Cử tri Quảng Nam kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến BHXH và kinh phí công đoàn
Công đoàn - 15/10/2024 18:23 Hoài Nam Hoài Nam
Dự buổi tiếp xúc có các đồng chí Vương Quốc Thắng, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Dương Văn Phước, Ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Nam; Nguyễn Thị Thu Lan, Bí thư Thành ủy Tam Kỳ cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; Các đồng chí là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và hơn 200 đại biểu là cán bộ chuyên trách, cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Cần có chế tài đủ mạnh để chống thất thu kinh phí công đoàn
Anh Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch CĐCS Công ty THHH Domex Quảng Nam (đóng tại Cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) cho biết, qua theo dõi đến hết tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam còn nợ hơn 100 tỷ đồng kinh phí công đoàn. “Đây là nguồn chủ yếu để các công đoàn cơ sở (CĐCS) chăm lo, chia sẻ khó khăn với NLĐ. Một số doanh nghiệp viện lý do này, lý do kia cố tình không đóng hoặc đóng không đúng. Kiến nghị với Quốc hội là có những chế tài nặng đủ sức răn đe đối với những trường hợp cố tình dây dưa, chây ì”.
Anh Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Domex Quảng Nam đề nghị cần có chế tài đủ mạnh để xử phạt những trường hợp vi phạm. Ảnh: Hoài Nam |
Đại biểu Phan Dương Nhựt, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Tam Kỳ cho rằng, Khoản 5 Điều 10 dự thảo Luật Công đoàn quy định “Không đóng kinh phí công đoàn; chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng đóng” mà chưa quy định thời gian cụ thể là bao nhiêu. Vì vậy tôi đề nghị Quốc hội cho ý kiến sửa đổi và quy định thời gian cụ thể là “Không đóng kinh phí công đoàn; chậm đóng kinh phí công đoàn; đóng kinh phí công đoàn không đúng mức quy định; đóng kinh phí công đoàn không đủ số người thuộc đối tượng đóng quá 6 tháng kể từ ngày đóng kinh phí theo quy định”.
Đại biểu Phan Dương Nhựt nêu rõ: “Hiện nay toàn tỉnh nợ hơn 100 tỷ đồng kinh phí công đoàn. Số tiền này không phải do LĐLĐ tỉnh quản lý mà trích 75% cho CĐCS. Cho nên số nợ này ảnh hưởng rất lớn đến việc chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho NLĐ. Thứ 2 nữa là do không thu được kinh phí công đoàn nên rất khó khăn trong việc hỗ trợ những trường hợp ốm đau, các chương trình hỗ trợ trong dịp Tết Nguyên đán... Do đó, khi cấp giấy phép kinh doanh thì nên ràng buộc trách nhiệm đối với chủ sử dụng lao động và mạnh hơn nữa là truy tố đối với những trường hợp nợ kéo dài”
Có ý kiến cho rằng, Khoản 4, Điều 26 Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định, Tổng LĐLĐ Việt Nam quyết định số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của công đoàn và CĐCS theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, số lượng đoàn viên công đoàn, người lao động và khả năng tài chính của công đoàn.
Đây là quy định rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi số lượng đoàn viên liên tục tăng, CĐCS liên tục phát triển. Đề nghị Quốc hội thông qua quy định này nhằm tạo điều kiện tự chủ cho tổ chức Công đoàn phù hợp với tình hình hiện nay.
Không ít trường hợp bị “treo” quyền lợi về Bảo hiểm thất nghiệp
Thực tiễn thi hành Luật Việc làm cho thấy, vẫn còn một bộ phận NLĐ bị treo quyền lợi về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả dẫn đến giải thể, phá sản hoặc chủ doanh nghiệp cố tình bỏ trốn… Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần đá Chu Lai (đóng tại xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành).
Đại biểu Hà cho biết, đoàn viên, NLĐ mong muốn được nhà nước hỗ trợ kịp thời đối với trường hợp doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHTN để người lao động được hưởng quyền lợi về BHTN đúng quy định, đảm bảo cuộc sống, phát triển việc làm mới.
đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch CĐCS Công ty CP đá Chu Lai cho rằng, nhiều trường hợp bị treo BHTN do doanh nghiệp phá sản. Ảnh: Hoài Nam |
Vì tại khoản 2, Điều 86 dự thảo Luật Việc làm quy định chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp và biện pháp xử lý vi phạm: “Trường hợp, người sử dụng lao động không còn khả năng đóng số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động khi chấm dứt quan hệ lao động thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp của mình nhưng người sử dụng lao động chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội để làm các thủ tục giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Khi cơ quan bảo hiểm xã hội thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động thì hoàn trả lại tiền mà người lao động đã đóng”.
Chính vì vậy, tôi đề xuất cơ quan BHXH có trách nhiệm trích từ quỹ BHXH đóng đủ để NLĐ được hưởng chế độ sớm nhất, hoặc trích từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Sau đó BHXH có trách nhiệm thu hồi số tiền chậm đóng, trốn đóng để trả lại vào Quỹ bảo hiểm xã hội. Không nên tăng trách nhiệm về phía người lao động”, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch CĐCS Công ty Cổ phần đá Chu Lai nêu rõ.
Một ý kiến khác cho rằng, hiện nay, thời gian đóng BHTN không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo (được quy định tại Khoản 3 Điều 87 dự thảo Luật Việc làm) đối với “thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng” sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động dẫn đến tìm cách để “bớt thiệt” của người lao động, với việc nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đến ngưỡng.
Phó Trưởng Đoàn ĐB Quốc hội Quảng Nam Dương Văn Phước trả lời ý kiến cử tri. Ảnh: Hoài Nam |
Điều này sẽ gây xáo trộn thị trường lao động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khi mất đi những người lao động làm việc lâu năm hoặc xảy ra tình trạng NLĐ phối hợp với người sử dụng lao động trục lợi chính sách BHTN. Đồng thời, ngay tại Luật Việc làm hiện hành và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) (Khoản 2 Điều 102) đều có tính “Thời gian bảo lưu được tính bằng tổng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trừ đi thời gian đóng đã hưởng trợ cấp thất nghiệp” như vậy là thời gian trên 144 tháng đã được thừa nhận. Đề nghị Quốc hội nghiên cứu, có quy định hướng dẫn cụ thể để 2 điều khoản trên không đối lập nhau, gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của cán bộ công đoàn, đoàn viên, NLĐ, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, Bảo hiểm xã hội, lãnh đạo UBND thành phố Tam Kỳ, đồng chí Dương Văn Phước, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã giải thích, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến và xem xét, lựa chọn các ý kiến phù hợp để trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời đáp ứng mong muốn, nguyện vọng chính đáng của cử tri.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã gửi tặng 20 suất quà (gồm quà và tiền mặt) cho công nhân, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 107 suất quà, trị giá 1.000.000đ/suất cho công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn do bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trao quà Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tặng công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Hoài Nam |
Giải thưởng Huỳnh Ngọc Huệ: Tôn vinh đoàn viên có thành tích xuất sắc Chiều ngày 30/9, tại thành phố Tam Kỳ, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức trao tặng ...
|
- Huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định): Thực hiện đồng bộ các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
- Cử tri Quảng Nam kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến BHXH và kinh phí công đoàn
- Người lao động làm việc không theo hợp đồng có quyền gì về an toàn, vệ sinh lao động?
- Cô giáo gặp bệnh nan y được công đoàn đùm bọc, che chở
- Cô Nguyễn Thị Phương Thảo - giáo viên chủ nhiệm luôn được học trò trân quý