Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh: Sáng mãi cuộc đời người chiến sĩ cộng sản kiên trung
Công đoàn - 29/07/2019 13:49 Phạm Hữu Thư
Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh. |
Đi theo con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc
Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày mùng 2/2/1908 trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước ở Diêm Điền, Thái Bình. Ngay từ nhỏ, cậu bé Cảnh đã bộc lộ rõ khí chất thông minh, can đảm.
Khi vào học ở Trường Thành Chung, Nam Định, Cảnh đã kết bạn với một số thanh niên có tư tưởng tiến bộ, tìm đọc những sách báo yêu nước, tìm hiểu đời sống những người thợ dệt, tích cực tham gia phong trào bãi khóa đòi nhà cầm quyền thả nhà yêu nước Phan Bội Châu, đứng đầu tổ chức để tang cụ Phan Châu Trinh. Do có những hoạt động yêu nước, nên từ năm học thứ ba anh bị đuổi học. Tháng 10/1926, Nguyễn Đức Cảnh bí mật tìm đường lên Hà Nội, bắt đầu một cuộc sống mới.
Sau một thời gian ở Hà Nội, Nguyễn Đức Cảnh xin vào làm việc tại xưởng in Lê Văn Tân. Đến tháng 9/1927, Nguyễn Đức Cảnh sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do Tổng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tổ chức. Từ đây anh gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đi theo con đường cách mạng của Nguyễn Ái Quốc.
Trở về nước, Nguyễn Đức Cảnh cùng nhiều đồng chí cách mạng tiền bối khác lần lượt về Hải Phòng tuyên truyền cách mạng, vận động công nhân. Với vai trò là Ủy viên BCH Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, Nguyễn Đức Cảnh trực tiếp làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng, bao gồm cả TP. Hải Phòng và các tỉnh Kiến An, Hải Dương, khu mỏ Hồng Quảng.
Nguyễn Đức Cảnh đã đề xuất thực hiện chủ trương “Vô sản hóa” và vào làm việc tại Nhà máy Carông, sau đó chuyển sang làm công nhân ở Cảng Hải Phòng. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo nhiều cuộc đấu tranh, trong đó có cuộc đấu tranh của hơn 2.000 công nhân Nhà máy Xi măng với mục tiêu đòi tăng lương, chống đánh đập. Trong hai năm 1928, 1929 đã nổ ra 17 cuộc đấu tranh lớn của công nhân Hải Phòng, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và báo chí thời kỳ đó đưa tin.
Trở thành người cộng sản
Cuối tháng 3/1929, những thành viên ưu tú nhất trong Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ gồm Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, bí mật gặp nhau tại số nhà 5D, phố Hàm Long (Hà Nội) để họp thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên. Nguyễn Đức Cảnh và Trịnh Đình Cửu được Chi bộ phân công chuẩn bị Tuyên ngôn và Điều lệ Đảng.
Chưa đầy 3 tháng sau, ngày 17/6/1929, những người cách mạng trung kiên trong Chi bộ Cộng sản đầu tiên đã triệu tập hội nghị gồm 20 đại biểu ở các tỉnh Bắc Kỳ tại số nhà 312, phố Khâm Thiên, Hà Nội, quyết định thành lập Đảng Cộng sản lấy tên là Đảng Cộng sản Đông Dương (Đông Dương Cộng sản Đảng); thông qua Tuyên ngôn và Điều lệ Đảng. Hội nghị đã cử BCH Trung ương lâm thời, gồm các đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu, Đỗ Ngọc Du, Trần Văn Cung, Trần Tư Chính.
Tháng 4/1929, Nguyễn Đức Cảnh đã xúc tiến thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hải Phòng, gồm 3 người: Hoàng Văn Đoài, Nguyễn Hữu Căn, do Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Đến tháng 6/1929, Chi bộ đã phát triển thành lập thêm 14 chi bộ mới với 95 đảng viên. Trên cơ sở này, Ban Tỉnh ủy lâm thời của Đông Dương Cộng sản Đảng tại Hải Phòng được thành lập, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Bí thư Ban Tỉnh ủy lâm thời Hải Phòng.
Trước sự lớn mạnh và sự trưởng thành về ý thức hệ của giai cấp công nhân Việt Nam đòi hỏi phải có tổ chức “Công hội” để lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân, ngày 28/7/1929, Hội nghị đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc và quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, do Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng lâm thời. Hội nghị cũng quyết định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội Đỏ (tiền thân của Tạp chí Lao động và Công đoàn ngày nay) do Nguyễn Đức Cảnh phụ trách.
Đầu năm 1930, Nguyễn Đức Cảnh cùng Trịnh Đình Cửu được cử sang Hồng Kông dự hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc và lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Tháng 5/1930, Nguyễn Đức Cảnh được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ. Do phong trào cách mạng bùng lên ở Nghệ An và Hà Tĩnh, tháng 10/1930, Nguyễn Đức Cảnh được cử Trung ương cử vào tăng cường trong Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, phụ trách công tác tuyên huấn. Tháng 4/1931, sau khi dự hội nghị nghe truyền đạt Nghị quyết của Trung ương, trên đường về cơ sở, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt ở làng Yên Dũng Hạ (TP. Vinh ngày nay).
Thực dân Pháp mở tòa đại hình, kết tội tử hình Nguyễn Đức Cảnh. Trong xà lim án chém, đồng chí vẫn dành thời gian, tập trung sức để viết cuốn “Công nhân vận động”. Đây là tác phẩm đúc kết kinh nghiệm thực tiễn làm phong phú lý luận vận động công nhân của Đảng. Sáng ngày 31/7/1932, thực dân Pháp đã thi hành bản án tử hình Nguyễn Đức Cảnh cùng với đồng chí Hồ Ngọc Lân trước cửa đề lao Hải Phòng.
Sáng mãi cuộc đời người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất
Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ, sáng lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, tổ chức tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày nay; đồng chí còn là một nhà lý luận sắc bén, có đóng góp tích cực cho việc xây dựng nền báo chí cách mạng. Cuốn Công nhân vận động, tác phẩm cuối cùng của đồng chí là cuốn cẩm nang thực sự có giá trị đối với những người cộng sản về phong trào công nhân và công đoàn Việt Nam.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chỉ kéo dài khoảng 7 năm, nhưng vô cùng sôi động với nhiều thử thách, cam go, ác liệt. Nguyễn Đức Cảnh đã hòa mình và gắn bó với những người lao động cùng khổ, làm đủ thứ nghề để tuyên truyền về lý luận cách mạng và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn trong phong trào công nhân.
Nguyễn Đức Cảnh thấu hiểu vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, liên minh với giai cấp nông dân để lãnh đạo nhân dân lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do cho đất nước.
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh luôn thể hiện đạo đức và phẩm chất cách mạng trong sáng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, hiến dâng trọn cả đời mình cho nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Đối với kẻ thù, đồng chí luôn giữ một tinh thần đấu tranh kiên quyết, gan vàng, dạ sắt, không khoan nhượng; không nao núng, giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh có sức cổ vũ hàng triệu người anh dũng, hiên ngang dấn bước, phá bỏ xiềng xích nô lệ, tạo nên bước ngoặt đặc biệt quan trọng cho phong trào đấu tranh cách mạng ở Việt Nam.
Trong bài “Đảng ta”, tháng 1/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Những đảng viên đã vì Đảng, vì giai cấp, vì dân tộc mà oanh liệt hy sinh như đồng chí Lê Hồng Phong, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Minh Khai, cùng trăm nghìn đồng chí khác... Máu xương của các tiên liệt đã thấm nhuần gốc rễ của Đảng ta, làm cho cây nó càng vững, ngành nó càng to, và kết quả khai hoa ngày càng rực rỡ.”
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2019), đúng vào dịp kỷ niệm 88 năm ngày mất của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (31/7/1931 - 31/7/2019), chúng ta cùng nhau ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, người con ưu tú của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam đã trọn đời cống hiến, hy sinh vì Đảng, vì Tổ quốc và vì hạnh phúc của nhân dân.
Đổi mới hoạt động công đoàn: Phải quyết liệt bằng hành động Đổi mới hoạt động công đoàn không chỉ là khẩu hiệu, đó còn là một nội dung trọng tâm trong hoạt động công đoàn hiện ... |
90 năm: Công đoàn Việt Nam - thành viên vững chắc của hệ thống chính trị Công đoàn Việt Nam là cơ sở chính trị - xã hội của Đảng và Nhà nước ta. Trong suốt lịch sử hình thành và ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 12/09/2024 10:49
Cô giáo 30 năm tận tâm, nhiệt huyết với nghề dạy học ở Thủ đô
Cô Hà Phương Liên, giáo viên Trường Tiểu học Trung Yên (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) không chỉ là người tận tâm với nghề mà còn luôn hết lòng vì lợi ích của đoàn viên, góp phần xây dựng một môi trường làm việc đoàn kết và gắn bó.
Hoạt động Công đoàn - 12/09/2024 07:42
Cô giáo mầm non kiên trì “bám nghề” nhờ công đoàn động viên, hỗ trợ
Về công tác ở một nơi mới mẻ và cuộc sống có nhiều biến cố khiến tôi như rơi xuống vực sâu. Nhưng tình thương của Công đoàn Trường Mầm non Thạnh Phú (xã Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) đã cho tôi cuộc sống mới: lạc quan và tin yêu hơn.
Công đoàn - 11/09/2024 16:47
Công đoàn kêu gọi ủng hộ một ngày lương cho đồng bào bị thiệt hại do bão số 3
Các cấp Công đoàn Việt Nam vận động ủng hộ, hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 với mức phấn đấu là mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động một ngày lương/thu nhập trở lên.
Hoạt động Công đoàn - 11/09/2024 12:43
Thái Nguyên: Công nhân vùng lụt ăn ở miễn phí tại công ty
Do tình hình mưa lũ rất phức tạp, các cấp công đoàn tỉnh Thái Nguyên cùng với doanh nghiệp đã ngay lập tức có những phương án hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên và người lao động, vừa đảm bảo an toàn và sản xuất kinh doanh.
Hoạt động Công đoàn - 11/09/2024 10:00
Tấm gương cán bộ Công đoàn năng động, sáng tạo của Trường THCS Trần Quốc Toản
Cô giáo Trần Thị Hoàng Yến - Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Trường THCS Trần Quốc Toản (phường Tân Lập, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) là một cán bộ Công đoàn năng động, đổi mới, sáng tạo trong công việc.
Hoạt động Công đoàn - 11/09/2024 06:53
Công đoàn Agribank CN thành phố Vĩnh Yên Vĩnh Phúc - ngôi nhà thân yêu của tôi
Cho đến khi tôi được gặp các anh chị đồng nghiệp của mình - Công đoàn Agribank Chi nhánh thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), tôi mới nhận ra rằng, ngay cả những người từng xa lạ cũng có thể làm thay đổi cuộc sống và mang đến nhiều điều đẹp đẽ cho mình.
- Thừa Thiên Huế: Hơn 7.400 việc làm được kết nối qua sàn giao dịch điện tử
- Cô giáo 30 năm tận tâm, nhiệt huyết với nghề dạy học ở Thủ đô
- Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023 - 2028
- Nữ VĐV duy nhất tại VGC PVOIL CUP 2024: "Phấn khích vì lần đầu thử sức ở giải lớn"
- Không tham dự Triển lãm ô tô Việt Nam, Mercedes-Benz tự tổ chức sự kiện riêng tại Hà Nội