Tâm sự đầy nước mắt của nữ điều dưỡng làm nhiệm vụ đưa người nhập cảnh về nơi cách ly
Công đoàn - 26/03/2020 17:10 Văn Giang
Điều dưỡng Hương trong đội y tế cơ động tham gia công tác đón dẫn hành khách về khu cách ly sau khi xuống sân bay Nội Bài. Ảnh: Văn Giang. |
Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ... về ai?
Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Hương (thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược, Sóc Sơn ) vừa đón sinh nhật lần thứ 44 tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cuối tháng 2. So với các anh chị em trong trung tâm, tuổi của chị không còn trẻ nữa nhưng lại vất vả nhiều nhất. Chồng công tác xa nhà, một nách ba con ở với ông bà nội. Đứa lớn 19 tuổi là sinh viên năm thứ nhất Trường ĐH Y, còn lại bé 4 tuổi và một cháu 2 tuổi thì chị gửi ông bà chăm để đi làm sớm tối. Ra trường nhận công tác từ năm 1998, làm điều dưỡng viên tại Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn đến nay tròn 20 năm, đã bao lần chị định xin chuyển ngành để có thời gian nhiều hơn lo cho gia đình nhưng “cái duyên, cái nợ cứ quấn lấy, không dứt ra được”. Lịch trực thất thường, rồi những ca trực thâu đêm hay bao cái Tết đón giao thừa cùng bệnh nhân tại trung tâm như cuốn nhật ký ngày qua ngày càng dày lên trong cuộc đời nữ điều dưỡng trung niên.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Trung tâm Y tế nơi chị Hương công tác đã nhận được thông tin về một loại virus mới đang manh nha tại Trung Quốc, có nguy cơ lây lan. Cùng toàn thể nhân viên, chị tham gia vào các lớp tập huấn về dịch, yếu tố nhiễm bệnh, cách phòng chống. Do gần với Sân bay quốc tế Nội Bài, nên đơn vị của chị Hương luôn phải chủ động nắm bắt tình hình, có những biện pháp, phương án sẵn sàng sớm hơn so với những nơi khác.
Xuân Canh Tý vừa qua với phần lớn thời gian trực viện, ca bệnh đầu tiên bên Vũ Hán được công bố trong những ngày đầu năm khiến nữ điều dưỡng như chị càng thêm bận rộn và lo lắng hơn gấp bội phần. Ba đứa trẻ ở nhà quen sự thiếu vắng của mẹ nên tự trông nhau, động viên chị yên tâm công tác.
Chiều muộn ngày 25/02, mười y bác sĩ tại trung tâm y tế, trong đó có điều dưỡng Hương nhận được yêu cầu tham gia đội y tế cơ động tại sân bay Nội Bài để phục vụ công tác đón các chuyến bay từ nước ngoài về, đưa hành khách đi cách ly tập trung. Để đảm bảo an toàn tối đa, những y bác sĩ tham gia đoàn cũng sẽ phải “cách ly” ăn ngủ tại một điểm cho đến khi hết thời hạn.
Lúc này đại dịch Covid-19 đã lan rộng trên thế giới với hơn 2 nghìn ca tử vong, trong nước ghi nhận 16 ca bệnh. Nén nỗi lo trong lòng bằng tiếng thở dài, chị biết giai đoạn cam go thực sự bắt đầu.
Những nỗi niềm nơi tuyến đầu chống dịch
Nhiều năm công tác trong ngành đến nay, chứng kiến biết bao ca bệnh hiểm nghèo, những lần tăng cường trong các trận dịch gia cầm, rồi dịch SARS năm 2003, chị cũng không thấy lo lắng bằng trận dịch này.
“Sơn Lôi ở Vĩnh Phúc cách ly rồi. Con…”. Bố mẹ ở nhà gọi điện lên sốt ruột. Tiếng nghẹn ngào từ cả hai phía. Đứa con gái út nhớ mẹ khóc vang qua điện thoại khiến chị không dám nói mình đi nhận nhiệm vụ đặc biệt ấy.
Vậy là nữ điều dưỡng bắt đầu những ngày ăn ngủ và làm việc tập trung cùng đồng nghiệp trong chuyến công tác không biết trước thời hạn. Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn cơ sở 2 được lấy làm nơi bắt đầu và trở về mỗi ngày của các anh chị.
Lúc đầu chỉ có mười đồng đội, rồi được điều chỉnh theo số chuyến bay mỗi ngày đưa hàng nghìn hành khách hạ cánh. Quân số giờ đã lên mười bốn, thêm được nhân lực gồng gánh, san sẻ công việc cho nhau. Nhưng đó cũng là những ngày mà khái niệm thời gian, bình minh, hoàng hôn đối với nữ điều dưỡng và đồng đội dường như không còn nữa.
Những chuyến bay, con số mà sau năm ngày làm việc tại trung tâm Hương đã không thể nhớ nổi. Cũng chẳng có lịch ca cụ thể cho từng người bởi phụ thuộc vào tần suất đón máy bay hạ cánh hàng ngày. Trong đội chỉ có từng ấy con người mà số lần đón thì ngày càng nhiều. Anh em thương nhau, chia ra để đỡ đần.
Nhiệm vụ của đoàn là chờ sẵn tại khu cách ly của sân bay, hành khách xuống máy bay, sau khi hoàn thành công tác nhập cảnh và kiểm tra y tế, Hương cùng với anh em trong đội sẽ nhận số lượng hành khách, đồng hành cùng họ về đến tận địa điểm cách ly.
“Tình hình này…”. Người anh đi cùng không nói, đưa điện thoại cho Hương xem. Hàn Quốc 7.153 ca nhiễm, Ý có 9.172 ca, Iran có 8.042 ca… Nheo mắt đọc nhẩm những con số nhiễm bệnh thế giới ngày 10/03, Hương nhìn xa xăm. “Mình đang đi đón người ở những nước ấy về ”. Nghe tin vùng nào có dịch là lo lắng, khu mình ở có dịch là bất an, giờ đây nữ điều dưỡng đang gần kề, ngồi bên, động viên chính những con người ấy.
Vài hôm không giấu được gia đình, chị gọi về vì quá nhớ con. Câu nói của ông bà nội ngoại đôi lúc vẫn văng vẳng bên tai: “Người ta tránh ra không được, còn mình lại lao vào”. “ Con sẽ không sao!”, Hương phải ngắt lời trấn an mẹ đừng khóc và căn dặn các con ở nhà giữ gìn cẩn thận.
Nhận nhiệm vụ, Hương được cấp đầy đủ trang thiết bị bảo hộ. Quần áo, khẩu trang, găng tay, bọc giầy. Cứ kết thúc một đợt đón trả hành khách về điểm cách ly là lại phải đổi bộ khác. Chị nhớ những ngày nắng nóng, mặc bảo hộ kín mít, mồ hôi túa ra ướt đẫm bên trong như tắm nhưng không thể thay. Ai nấy trong đoàn cố gắng ngồi im. Chị nói tếu táo: tất cả mọi công việc cần phải xong trước khi mặc bảo hộ, thậm chí là vệ sinh, nhất là phụ nữ bất tiện vô cùng. Cơ thể lúc nào cũng mang một mùi đặc trưng là thuốc khử trùng được phun ướt đẫm, nồng nặc.
Giữa tháng 03, số ca lây nhiễm trên toàn cầu không ngừng tăng lên chóng mặt. Bà con mong ngóng trở về nước để yên tâm, chuyến bay hạ cánh vì thế tần suất nhiều hơn. Mỗi lượt tiếp nhận hàng trăm người, có ngày lên đến hàng nghìn, cảnh tượng xếp hàng kéo dài như đi hội trong khi nhân lực của đội y tế vẫn chỉ có vậy, vỏn vẹn chừng ấy thành viên. Mọi hành động phải diễn ra nhanh chóng, chính xác và đúng quy trình.
Những hành khách mệt mỏi vì chuyến bay dài, khó chịu khi phải chờ đợi lâu quát tháo, làm ầm ĩ cả sân bay. Nhưng tất cả mọi công tác đều phải chặt chẽ, thận trọng. Hương hiểu trọng trách nặng nề mình đang đảm nhận, đảm bảo tối đa an toàn sức khoẻ cho tất cả mọi người.
Hạnh phúc khi mọi người bình an
Địa điểm đưa người đến cách ly cũng không cố định, có những chuyến dài vào trong Thanh Hoá hay ngược lên tận Thái Nguyên, công tác bàn giao với điểm nhận xong lại phải trở về ngay. Máy bay lại hạ cánh, mình lập tức theo xe đón về nơi khác. Người lúc nào cũng trong trạng thái lao đao, mệt mỏi. Ngồi trên chuyến xe, Hương trò chuyện, động viên từng hành khách, trấn an cho họ khỏi hoang mang trước khi về khu cách ly mới. Kỷ niệm bao chuyến đi xuyên ngày, xuyên đêm ấy chị cũng không nhớ rõ ràng từng câu chuyện nữa, chỉ biết rằng mọi công tác được đảm bảo an toàn đến tận bây giờ.
Sau mỗi giờ làm việc, nỗi nhớ gia đình lại thường trực trong chị. Ảnh: Văn Giang. |
Nhận là mình vất vả nhưng so với đồng bào về nước từ tâm dịch họ còn khổ hơn, mệt mỏi trên những chuyến bay dài, mong ngóng từng giờ, từng phút về với Tổ quốc để tìm sự bình an nên chị chia sẻ những bực dọc, cáu gắt của hành khách như một điều tất yếu.
Bản thân vốn dĩ hay khóc, cứ thấy trường hợp nào hoàn cảnh là nữ điều dưỡng lại xúc động vô cùng. Biết bao cái bắt tay thật chặt của những ông, những bà trạc tuổi bố mẹ đang ở quê, họ khóc trong sung sướng vì cuối cùng cũng được đặt chân lên đất Mẹ. Chị cũng không thể quên được có cháu mới chỉ hơn một tuổi được gửi về một mình từ bên Pháp xa xôi, tiếng khóc ngặt vì đói ré lên trong chuyến xe đến Ninh Bình. Nữ điều dưỡng xin người cô đi cùng được bế cháu, lời ru của người mẹ công tác đang nhớ con và đứa trẻ bé bỏng phải xa cha mẹ nửa vòng trái đất khiến ai cũng phải lặng đi.
Ngày hoàn thành nhiệm vụ với nữ điều dưỡng còn rất xa bởi tình hình dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp, mỗi khi thấy mọi người về đến điểm cách ly an toàn, khoẻ mạnh là chị lại thấy vui, động lực tràn trề cho những chuyến xe tiếp theo. Những lúc rảnh rỗi, chị mang điện thoại mở ảnh gia đình ra ngắm nghía, lòng như muốn sẻ chia với chồng con biết bao nỗi niềm nhưng rồi cũng chỉ trong giây lát. Trong tâm trí chị, hình ảnh đồng bào trên chuyến bay hạ cánh lại hiện hữu. Đón được người nào trở về là hạnh phúc, bởi ít nhất họ cũng không nằm trong những con số mà báo đài đang phản ánh dâng cao từng ngày kia.
Tính đến 7h sáng ngày 26/3, Covid -19 đã xuất hiện ở 198 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 468.000 ca nhiễm bệnh với ... |
Huyện đảo Cần Giờ, TP.HCM hiện đang có khoảng 10 khu cách ly người nghi nhiễm là các khách sạn, khu nghỉ dưỡng và một ... |
Đây là tranh cãi vừa bùng lên hai ngày qua, sự việc càng xôn xao khi Thủ tướng chỉ đạo dừng xuất khẩu gạo ngày ... |
Tin cùng chuyên mục
Nghiên cứu - 09/09/2024 13:38
Nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Hoạt động Công đoàn - 09/09/2024 09:56
Cuộc đời cô giáo Vui không còn buồn nhờ mái ấm Công đoàn che chở
Cô Đinh Thị Vui, giáo viên dạy môn Mĩ thuật Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân (thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) có cuộc đời nhiều sóng gió, nhưng nhờ sự đùm bọc của tổ chức Công đoàn đã giúp gia đình cô “cập bến bờ hạnh phúc”.
Hoạt động Công đoàn - 09/09/2024 08:14
Cô giáo Trần Thị Thúy Vân - tấm gương học tập và làm theo Bác Hồ
Cô giáo Trần Thị Thúy Vân – Khối trưởng khối 5, Trường Tiểu học Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) là một trong những đoàn viên Công đoàn tiêu biểu, một tấm gương điển hình trong việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hoạt động Công đoàn - 09/09/2024 08:10
Kịp thời thăm hỏi, động viên công nhân Thủ đô làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3
Chiều 8/9, dù Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã cùng đoàn công tác đội mưa, trực tiếp xuống hiện trường để động viên, trao quà cho 90 công nhân ngành Xây dựng với số tiền 90 triệu đồng.
Công đoàn - 08/09/2024 19:53
Phố núi Pleiku: Điểm sáng phát triển đoàn viên, công đoàn ở Gia Lai
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng từ đầu năm tới nay, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Pleiku đã thành lập 14 công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở, vượt 233% chỉ tiêu LĐLĐ tỉnh Gia Lai giao năm 2024. Tạp chí Lao động và Công đoàn có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Xuân Quý – Chủ tịch LĐLĐ thành phố Pleiku về hoạt động này.
Hoạt động Công đoàn - 08/09/2024 09:10
Công đoàn Trường Tiểu học Lại Hùng Cường - nơi “truyền lửa” cho giáo viên mới vào nghề
Từ một sinh viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm đứng lớp và vấp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống, tôi đã được Công đoàn Trường Tiểu học Lại Hùng Cường “uốn nắn” và tiếp thêm niềm tin, sự lạc quan trong sự nghiệp “trồng người”.
- Nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới
- Xót xa mùi nhựa cây ngập tràn sau bão
- Clip ghi lại khoảnh khắc cầu Phong Châu sập: 1 xe khách và 1 xe tải rơi xuống sông
- Sau bão vẫn còn mưa lớn, người lao động cẩn trọng với lũ quét, sạt lở đất
- Sập cầu Phong Châu khi có nhiều ô tô, xe máy đang lưu thông