Quy định nghỉ 15 ngày/tháng, sẽ không có người lao động dệt may nào nhận được hỗ trợ
Việc làm - tuyển dụng - 24/06/2020 07:00 Duy Minh
Đồng chí Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: CĐ |
Dệt may là lĩnh vực bị ảnh hưởng sớm và nặng nề bởi Covid-19. Nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh khốn đốn, phải vay tiền để trả lương người lao động. Khó khăn tiếp tục hiện hữu khi thời gian tới, các doanh nghiệp không xuất được hàng, không có nguyên phụ liệu để sản xuất.
Tuy nhiên, theo thống kê của Công đoàn Dệt may Việt Nam, đến thời điểm này, chưa có công nhân lao động dệt may nào được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ do thiếu điều kiện và thủ tục theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tạp chí Lao động và Công đoàn có cuộc phỏng vấn ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam về vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết những tác động của dịch Covid-19 đến đời sống, việc làm của người lao động ngành dệt may tính đến thời điểm hiện nay?
Ông Lê Nho Thướng: Đại dịch Covid-19 vừa qua không chỉ riêng lĩnh vực dệt may mà rất nhiều ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tuy nhiên, điểm khác biệt của ngành dệt may là sự thâm dụng lao động. Toàn ngành dệt may có 2,5 triệu lao động. Công đoàn Dệt may Việt Nam hiện quản lý 118 công đoàn cơ sở với 130.000 lao động. Người lao động xuất thân chủ yếu từ các vùng sâu, vùng xa, từ sản xuất nông nghiệp nên khó khăn tăng lên gấp bội. Bởi lẽ đặc thù ngành dệt may có thu nhập không cao, người lao động không có nhiều tích lũy. Cho nên khi dịch bệnh diễn ra, đời sống người lao động bị ảnh hưởng rất rõ.
Trong khi dịch diễn biến phức tạp, các đơn hàng sản xuất của hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều phải giãn tiến độ. Nhiều đơn hàng sản xuất đã ký hợp đồng từ trước phải dừng do những thị trường chính của ngành dệt may như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Do đó, hệ thống, các kênh tiêu thụ của ở các thị trường nói trên cũng ngừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ra phải để trong kho. Hàng chưa xuất đi, doanh nghiệp không thu được tiền nên có nhiều doanh nghiệp phải đi vay tiền để trả lương cho người lao động.
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 là các doanh nghiệp mà nguồn nguyên phụ liệu hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Khi dịch bệnh bùng phát ở nội địa, các nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu của Trung Quốc đã ngừng cung cấp nguyên phụ liệu cho doanh nghiệp Việt Nam. Đối tượng thứ hai là các đơn vị sản xuất ODM (từ khâu thiết kế đến nguyên phụ liệu đều ở trong nước, xuất khẩu hàng đi nước ngoài) do dịch Covid-19 không xuất được, phải tồn kho nhiều.
PV: Trước những khó khăn đó, các cấp Công đoàn Dệt may Việt Nam và doanh nghiệp đã làm gì để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động, thưa ông?
Ông Lê Nho Thướng: Ước tính, dịch bệnh đã làm Tập đoàn Dệt may Việt Nam thiệt hại 1.100 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt may Việt Nam cùng lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam thăm và tặng quà động viên cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động may khẩu trang chống dịch Covid-19 tại Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân. Ảnh: CĐ |
Trước khó khăn như vậy, các doanh nghiệp mặc dù đơn hàng bị gián đoạn nhưng vẫn phải bố trí để sản xuất, công nhân phải nghỉ luân phiên trong thời gian diễn ra dịch. Doanh nghiệp không dám cho công nhân nghỉ liên tục vì nếu nghỉ liên tục, người lao động buộc phải tìm việc khác thay thế để đảm bảo cuộc sống. Khi tình hình ổn định trở lại, doanh nghiệp gọi người lao động quay trở lại rất khó. Một số công nhân là người các tỉnh, địa phương nhưng khi Hà Nội có ca lây nhiễm cao thì nhiều địa phương hạn chế việc đi lại của người dân ở các vùng có dịch. Công nhân phải thuê trọ cộng với chi phí đắt đỏ, do vậy, các doanh nghiệp cố gắng tìm các nguồn hàng khác để người lao động có việc làm, thu nhập.
Trong lúc dịch như vậy, các doanh nghiệp dệt may đã chuyển hướng sản xuất mặt hàng khẩu trang. Ban đầu, các quốc gia có dịch chỉ nhận khẩu trang y tế. Nhưng khẩu trang y tế không đủ để cung cấp cho các quốc gia, do đó đã chuyển sang khẩu trang vải. Các doanh nghiệp dệt may đã nhanh chóng tìm kiếm và nhận các đơn hàng khẩu trang. Có doanh nghiệp đã tìm kiếm được những đơn hàng lớn lên tới hàng chục triệu chiếc. Người lao động bắt đầu chuyển đổi, làm quen để may khẩu trang nhưng không phải tất cả các doanh nghiệp đều may khẩu trang.
Do vậy, để duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ luân phiên, ngừng việc để giữ chân người lao động, đồng thời đảm bảo thu nhập ít nhất ở mức lương tối thiểu vùng để người lao động duy trì cuộc sống trong khi dịch bệnh diễn ra và cũng là để có nguồn nhân lực sẵn sàng cho kế hoạch khôi phục sản xuất ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.
Người lao động của Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân may khẩu trang. Ảnh: CĐ |
Công đoàn Dệt may Việt Nam cũng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát trường hợp người lao động khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau kéo dài; người lao động ở các đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 để hỗ trợ. Theo đó, tất cả các đối tượng đó đều được hỗ trợ với mức thấp nhất là 500.000 đồng/tháng, cao nhất là 5.000.000 đồng/người/lần.
Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng mà Công đoàn Dệt may Việt Nam đã đàm phán với Hiệp hội Dệt may Việt Nam là bằng 114% mức lương tối thiểu vùng do Nhà nước quy định. Năm 2019, thu nhập bình quân của lao động dệt may đạt 7,8 triệu đông/tháng. Do vậy, khi xảy ra dịch bệnh, với nỗ lực duy trì việc làm của các doanh nghiệp và người lao động, người lao động vẫn đạt mức lương tối thiểu vùng đảm bảo sinh hoạt tối thiểu.
Công đoàn Dệt may Việt Nam đã cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam phối hợp kiến nghị để doanh nghiệp và người lao động nhận được sự hỗ trợ từ Ủy ban đối với các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu vào các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bởi hiện nay, thị phần của doanh nghiệp dệt may Việt Nam tại châu Âu là khá lớn (chiếm tới 12%). Trong khi đó Bangladesh, Myanmar là các quốc gia xuất khẩu vào EU nhiều cũng đã được EU hỗ trợ, Myanmar hỗ trợ.
Sự san sẻ đó phần nào giúp người lao động giảm bớt khó khăn, vượt qua dịch bệnh.
Người lao động Tổng Công ty May 10 thao tác may khẩu trang. |
PV: Được biết, tính đến thời điểm này, ngành dệt may chưa có trường hợp nào được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ. Vậy theo ông, nguyên nhân là do đâu?
Ông Lê Nho Thướng: Chủ trương của Đảng, Nhà nước là hỗ trợ cho những người lao động khó khăn nhất trong những người lao động khó khăn. Tuy nhiên, với những lao động dệt may thì trong giai đoạn sắp tới thực sự chịu ảnh hưởng sâu sắc của dịch bệnh.
Theo báo cáo của công đoàn các đơn vị trực thuộc, tính đến thời điểm này, chưa có người lao động dệt may nào đáp ứng đủ tiêu chí để nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ.
Bởi bằng nỗ lực của cả người sử dụng lao động và người lao động “vượt qua dịch bệnh” thì các doanh nghiệp dệt may đã duy trì việc làm, giữ chân người lao động mới chỉ ở mức cho người lao động nghỉ luân phiên. Kể cả những đơn vị khó khăn nhất, công nhân nghỉ việc luân phiên với số ngày nghỉ lớn trong tuần, nhưng cũng không đủ 15 ngày liên tục/tháng theo điều kiện hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nếu cho người lao động nghỉ như vậy, các doanh nghiệp dệt may sẽ mất lao động, rất khó gọi người lao động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Về mặt thủ tục, để người lao động được hưởng hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ, văn bản hướng dẫn yêu cầu phải có thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động bằng văn bản. Nhưng trên thực tế, sản xuất trong điều kiện “chống dịch như chống giặc”, các doanh nghiệp dệt may và người lao động chỉ bàn bạc, thống nhất mỗi tuần cho người lao động nghỉ số ngày nhất định và vẫn cố gắng duy trì hoạt động của nhà máy mà không làm các văn bản thỏa thuận như yêu cầu.
Số doanh nghiệp thực sự khó khăn chiếm 60% số các đơn vị trong ngành dệt may, rất cần được nhà nước hỗ trợ. Đó là các doanh nghiệp kéo sợi và doanh nghiệp dệt thoi do hàng làm ra không xuất đi được, lại không chuyển đổi để may khẩu trang được. Bên cạnh đó là các doanh nghiệp may sản xuất ODM (từ khâu thiết kế sản phẩm đến bán hàng, nguyên phụ liệu đều ở trong nước, xuất khẩu ra nước ngoài) nhưng hàng không được nhập khẩu nên phải nợ tiền. Doanh nghiệp phải vay tiền để trả lương cho công nhân.
Người lao động ngành dệt may chưa qua hết khó khăn do dịch Covid-19. |
Đối với các đơn vị lớn như Tổng Công ty May 10, tính cả số lao động liên doanh liên kết là hơn 12.000 người. Từ khi có dịch tới nay, những đơn hàng dang dở thì doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện để bàn giao cho khách hàng. Những đơn hàng mới thì do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguyên phụ liệu chưa về. Tổng Công ty cũng đã nỗ lực tìm kiếm nguồn may khẩu trang số lượng lớn với 80 triệu chiếc. Tuy nhiên, hiện đã cung cấp 30 triệu chiếc thì do dịch bệnh đã kiểm soát phần nào nên chính phủ các nước tạm dừng đơn hàng và chưa thông báo khi nào tiếp tục.
Lao động may hiện nay nếu mất việc, đi xin việc làm rất khó khăn. Nếu xin việc cũng chỉ ở doanh nghiệp may khác. Vì đặc thù công nhân may vào chuyền được đào tạo theo module, nên chỉ thuần thục công đoạn được đào tạo. Số người biết may ở công đoạn khác rất ít. Do vậy, khi sang doanh nghiệp khác, dẫn đến tình trạng phải ký bậc lương bảo hiểm ở mức thấp nhất.
Rất mong các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu giải pháp tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may tiếp cận được gói hỗ trợ 62.000 tỷ trên tinh thần đúng người, đúng đối tượng theo hướng đơn giản hơn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Cập nhật thông tin Covid-19 lúc 7h sáng ngày 23/6, tổng số người nhiễm trên toàn cầu đã vượt 9,17 triệu người với hơn 473 ... |
Bề ngoài, nhiều tút do bạn nam nữ công nhân bày tỏ tình cảm, khao khát lứa đôi trên mạng xã hội có vẻ là ... |
Gần 3.000 công nhân PouYuen, TP.HCM mất việc sẽ được nhận trợ cấp của công ty này, 1500 người lao động ở Công ty Taekwang ... |
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 06/09/2024 12:24
Quảng Bình: Hơn chục doanh nghiệp tuyển lao động, nhiều vị trí việc làm hấp dẫn
Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình cho biết, phiên giao dịch việc làm lần thứ 16 được tổ chức vào ngày 6/9 có 12 doanh nghiệp uy tín đăng ký tham gia tuyển dụng, với 70 chỉ tiêu việc làm hấp dẫn cho người lao động.
Việc làm - tuyển dụng - 03/09/2024 08:55
Công ty may ở Nam Định tuyển hàng trăm công nhân, thưởng 1-3 triệu cho người giới thiệu thành công
Công ty TNHH Smart-Shirts Garments Manufacturing Bảo Minh đang tuyển 100 công nhân may, 30 công nhân hoàn thiện, 30 công nhân QC (kiểm tra chất lượng), và 50 công nhân cắt.
Việc làm - tuyển dụng - 30/08/2024 07:00
Triệu tập thí sinh đủ điều kiện dự thi Vòng 2 kỳ thi tuyển viên chức Tạp chí Lao động và Công đoàn
Thông báo về việc triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi Vòng 2, kỳ thi tuyển viên chức đợt 1 năm 2024 của Tạp chí Lao động và Công đoàn.
Nhịp cầu lao động - 29/08/2024 20:40
Thông báo kết quả bài thi vòng 1 kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024
Tạp chí Lao động và Công đoàn thông báo kết quả bài thi vòng 1 kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024
Nhịp cầu lao động - 28/08/2024 15:48
VPBank tuyển dụng số lượng lớn nhân viên Khối quản trị rủi ro, chỉ cần tốt nghiệp THPT
VPBank đang tuyển dụng số lượng lớn nhân viên thu hồi nợ hiện trường và chuyên viên quản lý nợ tại hiện trường với mức lương hấp dẫn lên đến 15 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ phúc lợi đa dạng. Đây là cơ hội tuyệt vời dành cho các ứng viên tốt nghiệp Trung học phổ thông, có kỹ năng giao tiếp tốt và đam mê công việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Việc làm - tuyển dụng - 21/08/2024 18:10
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam tuyển dụng nhiều Điều dưỡng dụng cụ
Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (thôn Nam Sơn, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) tuyển dụng nhân sự Điều dưỡng dụng cụ.
- Phải ngừng việc do “siêu bão" Yagi, người lao động có được trả lương?
- Công đoàn đã cho tôi tình thương như máu mủ, ruột thịt
- Bài 8: Tư vấn sai lệch thông tin là “lừa dối trong giao dịch dân sự”
- Nghiệp đoàn Xích lô du lịch Nha Trang - điểm tựa vững chắc cho người lao động
- Tránh “siêu bão” Yagi, công nhân được nghỉ làm thứ Bảy