“Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 5: Ngân hàng cần minh bạch, rạch ròi
Pháp luật lao động - 25/09/2024 08:33 Nhóm Phóng viên
Cần xóa những "điểm mù thông tin" về thẻ ngân hàng
Tham gia cuộc khảo sát của Tạp chí Lao động và Công đoàn về thực trạng sử dụng thẻ ATM, 500 công nhân, người lao động đề xuất nhiều ý kiến.
Kỹ sư Trần Hữu Nhật Quang (đang làm việc tại một công ty vốn FDI, Khu công nghiệp Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) kể năm 2013 được công ty mở tài khoản và làm thẻ ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) để nhận lương. Sau đó anh chuyển công ty, rồi lần lượt có thêm 3 thẻ ATM khác, tổng cộng có 4 thẻ ATM của 3 ngân hàng. Trong số 2 tài khoản của Agribank, một tài khoản hết hạn dùng nhưng anh không đi gia hạn lại thẻ (tài khoản vẫn hoạt động).
Với tính chất công việc, công nhân rất ít có thời gian để trực tiếp đến ngân hàng hủy những chiếc thẻ ngân hàng không sử dụng nên thường tốn phí quản lý, phí thường niên oan uổng. Ảnh: N.Q.L |
Cách đây vài tháng, có người chuyển vào tài khoản Agribank cũ của anh Quang một số tiền. Anh trực tiếp tới ngân hàng Agribank để rút tiền mặt mới biết ngân hàng có trừ phí của anh mấy chục ngàn đồng. Theo anh Quang khi mà tài khoản của chủ thẻ hết tiền, trong vòng 1 năm hay thời hạn nhất định được ngân hàng quy định mà không phát sinh giao dịch, thì tài khoản đó bị khóa, hủy, ngân hàng thu hồi. Còn nếu chủ thẻ không dùng, lại chưa biết để hủy, khóa mà ngân hàng thu những khoản phí này là thiếu hợp lý.
“Khi thu hồi hay hủy số tài khoản thì ngân hàng chỉ việc gửi tin nhắn, thông tin về cho chủ thẻ là được. Anh chị em công nhân đi làm khá là bận rộn nên thường dễ quên và ít quan tâm đến những chiếc thẻ ATM, cứ nghĩ là sẽ bỏ đi và không mất phí”, kỹ sư Quang bày tỏ.
Chị Hoàng Thị Lan, Công ty CP Đầu tư Thái Bình (Dĩ An, Bình Dương) đề xuất nếu thẻ không dùng, ngân hàng chủ động không thu phí và hủy thẻ. Ảnh: L.C.C |
Cùng chung tâm trạng, chị Phạm Thị Na - công nhân phân xưởng sản xuất Mẫu, Công ty CP Đầu tư Thái Bình (Dĩ An, Bình Dương) cho biết có 2 thẻ ATM của Vietcombank và Agribank, trong đó rất ít dùng thẻ của Agribank nhưng hàng tháng vẫn bị trừ 3 khoản phí dịch vụ. Cụ thể, phí quản lý tài khoản 3.300 đồng, phí dịch vụ E-mobile Banking 11.000 đồng và phí tin nhắn OTT DV E-Mobile Banking 8.800 đồng.
Chị Lan và chị Na (Công ty CP Đầu tư Thái Bình, Dĩ An, Bình Dương) ghi phiếu khảo sát của Tạp chí Lao động và Công đoàn về thực trạng sử dụng thẻ ATM. Ảnh: L.C. |
Chị Hoàng Thị Lan, đồng nghiệp làm cùng phân xưởng với chị Na cũng bị trừ các khoản phí tương tự.
Cả hai chị cho biết khi mở tài khoản ngân hàng thì theo số đông của công ty, nên khi mở thẻ không được phía ngân hàng tư vấn trực tiếp về mức phí dịch vụ, phí quản lý thẻ hằng tháng, hoặc khi không dùng nữa thì nên phải làm sao cho đỡ mất phí, phát sinh dư nợ.
“Đối với công nhân lao động như chúng tôi hiện nay đời sống đa số đều khó khăn, nếu biết khi không dùng đến, thẻ vẫn phải bị trừ phí thì tôi sẽ không mở tài khoản. Tôi mong muốn phía ngân hàng xem xét, nếu người dân không có nhu cầu sử dụng thẻ hoặc tài khoản, thì ngân hàng nên chủ động liên hệ với khách hàng để hủy tài khoản và thẻ, cũng như ngừng thu các loại phí”, chị Na nói.
Những đề xuất đáng lưu tâm
Trong một cuộc khảo sát nhanh với 22 công nhân tại một công ty có vốn FDI ở Khu công nghiệp ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế thì đại đa số họ đều đề nghị “ngân hàng tự xóa thẻ tự động sau 12 tháng không sử dụng”.
Đáng chú ý, phần lớn trong số 22 công nhân này, đều có ít nhất một thẻ ATM ít sử dụng nhưng vẫn giữ mà chưa đóng hay khóa thẻ. Việc ngân hàng chủ động khóa thẻ, hủy thẻ và không thu phí của chủ thẻ sau một thời gian nhất định không sử dụng, cũng là ý kiến của nhiều công nhân.
Lời đề nghị của một công nhân ở Công ty IGB Automotive Việt Nam (Bình Dương) đối với với ngân hàng trong việc ứng xử với những chiếc thẻ ngân hàng. Ảnh: Đ.T |
Tại Công ty IGB Automotive Việt Nam, (KCN Sóng Thần 3, TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương), chị Phạm Thị Hoài Thương, người có 2/3 thẻ ATM không sử dụng đề nghị ngân hàng “không thu phí duy trì, quản lý tài khoản khi thẻ không sử dụng một thời gian dài”.
Chị Bùi Thị Anh đề xuất “ngân hàng cần rà soát và xác nhận đóng thẻ khi khách hàng ngưng sử dụng một thời gian dài”.
Anh Huỳnh Tiên đề nghị “ngân hàng đóng băng các thẻ không sử dụng thời gian dài để tránh phát sinh chi phí”.
Chị Võ Thị Mỹ Duyên đề nghị ngân hàng “không thu phí quy trì, quản lý tài khoản khi không còn số dư trong tài khoản”.
Anh Dương Văn Hiệp – công nhân Công ty FuHong Precision Component (Bắc Giang) nói rằng hiện anh có 4 thẻ ATM (TPBank, Agribank, Vietinbank và Vietcombank), nhưng thường xuyên sử dụng 1 cái là Vietinbank để nhận lương và các khoản thu nhập ở công ty. “Tôi đề xuất nếu thẻ ATM lâu không dùng, ngân hàng cần báo lại cho khách hàng biết để còn trả lại các thẻ đó”, anh Hiệp nêu đề xuất.
Còn anh Nguyễn Văn Vinh - Công ty TNHH Fuhong Precision Component (Bắc Giang) góp ý: “Ngân hàng nên áp dụng mức phí dựa trên số lần giao dịch thực tế trong một tháng. Ví dụ: nếu số lần giao dịch dưới 20 lần mỗi tháng, phí sẽ được tính ở mức thấp hơn so với những thẻ có số lần giao dịch vượt quá 20 lần. Điều này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho những người ít sử dụng thẻ mà vẫn phải chịu phí duy trì cố định. Tôi hy vọng rằng, ngân hàng sẽ xem xét và áp dụng chính sách này, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng có nhu cầu sử dụng thẻ một cách linh hoạt và tiết kiệm hơn”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Quyết - công nhân Công ty TNHH Young Tech (Hải Dương), nêu: “Tôi nghĩ rằng các ngân hàng nên tiến tới việc triển khai tự khoá thẻ cho khách hàng khi trong vòng 3 tháng không sử dụng dịch vụ (không có giao dịch nào). Nếu khách hàng muốn sử dụng tiếp sẽ chủ động lên chi nhánh ngân hàng mở lại”.
Mời đón đọc Bài 6: Thẻ ngân hàng và tâm tư của cán bộ công đoàn
"Bẫy nợ" thẻ ngân hàng - Bài 1: Công nhân vướng nợ xấu gần chục năm mà không biết Nhận thông báo về khoản nợ vay quá hạn tới hơn 7,5 triệu đồng từ một ngân hàng, chị X. lo lắng, suy sụp… |
“Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 2: Những chiếc thẻ ngân hàng làm công nhân khốn khổ Mỗi lần nhảy việc, công nhân sở hữu thêm một thẻ ATM. Thẻ cũ không dùng vẫn bị thu phí, dẫn đến nhiều hệ lụy, ... |
“Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 3: Trên 60% công nhân dùng từ 2 thẻ ATM trở lên Tạp chí Lao động và Công đoàn đã tiến hành khảo sát việc sử dụng thẻ ATM qua 500 công nhân trong các khu công ... |
“Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 4: Công nhân chịu thiệt đến bao giờ? Việc doanh nghiệp phối hợp với ngân hàng phát hành thẻ ATM cho công nhân diễn ra phổ biến. Mỗi khi nhảy việc, công nhân ... |
- “Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 5: Ngân hàng cần minh bạch, rạch ròi
- Chủ tịch Công đoàn tận tâm của Trường THCS Đồng Khởi
- IR Awards 2024: HDBank khẳng định vị thế trong quan hệ nhà đầu tư quốc tế
- Mức hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi bão Yagi
- Ấm nghĩa trọn tình Công đoàn trong bão lũ