Thầy giáo người Cơ Tu vượt khó của Trường THCS Kim Đồng
Hoạt động Công đoàn - 29/09/2024 12:13 Nguyễn Thị Thuỷ
“Người anh cả” thân thiện của Công đoàn Trường THCS Lê Quý Đôn |
Thầy giáo Cơ Tu xuống núi gieo… nụ cười
Năm học 2021-2022, Công đoàn và lãnh đạo Trường THCS Kim Đồng chào đón một thành viên vô cùng đặc biệt, đó là thầy giáo A lăng Kỳ, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân về công tác tại trường. Thầy Kỳ là dân tộc Cơ Tu, sống tại miền núi huyện Nam Giang của tỉnh Quảng Nam.
Hành trình từ nhà đến trường của thầy A lăng Kỳ hơn 40km. Ảnh: ĐVCC |
Nhà xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy A lăng Kỳ vẫn hàng tuần lặn lội mấy chục cây số để đến trường dạy học. Thấu hiểu được nỗi vất vả của thầy, Công đoàn và Nhà trường đã sửa sang lại phòng công vụ của nhà trường. Sắm sửa một số đồ dùng sinh hoạt cá nhân thiết yếu, tạo mọi điều kiện để thầy yên tâm ở lại công tác. Đó là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng để giữ chân thầy ở ngôi trường này.
Chúng tôi hay đùa vui với thầy Kỳ rằng thầy “xuống núi” không chỉ để gieo con chữ mà là gieo… nụ cười. Hành trình từ nhà đến trường của thầy hơn 40km, dẫu mỗi tuần thầy chỉ di chuyển một, hai lần, thế nhưng mỗi lần đi thực sự là một lần khó. Những ngày nắng thì không sao, nhưng những ngày mưa, đường xa trơn trượt, mưa gió, lạnh lẽo khiến thầy đến trường thì đã ướt như chuột lột.
Thế nhưng chưa bao giờ thầy than vãn hay kêu ca lấy một lời, nụ cười lúc nào cũng thường trực trên môi. Với thầy, việc đón nhận và vượt qua khó khăn là điều đương nhiên trong cuộc sống và thầy luôn chọn cách vui vẻ đối mặt. Thầy bảo than vãn cũng chẳng thể thay đổi được tình thế, mà còn làm cho mình xuống tinh thần, bi quan hơn. Nghị lực, quan điểm sống của thầy khiến cho đoàn viên Công đoàn chúng tôi rất khâm phục và lấy đó làm tấm gương để nỗ lực, cố gắng.
Vượt qua những cung đường heo hút để xuống núi gieo chữ, gieo nụ cười. Ảnh: ĐVCC |
Đối với Công đoàn, thầy Kỳ là một đoàn viên hết sức nhiệt tình. Còn nhớ tháng 11 năm 2022, lúc thầy tham gia thi đấu giải cầu lông cho trường cũng là lúc vợ thầy chuyển dạ. Trong lúc ấy, khó ai có thể giữ được bình tĩnh. Vậy mà thầy vẫn cố gắng thi đấu hết sức mình, hoàn thành xong trận đấu để về với vợ con. Đó là tinh thần trách nhiệm thật sự rất đáng trân quý.
Cũng trong lần đó, khi vợ con thầy đến ngày xuất viện, do điều kiện gia đình không cho phép, thầy Kỳ dự định đưa vợ và con mình về nhà bằng xe máy. Một đứa trẻ vài ngày tuổi, một sản phụ vừa sinh xong phải đi một quãng đường mấy chục cây số bằng xe máy, nghe thôi cũng thấy xót xa. Khi biết được thông tin, ngay lập tức Công đoàn nhà trường đã thuê xe ô tô để vợ con thầy được về nhà an toàn. Thầy cười nói với chúng tôi, món quà nhỏ cho con, đó là chuyến đi đầu tiên trong đời bằng xe ô tô.
Công đoàn động viên thầy tiếp tục gắn bó với nghề giáo
Còn nhớ khi thầy Kỳ tổ chức đám cưới tại quê nhà ở huyện Nam Giang, nơi cách trường khá xa. Công đoàn nhà trường đã động viên anh chị em tham gia để thầy có một ngày vui trọn vẹn. Dưới sự động viên của Công đoàn, hầu hết đoàn viên công đoàn trong nhà trường đều đến tham dự và chia vui cùng thầy Kỳ. Đường xa thế nhưng anh chị em ai cũng háo hức, mong chờ. Lúc chúng tôi xuống xe, tôi thấy nụ cười thầy trọn vẹn hơn bao giờ hết, ánh mắt thầy thật lấp lánh, tôi biết đó là niềm hạnh phúc.
Thầy A lăng Kỳ (đầu tiên, bên trái) trong buổi Gặp mặt và chia tay giáo viên Trường THCS Kim Đồng. Ảnh: ĐVCC |
Trong ngày vui hôm ấy, Công đoàn cũng đã gửi tặng thầy món quà mừng ngày cưới. Nhưng có lẽ món quà lớn hơn cả mà Công đoàn đã tặng thầy Kỳ, đó là sự tham gia đông đủ của đoàn viên Công đoàn nhà trường, là tình cảm mà anh chị em dành tặng cho thầy. Tôi còn nhớ rất rõ, lúc chia tay chúng tôi ra về, mắt thầy Kỳ trở nên long lanh hơn, chúng tôi cũng tự hiểu đó là lời cảm ơn chân thành nhất của thầy dành cho chúng tôi.
Theo thầy A lăng Kỳ, hành trình làm thầy giáo của anh đã trải qua biết bao nhiêu khó khăn, gian khổ. Ước mơ đổi đời, ước mơ gieo con chữ cho biết bao thế hệ mà anh ấp ủ bấy lâu nay đã trở thành sự thật. Nhưng khi đối diện với khó khăn của cuộc sống, với hiện tại rất khốc liệt này, anh cảm thấy chùng bước. Có những phút bối rối như muốn buông bỏ.
Con đường thực hiện hóa ước mơ ấy sao lắm gian nan. Từ bỏ ư? Sao đành lòng nỗi. Nhưng nếu tiếp tục theo đuổi, có nổi hay không? Những trăn trở ấy của thầy đã được Công đoàn, nhà trường thấu hiểu, chia sẻ. Chúng tôi luôn cố gắng động viên thầy, giúp đỡ, tạo điều kiện tốt nhất cho thầy để thầy an tâm công tác.
Thầy A lăng Kỳ (bên phải) trong Lễ kết nạp Đảng viên mới. Ảnh: ĐVCC |
Thầy A lăng Kỳ chia sẻ: “Hơn một lần tôi có ý định đầu hàng trước khó khăn. Tôi đã chạm đến ước mơ làm thầy giáo nhưng sao nó vẫn mong manh. Lãnh đạo trường và anh chị em trong Công đoàn đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh để vượt núi, vượt đèo, vượt qua chính mình để kiên trì với con đường đã chọn”.
Thầy Kỳ chỉ là một trong số trăm ngàn giáo viên trên khắp mọi miền Tổ quốc vẫn còn gian nan trên hành trình đến trường của mình. Đứng trước những gánh nặng của cuộc sống cũng như làn sóng giáo viên đã và đang bỏ nghề rất nhiều như hiện nay, Công đoàn và nhà trường vẫn đang cố gắng nỗ lực rất nhiều để không bỏ ai lại phía sau.
Theo cô Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Kim Đồng, Công đoàn nhà trường đã thực sự làm tốt vai trò của mình, là chỗ dựa, là người bạn đồng hành cùng thầy Kỳ cũng như tất cả Công đoàn viên; luôn lắng nghe, sẻ chia, thấu hiểu, sâu sát để quan tâm, động viên những trường hợp còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Dẫu biết hành trình đến trường của thầy không được bằng phẳng như bao người, nhưng hy vọng thầy vẫn sẽ cố gắng, nỗ lực để vượt qua những giai đoạn khó khăn trước mắt. Để rồi sau này nhìn lại, thầy sẽ thực sự hạnh phúc vì không chịu từ bỏ. Thầy hãy cứ yên tâm, Công đoàn sẽ luôn bên cạnh đồng hành cùng thầy!
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: [email protected] |
Không để người lao động “lọt” lưới an sinh Chưa đánh giá được việc rút bảo hiểm xã hội một lần thế nào là hợp lý, song các chuyên gia cho rằng cần lựa ... |
Triển khai quy hoạch tỉnh Quảng Nam cần chú trọng đến nguồn nhân lực Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh yêu cầu trên tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ ... |
Anh Lê Văn Minh - tấm gương sáng trong ngành Điện Để đóng góp một phần công sức, trí tuệ của mình vào sự nghiệp xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và phát triển, ... |
- Thầy giáo người Cơ Tu vượt khó của Trường THCS Kim Đồng
- Công đoàn Viên chức Kiên Giang phát động thi trực tuyến an toàn giao thông
- Vòng tay Công đoàn giúp cô Nguyễn Thị Duyên đứng vững trước “giông tố cuộc đời”
- Quy định của pháp luật về xây dựng thang lương, bảng lương và định mức lao động?
- Đối thoại với công nhân Đà Nẵng: “Nóng” vấn đề nhà ở và bảo hiểm xã hội