này tiến hành xác minh, lập biên bản điều tra tai nạn lao động căn cứ vào một trong các văn bản, tài liệu sau đây: 1. Hồ sơ giải quyết tai nạn giao thông của cơ quan cảnh sát giao thông; 2. Văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan công an cấp xã nơi xảy ra tai nạn; 3. Văn bản xác nhận bị tai nạn của chính quyền địa phương nơi xảy ra tai nạn”. |
Giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 Giai đoạn 2016 - 2020 Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã giải quyết cho 14.255 trường hợp được hưởng trợ ... |
“Văn hóa đổ lỗi” trong xử lý tai nạn lao động Những năm qua, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) giảm ở tất cả các chỉ số. Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy ... |
Kết dư quỹ lớn nhưng giải quyết và chi trả chế độ hạn chế Theo đại diện của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Bộ phận phụ trách Bảo hiểm xã hội ngắn hạn), công tác giải quyết và ... |
Tin cùng chuyên mục
An toàn, vệ sinh lao động - 01/09/2024 17:53
"Đau chết lặng vì tai nạn lao động, bố tôi vẫn nhận lỗi do mình chủ quan"
Mỗi lần nhớ về người bố đã khuất, chị Nguyễn Thị Thanh Hoàn - Công đoàn cơ sở Văn phòng I Tập đoàn Dệt May Việt Nam luôn nhớ về hình ảnh bố mình bặm môi, ngực loang lổ vết máu ở phòng cấp cứu, vẫn nhận lỗi tai nạn do mình chủ quan.
An toàn, vệ sinh lao động - 20/08/2024 16:35
Sẽ ra mắt nhiều sản phẩm truyền thông mới về phòng, chống tác hại thuốc lá
Nhiều sản phẩm truyền thông mới của Công đoàn về phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ ra mắt trong năm nay là lời khẳng định của đại diện lãnh đạo Tạp chí Lao động và Công đoàn tại toạ đàm diễn ra sáng nay (20/8).
An toàn, vệ sinh lao động - 20/08/2024 07:16
Từ kinh nghiệm thực tế đến Giải thưởng về công tác an toàn vệ sinh lao động
Từ ý thức, trách nhiệm, kinh nghiệm thực tế về an toàn vệ sinh lao động, cùng với sự vận dụng linh hoạt các kiến thức pháp luật đã giúp anh Hồ Nam Hải (Skypec) đoạt giải trong cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu công tác ATVSLĐ”.
An toàn, vệ sinh lao động - 16/08/2024 06:00
Phòng ngừa tai nạn lao động nhìn từ chất lượng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung quan trọng của công tác ATVSLĐ. Thực hiện tốt công tác này sẽ giúp nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và cả thái độ cho người sử dụng lao động (SDLĐ), người lao động. Qua đó, bảo đảm ATVSLĐ, phòng ngừa, góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn lao động.
An toàn, vệ sinh lao động - 14/08/2024 17:59
An toàn cho người thân yêu - thông điệp sâu sắc từ cuộc thi "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ"
Cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” đã thu hút đoàn viên, NLĐ ở nhiều ngành, nghề tham gia, truyền tải thông điệp sâu sắc và góp phần khẳng định vai trò Công đoàn trong công tác ATVSLĐ.
An toàn, vệ sinh lao động - 14/08/2024 13:07
Công đoàn vào cuộc, tập trung điều trị tốt nhất cho công nhân nghi ngộ độc ở Vĩnh Long
Sáng nay 14/8, lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long đã trực tiếp thăm hỏi các công nhân nhập viện do nghi ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Bo Hsing. LĐLĐ tỉnh cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hỗ trợ, điều trị tốt nhất các các công nhân nhập viện, tích cực phối hợp làm rõ nguyên nhân vụ nghi ngộ độc thực phẩm đông người này.
- Thợ cắt tóc, thợ may và giáo viên tư thục vào nghiệp đoàn
- Người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không phải báo trước khi nào?
- Công đoàn Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân thắp sáng niềm đam mê nghề giáo trong tôi
- TP HCM đón “siêu” trung tâm khám chữa bệnh hạng sang lớn nhất Việt Nam
- Công đoàn Công ty Greystone Data System Viet Nam - nơi gửi gắm tin yêu của lao động trẻ