“Bẫy nợ” thẻ ngân hàng - Bài 6: Ý kiến của cán bộ công đoàn
Phóng sự điều tra - 26/09/2024 13:33 Nhóm Phóng viên
|
Cẩn trọng với những chiếc thẻ “dịch vụ tặng kèm”
Đồng chí Hồ Văn Lộc - Phó Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế, Khu công nghiệp tỉnh Khánh Hòa cho biết:
“Có thực trạng một số ngân hàng khi triển khai dịch vụ của mình họ có mở tài khoản dịch vụ và thẻ kèm theo tặng cho công nhân để mua hàng. Về lý thuyết đây là dịch vụ có lợi cho công nhân. Tuy nhiên trong các KCN, khu chế xuất có đông công nhân lại không có các trung tâm mua sắm, dịch vụ để sử dụng thẻ. Thẻ ấy công nhân cũng ít dùng nhưng lại tốn phí quản lý. Những loại hình dịch vụ này đã triển khai rồi, nhưng công nhân có khi không biết để mà đi hủy thành ra dễ bị tốn tiền phí oan uổng. Do vậy công nhân cần cân nhắc, cẩn trọng khi sử dụng dịch vụ và nhận các dịch vụ, thẻ ngân hàng tặng kèm này nếu có.
Biết rằng nhiều dịch vụ ngân hàng khá tốt, có lợi, tuy nhiên phải phù hợp với đối tượng sử dụng là ai. Chẳng hạn người đi du lịch, người thường mua sắm, tiêu dùng thì những loại thẻ này lại có lợi cho họ. Nhưng với công nhân trong khu công nghiệp, nhà xưởng thì có trung tâm mua sắm đâu để quẹt thẻ, tiêu dùng? Họ không có thời gian, không có dịch vụ để sử dụng, như vậy giữ thẻ chỉ tốn tiền phí. So với những thẻ phúc lợi xanh, mua hàng giảm giá mà công đoàn triển khai thì hữu ích. Những loại dịch vụ này cần phát triển mạnh hơn để có lợi hơn cho công nhân lao động”.
Không dùng thẻ, nên khóa hẳn
Đồng chí Lê Thị Tùng Lâm - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Triệu Niềm Tin(quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng):
“Tôi đang dùng 5 thẻ của 5 ngân hàng khác nhau. Việc mở, dùng thẻ của tôi có mục đích rõ ràng như nhận lương, vay vốn, mua sắm… Thẻ nào không dùng tôi đều trực tiếp đóng tài khoản, để không phát sinh những chi phí không cần thiết.
Theo tôi, người lao động khi mở thẻ, cần cân nhắc mở dùng để làm gì? Thẻ nhận lương là thẻ ghi nợ nội địa hay thẻ tín dụng, hay thẻ nào khác? Người lao động cần nghe tư vấn kỹ của ngân hàng, quyết định phù hợp với nhu cầu của mình. Việc người lao động không dùng thẻ nữa, cá nhân tôi cho rằng nên khóa hẳn, ngăn chặn những phát sinh không cần thiết trong tương lai, cũng cho bản thân không còn phải lo lắng”.
Cần rút hết tiền trong tài khoản và hủy thẻ không sử dụng
Đồng chí Trần Tấn Huy - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Chaichareon (Quảng Trị):
“Để thuận tiện việc chi trả lương cho người lao động, công ty chúng tôi đã sử dụng đồng nhất hệ thống ngân hàng Sacombank. Hầu hết, những công nhân lao động mới vào làm việc đều đang sử dụng tài khoản ngân hàng khác và phải đăng ký tài khoản mới của ngân hàng Sacombank.
Nếu trong một thời gian dài không sử dụng thẻ ngân hàng và thẻ vẫn còn tiền thì vẫn bị trừ các loại phí như SMS Banking, phí duy trì tài khoản hằng tháng. Do vậy, chúng tôi thường nhắc nhở cho người lao động mới cần rút hết tiền trong tài khoản và hủy thẻ những ngân hàng không sử dụng đến. Đặc biệt, lưu ý đến những thẻ tín dụng, dù không sử dụng nhưng vẫn phải đóng phí thường niên cho ngân hàng, thời gian lâu sẽ dẫn đến nợ xấu.”
Sẽ khuyến cáo công nhân, người lao động rà soát lại số thẻ đang có
Anh N.Q. L., Chủ tịch Công đoàn cơ sở một công ty FDI tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế:
“Bản thân tôi hiện sở hữu 4 tấm thẻ ngân hàng khác nhau. Trong số đó, nhu cầu thật sự chỉ dùng 2 thẻ, 2 thẻ còn lại tôi đã “quên” đâu đó trong vài năm trở lại đây. Có lẽ tôi sẽ tìm lại và đi khóa thẻ, tránh phát sinh chi phí và mất phí không cần thiết. Đồng thời tôi cũng sẽ thông báo vấn đề này cho công nhân, đoàn viên của công ty tổng rà soát lại mỗi người sở hữu bao nhiêu thẻ để có hướng tư vấn, xử lý, tránh mất phí oan”.
Một bất cập lớn!
Đồng chí Lê Mộng Hoàng – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Freewell (tỉnh Bình Phước, ảnh):
“Hiện nay, nhiều người dùng thẻ ATM nhưng không phát sinh giao dịch và nghĩ nếu không sử dụng, thẻ sẽ tự hủy. Không chỉ riêng công nhân lao động, mà ngay cả những cán bộ công đoàn như tôi cũng nghĩ như vậy. Đến một ngày, họ mới hoang mang vì nhận thông báo phải trả phí duy trì hoạt động của tài khoản ngân hàng. Đây là một bất cập lớn.
Công nhân lao động vì áp lực cuộc sống nên thay đổi chỗ làm liên tục. Ở mỗi công ty họ phải mở một tài khoản ngân hàng mới để nhận lương, những tài khoản cũ (cùng với thẻ) trước đó không có nhu cầu sử dụng nữa. Số tiền cho các loại phí hàng tháng không lớn, nhưng nếu để qua nhiều năm thì lại khác, trở thành “món nợ” từ trên trời rơi xuống, tăng thêm áp lực cuộc sống cho công nhân lao động.
Xã hội đang trong tiến trình chuyển đổi số, bất cứ ai đủ điều kiện cũng đều có thể đăng ký mở tài khoản ngân hàng tại nhà. Do vậy, nếu thẻ (tài khoản) không còn sử dụng nữa, thì các ngân hàng cũng nên chủ động cung cấp các dịch vụ để người lao động có thể tự đăng ký hủy tài khoản tại nhà; vừa nhanh chóng lại giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các bên”.
Không dùng thẻ, nên khóa hẳn
Đồng chí Lê Thị Tùng Lâm - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Triệu Niềm Tin (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng):
“Tôi đang dùng 5 thẻ của 5 ngân hàng khác nhau. Việc mở, dùng thẻ của tôi có mục đích rõ ràng như nhận lương, vay vốn, mua sắm… Thẻ nào không dùng tôi đều trực tiếp đóng tài khoản, để không phát sinh những chi phí không cần thiết.
Theo tôi, người lao động khi mở thẻ, cần cân nhắc mở dùng để làm gì? Thẻ nhận lương là thẻ ghi nợ nội địa hay thẻ tín dụng, hay thẻ nào khác? Người lao động cần nghe tư vấn kỹ của ngân hàng, quyết định phù hợp với nhu cầu của mình. Việc người lao động không dùng thẻ nữa, cá nhân tôi cho rằng nên khóa hẳn, ngăn chặn những phát sinh không cần thiết trong tương lai, cũng cho bản thân không còn phải lo lắng”.
Bài 7: Những chiếc thẻ ngân hàng thành “gánh nợ” dưới góc nhìn của chuyên gia pháp lý