Cô giáo mầm non kiên trì “bám nghề” nhờ công đoàn động viên, hỗ trợ
Hoạt động Công đoàn - 12/09/2024 07:42 Bùi Kim Thoa
Đồng chí Nguyễn Phúc Linh tái đắc cử Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bến Tre |
Cô giáo trẻ làm dâu “xứ lạ”
Tôi là Bùi Kim Thoa, giáo viên Trường Mầm non Thạnh Phú, quê tôi ở Quảng Nam. Tôi về trường gần được 7 năm. 7 năm để nhận ra rằng, nơi tưởng chừng như xa lạ, mới mẻ này chính là ngôi nhà đã đùm bọc, “cưu mang” cuộc đời tôi.
Mỗi một con người đều phải trải qua nhiều sự thay đổi và mỗi giai đoạn thay đổi ấy có thành công, có thất bại. Nhưng giống nhau là đều có những khó khăn buộc ta phải đối mặt.
Hạnh phúc khi được gắn bó với nghề mình yêu thích. Ảnh: ĐVCC |
Nếu ta cố gắng hết sức, kiên trì để vượt qua khó khăn ấy thì thành công sẽ đến. Còn nếu ta không đủ sức mạnh và kiên trì để vượt qua nó thì đón chờ chúng ta chính là thất bại. Nhưng trong giai đoạn khó khăn ấy, nếu chúng ta có một sự trợ giúp, hoặc một sự động viên tích cực nào đó đến từ chính tập thể của mình thì thật sự chúng ta có thêm sức mạnh, có thêm kiên trì để vượt chông gai đến thành công!
Tôi xin kể lại câu chuyện của đời mình. Từ sau khi tốt nghiệp sư phạm Mầm non năm 2010, tôi may mắn hơn một số bạn là đã xin được việc ngay ở Trường Mầm non Quốc tế Buôn Ma Thuột và nhận được mức lương khá cao. Tôi sống với gia đình mẹ ruột, mức sống ổn định nếu không nói là sung túc.
Năm 2013, tôi kết hôn, chồng tôi là một chàng trai Bến Tre, là kỹ sư xây dựng mới ra trường với tương lai rộng mở. Tôi vẫn duy trì với công tác giáo dục của mình ở Trường Mầm non Quốc tế Buôn Ma Thuột, chồng tôi cũng có mức lương ổn định khi đầu tư vào kinh doanh game.
Cứ nghĩ cuộc sống hạnh phúc và sung túc như thế là mãi mãi nhưng biến cố bất ngờ ập tới. Cha chồng tôi đột ngột qua đời, mẹ chồng tôi suy sụp, sống cô đơn không ai chăm sóc. Là con trai út trong gia đình nên chồng tôi có nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ lúc về già. Thay vì sẽ tích cóp kinh tế chục năm nữa sẽ về quê ổn định cuộc sống thì nay biến cố bất ngờ lại xảy ra khiến chúng tôi dang dở mọi dự định.
Việc chăm sóc mẹ già neo đơn cách chúng tôi 500km đẩy chúng tôi vào thế khó. Chồng tôi là một người chồng tốt, người con hiếu thảo. Để anh ấy không phải đau khổ khi đứng giữa 2 sự lựa chọn vợ và mẹ, năm 2018 tôi quyết định bỏ tất cả những dự định tương lai, bỏ tất cả những gì thân quen để cùng anh về Bến Tre chăm sóc mẹ già.
Lúc này chúng tôi mới sinh bé trai đầu lòng hơn 1 tuổi. Ngày tôi về nhà chồng, mẹ ruột tôi và anh chị tôi khóc mướt, vì lo con gái út vụng về, có làm dâu xứ lạ được không? Có bị bơ vơ hay không? Để an ủi mẹ, tôi hứa rằng nếu khó khăn nhất định tôi sẽ nhận sự giúp đỡ của mẹ và các anh chị.
Ngày tôi khăn gói về Bến Tre, tôi bỡ ngỡ, “sốc” về văn hóa, thói quen, cách sống, ngôn ngữ, ẩm thực... Nhưng điều giúp tôi cảm thấy ấm lòng là tình cảm yêu thương của gia đình chồng, của bà con làng xóm và sự chào đón của những đồng nghiệp Trường Mầm non Thạnh Phú dành cho tôi.
Lúc này tôi đang là giáo viên hợp đồng của Trường Mầm non Thạnh Phú. Cuối năm 2019, tôi dự thi cuộc thi tuyển viên chức nhà nước và đã đậu biên chế với thời gian tập sự nhà nước là 6 tháng, mức lương 2,3 triệu đồng. Chính thức là đoàn viên của Công đoàn Trường Mầm non Thạnh Phú.
Vượt qua biến cố cuộc đời nhờ công đoàn giúp đỡ
Từ mức lương 12 triệu/ tháng xuống mức lương 2,3 triệu đồng/ tháng, tôi vẫn cố gắng chắt chiu tằn tiện để vượt qua. Nhưng chính lúc này biến cố mới chính thức ập tới!
Ngày mùng 3 Tết năm 2019, tôi phát hiện mình có bầu bé thứ 2, chưa kịp vui mừng thì ngày mùng 9 Tết, chồng tôi trên đường đi làm thị bị tai nạn. Tôi nghe tin lập tức chạy vào bệnh viện. Chồng tôi tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng chân lại bị thương nặng, trước mắt điều trị ít nhất 2 tháng.
Đàn bò phát triển tốt sau 5 năm nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách thông qua sự kết nối của Công đoàn Nhà trường. Ảnh: ĐVCC |
Tôi vẫn cố gắng cùng chồng vượt qua, ngày đi làm, đêm ôm con nhỏ vào chăm chồng trong bệnh viện. Nhưng áp với câu “họa vô đơn chí”, biến cố lại ập tới khi con trai lớn khi ấy mới 2 tuổi hơn, bị hóc xương cá khi ăn cơm. Nghe tin tôi vội vã bỏ công việc dang dở ôm con vào viện. Chưa hết, trong lúc rối ren, kẻ gian trộm mất chiếc điện thoại của tôi.
Sau khi chờ bé hồi sức sau tiểu phẫu về, tôi tiếp tục “ngày đi làm, tối về chăm chồng”. Mẹ chồng tôi thì già yếu không phụ giúp được gì. Sau khi sinh bé thứ 2, kinh tế của tôi đã hoàn toàn cạn kiệt. Lúc này tôi đã có ý định sẽ nghỉ dạy để kiếm công việc khác làm. Vì cả nhà 5 “miệng ăn” chỉ trông chờ vào mỗi lương của tôi (lúc này lương của tôi là 3,4 triệu đồng).
Trong lúc “nằm ổ”, tôi bị 1 vết thương độc gây nhiễm trùng nặng. Trên đường đi viện thì bị rớt mất số tiền cuối cùng mà tôi dành dụm. Mọi sự kiên trì của tôi tưởng đã cạn kiệt thì chính lúc này, tôi nhận được quan tâm vô cùng tích cực của đồng nghiệp giáo viên trường.
Đứng đầu là đồng chí Nguyễn Thị Thủy- Chủ tịch Công đoàn trường khi ấy đã có những sự trợ giúp trong nhiều mặt. Từ kêu gọi giúp đỡ “lá lành đùm lá rách”, cho đến tạo cơ hội cho tôi được hưởng những chế độ hỗ trợ đến từ các tổ chức xã hội khác. Và luôn san sẻ, hỗ trợ tôi trong công tác giảng dạy, tạo điều kiện cho tôi được vượt qua những khó khăn ấy.
Công đoàn Trường Mầm non Thạnh Phú luôn đồng hành và chia sẻ khó khăn. Ảnh: ĐVCC |
Các đồng nghiệp luôn gần gũi, quan tâm và động viên tôi, san sẻ bớt những khó khăn. Ban chấp hành Công đoàn đã đề cử cho tôi được vay vốn bên ngân hàng chính sách nhà nước mua bò nuôi cải thiện kinh tế.
Sau khi chồng tôi khỏe mạnh lại, chồng tôi đã tiếp tục đi làm và gia đình tôi lúc này cũng đã dần vượt qua những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua lúc ấy! Đã có hơn một lần tôi có suy nghĩ buông bỏ tất cả, kể cả bỏ cả công việc yêu thích để kiếm tìm một hướng đi khác. Nhưng rất may mắn tôi đã nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ của Công đoàn Trường Mầm non Thạnh Phú một cách kịp thời, tiếp thêm sức mạnh cho tôi kiên trì vượt qua khó khăn để duy trì công việc và đã có một cuộc sống ổn định.
Cho đến hôm nay, tôi đã gắn bó với ngôi Trường Mầm non Thạnh Phú được gần 7 năm. Tôi đã có cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn và thực sự đã coi mình là một người con của Bến Tre.
Nhưng tôi vẫn luôn nhớ mãi những việc làm mà Công đoàn Nhà trường đã làm cho tôi khi ấy. Trong 7 năm này, tôi đã chứng kiến rất nhiều sự trợ giúp, quan tâm của công đoàn đến những hoàn cảnh khó khăn. Và nhờ sự quan tâm và giúp đỡ kịp thời đó mà những hoàn cảnh ấy lần lượt đã vượt qua. Tôi dành sự kính trọng và lòng biết ơn vô bờ đối với tập thể Công đoàn Trường Mầm non Thạnh Phú. Tin rằng, chính “mái ấm” này sẽ tiếp tục phát hiện và kịp thời giúp đỡ những công đoàn viên gặp khó khăn khác.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: [email protected] |
VWS tài trợ xây dựng cầu giúp bà con xứ dừa Bến Tre Ngày 26/4, Báo Thanh Niên phối hợp với UBND xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, Bến Tre khởi công xây cầu 7 Oai bắc ... |
LĐLĐ huyện Thạnh Phú: Một nhiệm kỳ mới vì người lao động Sau 2 ngày (30 và 31/5), Đại hội đại biểu Công đoàn huyện Thạnh Phú lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã kết ... |
Công đoàn tỉnh Bến Tre không ngừng đổi mới, sáng tạo Chiều 3/10, Đại hội Công đoàn tỉnh Bến Tre lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 đã chính thức khai mạc. |
- Cô giáo mầm non kiên trì “bám nghề” nhờ công đoàn động viên, hỗ trợ
- Công đoàn kêu gọi ủng hộ một ngày lương cho đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
- Tình dân tộc, nghĩa đồng bào mạnh hơn trong bão lũ…
- Thái Nguyên: Công nhân vùng lụt ăn ở miễn phí tại công ty
- Tuyển 1000 lao động làm nông nghiệp tại Australia