“Nhà văn phải là người chân trần bước trên than đỏ lịch sử...”
Kinh tế - Xã hội - 16/05/2022 14:32 PHẠM XUÂN DŨNG
Các tác phẩm của TS. Tịnh Thy thường quan tâm sâu sắc đến thời sự của văn chương. Sứ mệnh nhà văn, vì vậy phải dấn thân hết mình như một người có đầy đủ đức tin “dám bước chân trần trên than hồng lịch sử”.
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy. Ảnh: Trường Đại học Sư phạm Huế. |
Trách nhiệm của nhà văn
Trong chuyên luận “Rừng khô, suối cạn, biển độc... và văn chương”, khi vận dụng lý thuyết phê bình sinh thái, TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy đã chỉ ra những đóng góp quan trọng của nhà văn Trần Duy Phiên qua tác phẩm của mình. Bộ ba truyện ngắn vừa độc lập vừa liên hoàn trong tính tương đồng của “Mối và người”, “Kiến và người” và “Nhện và người” của ông đều có chung một mô típ con người đối nghịch với thiên nhiên. Nhân vật chính chỉ muốn thống trị thiên nhiên, muốn ăn thua đủ với với cả những con vật bé nhỏ như mối, kiến và nhện theo một quan niệm thiên lệch ăn sâu vào xương tủy của người phương Đông: “Con người là chúa tể của muôn loài”. Thay vì sống hòa thuận với tự nhiên, nương tựa vào tự nhiên thì trái lại, họ chỉ muốn chế ngự, chà đạp bằng mọi giá.
Rốt cuộc, những nhân vật được cho là có khả năng, tài trí đã thất bại trước những sinh vật nhỏ nhoi nhất. Những kết thúc dù bi kịch hay hài kịch đều cho thấy sự cần thiết thay đổi quan niệm sống của những con người này, ở đây là với thế giới tự nhiên. Theo nhà phê bình, những biện pháp nghệ thuật từ chuyện đặt tên tác phẩm theo mệnh đề “A và B” tạo quan hệ đẳng lập, hơn thế, việc để các con vật được đặt ở trước trong nhan đề truyện ngắn còn có mục đích đề cao vai trò tự nhiên; rồi bút pháp “đòn bẩy” lúc đầu tán dương sau “hạ bệ” vị trí những nhân vật chính vốn không chịu thua mọi thứ, kể cả với côn trùng; giọng tự sự đa thanh, đối thoại đã đạt đến tầm diễn ngôn của tư tưởng sinh thái là những điểm đặc sắc của các truyện ngắn này.
Tiểu kết sau là một nhận định rất thẳng thắn và thời sự cần được lưu tâm đúng mức: “Với “Kiến và người”, “Mối và người”, “Nhện và người”, nhà văn Trần Duy Phiên đã mang đến cho người đọc những tác phẩm văn chương đích thực. Trong bối cảnh văn học nước ta gần như đang bàng quan trước những tổn thất do thiên tai, những hành động tàn phá môi trường mà cả dân tộc và nhân loại đang phải đối mặt và gánh chịu, những tác phẩm trên của Trần Duy Phiên thật cần thiết và có ý nghĩa. Chúng đáp ứng được tính tất yếu và tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu thời đại, cảm thức thời đại, thể hiện sự gắn bó thiết thực đời sống văn chương với đời sống xã hội, phát huy trách nhiệm của nhà văn trong việc bảo vệ môi trường và ngăn chặn nguy cơ sinh thái”.
TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy luôn dành sự quan tâm cho văn hóa đọc và hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Trong ảnh: TS. Thy tại cuộc giao lưu với nữ tác giả Nguyễn Khoa Diệu Hà - một cây bút được bạn đọc yêu thích của xứ Huế. Ảnh: X.D. |
Giải mã một số hiện tượng văn chương
“Dám ngoái đầu nhìn lại” là cuộc khảo sát tác phẩm của “văn lâm ngũ bá Trung Hoa”. Họ là năm tiểu thuyết gia kiệt hiệt gồm: Lý Nhuệ, Dư Hoa, Diêm Liên Khoa, Mạc Ngôn và Cao Hành Kiện, trong đó hai nhà văn sau cùng đều đoạt giải Nobel văn chương. Họ, bằng tài năng và dũng khí phi phàm, mỗi người một vẻ đã dám mổ xẻ quá khứ và hiện tại đến tận cùng, giải mã lịch sử và tâm hồn con người, tái hiện những biến động dữ dội của đất nước bằng hình tượng văn học đặc sắc, tạo nên những góc nhìn hiện thực chân xác mà đau đớn, táo bạo và mới mẻ. Nói như TS. Nguyễn Thị Minh Thương trong lời giới thiệu: “Lý Nhuệ phản tư, Mạc Ngôn dấn thân, Cao Hành Kiện hồi cố, Dư Hoa phẫn nộ, Diêm Liên Khoa nghịch dị”.
Vậy giải mã những hiện tượng văn chương đỉnh cao đã tạo nhiều dư chấn như trên thế nào mới phải? TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy ngay lời mở đầu cuốn sách của mình đã tường minh: “Trong cuốn sách này, từ phẩm cách dám ngoái đầu nhìn lại của họ, chúng tôi chọn những vấn đề chung nhất thuộc về lịch sử, hiện thực, nhân sinh, sinh mệnh qua sự tham chiếu với các lý thuyết văn học hiện đại để giải mã sức hấp dẫn của tác phẩm và sức ảnh hưởng của tác giả. Xuất phát điểm và mục đích tối thượng của cuốn sách là khoa học văn chương, vì thế, mọi yếu tố nghệ thuật đều được phân tích, chứng minh và kiến giải đến tận cùng, không tránh né những vấn đề được cho là “nhạy cảm” về văn hóa lẫn chính trị”.
Nhờ thái độ dấn thân và năng lực thẩm thấu của nhà phê bình mà người đọc được cảm nhận khá đầy đủ tâm huyết và tài năng của các nhà văn này.
Đã có một Lý Nhuệ viết không giống ai, không đu trend theo kiểu phong trào. Trong lúc nhiều nhà văn chú mục vào việc chăm chút từng hình tượng nhân vật cụ thể (và đó là điều rất cần thiết), thì Lý Nhuệ ngoài việc như vậy còn có mối bận tâm cao nhất về một nhân vật lớn hơn rất nhiều, bao trùm lên tất cả, có tên là: Lịch Sử, đó mới là câu thúc lớn nhất chiếm mọi tâm lực của nhà văn. Nhưng Lịch Sử cũng không hiện lên theo quy luật tất yếu, theo logic thông thường của cuộc sống như nhiều nhà văn khác vẫn quan niệm và phản ánh. Hơn thế, nhân vật của ông dù tài ba, mưu lược, khát vọng đến đâu cũng không phải và không thể trở thành những anh hùng, mà hầu hết cũng chỉ là nạn nhân bởi những dục vọng của chính mình rồi bị cuốn trôi vô tăm tích cũng vì chính những ước muốn của bản thân. Mặt khác, không giống rất nhiều nhà văn khi khai quật quá khứ đớn đau và ngập tràn bất trắc thường mượn giọng văn suồng sã, dung tục, thậm chí dùng cả những lời chửi bới khó nghe, những câu văng tục... thì trái lại, Lý Nhuệ tái hiện dĩ vãng như thế nhưng lại bằng một ngôn phong sang trọng, tinh tế và tao nhã khiến ông khác hẳn số đông trước đó và cùng thời. Những đặc tính riêng mình như thế trong phong cách sáng tác đã làm nên một Lý Nhuệ khác người, độc đáo, hấp dẫn và không thể đoán định khi khám phá tác phẩm của nhà văn. “Vì vậy, tiểu thuyết của ông là sự lồng lộng, uy nghiêm, bí ẩn, vô tình, tàn nhẫn của lịch sử và sự cô độc, nhỏ nhoi, chơi vơi, đau khổ của con người. Hầu như tất cả các tình tiết trong hai cốt truyện “Chốn xưa” và “Ngân Thành cố sự” đều là những tình tiết tai ương, đều kết thúc ở sự bế tắc...”.
Một số tác phẩm đã xuất bản của nhà nghiên cứu, phê bình văn học Nguyễn Thị Tịnh Thy. Ảnh: Vannghequandoi.com.vn. |
Còn Mạc Ngôn, người theo tác giả có mối quan tâm lớn nhất đến nông dân và lịch sử, người có “bút lực mạnh nhất Trung Quốc hiện nay”, người đoạt giải Nobel văn chương năm 2012 thì được nhà phê bình tâm đắc ở “điểm nhìn dân đen” của nhà văn khi xây dựng tiểu thuyết và nhân vật, thể hiện cả ở ngôn ngữ thế tục của ông, rất đời thường, nhiều khi thô tục khác hẳn với Lý Nhuệ. Nhân vật dân đen của ông thường phải chịu vô vàn cay đắng, có khi sống chẳng được, chết không xong, nhưng cuối cùng họ cũng vượt qua, hay nói đúng hơn phải vượt qua hết những bi kịch cuộc đời. Nói như nhà phê bình đã dẫn, nhân vật Thượng Quan Lỗ Thị trong tiểu thuyết “Báu vật của đời” từng thốt lên: “Chết thì dễ, sống mới khó, càng khó càng phải sống” trong những hoàn cảnh phi nhân nghiệt ngã. Nhà văn viết theo lối trần thuật nhiều điểm nhìn, nhiều người kể chuyện, tạo nên cấu trúc đa thanh và biến hóa, khai thác hiện thực đến mức tới hạn mà có nhà nghiên cứu định danh là “trần thuật ma trận” theo kiểu “mô hình ngăn kéo Tàu”. Nhà phê bình nhận định: “Các trạng thái cảm xúc mà tác phẩm của ông mang lại cho người đọc hoặc thán phục, ngưỡng mộ hoặc ghê tởm, sợ hãi, hoặc xót xa, tiếc nuối, hoặc kinh hãi, ngỡ ngàng...”. “Đó cũng là nội lực, là “quỷ tài”, là sự cực đoan, nghiệt ngã của Mạc Ngôn. Nhưng đằng sau sự cực đoan, nghiệt ngã ấy là cả một tấm lòng trăn trở và sự hoài nghi đầy trách nhiệm của nhà văn đối với “căn bệnh tinh thần của dân tộc”, đối với lịch sử, hiện tại và tương lai của đất nước Trung Hoa” .
Năng lực của nhà phê bình thực thụ
TS. Nguyễn Thị Tịnh Thy đã dẫn lời của một trong năm chân dung văn học đặc sắc của Trung Quốc mà mình đã giải mã, đó là Diêm Liên Khoa: “Đừng oán trách hoàn cảnh sáng tác hay hoàn cảnh chính trị... điều quan trọng là bạn có năng lực và nhân cách để viết hay không. Không viết nổi một tác phẩm lớn là lỗi của nhà văn chứ không phải lỗi của thời đại, đừng lấy những danh nghĩa đẹp đẽ để che đậy trách nhiệm và năng lực của nhà văn”. Từ đó, nhà phê bình ao ước: “Nếu nhà văn chỉ quẩn quanh với các giải thưởng chia phần và những lời bình luận phải đạo, hoặc chỉ phản tư và phê phán ở mức độ phải đạo, thì vẫn mãi chưa thực sự bước ra khỏi quỹ đạo của nền “văn học phải đạo”. Và nếu như thế, ký ức của họ vẫn là thứ ký ức phải đạo của kẻ “ăn mày dĩ vãng”, họ không thể và không nên truyền lại ký ức cho thế hệ tương lai”.
Tác giả Tịnh Thy đã cho thấy dũng khí và năng lực của một nhà phê bình thực sự, tác phẩm và tâm huyết của tác giả cũng là một tham chiếu cần thiết và sống động đối với hết thảy những người cầm bút hiện nay.
Văn học công nhân: "Góc nhìn" thực tế và khả năng phát triển Thực ra, văn học công nhân (VHCN) đã hình thành từ thời nhà văn Lan Khai viết tiểu thuyết Lầm than, trước tháng 8/1945. |
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - "Cây đại thụ" của làng truyện ngắn Việt Nam Ngày 20/3/2021, "cây đại thụ" trong làng truyện ngắn Việt Nam - Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời, để lại sự tiếc thương vô ... |
Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật Ngày 1/5/1972, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên ở miền Nam Việt Nam được giải phóng. Đây là thắng lợi của lòng yêu nước nồng ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 07/09/2024 16:00
Đua ô tô Gymkhana là gì?
Hãy tưởng tượng gymkhana là sự kết hợp giữa một cuộc đua và bài kiểm tra kỹ năng lái xe, được thực hiện trên những chiếc xe nhỏ và mạnh
Kinh tế - Xã hội - 07/09/2024 08:27
Xe điện Volvo EC40 cập bến Việt Nam, có thể ra mắt cuối năm nay?
Volvo EC40 vừa bị bắt gặp đang được vận chuyển bằng xe thùng tại TP.HCM, dự đoán ngày ra mắt khách hàng Việt Nam không còn xa.
Kinh tế - Xã hội - 06/09/2024 14:04
Sạc xe điện dưới trời mưa bão có nguy hiểm không?
Sạc xe điện dưới trời mưa bão có nguy hiểm không là câu hỏi nhiều chủ xe điện quan tâm hiện nay, nhất là khi thời điểm cơn bão số 3 đã cận kề.
Kinh tế - Xã hội - 06/09/2024 14:03
Triệu hồi hơn 630 xe Lexus vì có nguy cơ cháy nổ
Toyota Việt Nam vừa phát đi thông tin triệu hồi 634 xe Lexus vì liên quan đến bơm nhiên liệu có thể hỏng.
Kinh tế - Xã hội - 06/09/2024 14:01
Cộng đồng nhận xét gì khi Hyundai Santa Fe 2024 lộ hình ảnh trước ngày ra mắt 20/9?
Hai chiếc xe Hyundai Santa Fe 2024 màu trắng và màu đen đã lộ diện trên đường phố Quảng Bình vào ngày hôm nay. Chiếc xe này sẽ ra mắt thị trường Việt Nam vào ngày 20/9 tới đây.
Kinh tế - Xã hội - 05/09/2024 17:13
PVOIL tặng voucher nhiên liệu cho VĐV tham dự Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024
Tổng cộng 2.500 lít nhiên liệu sẽ được PVOIL gửi tặng tới các vận động viên, thành viên Ban Tổ chức, Ban Điều hành của Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024.
- Công đoàn Trường Tiểu học Lại Hùng Cường - nơi “truyền lửa” cho giáo viên mới vào nghề
- Mái ấm Công đoàn - nghĩa tình đồng đội ở Nhà máy Z173
- Công đoàn chi hơn 2,7 tỷ đồng hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn
- Công nhân thoát nước giữa siêu bão Yagi: “Chút nhọc nhằn này có sá gì?”
- Công đoàn Giáo dục tỉnh Lâm Đồng: Kỳ vọng năm học mới