Masan muốn chào bán riêng lẻ khoảng 142 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức
Kinh tế - Xã hội - 19/04/2023 00:00 Hoàng Hà
CTCP Tập đoàn Masan (mã MSN) vừa công bố bổ sung tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 dự kiến được tổ chức vào ngày 24/4 sắp tới.
Theo đó, Masan bổ sung tờ trình phương án chào bán cổ phần mới và kế hoạch sử dụng vốn. Đồng thời, Masan cũng bổ sung danh sách ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT để bầu bổ sung cho nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Muốn phát hành 142 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức
Cụ thể, về phương án chào bán cổ phần mới và kế hoạch sử dụng vốn dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ, Masan đã bổ sung thêm phương án chào bán riêng lẻ cổ phần ưu đãi cổ tức.
Số lượng cổ phần chào bán dự kiến tối đa là 10% tổng số cổ phần đang lưu hành tại thời điểm chào bán.
Hiện Masan có vốn điều lệ 14.237 tỷ đồng, tương đương 1,42 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Giả sử số cổ phần của Masan tại thời điểm chào bán giữ nguyên như hiện nay, Masan sẽ chào bán riêng lẻ tối đa khoảng 142 triệu cổ phiếu MSN.
Giá chào bán không thấp hơn giá trị sổ sách một cổ phần theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm gần nhất của Masan. Giá chào bán cụ thể sẽ được ĐHĐCĐ thường niên sắp tới sẽ ủy quyền cho hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn quyết định.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022, một cổ phần MSN có giá trị sổ sách là 25.733 đồng. Như vậy, nếu giả sử Masan bán hết 142 triệu cổ phiếu với giá ngang với giá trị sổ sách, tập đoàn có thể thu về khoảng 3.660 tỷ đồng.
Theo phương án nêu ra, số cổ phiếu chào bán riêng lẻ có thể được chào bán một lần hoặc nhiều lần, thời điểm chào bán dự kiến trong năm 2023 hoặc cho đến trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Cổ phần được chào bán cho không quá 99 nhà đầu tư chiến lược và/hoặc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chiến lược là các tổ chức trong nước và nước ngoài, có năng lực về tài chính hoặc trình độ công nghệ hỗ trợ sự phát triển hoạt động kinh doanh của Masan và các công ty con trong tập đoàn. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Cổ phiếu chào bán riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chuyên nghiệp kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Trong 5 năm đầu tiên kể từ ngày phát hành, cổ phần ưu đãi không được hưởng cổ tức. Kể từ sau năm thứ 6 trở đi, mức cổ tức cố định của mỗi cổ phần ưu đãi tối đa là 10%/năm. Dự kiến ĐHĐCĐ sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định tỷ lệ chia cổ tức cố định cụ thể và thời điểm thanh toán.
Ngoài cổ tức cố định, mỗi cổ phần ưu đãi sẽ được nhận cổ tức tương đương với mỗi cổ phần phổ thông (nếu có). Cổ phần ưu đãi không có quyền biểu quyết.
Mỗi cổ phần ưu đãi được phép chuyển đổi thành một cổ phần phổ thông tại bất kỳ thời điểm nào sau ngày phát hành trên cơ sở yêu cầu của cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi và theo quyết định của HĐQT. Tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.
Công ty có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi tại bất kỳ thời điểm nào sau khi tròn một năm kể từ ngày phát hành. Giá mua lại một cổ phần ưu đãi không thấp hơn giá phát hành và không cao hơn 300.000 đồng/cổ phần.
Giá mua lại sẽ được điều chỉnh cho các khoản chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và các khoản phân phối bằng cổ phiếu mà công ty đã trả, cũng như các sự kiện gộp hay chia tách cổ phiếu, chi trả cổ tức bằng tiền và các sự kiện tương tự.
Ngoài phương án phát hành cổ phiếu ưu đãi cổ tức vừa bổ sung, Masan giữ nguyên kế hoạch chào bán cổ phần phổ thông theo phương thức phát hành riêng lẻ như đã nêu trong tờ trình ban đầu.
Quy định về số cổ phần dự kiến chào bán tối đa, giá chào bán, quy định hạn chế chuyển nhượng, thời điểm chào bán, số lượng nhà đầu tư của phương án phát hành cổ phần phổ thông tương tự như với cổ phần ưu đãi cổ tức. Cổ phần phổ thông có quyền biểu quyết, không có cổ tức cố định và không có điều khoản mua lại.
ĐHĐCĐ của Masan sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định việc lựa chọn loại cổ phần chào bán phù hợp với phương án chào bán từng loại và tùy thuộc và nhu cầu, tình hình sử dụng vốn của công ty và điều kiện thị trường thuận lợi nhất nhưng tổng tỷ lệ phát hành không quá 10% tổng số cổ phiếu đang lưu hành.
Bổ sung danh sách ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT
Ngoài bổ sung phương án chào bán riêng lẻ cổ phần ưu đãi cổ tức, Masan cũng bổ sung danh sách ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT để bầu bổ sung cho nhiệm kỳ 2019 - 2024. Người ứng cử là bà Chae Rhan Chun.
Bà Chae Rhan Chun sinh năm 1979, là cử nhân Korea University, đồng thời là Thạc sỹ, MBA tại Đại học Chicago Booth School of Business. Từ năm 2016 đến nay, bà Chae Rhan Chun là Giám đốc khu vực Việt Nam của SK SUPEX Council.
Đồng thời, bà Chae Rhan Chun cũng đang giữ chức vụ Giám đốc tại SK Investment Vina III Pte. Ltd, Giám đốc tại MSN Investment Pte. Ltd và Giám đốc tại Maroon Bells Joint Stock Company.
Bà Chae Rhan Chun là người đại diện cho phần vốn của SK Investment Vina I Pte. Ltd với gần 132 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 9,26% vốn điều lệ của Tập đoàn Masan. SK Investment Vina I Pte. Ltd trở thành cổ đông lớn của Masan kể từ năm 2018.
Trước đó, ngày 30/3, Tập đoàn Masan đã nhận được đơn từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Ji Han Yoo. Ông là Phó chủ tịch, Giám đốc nhóm đầu tư số 2 của SK Supex Council. Trước đó ông là Phó chủ tịch, Giám đốc phát triển kinh doanh Tập đoàn của SK Siltron.
Ông Yoo cũng đang là thành viên HĐQT của SK Investment Vina I Pte LTd và SK Investment Vina II Pte Ltd.
Sau khi ông Ji Han Yoo từ nhiệm, HĐQT Masan còn 6 người, gồm Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Đăng Quang và các thành viên: Bà Nguyễn Hoàng Yến, ông Nguyễn Thiều Nam, ông Nguyễn Đoan Hùng, ông David Tan Wei Ming và bà Nguyễn Thị Thu Hà.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ, năm 2023, Masan đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần hợp nhất từ 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng từ 18%-31% so với thực hiện năm 2022 và lợi nhuận thuần sau thuế phân bổ cho cổ đông thiểu số từ 4.000-5.000 tỷ đồng, tăng 12%-40% so với năm ngoái. |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 25/09/2024 09:00
Suzuki XL7 Hybrid cách tân để chinh phục gia đình Việt
Với loạt nâng cấp trang bị tiện ích, công nghệ vận hành tiên tiến kết hợp ưu điểm sẵn có về sự đa dụng, Suzuki XL7 Hybrid tiếp tục là lựa chọn tối ưu dành cho nhu cầu sử dụng của các gia đình Việt.
Kinh tế - Xã hội - 25/09/2024 07:32
IR Awards 2024: HDBank khẳng định vị thế trong quan hệ nhà đầu tư quốc tế
Ngày 24/9/2024, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (, mã chứng khoán: HDB) được bình chọn là "Doanh nghiệp niêm yết lĩnh vực tài chính vốn hóa lớn có hoạt động Quan hệ Nhà đầu tư được Nhà đầu tư yêu thích nhất", theo kết quả công bố tại IR Awards 2024 do Vietstock, Hiệp hội Các nhà quản trị tài chính Việt Nam (VAFE) và Tạp chí Fili đồng tổ chức.
Kinh tế - Xã hội - 24/09/2024 22:00
Mẫu đơn xin nhận lại xe bị công an giữ 2024
Khi muốn nhận lại xe bị tạm giữ, chủ phương tiện phải có đơn xin nhận lại xe bị tạm giữ, bên cạnh các loại giấy tờ khác đi kèm theo yêu cầu.
Kinh tế - Xã hội - 24/09/2024 16:38
Xót xa điểm trường bị tàn phá bởi cơn bão Yagi lịch sử
Cổng trường bị gió quật ngã trông như một đống sắt vụn trên nền đất. Lớp học mất luôn một mảng tường, đất đá, bùn nhão tràn vào. Các vết nứt đã lan đến cả trần, hoàn toàn có thể sập xuống nếu như gặp một trận mưa lớn khác...
Kinh tế - Xã hội - 24/09/2024 09:56
Ra mắt Câu lạc bộ Xe thể thao Hải Phòng - Hai Phong Motorsports Club
Câu lạc bộ Xe thể thao Hải Phòng - Hai Phong Motorsports Club (HMC) ra mắt ngày 22/9 với nhiều hoạt động sôi nổi và hướng tới giải vô địch gymkana quốc gia 2024.
Kinh tế - Xã hội - 23/09/2024 19:00
Vì sao các dòng xe SUV đa dụng lên ngôi?
Ngành công nghiệp ô tô gần đây chứng kiến sự tăng trưởng nhanh chóng của các mẫu xe thể thao đa dụng (SUV), trên thị trường toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Vậy, lý do đằng sau cơn sốt SUV là gì?
- Trang bị kỹ năng khai thác trí tuệ nhân tạo vào truyền thông công đoàn
- Suzuki XL7 Hybrid cách tân để chinh phục gia đình Việt
- Tiền lương và mức lương tối thiểu được quy định thế nào?
- “Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 5: Ngân hàng cần minh bạch, rạch ròi
- Chủ tịch Công đoàn tận tâm của Trường THCS Đồng Khởi