Công nhân Công ty CP Phân lân Ninh Bình tử vong khi sửa máy: Cần nâng cao ý thức an toàn lao động
Người lao động - 10/10/2024 13:43 Gia Hưng
Công nhân tử vong tại Công ty CP Phân lân Ninh Bình: Bài học về bảo đảm an toàn lao động |
Vào ca 3 ngày 05/10/2024, công nhân Đào Sỹ T. (sinh năm 1969), được phân công vận hành hệ thống cấp liệu dãy chuyển về viên.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đến khoảng 4h ngày 06/10/2024, máy nghiền xích có hiện tượng bị nghẹt, bỏ liệu.
Không phải thợ sửa máy, nhưng công nhân T. đã dừng máy, mở máy nghiền để vệ sinh, thay xích. Trong quá trình vệ sinh, thay xích đã xảy ra tai nạn (nguyên nhân cụ thể đang được điều tra).
Hiện trường vụ tai nạn lao động tại Công ty CP Phân lân Ninh Bình. Ảnh: ĐVCC |
Ông Phạm Gia Ngân, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Phân lân Ninh Bình cho biết, ngay sau khi phát hiện sự việc, các cán bộ đã nhanh chóng liên hệ dịch vụ cấp cứu 115 và đưa nạn nhân tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Đáng tiếc, anh T. đã tử vong trên đường đi cấp cứu vào khoảng 4 giờ 30 phút sáng cùng ngày.
Hiện tại, công ty đã phối hợp với gia đình nạn nhân để lo hậu sự, đồng thời cung cấp đầy đủ các hồ sơ tài liệu liên quan cho cơ quan chức năng phục vụ công tác điều tra. Trước mắt, Công ty đã hỗ trợ gia đình nạn nhân gần 60 triệu đồng; Quỹ An sinh xã hội Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hỗ trợ 5 triệu đồng và Công đoàn Công Thương Việt Nam hỗ trợ 5 triệu đồng.
“Công tác chi trả chế độ quyền lại cho người lao động sẽ được triển khai ngay sau khi có buổi làm việc giữa công ty và gia đình người lao động”, đại diện Công ty cho biết.
Vị này cho biết, sau mỗi tai nạn, công ty đều tổ chức họp và điều tra nguyên nhân để đưa ra các giải pháp phòng ngừa phù hợp. Đồng thời, công ty đã triển khai đào tạo lại các quy định về an toàn, nâng cao vai trò của người lao động, và rà soát các nguy cơ tiềm ẩn để phòng tránh tai nạn lao động hiệu quả.
"Công ty luôn trang bị đầy đủ đồ bảo hộ lao động, có hệ thống giám sát và bảo dưỡng máy móc định kỳ. Đào tạo và huấn luyện người lao động hàng năm theo kế hoạch. Không sử dụng máy móc thiết bị nguy hiểm, độc hại, và luôn kiểm tra bàn giao máy móc giữa các ca sản xuất", đại diện công ty khẳng định.
Cần nâng cao ý thức ATVSLĐ
Giáo sư Lê Vân Trình - Chủ tịch Hội ATVSLĐ Việt Nam cho biết, trong trường hợp không có chức năng sửa chữa, người lao động không được tự ý can thiệp vào máy móc. Khi máy gặp sự cố, cần dừng máy và báo cáo với người quản lý để phân công người có chuyên môn xử lý.
Ông cũng cho rằng, một số lao động tại Việt Nam có thói quen nóng vội, thiếu nhận thức và trách nhiệm trong việc tuân thủ quy trình đảm bảo an toàn. Để phòng ngừa những tai nạn tương tự, theo Giáo sư Lê Vân Trình, công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động cần được thực hiện nghiêm túc theo đúng chương trình quy định, với các kiểm tra và giám sát chặt chẽ.
Giáo sư Lê Vân Trình đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao quản lý ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi môi trường làm việc ngày càng phức tạp và nhiều rủi ro. Ông cho rằng, để bảo vệ sức khỏe và an toàn cho người lao động, các doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATVSLĐ và đầu tư vào hệ thống quản lý an toàn một cách có hiệu quả.
Ngoài ra, Giáo sư Lê Vân Trình cũng đề cao vai trò của việc huấn luyện ATVSLĐ theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện ATVSLĐ và quan trắc môi trường lao động.
"Việc huấn luyện này cần được thực hiện thường xuyên và chất lượng để đảm bảo người lao động nắm vững kỹ năng và kiến thức cần thiết, góp phần giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Sự chủ động và trách nhiệm từ phía doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng về ATVSLĐ là yếu tố then chốt để xây dựng một môi trường làm việc an toàn, lành mạnh”, Giáo sư Lê Vân Trình khẳng định.
Tiến sĩ Đoàn Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Thanh tra tại Đại học Luật Hà Nội, bổ sung thêm rằng người sử dụng lao động cũng cần có trách nhiệm đào tạo, tuyên truyền và thực hiện kiểm định máy móc định kỳ. Một số doanh nghiệp đặc thù cần có cán bộ chuyên trách về an toàn lao động để giám sát và đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động.
Tiến sĩ Đoàn Xuân Trường, Phó Trưởng phòng Thanh tra (Đại học Luật Hà Nội). Ảnh: Văn Quân |
Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong tai nạn lao động
Theo Luật ATVSLĐ, doanh nghiệp có trách nhiệm bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Người sử dụng lao động phải tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định về an toàn, nội quy, quy trình, cũng như các biện pháp đảm bảo an toàn lao động cho người lao động, trang bị các công cụ phương tiện an toàn, cũng như thực hiện việc chăm sóc sức khỏe định kì và khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động nếu các yếu tố môi trường nguy hiểm, trong đó có quy định không được buộc người lao động làm việc trong những nơi làm việc đang xuất hiện những nguy cơ có thể gây tai nạn, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người lao động.
Tổ chức bộ máy giám sát, bố trí những người làm công tác an toàn, thực hiện trách nhiệm khai báo, điều tra, thống kê các tai nạn và sự cố kĩ thuật cũng như chấp hành các quy định khác và phối hợp với tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, tổ chức của mình để đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động.
Điều 38 Luật ATVSLĐ quy định, người sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu và thanh toán toàn bộ chi phí y tế cho người lao động gặp tai nạn trong quá trình làm việc. Bên cạnh đó, các khoản bồi thường và trợ cấp cần được thực hiện theo quy định của pháp luật. Các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức trách nhiệm đối với người lao động, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định về an toàn lao động nhằm giảm thiểu các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Theo Tiến sĩ Đoàn Xuân Trường, ngoài trách nhiệm chủ động đảm bảo điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, theo quy định của pháp luật, người sử dụng lao động còn phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cho người lao động và phải chịu trách nhiệm nếu người lao động xảy ra TNLĐ, cũng như chi trả toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị TNLĐ hoặc bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia các loại hình BHXH bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong luật BHXH.
Để tránh những vụ tai nạn tương tự, cần có các biện pháp nâng cao nhận thức và tuân thủ quy định về ATVSLĐ. Trước hết, các doanh nghiệp cần thiết lập quy trình làm việc rõ ràng, nghiêm ngặt, và thường xuyên kiểm tra, bảo trì máy móc. Đồng thời, người lao động cũng cần tự giác thực hiện các biện pháp an toàn, bảo vệ bản thân và đồng nghiệp.
Việc tuyên truyền và giáo dục về ATVSLĐ cũng cần được chú trọng hơn. Các chương trình huấn luyện ATVSLĐ không nên chỉ là hình thức mà cần đi sâu vào thực tiễn, giúp người lao động hiểu rõ các nguy cơ và biện pháp phòng tránh. Bên cạnh đó, cần có cơ chế khen thưởng cho những cá nhân, tập thể thực hiện tốt các biện pháp ATVSLĐ, cũng như có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với những trường hợp vi phạm.
Việc tai nạn lao động tại Công ty CP Phân lân Ninh Bình vừa qua là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động trong công tác an toàn vệ sinh lao động.
Điều 38 Luật ATVSLĐ năm 2015 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau: 1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; 2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau: a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; 3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; 4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng; 6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật; 7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người; 8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc; 9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này; |
Khởi tố để điều tra; khẩn trương khắc phục hậu quả vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng tại Tằng Loỏng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Vi phạm quy ... |
Phòng ngừa tai nạn lao động nhìn từ chất lượng huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một nội dung quan trọng của công tác ATVSLĐ. Thực hiện tốt công tác này ... |
"Đau chết lặng vì tai nạn lao động, bố tôi vẫn nhận lỗi do mình chủ quan" Mỗi lần nhớ về người bố đã khuất, chị Nguyễn Thị Thanh Hoàn - Công đoàn cơ sở Văn phòng I Tập đoàn Dệt May ... |
- Phát hiện nạn nhân bị tai nạn lao động, việc đầu tiên phải làm là gì?
- Công đoàn Trường THCS Thành Công đồng hành với giáo viên khó khăn
- Cán bộ nữ công ngành Đường sắt cần hiểu pháp luật để xây dựng chính sách liên quan lao động nữ
- Tôn vinh 95 Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu, xuất sắc ngành Ngân hàng
- Tiếp xúc cử tri công nhân lao động tại An Giang