Thấy gì qua chuyện bồi thường ở Mỹ và Việt Nam?
Kinh tế - Xã hội - 16/06/2024 19:35 Bác sĩ Nguyễn Kiên
Bồi thường tiền khủng trong vụ tụng đình kéo dài
Theo Reuters, ngày 18/10/2019, Johnson & Johnson (J&J, thành lập năm 1886, trụ sở chính ở New Brunswick, New Jersey, Mỹ) công bố thu hồi phấn rôm trẻ em nhãn hiệu Baby Powder, một ngày sau khi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tìm thấy lượng nhỏ chất Amiang trong phấn rôm của hãng này…
Sau nhiều kiện tụng đình đám từ năm 1999 ở nhiều bang nước Mỹ, cáo buộc sản phẩm của J&J gây ung thư, thì mãi đến năm 2019 FDA mới phát hiện Amiang trong sản phẩm của J&J.
Hãng khi đó thu hồi 33.000 lọ phấn rôm Baby Powder và đây là lần đầu tiên J&J phải thu hồi phấn rôm trẻ em rất nổi tiếng của mình, nhưng nói rằng “số sản phẩm phải thu hồi chỉ ở một lô hàng (số 22318RB) sản xuất tại Mỹ năm 2018”?
Tháng 12/2019, J&J “khảng định” kết quả kiểm tra của họ không phát hiện chất Amiang trong phấn rôm Baby Powde?
Kể từ năm 1999, với vụ bà Darlene Coker, ở thị trấn Lumberton, đông Texas, mắc ung thư trung biểu mô (Mesothelioma - phát sinh ở các màng cơ thể), thua kiện J&J và hãng né được việc trình các kết quả xét nghiệm bột talc với các tài liệu nội bộ khác mà luật sư của bà Coker đề nghị, đến nay J&J đã hầu tòa hàng chục vụ ở nhiều bang nước Mỹ và thua nhiều hơn thắng…
Tháng 2/2016, Tòa án St.Louis, bang Missouri, buộc J&J bồi thường 72 triệu USD cho bà Jackie, qua đời năm 2015 vì ung thư buồng trứng do phấn rôm của hãng.
Tháng 5/2016, Tòa án bang South Dakota, buộc J&J bồi thường cho bà Gloria Ristesund, 62 tuổi, 55 triệu USD, bị ung thư buồng trứng do dùng phấn rôm của hãng.
Tháng 10 cùng năm, Tòa án St Louis, Missouri cũng tuyên J&J bồi thường cho bà Deborah Giannecchini, 62 tuổi, hơn 70 triệu USD với lý do giống hai nạn nhân trên.
Tháng 5/2017, Bồi thẩm đoàn tại Tòa St.Louis phán J&J bồi thường 110 triệu USD cho bà Lois Slemp, 62 tuổi, ở bang Virginia, ung thư buồng trứng do dùng phấn rôm của hãng này.
Cùng năm, tháng 8, Bồi thẩm đoàn ở Los Angeles yêu cầu J&J bồi thường khoản tiền kỷ lục - 417 triệu USD cho nguyên đơn Eva Echeverria, ở California, đang nằm viện vì ung thư buồng trứng.
Tháng 7/2018, Bồi thẩm đoàn ở Missouri, yêu cầu J&J trả 4,69 tỉ USD cho 22 phụ nữ, do cáo buộc bột talc trong phấn rôm của hãng chứa Amiang, làm những người này bị ung thư buồng trứng. Trong đó 550 triệu USD bồi thường thiệt hại và 4,14 tỉ USD phạt thiệt hại.
Tháng 3/2019, một Tòa ở bang New Jersey xác định J&J không phải chịu trách nhiệm pháp lý với nguyên đơn Ricardo Rimondi, nhưng hãng “thoả thuận được” với ba nguyên đơn khác khi chi 172 triệu USD bồi thường. Cùng tháng, Tòa án California buộc J&J bồi thường cho bà Terry Leavitt 29,4 triệu USD do phấn rôm chứa Amiang…
Ngoài phấn rôm, hãng này còn bị kiện về thuốc hướng thần và đặc biệt là thuốc giảm đau chứa Opioid…
Tháng 10/2019, Tòa án Philadelphia, bang Pennsylvania buộc J&J bồi thường cho Nicholas Murray, ở bang Maryland 6,8 tỉ USD, vì không cảnh báo nhiều tác dụng phụ của thuốc Risperdal (một loại an thần kinh). Nicholas Murray, 26 tuổi, với chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ khi còn là vị thành niên, bị phát triển ngực như nữ giới (bệnh Gynecomastia) cùng những rối loạn sinh, tâm lý nghiêm trọng do uống thuốc Risperdal của J&J từ năm 2003.
Về thuốc giảm đau Opioid, tháng 8/2019, J&J bị Tòa án Oklahoma phạt 572 triệu USD vì quảng cáo sai sự thật. Trước đó trong phiên Tòa vào tháng 5, Bộ trưởng Tư pháp Oklahoma, Mike Hunter yêu cầu hãng này bồi thường 17,5 tỷ USD, vì ước tính, bang Oklahoma phải mất 20 - 30 năm, tốn khoảng 12,7 - 17,5 tỷ USD mới giải quyết được khủng hoảng Opioid do J&J gây ra.
J&J phải trả cho bang New Hampshire 40,5 triệu USD để khắc phục hậu quả của thuốc giảm đau. Bị bang New York phạt 230 triệu USD, cùng cam kết ngừng sản xuất và bán thuốc giảm đau Opioid. Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ và luật sư các bang công bố thỏa thuận trị giá 26 tỷ USD, trong đó các hãng McKesson Corp, Cardinal Health Inc và AmerisourceBergen Corp dự kiến trả 21 tỷ USD, J&J phải trả 5 tỷ USD do “thúc đẩy khủng hoảng Opioid toàn quốc”.
Tháng 9/2021, bang Himachal Pradesh, Ấn Độ, tìm thấy Amiang và Formaldehyd (gây ung thư) trong dầu gội trẻ em của J&J.
Trong những lần hầu Tòa, J&J luôn khẳng định bột talc chuẩn trong sản phẩm của mình không chứa Amiang và luôn kháng án.
Tuy nhiên, năm 2018, Reuters dẫn các bản ghi nhớ, báo cáo nội bộ và nhiều tài liệu mật khác liên quan đến các vụ kiện sản phẩm của J&J gây ung thư buồng trứng. Những tài liệu này cho thấy các phòng thí nghiệm tư vấn của J&J ngay từ những năm 1957, 1958 đã phát hiện Amiang trong phấn rôm của hãng. Cho dù năm 1976, hãng khẳng định với FDA không có Amiang trong “bất cứ mẫu phấn rôm” nào sản xuất từ tháng 12/1972 - tháng 10/1973.
Thế nhưng, đã có ít nhất 3 phòng thí nghiệm độc lập tìm thấy Amiang trong phấn rôm của J&J trong giai đoạn 1972 - 1975. Các thông báo của chính hãng này và các phòng thí nghiệm bên ngoài cũng cho thấy có các phát hiện tương tự vào đầu những năm 2000.
Do rất nguy hiểm nên nhiều quốc gia cấm hoàn toàn Amiang như Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Vương quốc Anh… Phấn rôm có bột talc (là chất Magie hydrat silicat - Mg₃Si₄O₁₀(OH)₂ - một khoáng chất), từ lâu đã sử dụng cho chế tạo lốp cao su; mỹ phẩm, dược phẩm; giấy; gạch men hoặc làm trắng sơn… Talc có tính trơ nhưng hút ẩm, chất nhờn và khử mùi nên phấn rôm nhanh chóng được dùng rộng rãi cho trẻ em, phụ nữ, vận động viên, người nằm liệt giường…
Trong tự nhiên, có một số loại talc chứa Amiang mà Tổ chức y tế thế giới (WHO) xếp vào danh mục gây ung thư.
Amiang được sử dụng từ hơn 2000 năm trước ở La Mã và Hy Lạp cổ đại. Dù từ đó đến nay đã biết chất này rất độc, gây nhiều bệnh, làm chết nhiều người rất trẻ ở các nước Âu, Mỹ, nhưng những đặc tính quý giá của nó trong kỹ thuật, sản xuất hàng hóa đã làm người ta “nhắm mắt”.
Amiang gây ung thư trung biểu mô, nghĩa là có thể phát sinh ở tất cả các màng che phủ thành ngực, bụng và các tạng, chưa kể bệnh bụi phổi Amiang (xơ hóa phổi) ở những người khai thác, sản xuất…
WHO thống kê cho thấy, 80% người mắc ung thư trung biểu mô là do phơi nhiễm Amiang sau 15 - 30 năm hoặc sau 40 năm, mà nhiều nhất là ung thư màng phổi, đến màng bụng, hiếm nhất là màng tim; tử vong khoảng 6 tháng đến 2 năm từ khi phát hiện bệnh.
Đến nay, Thế giới chưa tìm thấy nguyên nhân nào khác của ung thư trung biểu mô nên phơi nhiễm Amiang được cho là nguyên nhân duy nhất!
Ở Australia, dù đã cấm hẳn Amiang năm 2003, nhưng sau đó mỗi năm vẫn có khoảng 4.000 người chết bởi các bệnh do Amiang mà chủ yếu là ung thư; riêng năm 2018 có 699 tử vong do ung thư trung biểu mô.
Theo WHO, năm 2015, Amiang gây 107.000 ca tử vong và làm 1.523.000 người mang bệnh tật. Từ năm 1970, Mỹ quy định bột talc trong mọi sản phẩm tiêu dùng không có Amiang… Từ năm 2003, bột talc trong phấn rôm Baby Powder có nguồn gốc Trung Quốc và nhà cung cấp Imerys Talc America, thành viên của Imerys SA (trụ sở ở Paris) cũng là bị đơn trong các vụ kiện bột talc.
Tuy cả Imerys và J&J đều khẳng định bột talc xuất xứ Trung Quốc của họ an toàn, nhưng tháng 2/2019, Imerys Talc America nộp đơn xin phá sản sau hàng loạt vụ kiện cáo buộc bột talc nhiễm Amiang gây ung thư…
Reuters còn khui ra chuyện J&J chi “hoa hồng” cho các nghiên cứu chuỗi sản phẩm Baby Powder, rồi thuê người soạn thành các bài báo để đăng trên tạp chí nghiên cứu. J&J phản đối dữ dội, nói thông tin của Reuters là “một chiều, sai trái và có tính kích động”.
Trong thông báo ngày 14/12/2018, J&J vẫn khẳng định “hàng ngàn cuộc kiểm tra độc lập của cơ quan quản lý và các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới đã chứng minh phấn rôm trẻ em của chúng tôi chưa bao giờ chứa Amiang”, nhấn mạnh sẽ tiếp tục bảo vệ sản phẩm của mình.
Tuy nhiên, ngày 20/2/2019, J&J nhận yêu cầu hầu Tòa của Bộ Tư pháp và Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ, với cáo buộc phấn rôm nhiễm Amiang.
Đây là lần đầu tiên J&J phải hầu Tòa cấp liên bang sau những vụ kiện ở Tòa án cấp bang…
Đến nay, J&J đã và đang đối mặt với hơn 54.000 vụ kiện về các sản phẩm chứa bột talc.
Với 6,475 tỷ USD mà J&J thông báo dự kiến chi trả trong 25 năm có khoảng 50.000 nguyên đơn. Nhưng để làm việc này phải được ít nhất 75% nguyên đơn đồng ý.
Mặt khác, dù chủ động dàn xếp kiện tụng bằng trả tiền, J&J vẫn “khẳng định” các cáo buộc này “vô căn cứ” vì sản phẩm của họ không chứa Amiang và không gây ung thư.
Tuy nhiên, ai cũng biết các tỉ phú thường “rắn” lắm, chuyện họ bồi thường hàng triệu cho đến hàng tỷ USD khi họ không có lỗi là hoang đường. Chỉ có những chứng cứ xác đáng được trưng ra trước Tòa mới buộc họ “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà mở hầu bao…
Mức bồi thường ở Việt Nam quá thấp
Lấy ví dụ vụ bệnh bụi phổi lộ ra từ cuối 2023 ở Nghệ An, có 57 công nhân mắc bệnh, 6 người tử vong. Cuối tháng 3/2024, Công ty Châu Tiến, nơi để phát sinh bệnh nghề nghiệp đã bồi thường cho 5 gia đình có người chết (không rõ vì sao một gia đình chưa được bồi thường) với 110 triệu đồng/1 gia đình/4 gia đình và 1 gia đình hơn 121 triệu đồng.
Hiện theo điểm 4, điều 38, Luật An toàn, vệ sinh lao động thì mức bồi thường “Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.
Vụ việc hiện chưa thấy khởi tố vụ án hình sự, tuy nhiên sau xét xử cùng lắm mỗi gia đình cũng chỉ nhận được 50 triệu đồng nữa. Với khoản tiền ít ỏi này và thời giá hiện nay quả là các gia đình có người mất vì bệnh nghề nghiệp hoặc tỷ lệ mất sức cao rất khó khăn, vì thực tế mất 81% sức khỏe không còn làm được gì, lại luôn đau ốm, thuốc men…
Tất nhiên không thể so bì với Mỹ, nước giàu nhất Thế giới, nhưng có lẽ việc nâng mức bồi thường cho người lao động theo Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật Hình sự nên làm ngay.
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 02/09/2024 08:00
TP HCM đón “siêu” trung tâm khám chữa bệnh hạng sang lớn nhất Việt Nam
Tọa lạc tại Quận 7 với diện tích “khủng” 24.000m2, Trung tâm Khám chữa bệnh Tâm Anh sở hữu hệ thống thiết bị, công nghệ hiện đại đẳng cấp quốc tế, đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu hùng hậu.
Kinh tế - Xã hội - 02/09/2024 00:00
Những mẫu xe mới sắp ra mắt trong tháng 9/2024 tại Việt Nam
Những mẫu xe mới sắp ra mắt thị trường Việt Nam trong tháng 9/2024 hầu hết đều là ô tô gầm cao của các thương hiệu quen thuộc, duy nhất một là xe Trung Quốc.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 13:30
Honda Dream 50 - phiên bản hoài cổ của Honda RC110
Honda Dream 50 thua xa RC110 về sức mạnh, nhưng bù lại đẹp hơn, nhiều boong hơn, thích hợp với tôi, một người thích xe đua nhưng không dám đua xe.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 11:30
Honda CR-V và Honda City giảm giá niêm yết cao nhất 80 triệu đồng từ ngày 1/9
Từ ngày 1/9, Honda CR-V và Honda City giảm giá niêm yết lần lượt 60-80 triệu đồng và 40-60 triệu đồng, đưa mức giá niêm yết của hai mẫu xe này xuống chỉ còn từ 1,029 tỷ đồng và 499 triệu đồng.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 10:00
VinFast VF 8 đạt 4 sao thử nghiệm an toàn của NHTSA ở Mỹ
Chiếc VF 8 đã đạt 4 sao thử nghiệm an toàn của NHTSA, với việc đánh giá tiến hành vào trung tuần tháng 7/2024.
Kinh tế - Xã hội - 01/09/2024 09:00
Giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước từ 1/9
Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP quy định ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ trong ba tháng, từ 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024.