Phấn đấu giỏi chuyên môn để làm tốt nhiệm vụ Công đoàn
Vòng tay Công đoàn - 30/04/2022 18:12 ĐỖ THIỆM
Thầy Nguyễn Duy Huyên (áo vàng) luôn được các thế hệ học sinh và giáo viên nhà trường trân quý, nể phục (Ảnh: NVCC) |
Phấn đấu giỏi về chuyên môn
Tôi đến Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, ở huyện cao nguyên Di Linh vào một ngày cuối tháng Tư. Những chùm phượng đang hé nở trước sân trường như rực rỡ, lấp lánh hơn dưới ánh nắng hè. Cảnh đẹp cùng niềm mong đợi gặp người thầy ưu tú của lớp lớp học sinh, người anh tận tụy của nhiều đồng nghiệp ở ngôi trường có bề dày thành tích, khiến cho tôi càng thêm háo hức.
Khi tôi ngỏ ý muốn gặp thầy Nguyễn Duy Huyên, cô giáo Nguyễn Quỳnh Hoa - Phó Hiệu trưởng nhà trường tự hào nói: “Khắp vùng này, ai cũng biết đến thầy Huyên, không phải vì danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”, mà bởi anh là một người thầy mẫu mực, một tấm gương về tự học, tự rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ trong giảng dạy, là người thầy được các đồng nghiệp trân trọng, nể phục”.
Cô Hoa chia sẻ, hơn 30 năm công tác trong ngành Giáo dục huyện Di Linh, thầy Huyên có hơn 20 năm gắn bó với ngôi trường này. Đến tận bây giờ, thầy vẫn cứ nhiệt huyết với công việc như thế, vẫn luôn sáng tạo, đổi mới trong từng tiết dạy, với những trang giáo án không bao giờ lặp lại. Không chỉ nhiều năm liên tục đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh,... thầy Huyên còn góp phần mang về những thành tích xuất sắc cho tập thể nhà trường, vinh dự được tặng Cờ thi đua của UBND tỉnh và Cờ thi đua của Chính phủ.
Thầy Huyên luôn chuẩn bị chu đáo, chăm chút cho từng tiết dạy (Ảnh: NVCC) |
Vui vẻ bảo tôi chờ thầy Huyên một lúc, thầy đang trong tiết dạy, rồi thầy giáo trẻ Trần Văn Diệm từ tốn nói về “người anh” mà bản thân luôn ngưỡng mộ: “Là một giáo viên cốt cán môn Mĩ thuật của tỉnh, thầy Huyên luôn chủ động tổ chức các chuyên đề, tiết dạy minh họa để các giáo viên, nhất là giáo viên trẻ được dự giờ, rút kinh nghiệm. Các tiết dạy của thầy luôn được tổ chức với nhiều hình thức khác nhau và được học sinh yêu thích, hứng thú”.
Những câu chuyện về thầy Huyên cứ dày thêm qua từng lời chia sẻ của những đồng nghiệp ở ngôi trường được đánh giá là “trung tâm chất lượng cao của tỉnh”. Cuộc trò chuyện tạm dừng khi tiếng trống trường gióng giả báo giờ ra chơi của học sinh.
Bước ra cửa lớp học với lỉnh kỉnh giá vẽ, bảng màu, vật mẫu… đám học trò như còn “say” với giờ thực hành Mĩ thuật nên hào hứng, ríu rít vây quanh, níu bước chân thầy giáo đến tận phòng chờ của giáo viên mới chịu rời xa. Mái tóc dù đã điểm trắng nhưng khuôn mặt vẫn giữ nét rạng ngời, thầy Huyên nở nụ cười hiền hậu, bắt tay tôi và không để tôi phải chờ thêm, thầy trở về quá khứ với câu chuyện từ khi mới bước vào nghề.
“Năm 1991, tốt nghiệp Khoa Mĩ thuật, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, tôi được phân công về dạy Mĩ thuật tại Trường THCS Tân Châu, xã Tân Châu, rồi chuyển qua Trường Tiểu học Lam Sơn, xã Gung Reh. Đây là những trường thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Tây Nguyên, vừa khó khăn, thiếu thốn, vừa bất đồng ngôn ngữ, cùng với sự non trẻ về nghiệp vụ khi mới bước chân vào nghề… Đã có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc nhưng cứ nghĩ đến học trò và sự cảm thông, chia sẻ của những người đồng nghiệp nơi khó khăn ấy, tôi không thể cho phép mình tự buông xuôi” – Thầy Huyên trải lòng.
Các tiết dạy, các hoạt động ngoại khóa, các cuộc thi có thầy Huyên luôn tạo sự thích thú cho học sinh. (Ảnh: NVCC) |
Sự phấn đấu miệt mài, không ngừng nghỉ, luôn sáng tạo của chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết ngày ấy đã được đền đáp bằng sự ghi nhận của ngành Giáo dục qua từng tấm giấy khen, Bằng khen khi mỗi năm học khép lại. “Tiếng lành đồn xa”, thầy Huyên được chuyển công tác về Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Môi trường mới thuận lợi hơn nhưng cũng là nơi thử thách lớn về chuyên môn, nghiệp vụ với một giáo viên trẻ. Chính từ ngôi trường chất lượng cao này đã thổi bùng ngọn lửa đam mê với nghề mà bấy lâu thầy ấp ủ trong lòng.
Phấn đấu để khẳng định bản thân trong môi trường mới, những tiết dạy ngoại khóa sôi nổi cho học trò, những giờ thao giảng, hội giảng để lại nhiều ấn tượng cho đồng nghiệp trong và ngoài trường, những lần được vinh danh trong tổng kết hội thi tay nghề cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh… là những phần thưởng cao quý mà không phải người giáo viên nào cũng có thể chạm đến.
Sự cố gắng, nỗ lực của thầy, có lẽ không chỉ dừng lại ở danh hiệu “Nhà giáo ưu tú” được phong tặng vào năm 2014, mà còn được ghi nhớ trong lòng các thế hệ học trò, đồng nghiệp và phụ huynh của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi.
Cán bộ công đoàn xuất sắc
“Nếu như đến với nghề dạy học là “cái duyên” thì làm cán bộ công đoàn là “cái nợ” với mình. Cũng có vài ba lần cấp trên ngỏ ý đề bạt, cất nhắc, nhưng có lẽ “nghiệp Công đoàn” đã vận vào mình ngay từ khi bước vào nghề” – thầy Huyên dí dỏm ví von.
Những thành tích nổi trội về chuyên môn, cùng với tinh thần trách nhiệm, tất cả vì tập thể của thầy Huyên như sợi dây vô hình, tự lúc nào đã gắn kết tình đồng nghiệp ngày càng khăng khít hơn. Điều minh chứng rõ nhất là năm 2014, thầy Huyên được bầu làm Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Trãi với sự tín nhiệm, đồng thuận cao của Chi bộ, Ban Giám hiệu và tập thể giáo viên, nhân viên nhà trường.
Thầy Huyên cùng Công đoàn nhà trường luôn tạo nên sự kết nối, yêu thương, lan tỏa niềm vui tươi, hứng khởi (Ảnh: NVCC) |
Như lời cô giáo Đỗ Thị Hướng chia sẻ: “Ai tiếp xúc với thầy Huyên cũng đều ấn tượng bởi sự gần gũi, thân thiện. Thầy luôn chân thành, nhân hậu, quan tâm, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn để mọi người dễ trải lòng và tin cậy. Điều này có sức lan tỏa mạnh mẽ đến tập thể, khiến chúng tôi thêm gắn kết với nhau hơn”.
Cũng theo cô Hướng, với cương vị là Chủ tịch Công đoàn cơ sở, thầy Huyên luôn trăn trở, tìm nhiều giải pháp, đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động. Mỗi hoạt động dù nhỏ nhưng thầy đều chuẩn bị rất chu đáo, phân công nhệm vụ cho từng thành viên Ban Chấp hành, Tổ trưởng Công đoàn để phối hợp thực hiện. Với việc sử dụng thành thạo các phần mềm Kahoot, Quizzi…thầy Huyên đã tạo những trò chơi sinh động, hay hình thức sân khấu hóa theo chủ đề đầy thú vị, hấp dẫn…
Với lối trò chuyện dí dỏm, mỗi lần tổ chức gặp mặt, tọa đàm, thầy Huyên đều dành tặng đoàn viên lời chúc bằng những bức họa, bài thơ hoặc mẫu chuyện ngắn để tạo không khí vui vẻ, hào hứng. Thầy Huyên còn phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức nhiều hoạt động tham quan du lịch cho đoàn viên tại: Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết,... và tổ chức giao lưu học tập với các Công đoàn khác..., mỗi lần tổ chức hoạt động đều để lại những hình ảnh đẹp, sâu sắc cho đoàn viên.
Cô giáo Hà Thị Kim Mộng - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ, mỗi hoạt động thầy Huyên tổ chức đều mang màu sắc khác nhau, không bị trùng lặp nội dung, hình thức. Các hoạt động hóa trang, sắm vai về chủ đề 8/3, 20/10 và những trò chơi vận động, đuổi hình, bắt chữ trong các buổi tọa đàm... luôn mang lại niềm vui, sự hào hứng cho cả giáo viên và học sinh khi tham gia.
Cũng theo cô giáo Kim Mộng, là Chủ tịch Công đoàn cơ sở, thầy Huyên luôn chủ động phối hợp với Ban Giám hiệu tổ chức các buổi đối thoại, thảo luận tạo không khí dân chủ, thoải mái để các đoàn viên được tham gia đóng góp xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá thi đua, cụ thể hóa nội dung của từng phong trào, từng đợt thi đua và tự nguyện đăng ký tham gia.
Thầy Huyên tham gia hiến máu nhân đạo (Ảnh: NVCC) |
Để được đánh giá là một trong những đơn vị xuất sắc, dẫn đầu các phong trào thi đua của Công đoàn huyện Di Linh và Công đoàn tỉnh Lâm Đồng, thầy Huyên cùng Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường luôn chú trọng phát động các phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm các các ngày lễ lớn trong năm; chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của địa phương, của đất nước và ngày truyền thống của nhà trường để thu hút và tạo động lực khích lệ đoàn viên tích cực hưởng ứng.
Khi được hỏi về kinh nghiệm tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thầy Huyên khiêm nhường chia sẻ: “Để có được thành quả về phong trào thi đua yêu nước của công đoàn cơ sở như ngày hôm nay, Ban Chấp hành và tôi đã vừa làm, vừa học, học ở cấp trên, học ở đơn vị bạn và hơn hết là học ngay ở đoàn viên của mình. Bởi chính họ là người hiểu rõ nhất về công việc đang được phân công, hiểu rõ nhất về tiềm năng và mong muốn được ghi nhận, được tỏa sáng của bản thân. Câu hỏi lớn nhất luôn đặt ra đối với tôi đó là, làm thể nào để cùng với lãnh đạo nhà trường tổ chức cho đoàn viên tham gia ngay từ bước lựa chọn phong trào thi đua, xây dựng nội dung tiêu chí đánh giá đến bình xét tôn vinh, khen thưởng... để đoàn viên thực sự trở thành người làm chủ trong phong trào thi đua”.
Hai năm qua, thầy Huyên cùng Công đoàn nhà trường đã tích cực kêu gọi và trực tiếp hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. (Ảnh: NVCC) |
Đánh giá về cán bộ công đoàn xuất sắc, tâm, tài toàn vẹn của Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, đồng chí Nguyễn Bình Định - Chủ tịch LĐLĐ huyện Di Linh cho biết, không chỉ là cầu nối giữa đoàn viên với lãnh đạo nhà trường, thầy Huyên còn là “cánh chim đầu đàn” trong hoạt động Công đoàn của huyện, của tỉnh. Từ hội thi, hội diễn, hoạt động văn hoá, thể thao hay vận động ủng hộ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hiến máu tình nguyện… tất cả đều có người cán bộ công đoàn ấy đi đầu.
“Cũng từ phong trào hoạt động Công đoàn, thầy Huyên đã được tôn vinh là gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh của ngành Giáo dục, được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen. Là cán bộ công đoàn tiêu biểu giai đoạn 2015 – 2019, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015 – 2020; là đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước trong CNVCLĐ lần thứ X, giai đoạn 2020 – 2025” – đồng chí Nguyễn Bình Định tự hào kể.
Lâm Đồng: Từ vị trí 71 đã vượt lên 17 trong Chương trình Một triệu sáng kiến Từ chỗ xếp thứ hạng gần cuối, chỉ sau 20 ngày tăng tốc, LĐLĐ tỉnh Lâm Đồng đã tăng 54 bậc trong bảng xếp hạng ... |
Công ty thưởng 200 xe máy cho 200 công nhân lao động ưu tú Nhân kỷ niệm 136 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2022), Công ty TNHH Sailun Việt Nam và Công ty ACTR (Khu công ... |
Đường lớn đã mở... Càng về cuối tháng Tư thì Quảng Trị càng trở thành tâm cảm theo dòng thời sự, vì đó là điểm nhấn của lễ hội ... |
Tin cùng chuyên mục
Vòng tay Công đoàn - 01/09/2024 06:00
Kỳ 2: Tái sinh trong "Vòng tay lớn"
Khi thấu hiểu hoàn cảnh nghiệt ngã của tôi, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế kêu gọi Công đoàn các cấp cùng “nối vòng tay lớn”, tạo mọi điều kiện để tôi có thể “biến ước mơ thành hiện thực”... Cùng với tài đức của các thầy thuốc, y bác sĩ, tôi đã được tái sinh cuộc đời thứ hai.
Vòng tay Công đoàn - 12/08/2024 18:25
Bài dự thi Vòng tay Công đoàn: Chuyện đã qua không cũ
Những tháng ngày gian nan vì đại dịch Covid-19 làm nổi bật và sáng rõ hơn bao giờ hết vai trò, vị trí của tổ chức Công đoàn với đoàn viên, người lao động của mình, nhất là những đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Vòng tay Công đoàn - 14/05/2024 14:48
Tự tin sống lạc quan, là ngọn đèn không bao giờ tắt
Vuốt phẳng phiu những đồng tiền nhăn nheo vừa bán lứa lợn non, rồi đếm đi đếm lại, “vẫn còn thiếu nhiều quá!”, chị Hiền nghĩ và nhìn tờ hóa đơn thuốc cho mẹ chồng, nước mắt lã chã rơi.
Công đoàn - 25/12/2023 12:07
Đồng hành cùng người mẹ trong tác phẩm “Con tôi bị K”
Đại diện Tạp chí Lao động và Công đoàn vừa trao 5 triệu đồng hỗ trợ từ Công đoàn Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ - công nhân Công ty TNHH FreetrenA (TP HCM).
Vòng tay Công đoàn - 08/11/2023 16:15
Một nhà giáo có tấm lòng vàng
Là một giáo viên Vật lý, ngoài công tác chuyên môn giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Chơn Cảm, giáo viên Trường THPT Vĩnh Định còn là một người nhân ái, luôn quan tâm đến người khác, nhất là những cảnh ngộ khó khăn.
Công đoàn - 19/10/2023 08:46
Lá thư không gửi
TP Hồ Chí Minh, ngày 26/9/2023 Gửi em, người đồng nghiệp thân thương! Còn hai ngày nữa là đến Trung thu và là ngày giỗ thứ 7 của em. Nhìn khói nhang bay lên quyện thành những vòng tròn mờ ảo, nhìn đôi mắt to tròn, đen lay láy và nụ cười tươi tắn của em trên di ảnh, chị vẫn không thể nào tin được em gái của chị đã đi xa thật rồi, để lại trong lòng mọi người niềm thương nhớ khôn nguôi.