Chuyến nghỉ dưỡng ý nghĩa với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
An toàn, vệ sinh lao động - 31/05/2024 09:55 Hà Vy
Một công nhân ở Bình Phước bị tai nạn lao động rất thương tâm |
Tham gia chương trình nghỉ dưỡng do Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội tổ chức, chị Phạm Thị Hồng - công nhân Phân xưởng sản xuất, Nhà máy 6-KKTL, Công ty CP Kim khí Thăng Long không khỏi vui sướng và xúc động.
Ngày 2/9/2021, chị bị tai nạn lao động dẫn đến mất bàn tay phải, tỷ lệ thương tật 52%. Từ khi bị tai nạn lao động đến nay, chị gặp không ít khó khăn trong cuộc sống cũng như công việc. Từ khi bị mất bàn tay phải, chị thêm vất vả khi di chuyển trên 60km/ngày (từ xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đến Công ty). Không thể tự lái xe đi làm, chị được đồng nghiệp cho đi nhờ.
Chị Phạm Thị Hồng đưa bàn tay giả được lắp sau khi bị tai nạn lao động và bàn tay thật, chia sẻ nỗi khó khăn từ khi mất đi bàn tay với đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ảnh: Mai Quý |
Quê chị Hồng ở tỉnh Nghệ An, lấy chồng về huyện Đan Phượng (TP Hà Nội). Chồng đi làm xa nhà, chỉ còn chị với các con nhỏ sớm tối bên nhau.
Sau khi bị tai nạn lao động, chị Hồng được hưởng chế độ bảo hiểm và hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng lao động. Bàn tay giả mà chị đang đeo hiện chỉ giúp chị giải quyết vấn đề thẩm mỹ mà không thể thay thế bàn tay đã mất. Mọi sinh hoạt trong gia đình phải dựa vào bàn tay còn lại và sự hỗ trợ của các con.
Tham gia chương trình nghỉ dưỡng do Công đoàn tổ chức, chị cho biết, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn quan tâm, đồng hành với người bị tai nạn lao động. Chị được Tổng LĐLĐ Việt Nam thăm hỏi dịp Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024, được công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở quan tâm, tặng quà và còn được thăm quan, nghỉ dưỡng sức miễn phí.
Chuyến đi nghỉ dưỡng này động viên người bị tai nạn lao động sống tích cực hơn, tiếp tục là một trong những trụ cột của gia đình, vươn lên trong cuộc sống cũng như công việc.
Đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động được khám sức khoẻ miễn phí. Ảnh: Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội. |
Anh Đào Văn Đồng (công nhân Công ty CP Xích líp Đông Anh) bị ngã cách đây mấy năm. Sau tai nạn, anh thường xuyên bị đau nhức chân tay, ảnh hưởng đến chất lượng làm việc cũng như cuộc sống. Anh cũng là 1 trong 85 công nhân lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tham gia chương trình nghỉ dưỡng miễn phí này.
Anh chia sẻ: “Tham gia chuyến nghỉ dưỡng do Công đoàn tổ chức tôi và đồng nghiệp rất vui. Không chỉ được đi chơi, thăm quan, nghỉ dưỡng tái tạo sức lao động mà quan trọng là sự quan tâm chân thành của tổ chức Công đoàn đến người bị tai nạn lao động. Cán bộ công đoàn luôn hỏi chúng tôi có vui không, có được đầy đủ không. Đó là điều chúng tôi cảm động nhất.
Chương trình nghỉ dưỡng rất ý nghĩa với tình trạng sức khoẻ của tôi. Vì theo nghiên cứu khoa học, thành phần chứa trong nước khoáng nóng có tác dụng điều trị, phục hồi, tăng cường sức khỏe xương khớp và cơ bắp; loại bỏ độc tố giúp tăng cường lưu thông máu, giúp giấc ngủ ngon hơn...".
Theo đồng chí Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội - đơn vị được LĐLĐ Thành phố giao trực tiếp triển khai Kế hoạch và chủ trì việc tổ chức các kỳ nghỉ dưỡng sức cho đoàn viên, người lao động, đây là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 của LĐLĐ TP Hà Nội.
Đoàn viên, người lao động thăm quan danh thắng tại Hà Nội. Ảnh: Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội |
Từ tháng 1/2024, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã xây dựng Đề án thí điểm “Chăm lo nghỉ dưỡng sức cho đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, suy giảm khả năng lao động trên địa bàn TP Hà Nội”. LĐLĐ Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 16/KH - LĐLĐ về chăm lo nghỉ dưỡng sức cho đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, suy giảm khả năng lao động.
Đối tượng tham gia là đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, suy giảm sức khỏe từ 31% trở lên thuộc các công đoàn cấp trên cơ sở: LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm, LĐLĐ huyện Sóc Sơn, LĐLĐ huyện Gia Lâm, Công đoàn ngành Công thương Hà Nội và Công đoàn ngành Y tế Hà Nội.
LĐLĐ TP Hà Nội giao Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội phối hợp với Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ Thành phố tổ chức kỳ nghỉ dưỡng sức cho đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, suy giảm khả năng lao động, đợt 1, năm 2024.
Đoàn viên, người lao động được hướng dẫn viên du lịch thông tin về các danh thắng tại Hà Nội. Ảnh: Trung tâm tư vấn pháp luật và Hỗ trợ người lao động Công đoàn Hà Nội. |
Trong đợt 1 (tổ chức từ ngày 24 - 26/5) có 85 đoàn viên, người lao động bị tai nạn lao động tham gia. Đoàn viên, người lao động được khám sức khỏe tổng quát, được thăm quan một số di tích lịch sử, văn hóa; thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội và đi nghỉ dưỡng sức tập trung, phục hồi sức khỏe tại khu nghỉ dưỡng khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Theo kế hoạch, năm 2024, số lượng đoàn viên, người lao động được hỗ trợ chăm lo, nghỉ dưỡng năm 2024 là 1.000 người; tập trung ở các khu công nghiệp và chế xuất và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có đông công nhân lao động.
Việc tổ chức nghỉ dưỡng đoàn viên, người lao động không may bị tai nạn lao động và bị suy giảm khả năng lao động nhằm chia sẻ, bù đắp những mất mát, thiệt hại về sức khỏe của người lao động. Qua đó giúp người lao động phục hồi sức, tái tạo sức khỏe để tiếp tục tham gia lao động sản xuất. Đồng thời, hoạt động này thể hiện sự đổi mới, sáng tạo của Công đoàn Thủ đô trong việc gắn kết, tăng thêm sự tin tưởng và tình cảm của đoàn viên, người lao động đối vối tổ chức Công đoàn.
Đợt nghỉ dưỡng sức lần này là đợt đầu tiên trong số 5 đợt nghỉ dưỡng sức cho đoàn viên, người lao động sẽ được tổ chức trong năm 2024. Đợt nghỉ dưỡng sức tiếp theo dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6/2024.
Tin cùng chuyên mục
An toàn, vệ sinh lao động - 24/09/2024 10:05
Cán bộ công đoàn phải nắm vững quy định về an toàn vệ sinh lao động
Những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra liên tiếp đã cho thấy cán bộ công đoàn cần có tiếp tục nâng cao kiến thức về công tác an toàn, vệ sinh lao động để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng người lao động.
Người lao động - 23/09/2024 15:59
Cảm ơn đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh lao động
Anh Chu Thanh Bình - đoàn viên Công đoàn Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã gửi đến Ban Tổ chức cuộc thi trực tuyến "CNVCLĐ tìm hiểu về công tác an toàn vệ sinh lao động" thông điệp: cảm ơn đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh lao động.
Người lao động - 20/09/2024 13:34
An toàn lao động đã trở thành thói quen, hành vi của từng cán bộ, nhân viên ngành Điện lực
Trong ngành Điện lực, công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu, bởi đây là lĩnh vực đặc thù, có mức độ nguy hiểm cao, đòi hỏi sự nghiêm ngặt trong mọi hoạt động liên quan đến vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống điện.
Người lao động - 15/09/2024 08:02
Cuộc thi trực tuyến về ATVSLĐ thiết thực với thực tiễn sản xuất ngành Than
Công đoàn Công ty CP Than Núi Béo cho biết, cuộc thi trực tuyến “CNVCLĐ tìm hiểu về công tác ATVSLĐ” với các nội dung kiến thức phong phú, rất sát với thực tiễn sản xuất của đơn vị.
Người lao động - 13/09/2024 15:40
Làm thế nào để có nước sạch sinh hoạt sau lũ lụt?
Sau bão, đi kèm với lũ và ngập lụt, người dân và người lao động đặc biệt cần nước sạch để sinh hoạt. Vậy trong điều kiện thiếu thốn nguồn nước an toàn, cần xử lý nước thế nào để làm sạch nước, có nguồn nước đảm bảo sử dụng, phòng chống dịch bệnh?
An toàn, vệ sinh lao động - 06/09/2024 19:30
"Siêu bão" Yagi đổ bộ, cần làm gì để tránh xảy ra hỏa hoạn, thương tích?
Bão Yagi đổ bộ, người dân, hộ gia đình, cũng như các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần cẩn trọng, chủ động phòng ngừa cháy, nổ trong mọi thời điểm.
- Công ty XNK Công nghiệp Trường Thành nợ bảo hiểm xã hội, lao động chật vật chờ chốt sổ
- Dự thảo Luật Nhà giáo: Ưu tiên về tiền lương, chính sách đãi ngộ
- Bảo vệ sơn ô tô với phim 3M PPF: Xu hướng hay lựa chọn thông minh?
- Masan: Chiến lược nhân sự cùng định hướng Go Global
- Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ từng góp ý, phản biện nhiều vấn đề chuyên môn