"Bẫy nợ" thẻ ngân hàng - Bài 1: Công nhân vướng nợ xấu gần chục năm mà không biết
Pháp luật lao động - 20/09/2024 16:56 MINH KHÔI
Vướng nợ từ chiếc thẻ tín dụng chưa từng sử dụng
Chị X. từng làm công nhân một công ty may ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Cách đây gần chục năm, doanh nghiệp này liên kết với một ngân hàng TMCP mở thẻ ATM cho công nhân để chuyển lương hằng tháng.
Khi mọi thủ tục giấy tờ hoàn tất, phía ngân hàng về giao thẻ cho công nhân và có “tặng thêm cho mỗi công nhân một thẻ tín dụng”. “Bên ngân hàng không thu phí, và nói không mất phí gì, chỉ yêu cầu công nhân ký nhận thẻ”, chị X. viết trong đơn gửi Tạp chí Lao động và Công đoàn.
Chị trình bày rằng mình cùng nhiều công nhân đã nhận 2 thẻ nhưng sau đó chị vứt bỏ luôn thẻ tín dụng bởi không có nhu cầu sử dụng..
Chị X. (Hải Dương) vướng nợ gần chục năm mà không biết. |
Chị X. nghỉ việc sau đó 4 năm (2019) mà không hề nhớ việc đã từng có một thẻ tín dụng mang tên mình.
Đến ngày 15/5/2024, ngân hàng gửi lời nhắn thoại vào số điện thoại của chị X., thông báo khoản nợ vay quá hạn lên tới hơn 7 triệu đồng tại ngân hàng và đề nghị chị thanh toán.
Chị X. gọi tới tổng đài của ngân hàng thì được giải thích rằng do chị “kích hoạt thẻ tín dụng nên phát sinh phí thường niên”. Nữ công nhân phản đối vì cho rằng mình không kích hoạt thẻ, mà “chỉ ký duy nhất vào tờ xác nhận nhận thẻ”.
Trong buổi làm việc với ngân hàng sau đó, phía ngân hàng đưa ra bằng chứng về việc chị đã ký vào giấy “đề nghị mở tài khoản và phát hành thẻ ghi nợ/ thẻ tín dụng quốc tế (dành cho khách hàng trả lương)”.
Giải thích điều này, chị X. khẳng định: “Đó là chữ ký của tôi, nhưng tôi chỉ nghĩ rằng ký xác nhận nhận thẻ, chứ không hề biết sau đó xảy ra hệ lụy thế này. Bởi nhân viên ngân hàng tư vấn nói rằng nếu không dùng cũng không mất phí... Họ tư vấn không rõ ràng”.
Khi đọc kỹ văn bản trên, chị X. phát hiện những dòng chữ viết tay điền thông tin cá nhân và thông tin người liên hệ (chồng, đồng nghiệp) không phải chữ của mình. Nữ công nhân đặt nghi vấn có thể những thông tin này được điền sau khi chị ký giấy.
Thông báo phát sinh nợ hơn 7,5 triệu đồng gửi tới chị X. qua tin nhắn |
Chị cũng bức xúc cho rằng trong suốt 9 năm qua, chị không sử dụng thẻ để vay mượn khoản nào, cũng không nhận được bất cứ tin nhắn hay cuộc điện thoại nào từ phía ngân hàng thông báo về khoản nợ. Cho đến tháng 5/2024, chị mới nhận được một tin nhắn thoại về việc này.
Sự việc không những ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và tinh thần mà còn ảnh hưởng đến danh dự của nữ công nhân.
“Ngay từ đầu, nếu được thông báo rằng nếu nhận thẻ, chúng tôi phải chịu phí phát hành (150.000 đồng) và phí thường niên thì chúng tôi sẽ từ chối nhận ngay”, chị X. nói.
Nợ xấu
Đồng nghiệp của chị X., chị P.T.M. cũng được “tặng” thẻ tín dụng vào năm 2015, cho biết chỉ phát hiện mình mắc nợ ngân hàng khi đi mua điện thoại trả góp mà không được duyệt hồ sơ. Đến khi kiểm tra thì phát hiện tài khoản phát sinh nợ từ năm 2016 đến nay.
Ban đầu, chị bị thu phí dịch vụ thẻ khách hàng, rồi bị ghi nợ (phạt) quá hạn, lại thêm phí duy trì hoạt động thẻ tăng dần theo từng tháng, từng năm. Số tiền cứ “tích tiểu thành đại” mà chị không hề hay biết.
“Tính cả gốc lẫn lãi tôi bị nợ gần 8 triệu đồng”, chị M. nói đó là khoản nợ “trên trời rơi xuống”, đồng thời mong muốn ngân hàng phối hợp với doanh nghiệp giải quyết, dù cả chị và chị X. đã nghỉ việc tại công ty cũ.
Chị X. nhiều lần gọi điện thoại cho chuyên viên khách hàng cá nhân – người đã tư vấn và “tặng” thẻ tín dụng quốc tế cho chị cách đây gần chục năm, nhưng không nhận được phản hồi.
Đơn của người lao động gửi Tạp chí Lao động và Công đoàn |
Tuy nhiên, chị nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là bên thu hồi nợ của ngân hàng, với lời giải thích: “Khi chị đã cầm thẻ rồi là mặc định chị đã nhận thẻ ấy rồi… Bây giờ chị chỉ còn cách xử lý để tránh nợ xấu”.
Liên quan vụ việc trên, PV Tạp chí Lao động và Công đoàn đã thu thập thông tin, tài liệu, đồng thời có buổi làm việc với phía ngân hàng. Đại diện ngân hàng cho biết quá trình mở tài khoản và phát hành thẻ tín dụng được thực hiện đúng quy định pháp luật. Hồ sơ phát hành thẻ tại ngân hàng do chị X. ký, thẻ được bàn giao cho đúng thỏa thuận và phía ngân hàng lưu trữ đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Mặc dù vậy, căn cứ những đề nghị và hoàn cảnh khó khăn của người lao động phía ngân hàng cam kết có buổi gặp gỡ, lắng nghe ý kiến và đưa giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế nhằm hỗ trợ tốt nhất.
Đầu tháng 8/2024, X. xác nhận với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn về việc được phía ngân hàng xóa toàn bộ khoản nợ trên 7,5 triệu đồng. Chị cảm thấy rất vui, như trút được gánh nặng đeo đẳng suốt mấy tháng vừa qua; đồng thời cảm ơn Tạp chí Lao động và Công đoàn đã tích cực vào cuộc, liên hệ làm việc với ngân hàng để tháo gỡ khó khăn của mình.
Nhiều công nhân lao động đã trở thành “con nợ” của ngân hàng với số tiền ít thì vài trăm nghìn, thậm chí lên tới gần chục triệu đồng, mà “thủ phạm” là những chiếc thẻ ngân hàng bỏ quên không sử dụng. |
Công nhân Đồng Nai học cách tránh bẫy “tín dụng đen” Chương trình “Điểm hẹn công nhân tháng 9” với chủ đề: “Tài chính thông minh – Tránh “Bẫy” tín dụng đen”, do Tạp chí Lao ... |
Tăng phúc lợi để công nhân không vướng bẫy “tín dụng đen” Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Đồng Nai xác định việc nâng cao phúc lợi, cải thiện đời sống cho đoàn viên, người lao động là giải ... |
Tín dụng ưu đãi giúp công nhân tránh bẫy “tín dụng đen” Bằng việc mở rộng các chính sách cho vay ưu đãi, thủ tục đơn giản sẽ giúp người lao động tiếp cận những nguồn vốn ... |
- Ban Công đoàn Quốc phòng “tiếp sức” cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên vùng lũ
- Thưởng tiền, tăng lương cho công nhân ưu tú
- Cô hiệu trưởng giàu lòng nhân ái của thành phố Gia Nghĩa
- "Bẫy nợ" thẻ ngân hàng - Bài 1: Công nhân vướng nợ xấu gần chục năm mà không biết
- An toàn lao động đã trở thành thói quen, hành vi của từng cán bộ, nhân viên ngành Điện lực