Vụ công nhân Golden Victory ngộ độc: Trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý
Việc làm - tuyển dụng - 28/10/2019 20:26 Trường Hùng
Phóng viên: Chỉ trong vòng 10 ngày (từ 14/10 đến 23/10), tại xưởng đóng giày của Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam (huyện Nghĩa Hưng, Nam Định) 3 đợt liên tiếp xảy ra việc công nhân bị ngộ độc khi đang làm việc, khiến cho ít nhất 150 công nhân công ty này phải nhập viện điều trị. Là một luật sư, ông suy nghĩ gì về trách nhiệm của doanh nghiệp khi để xảy ra những sự việc liên tiếp này?
ThS, Luật sư Đặng Văn Cường: Hiện nay, vấn đề đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động là yêu cầu quan trọng nhất của công tác bảo hộ lao động. Nếu không thiết lập được môi trường lao động thuận lợi, hạn chế đến mức thấp nhất sự tồn tại của các yếu tố nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại trong quá trình sản xuất, nguy cơ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ luôn đe dọa tính mạng, sức khỏe người lao động.
Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Hà Nội) (Ảnh: Viettimes) |
Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động căn cứ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn lao động, vệ sinh lao động để xây dựng nội quy, quy trình làm việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với từng loại máy, thiết bị, nơi làm việc. Đồng thời Điều 138 Bộ luật Lao động nêu rõ người sử dụng lao động có nghĩa vụ bảo đảm nơi làm việc đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường; Bảo đảm các điều kiện an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nhà xưởng đạt các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động hoặc đạt các tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động tại nơi làm việc đã được công bố, áp dụng; Kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc của cơ sở để đề ra các biện pháp loại trừ, giảm thiểu các mối nguy hiểm, có hại, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng, kho tàng; Phải có bảng chỉ dẫn về an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, nơi làm việc và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy tại nơi làm việc;
Như vậy, trong trường hợp này, nếu nhiều người lao động bị ngộ độc khi đang làm việc mà nguyên nhân chính xuất phát từ môi trường làm việc không đảm bảo thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về doanh nghiệp sử dụng lao động. Cần phải làm rõ nguyên nhân, mức độ nguy hiểm của môi trường làm việc, điều kiện làm việc có phù hợp với tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia không thì mới có căn cứ xử lý. Tùy từng tính chất, mức độ có thể áp dụng chế tài hành chính quy định tại Nghị định 95/2013/NĐ-CP hoặc trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật hình sự. Theo đó, nếu để xảy ra vi phạm, chủ doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng cho đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 3 tháng cho đến 7 năm...
Ngoài ra trong trường hợp này, doanh nghiệp sử dụng lao động còn phải bồi thường thiệt hại đối với những lao động bị thiệt hại về sức khỏe bao gồm chi phí cứu chữa, thanh toán tiền lương, tiền bồi thường hoặc trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động,…
Phóng viên: Trong các văn bản pháp luật hiện hành ở nước ta, sau khi đã cam kết môi trường làm việc đảm bảo, đủ điều kiện để toàn thể người lao động có thể quay lại làm việc mà doanh nghiệp vẫn để xảy ra sự cố ngộ độc lần thứ 3 (5 ngày sau vụ ngộ độc lần thứ 2) khiến 33 công nhân của doanh nghiệp này phải nhập viện. Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải chịu chế tài xử phạt cụ thể như thế nào?
ThS, Luật sư Đặng Văn Cường: Trong trường hợp này, doanh nghiệp cam kết đủ điều kiện an toàn lao động nhưng vẫn để xảy ra sự cố môi trường dẫn đến ngộ độc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người lao động thì các cơ quan chức năng cần vào cuộc, điều tra làm rõ nguyên nhân chính là do đâu, trong trường hợp nguyên nhân do doanh nghiệp này không không khắc phục sự cố thì tùy từng tính chất, mức độ hành vi có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 17 Nghị định 95/2013/NĐ-CP về hành vi không thực hiện ngay những biện pháp khắc phục hoặc ngừng hoạt động của máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo đó ngoài hình thức phạt tiền thì doanh nghiệp còn bị buộc ngừng sử dụng máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với hành vi vi phạm.
Vụ ngộ độc lần 3 ở công ty Golden Victory sáng 23/10, khiến 33 công nhân phải nhập viện |
Trong trường hợp vi phạm về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường mà gây tổn hại sức khỏe người khác mà tỷ lệ trên 61% hoặc gây thiệt hại đến tài sản lên tới 1.000.000.000 đồng thì có thể sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 237 Bộ Luật Hình sự về tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường. Theo đó, nếu để xảy ra sai phạm, chủ doanh nghiệp sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng cho đến 10.000.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 6 tháng cho đến 10 năm tù; đình chỉ hoạt động...
Phóng viên: Bên cạnh việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, đối với những người lao động bị ngộ độc và những người vì vấn đề này mà phải nghỉ làm, họ phải có trách nhiệm ra sao? Hay chỉ đơn thuần là chi trả tiền viện phí, không trừ lương những ngày nghỉ...của công nhân – tính từ ngày xảy ra vụ ngộ độc cho tới khi đi làm trở lại?
ThS, Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định, ngoài việc bị xử lý theo quy định pháp luật, doanh nghiệp sẽ phải có trách nhiệm bồi thường cho người lao động trong trường hợp có thiệt hại xảy ra trên thực tế. Mức bồi thường sẽ phụ thuộc vào mức thiệt hại thực tế của người bị hại. Theo đó, người sử dụng lao động phải thành toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động; trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động tùy vào mức độ suy giảm khả năng lao động theo quy định tại Điều 38 Luật Vệ sinh an toàn lao động năm 2015. Trong trường hợp người lao động tiếp tục làm việc thì phải bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động theo kết luận cơ quan có thẩm quyền.
Chị Ngô Thanh Trâm (19 tuổi, xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng), nữ công nhân bị ngộ độc vào sáng 23/10, hiện đang nằm điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Hưng |
Phóng viên: Đối với những người dân xung quanh nhà máy, trường hợp họ vì vụ việc này mà bị ảnh hưởng như việc khí từ nhà máy ra ngoài khiến họ bị khó thở, đau đầu... thì doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm ra sao?
ThS, Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định pháp luật, khi để xảy ra sự cố gây nguy hiểm đến sức khỏe của nhiều người, doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời ứng phó, xử lý sự cố môi trường, sự cố kĩ thuật. Theo đó, cần ra lệnh ngừng ngay hoạt động của máy, thiết bị, việc sử dụng vật tư, chất, hoạt động lao động tại nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc nếu các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động chưa được khắc phục; thực hiện các biện pháp khắc phục, các biện pháp theo phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp để tổ chức cứu người, tài sản, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, người xung quanh nơi làm việc, tài sản và môi trường; kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp.
Chị Bùi Thị Hòa (xã Nghĩa Minh), người dân xung quanh bị ảnh hưởng khi công ty Golden Victory xuất hiện tình trạng công nhân bị ngộ độc |
Trong trường hợp doanh nghiệp không xử lý, khắc phục sự cố môi trường mà gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh thì tuy từng tính chất mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường theo Điều 237 Bộ luật hình sự. Ngoài ra doanh nghiệp này còn phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại để đảm bảo quyền lợi cho người dân và người lao động.
Phóng viên: Điều đáng nói đến nhất trong vụ việc này, việc công nhân bị ngộ độc không chỉ diễn ra một lần mà diễn ra tới 3 lần liên tiếp trong vòng một thời gian ngắn. Vậy xét từ góc độ quản lý và giám sát hoạt động của doanh nghiệp, những cơ quan nào có trách nhiệm trực tiếp khi môi trường làm việc của công nhân chưa đảm bảo mà đã để doanh nghiệp liên tục vận hành sản xuất?
ThS, Luật sư Đặng Văn Cường: Theo quy định pháp luật thì Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có các nhiệm vụ chính trong việc thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động; Điều tra tai nạn lao động và những vi phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động; Tham gia hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật; Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về lao động.
Đồng thời, theo quy định Điều 35 Luật An toàn - Vệ sinh lao động năm 2015 quy định thì khi xảy ra vụ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng thì Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên. Đối các vụ tai nạn lao động khi xét thấy tính chất nghiêm trọng của tai nạn lao động hoặc mức độ phức tạp của việc điều tra tai nạn lao động vượt quá khả năng xử lý của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm điều tra thì thuộc về Đoàn điều tra tai nạn lao động do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập.
Đây là các cơ quan trực tiếp có trách nhiệm quản lý, điều tra, xử lý vi phạm liên quan đến lĩnh vực lao động.
Phóng viên: Trong trường hợp để xảy ra sai phạm thì chế tài xử phạt đối với các cơ quan quản lý này ra sao?
ThS, Luật sư Đặng Văn Cường: Trong trường hợp các cá nhân có trách nhiệm quản lý, giám sát nhưng buông lỏng quản lý, không thực hiện đúng hoặc không thực hiện nhiệm vụ của mình để xảy ra những sai phạm, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân thì tùy từng tính chất mức độ hành vi có thể bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc trong trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người để xảy ra sai phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 6 tháng cho đến 12 năm tù; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Phóng viên: Đối với người lao động và những người dân vì vụ việc mà ảnh hưởng, để đảm bảo quyền lợi của mình, đặc biệt là sức khỏe lâu dài của bản thân, trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, họ phải làm gì?
ThS, Luật sư Đặng Văn Cường: Trong trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cho người lao động thì người lao động có quyền yêu cầu khiếu nại đến cơ quan trực tiếp quản lý như Thanh tra Sở Lao động Thương binh Xã hội. Trong trường hợp việc giải quyết không thỏa đáng, người lao động có thể khởi kiện đến Tòa án yêu cầu giải quyết theo quy định pháp luật để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình.
Nhiều ngày qua, từ 14 – 23/10 đã có hơn 100 công nhân bị ngất, choáng phải nhập viện cấp cứu do bị ngộ độc ... |
Trước việc hàng trăm công nhân Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam 3 lần nhập viện, đã có hai vụ tai nạn lao động ... |
Đại diện Công ty TNHH Golden Victory Việt Nam (xã Nghĩa Minh, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) cho biết: chiều ngày 25/10, cán bộ, chiến sỹ ... |
Lãnh đạo UBND xã Nghĩa Minh xác nhận có khoảng 20 công nhân Victory Nam Định phải nhập viện ngay trong ngày đầu đi làm ... |
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 03/09/2024 08:55
Công ty may ở Nam Định tuyển hàng trăm công nhân, thưởng 1-3 triệu cho người giới thiệu thành công
Công ty TNHH Smart-Shirts Garments Manufacturing Bảo Minh đang tuyển 100 công nhân may, 30 công nhân hoàn thiện, 30 công nhân QC (kiểm tra chất lượng), và 50 công nhân cắt.
Việc làm - tuyển dụng - 30/08/2024 07:00
Triệu tập thí sinh đủ điều kiện dự thi Vòng 2 kỳ thi tuyển viên chức Tạp chí Lao động và Công đoàn
Thông báo về việc triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi Vòng 2, kỳ thi tuyển viên chức đợt 1 năm 2024 của Tạp chí Lao động và Công đoàn.
Nhịp cầu lao động - 29/08/2024 20:40
Thông báo kết quả bài thi vòng 1 kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024
Tạp chí Lao động và Công đoàn thông báo kết quả bài thi vòng 1 kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024
Nhịp cầu lao động - 28/08/2024 15:48
VPBank tuyển dụng số lượng lớn nhân viên Khối quản trị rủi ro, chỉ cần tốt nghiệp THPT
VPBank đang tuyển dụng số lượng lớn nhân viên thu hồi nợ hiện trường và chuyên viên quản lý nợ tại hiện trường với mức lương hấp dẫn lên đến 15 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ phúc lợi đa dạng. Đây là cơ hội tuyệt vời dành cho các ứng viên tốt nghiệp Trung học phổ thông, có kỹ năng giao tiếp tốt và đam mê công việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Việc làm - tuyển dụng - 21/08/2024 18:10
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tuyển dụng nhiều Điều dưỡng dụng cụ
Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (thôn Nam Sơn, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) tuyển dụng nhân sự Điều dưỡng dụng cụ.
Việc làm - tuyển dụng - 17/08/2024 12:28
Công ty TNHH hệ thống dây Sumi-Hanel tuyển dụng gấp 2.000 lao động phổ thông với chế độ hấp dẫn
Công ty TNHH hệ thống dây Sumi-Hanel, một liên doanh giữa Công ty cổ phần Hanel và tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), đang tuyển dụng 2.000 lao động phổ thông cho các vị trí sản xuất, lắp ráp và kiểm tra sản phẩm. Với quy mô gần 9.000 lao động và là công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hệ thống dây dẫn điện cho ô tô, Sumi-Hanel cam kết đem đến môi trường làm việc an toàn và các chế độ phúc lợi hấp dẫn.
- Ra mắt Ford Territory Sport giá 909 triệu đồng
- Hướng dẫn tẩy ố kính ô tô: Đảm bảo tầm nhìn rõ ràng
- "Tham mưu giỏi, phục vụ tốt" góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
- Người lao động có cần nghỉ thêm ngày 5/9 để đưa con đến trường?
- Tết Dương lịch năm 2025, người lao động được nghỉ mấy ngày?