Cù Lao Dung - nốt son của Đồng bằng sông Cửu Long
Kinh tế - Xã hội - 07/10/2022 22:24 HOÀNG LIÊN PHƯƠNG
Đồng bằng sông Cửu Long: Từ trồng lúa bằng mọi giá đến nuôi trồng thông minh |
Hiện nay, nơi đây chỉ còn 2 cửa biển là cửa Định An giáp ranh với tỉnh Trà Vinh và cửa Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng, còn cửa biển Ba Thắc nằm giữa và chia đảo Ngọt ra làm hai phần đã bị dòng chảy, phù sa bồi lắng làm biến dạng, chỉ còn lại là con rạch nhỏ chảy ra sông Hậu cách cửa biển Trần Đề không xa. Con rạch này có tên là Cồn Tròn, chảy từ Vàm Hồ vào đến Khém Sâu. Tên gọi đảo Ngọt thuở xa xưa ấy, giờ chính là huyện Cù Lao Dung có chiều dài trên 30 km, nằm giữa dòng sông Hậu mênh mông, hiền hòa với đặc thù là vùng nước ngọt, vùng nước lợ và cả vùng nước mặn ven biển.
Truyền thuyết
Dọc theo cung đường Nam sông Hậu đầy huyền thoại còn lưu dấu ấn đến hôm nay, ở giữa dòng sông Hậu chở nặng phù sa có rất nhiều dải đất cù lao xanh um bạt ngàn cây trái. Từ bên bờ nhìn qua, trông các dải đất này giống như những "ốc đảo xanh" giữa sông nước mênh mông với bốn bề biển nước và lộng gió. Trong số đó, lớn nhất là Cù Lao Dung mà những bô lão địa phương quen gọi là Đảo Ngọt với đơn vị hành chính cấp huyện có 8 xã, thị trấn nằm ở cuối lưu vực sông Mê Kông, giáp với biển Đông. Vùng đất này khá đặc biệt, gắn với nhiều chiến tích trong hai cuộc kháng chiến cứu nước khiến quân thù khiếp sợ mỗi khi nhắc đến; cũng gắn với không ít câu chuyện ly kỳ về chúa Nguyễn Ánh trong hành trình bôn tẩu và khai phá đất phương Nam, ngày nay vẫn còn tên gọi những địa danh ấy ...
Trồng rừng phòng hộ. Ảnh: HLP |
Tương truyền khi xưa, cù lao này bốn bề biển bao bọc, nước mặn xâm lấn nên đất đai cằn cỗi hoang hóa, không thể trồng trọt hay chăn nuôi hoặc là không đủ nước ngọt để sinh hoạt hằng ngày. Đời sống của những lưu dân cư ngụ nơi đây đời này qua đời khác đều lao đao, khốn đốn, nhất là khi mùa gió chướng tràn về. Khi đó, có một đạo sĩ từ vùng Thất Sơn (núi Cấm, An Giang) đi qua sông Hậu bằng chiếc nón lá đến với cù lao này, cám cảnh trước đời sống người dân khổ sở nên đã "hóa phép" làm cho toàn bộ đảo đầy ắp nước ngọt quanh năm nên người dân xứ cồn trân trọng gọi là Đảo Ngọt. Ngày nay, ít người còn nhớ đến truyền thuyết này mà chỉ gọi theo tên hành chính hiện thời.
Dấu ấn xưa
Mía trổ cờ. Ảnh: HLP |
Trong nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của xứ Ba Thắc ngày xưa và nay là tỉnh Sóc Trăng, địa danh Cù Lao Dung được đề cập khá nhiều trong văn bản hành chính của thời nhà Nguyễn và thời Pháp thuộc với các tên gọi khác nhau như Huỳnh Dung Châu (theo Di cảo của Trương Vĩnh Ký). Từ đó, đến nay chưa có một cách giải thích nào đúng ý nghĩa của tên Huỳnh Dung Châu. Cùng với tên gọi Huỳnh Dung Châu, xưa kia còn có tên gọi là Cù lao vuông – tên gọi này đặt theo cảm nhận về hình thể vị trí của một vùng đất mới vừa phát tích nhưng khi nhìn vào bản đồ địa lý tỉnh Sóc Trăng năm 1909 thì hình thể của vùng đất này không hề giống với thực tế của tên gọi lúc đó.
Cũng có giả thuyết cho rằng, trong tiến trình khai phá vùng đất mới, thời kỳ đầu, khi mõm đất đầu tiên đã nhô lên khỏi mặt nước và lúc này Cù Lao Dung chưa có dấu chân người mà nơi đây là nơi trú ngụ của loài cọp vùng sông nước. Những năm đó, người dân trong vùng xung quanh thường thấy những con cọp hay mon men xuống mé rạch, mé sông để săn mồi, thỉnh thoảng lại thấy chúng “thả bè” qua Vàm Tấn (nơi trấn giữ của chúa Nguyễn Ánh, nay thuộc thị trấn Đại Ngãi, huyện Long Phú) hoặc qua cồn Mỹ Phước của huyện Kế Sách, rồi sau đó chúng lại kéo nhau trở lại vùng đất cù lao này là nơi trú ngụ chính. Vì thế, người dân nơi đây gọi là cù lao Ông Cọp hoặc cù lao Hổ Châu; lại còn có tên là cù lao Cồng Cộc hoặc cù lao Chàng Bè là tên gọi của loài chim chuyên ăn cá, có bộ lông đen, chân dài, thân lớn, có biệt tài săn cá dưới sông nước, biển cả rất giỏi, cư ngụ rất nhiều nơi đây. Ngày nay, loài chim này hầu như không còn xuất hiện trong vùng Đồng bằng Nam Bộ.
Cũng theo giả thuyết nêu trên, những cư dân đầu tiên đặt chân lên vùng đất Cù Lao Dung là người miền trên len lỏi vào nội địa vùng Ba Thắc bằng đường biển và đã dừng chân tại đây để bắt đầu cuộc mưu sinh gian khổ. Người đến trước rước người đến sau, họ quy tụ cùng nhau, đùm bọc nhau từng bước cải tạo vùng đất mới đầy hứa hẹn cho cuộc sống trù phú ở tương lai.
Đảo Ngọt
Cù Lao Dung trước kia chỉ có ba làng là An Thạnh Nhất, An Thạnh Nhì và An Thạnh Tam (ba địa danh này được ghi lại trong địa danh của Trương Vĩnh Ký), với ba cửa biển Định An, Trấn Di (nay là cửa Trần Đề) và Ba Thắc. Trong thời kỳ bôn tẩu ven các vùng biển phía Nam, chúa Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long) đã có một thời gian khá dài nương náu nơi đây. Những con rạch nơi chúa Nguyễn trú ngụ được người dân địa phương gọi là rạch Long Ẩn (nơi vua trú ngụ), rạch Trường Tiền (xưởng đúc tiền lưu hành trong quá trình bôn tẩu), cồn Chén (chén vua sử dụng) vẫn là tên gọi cho đến hôm nay.
Thanh long trên vùng đất mới. Ảnh: HLP |
Khi chưa tách lập huyện mới Cù Lao Dung, vùng đất cồn này thuộc huyện Long Phú với 4 xã: An Thạnh Nhất, An Thạnh Nhì, An Thạnh Ba, Đại Ân 1 và Nông trường 30/4 do anh hùng lao động chân đất Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng) tạo lập nên. Mô hình của nông trường này là lấy từ mô hình Nông trường Sông Hậu của tỉnh Hậu Giang cũ, xung quanh được kênh rạch và biển bao bọc. Nông trường giống như một xã hội thu nhỏ, không có tệ nạn xã hội, giống cây trồng, vật nuôi được nông trường chu cấp hoàn toàn, sản phẩm nông nghiệp được bao tiêu 100%, nhà cửa, an ninh trật tự đều được nông trường đảm bảo. Người dân cứ yên tâm sinh sống và nỗ lực phát triển kinh tế hộ: trồng hoa màu và nuôi tôm sú. Nhờ đó, nhiều hộ lo cho con em ăn học thành tài ở Cần Thơ hay ở TP. HCM. Nhiều con em quay lại làm ở trạm y tế hay kỹ sư nông nghiệp tiếp tục sự nghiệp của nông trường.
Đặc sản miệt vườn. Ảnh: HLP |
Tôi đã nhiều lần qua đây công tác và ngủ lại đêm ở nông trường, nói chuyện "trên trời dưới đất" thâu đêm với bác Năm Hoằng mới thấy hết giá trị của nó mang lại. Đa phần người dân trú ngụ nơi này là dân tứ xứ tụ hợp xin làm nông trường viên và phải chấp hành các quy định riêng của nông trường, ai làm trái quy định sẽ bị trừng trị nghiêm khắc. Nhà của người dân tối ngủ không cần đóng cửa, không ai dám trộm cắp tài sản bao giờ, vì khi phát hiện có dấu hiệu, hành vi tệ nạn xã hội sẽ lập tức bị đuổi khỏi nông trường. Thậm chí, rừng bần ven biển rất nhiều, người dân muốn sử dụng những cây bần chết khô làm củi thì cũng phải xin ý kiến lãnh đạo, nếu không cũng bị đuổi cổ thẳng thừng. Người dân rất sợ bị đuổi khỏi nông trường vì kế sinh nhai. Tuy nhiên, sau này khi nông trường giải thể thì xảy ra nhiều vụ tranh chấp ...
Cuối năm 1998, Sóc Trăng kéo điện lưới quốc gia bằng hai trụ điện cao hơn 90 mét vượt sông Hậu về 4 xã cù lao, phục vụ hơn 4.000 hộ khi đó. Hàng trăm năm nay đâu ai nghĩ rằng sẽ có điện thắp sáng vùng quê sông nước này, có chăng chỉ là trong những giấc mơ. Thế mà bây giờ đã trở thành hiện thực. Tôi nhớ như in cái ngày hôm đó, tôi cũng có mặt trên cù lao chờ đợi giây phút "của những giấc mơ" tại nhà ba nuôi ở rạch Long Ẩn trên đầu cồn. Ai cũng hồi hộp, nín thở chờ đợi và rồi vỡ òa lên, reo vui khắp dải đất cồn.
Thay da đổi thịt
Chuyến phà sớm rẽ sóng đưa khách bộ hành từ vàm Đại Ngãi sang xã An Thạnh 1 trong tiết trời lành lạnh. Chiếc phà nhẹ nhàng lướt trên mặt sóng của dòng nước Hậu giang, bất chợt trên phà từ chiếc điện thoại của ai đó vang lên bài hát "Du kích Long Phú" của cố nghệ sĩ Quốc Hương: “Ai vượt Cửu Long giang, lướt sóng gió trên ngàn ... nhớ về An Thạnh Nhất ...”. Xa xa trên dải đất màu xanh ấy, thấp thoáng những mái ngói đỏ tươi ánh lên trong nắng mai. Chợt giật mình khi nhận ra, một vùng đất tưởng chừng bị “cô lập” giữa bốn bề sóng nước, vậy mà trong 20 năm qua từ sau khi tách lập huyện, vùng đất ấy đã từng bước chuyển mình, dần thay da đổi thịt, khoác lên mình diện mạo mới, ngày càng giàu đẹp.
Phà cập bến, dòng người tấp nập ngược xuôi ngày cuối năm với nụ cười tươi rói khi vụ mùa bội thu, hồ hởi chuẩn bị các vật dụng, trang hoàng lại nhà cửa để đón sự kiện mong đợi và là niềm hãnh diện của người xứ cồn này. Xã An Thạnh 1 là xã nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng hiện ra với những nếp nhà khang trang thay thế cho những ngôi nhà tạm bợ. Trên những tuyến đường, từng chuyến xe chở nặng các loại trái cây đặc sản đang vào mùa thu hoạch chính vụ đi về các chợ đầu mối.
Cù Lao Dung từ trước đến nay nổi tiếng với những rẫy mía bạt ngàn. Mấy chục năm qua, cây mía có “lúc thịnh lúc suy” nhưng là cây trồng chủ lực đã nuôi sống và làm giàu cho hàng chục ngàn nông hộ nơi đây. Tuy vậy, ở những nơi cây mía không còn chiếm ngôi đầu nữa, chính quyền và bà con bắt đầu tìm đến những loại cây khác “ngọt ngào” hơn, có giá trị kinh tế cao hơn, đó là xoài, nhãn, thanh long, dừa, dứa, các loại cây có múi ...
Phát triển du lịch
Đến với Cù Lao Dung hôm nay mọi người không thể không ngỡ ngàng và say đắm trước những vườn cây trĩu quả, tập trung ở các xã An Thạnh 1, An Thạnh Tây, An Thạnh Đông và thị trấn Cù Lao Dung. Các loại cây trồng này đã và đang mang lại "vị ngọt" cho đời sống bà con. Những vườn cây ăn trái còn tạo điều kiện để phát triển du lịch vườn ở xã An Thạnh 1 và An Thạnh Tây, với rất nhiều chủng loại, có hương vị đặc trưng, trong đó, có những loại trái cây đặc sản mà khi đến đây, du khách rất thích thú và thường mua về làm quà. Với loại hình du lịch này, hàng năm đã thu hút khá nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan.
Kéo điện về đảo ngọt Cù Lao Dung. Ảnh: TL |
Nằm ở vị trí cuối dải cù lao hướng ra biển Đông là xã An Thạnh Nam có tiềm năng thích hợp cho loại hình phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá, nơi đây có khu rừng bần ngập nước hằng năm lấn dần ra biển, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú, hấp dẫn với nhiều loài thực vật và động vật hoang dã, như: khỉ, rái cá, rắn, tôm, cua, cá, vọp ... Đặc biệt, ở khu rừng này có nhiều đàn dơi, cò, chim với số lượng hàng trăm ngàn con, cộng với rất nhiều đàn ong rừng. Đây chính là điểm đến du lịch tuyệt vời cho những du khách yêu thiên nhiên, thích du lịch sinh thái, thích khám phá, nghiên cứu và trải nghiệm.
Đến với Cù Lao Dung, du khách đừng quên thưởng thức món ăn dân dã nhưng là đặc sản của xứ cồn, đó là món canh chua bần nấu cá tra bần. Bởi vì, đây là loại cá da trơn hình dáng gần giống với cá tra nuôi ao, nuôi vèo nhưng lại sống ở vùng nước lợ, chuyên ăn trái bần chín và trú ngụ dưới tán rừng bần phòng hộ, chỉ vùng này mới có. Cá này được nấu với trái bần chua trước kia, nay đã có nước cốt bần, thịt dai, giòn, có mùi thơm đặc trưng của bần chín, ngon không thua gì cá ngát hay cá bông lau vùng thượng nguồn sông Hậu. Riêng trái bần chín dầm trong nước mắm ớt là thức chấm của nhiều món ăn hấp dẫn khác: thịt ba ba nấu chuối, cá chẽm luộc nước dừa, cá thòi lòi nướng muối ớt, khô cá đuối đen (hắc cáy), khô cá khoai...
Đền thờ Bác Hồ tại huyện Cù Lao Dung. Ảnh: HLP |
Thêm vào đó, Cù Lao Dung còn có những điểm du lịch truyền thống, về nguồn, là những di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và cấp quốc gia, rất thích hợp cho những ai muốn tìm hiểu về nguồn cội, về một thuở hào hùng của ông cha ta trong đấu tranh giữ nước. Nổi tiếng nhất là Đền thờ Bác Hồ, tọa lạc tại ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông, đây là một trong 8 di tích lịch sử và văn hóa cấp quốc gia của tỉnh.
Đền thờ Bác Hồ được Đảng bộ và nhân dân Cù Lao Dung xây dựng nên khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn trong giai đoạn ác liệt nhất và đã quyết tâm bảo vệ, gìn giữ cho đến ngày chiến thắng. Ngày nay, Đền thờ Bác đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, điều đó có ý nghĩa rất lớn, bởi nó được kết tinh từ tâm tư, tình cảm, ý chí và nghị lực của cả Đảng bộ và Nhân dân trên một vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Nơi đây đã trở thành trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, Nhân dân trong tỉnh và là điểm du lịch hấp dẫn cho du khách.
Cách Đền thờ Bác Hồ không xa là Bia tưởng niệm chiến thắng Rạch Già ở thị trấn Cù Lao Dung, ghi dấu những chiến công oanh liệt của du kích Long Phú. Bia có hình tượng lá cờ Đảng và cờ nước vươn lên cao, trước mặt bia có hình tượng một trang sách được mở ra, một bên chạm khắc nội dung bài hát “Du kích Long Phú” của cố nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương, một bên khắc những dòng chữ nói về sự kiện chiến thắng Rạch Già. Đội du kích Long Phú ra đời vào những năm chống thực dân Pháp xâm lược và đã chặn đánh bọn Pháp khi chúng “mò sang” vùng cù lao lùng sục. Đặc biệt là những trận phục kích ở Rạch Già của du kích xã An Thạnh Nhì và các đơn vị tự vệ chiến đấu của huyện Long Phú làm cho quân thù “khiếp vía bạt hồn”.
Bia chiến thắng Rạch Già. Ảnh: HLP |
Nếu như đầu dải đất cù lao là “thủ phủ” của trái cây thì đoạn giữa đến cuối cù lao là thủ phủ của các loài thủy sản với các ao tôm ngày đêm sáng đèn như phố huyện trong những ngày gần thu hoạch. Xã An Thạnh 2 đang có số lượng nông dân chuyển dịch kinh tế đông đảo, đa số thay thế diện tích trồng mía chuyển sang nuôi tôm. Riêng xã An Thạnh 3 và An Thạnh Nam lại phát triển một số mô hình nuôi các loài thủy sinh trên lòng các con rạch, các tuyến bãi bồi ven sông, ven biển.
Cù Lao Dung với đặc thù vị trí địa lý cách biệt đất liền bốn bề sông nước, kênh rạch chằng chịt nên ảnh hưởng lớn đến việc giao thương trao đổi hàng hóa và nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng với truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt khó, hăng hái thi đua lao động sản xuất, nên cho đến nay, sau hơn 20 năm thành lập, Đảng bộ và nhân dân Cù Lao Dung đã đạt được những thành tựu đáng kể, bộ mặt nông thôn tiến bộ rõ nét.
Niềm vui không lời
Trong tương lai không xa, khi cầu Đại Ngãi nối nhịp đôi bờ với tỉnh Trà Vinh của Quốc lộ 60, với sự đầu tư điện gió, năng lượng mặt trời, cảng nước sâu… cùng nguồn lực đầu tư từ các dự án, chương trình hỗ trợ cho xã đảo, xã nông thôn mới, Cù Lao Dung sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, trong đó cơ hội lớn nhất phải kể đến là du lịch với rất nhiều tiềm năng. Cù Lao Dung có biển, có sông, có nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản… và có 3 vùng: mặn, lợ, ngọt. Có thể nói, nơi đây như một Đồng bằng sông Cửu Long thu nhỏ. Với điều kiện tự nhiên phong phú, có nhiều điểm tham quan như: Đền thờ Bác Hồ, bãi bồi, vườn trái cây… cùng địa hình độc đáo “giữa sông lại giáp biển” đã tạo cho Cù Lao Dung tiềm năng du lịch phát triển mạnh mẽ ngành “công nghiệp không khói” trong tương lai. Điều này không chỉ cho tỉnh Sóc Trăng mà cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của khu vực.
Hoa bần. Ảnh: HLP |
Trời đã xế chiều, về ngang thị trấn Cù Lao Dung nghe lòng nôn nao khi chứng kiến sự đổi thay của cù lao miệt vườn sông nước. Với vẻ đẹp từ thiên nhiên, không khí trong lành, từ những dãy rừng bần phòng hộ ven biển mang lại, Cù Lao Dung mang hình dáng của một con rồng đang vươn mình ra biển. Đây chính là sự hào phóng mà thiên nhiên đã “ban tặng” để hình thành nên dải đất cù lao này. Đảo Ngọt không còn là "ốc đảo" chơi vơi giữa lòng sông Hậu mà đã bắt đầu “chuyển mình” vươn ra biển lớn.
Cù lao thương nhớ Cù lao Bắc Phước (Triệu Phước, Triệu Phong, Quảng Trị) “bé bằng bàn tay”, cồn đất nằm ở giữa sông, với mấy “sải tay” là ... |
Vương vấn những món ăn từ thịt trâu Thịt trâu đã trở thành món ăn được nhiều người yêu thích bởi dễ chế biến, trong đó không thể không nhắc đến món khô ... |
Để nước mắt không còn mặn chát! Sống chung với hạn mặn đã nhiều năm qua, thậm chí đối mặt với hàng tá nguy cơ, thế nhưng, câu hỏi làm thế nào ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 02/09/2024 08:00
TP HCM đón “siêu” trung tâm khám chữa bệnh hạng sang lớn nhất Việt Nam
Tọa lạc tại Quận 7 với diện tích “khủng” 24.000m2, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh sở hữu hệ thống thiết bị, công nghệ hiện đại đẳng cấp quốc tế, đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu hùng hậu.
Kinh tế - Xã hội - 02/09/2024 00:00
Những mẫu xe mới sắp ra mắt trong tháng 9/2024 tại Việt Nam
Những mẫu xe mới sắp ra mắt thị trường Việt Nam trong tháng 9/2024 hầu hết đều là ô tô gầm cao của các thương hiệu quen thuộc, duy nhất một là xe Trung Quốc.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 13:30
Honda Dream 50 - phiên bản hoài cổ của Honda RC110
Honda Dream 50 thua xa RC110 về sức mạnh, nhưng bù lại đẹp hơn, nhiều boong hơn, thích hợp với tôi, một người thích xe đua nhưng không dám đua xe.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 11:30
Honda CR-V và Honda City giảm giá niêm yết cao nhất 80 triệu đồng từ ngày 1/9
Từ ngày 1/9, Honda CR-V và Honda City giảm giá niêm yết lần lượt 60-80 triệu đồng và 40-60 triệu đồng, đưa mức giá niêm yết của hai mẫu xe này xuống chỉ còn từ 1,029 tỷ đồng và 499 triệu đồng.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 10:00
VinFast VF 8 đạt 4 sao thử nghiệm an toàn của NHTSA ở Mỹ
Chiếc VF 8 đã đạt 4 sao thử nghiệm an toàn của NHTSA, với việc đánh giá tiến hành vào trung tuần tháng 7/2024.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 09:00
Giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước từ 1/9
Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP quy định ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ trong ba tháng, từ 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024.