Công chức bỏ việc: Lương thấp hay bệnh của cơ chế?
Kinh tế - Xã hội - 07/08/2022 18:44 TRẦN VĂN SỸ
Công chức, viên chức Nhà nước bỏ việc ngày càng tăng. Ảnh minh họa: nld.vn |
Đây là việc chưa từng xảy ra. Trước đến nay, việc có chân trong biên chế của các cơ quan Nhà nước luôn là một mong ước của rất nhiều người. Kể cả hiện nay, việc thi tuyển công chức, viên chức cũng rất ngặt nghèo. Qua được các vòng thi, kiếm được suất biên chế để "ăn lương" Nhà nước là không phải dễ, thậm chí đây đó vẫn có những tin đồn, để được vào công chức, viên chức (từ đây gọi chung là công chức) người ta còn phải "chạy chọt" tốn kém khá nhiều. Vậy mà tại sao bây giờ lại có hàng ngàn người theo nhau rời công sở?
Nhiều người cho là do lương công chức thấp quá, không đủ sống. Điều đó ai cũng biết từ lâu, song tại sao đến giờ thì hiện tượng “người Nhà nước” bỏ việc hàng loạt mới xảy ra?
Chế độ tiền lương với “người Nhà nước” là một chế độ chung nhưng thực tế là đang tồn tại hai hiện tượng trái nhau: Nơi này, vị trí này, công việc này… thì "chạy chọt" để được vào làm công chức, nhưng nơi khác thì công chức lại bỏ đi. Không thiếu những vị trí công tác, chính người đã rất vất vả thi được đỗ công chức, vào làm một thời gian ngắn đã cũng bỏ đi. Tại sao vậy?
Bất cứ người nào, trước khi thi công chức, đều đã được tìm hiểu rất rõ về tiền lương mình được hưởng khi được tuyển dụng và họ đã chuẩn bị đủ tinh thần để chấp nhận điều đó. Vậy mà vào làm một thời gian thì lại bỏ đi. Rõ ràng là tiền lương, dù còn nhiều bất cập cũng không phải là toàn bộ nguyên nhân của vấn đề, mà nhất định còn có những nguyên nhân khác.
Trước hết nói về lương: Lương công chức hiện là cao hay thấp? Nói chung công chức đều cho rằng, là thấp. Vậy sao vẫn rất nhiều người chen chân để được vào làm? Và cũng rất nhiều người khác sao không bỏ việc mà đi tìm việc khác? Câu trả lời là: Vậy mà không phải vậy. Với một số nhóm công chức, lương ấy là cao.
Người dân chấm điểm công chức khi đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: dangcongsan.vn |
Cao là vì với nhóm này, "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", chân đút gầm bàn, đầu óc chân tay chẳng phải làm gì đáng kể, ngồi mát 8 giờ, làm thực không đến một ngày/tuần. Vậy so tiền lương thực nhận với thời gian lao động thực của họ, lương công chức hiện nay với họ vẫn cao chán. Hãy xem bao người nông dân sớm tối trên đồng, bao người công nhân đổ mồ hôi trong nhà máy, công trường... kiếm được suất lương như công chức bình thường thì phải vất vả hơn biết bao nhiêu.
Những công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" này, do nhiều hoàn cảnh, họ chấp nhận ổn định, không cần lương cao nhưng nhàn hạ. Trong cơ quan Nhà nước, số này không ít, nhìn thấy dễ dàng, nhưng mà đuổi việc họ là không dễ chút nào, bởi tình trạng ấy không hẳn đã do họ tạo ra, thì họ ngồi chơi đâu phải là lỗi của họ? Lỗi ở "anh cơ chế”!
Lại có những nhóm công chức khác, lợi dụng kẽ hở của cơ chế, lợi dụng vị trí công tác và chức năng nhiệm vụ có tính đặc thù, nên thường nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp có liên quan để nhận tiền “tham nhũng vặt”. Tiền "tham nhũng vặt" này bù vào thu nhập, cộng với lương công chức hiện nay thì thành “lương công chức” thực có của họ, cũng không phải thấp. Những công chức thuộc nhóm này đương nhiên cứ “ngồi chiếm chỗ mà hưởng lộc”, “làm việc làng nhàng trung bình”.
Còn nhóm công chức có chức có quyền thì không nói làm gì. Xưa đã có câu “có quan là có lộc”. Dù không chính thức công bố, song ai cũng biết, ngoài lương theo quy định, kiểu gì nhóm công chức này cũng có thêm những thu nhập khác (phong bì đi họp hành, hội thảo, tiền bồi dưỡng đi công tác trong và ngoài nước, tiền đề tài nghiên cứu,…) có thể còn cao hơn tiền lương nhiều. Đó là chưa nói đến các thu nhập từ tham nhũng như báo chí đã nói rất nhiều. Đối với nhóm này, chế độ tiền lương hiện nay có tăng hay giảm ít nhiều thì cũng không có gì quan trọng với họ.
Những nhóm công chức như trên, hiện khá đông, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (giờ là Chủ tịch nước) từng nói là có thể giảm bớt 30% số lượng người thì công việc hiện nay vẫn không ảnh hưởng gì.
Cán bộ công chức đang chi tiền hỗ trợ cho người dân. Báo Hải Phòng |
Còn lại, số công chức khác, do vị trí công tác, không có điều kiện để “có thêm thu nhập” như nói trên, nhưng lại “có rất nhiều việc phải làm, không có quyền chia bớt cho ai”, mà thu nhập thì chỉ có đúng “lương ba cọc ba đồng”.
Nhóm này thường là những công chức, trong đó có nhiều người rất có tài, chỉ biết làm tốt nhiệm vụ được giao mà chưa biết… “quan hệ” để cải thiện vị trí. Chính họ gồng gánh phần lớn công việc để nhóm "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" được làm chơi, ăn thật. Khi cuộc sống khó khăn quá, thì họ phải bỏ việc để tìm có thu nhập cao hơn mới đảm bảo cuộc sống gia đình. Hàng ngàn lao động ngành Y bỏ việc thời gian qua chủ yếu là thuộc nhóm này.
Trong số công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" cũng có những người tài giỏi và tự trọng. Họ muốn làm việc, cống hiến và hưởng thụ theo lao động của mình, không chấp nhận kéo dài tình trạng “ngồi chơi xơi nước, ăn lương thấp ổn định”, nên đã xin thôi việc. Những người này ra ngoài thường có nhiều tổ chức, doanh nghiệp sẵn sàng thuê họ với mức lương cao hơn lương công chức.
Thời gian qua, cũng đã có nhiều công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", thậm chí cả công chức có chức vụ, đã gắn bó khá lâu dài trong môi trường cơ quan Nhà nước xin thôi việc. Điều này phản ánh một xu thế nhận thức mới trong giới công chức, không chấp nhận tình trạng trì trệ của cơ chế công quyền.
Những người thực tài luôn mong muốn cái “hữu tài” của mình thành cái “hữu dụng” cho đời, chứ không phải chỉ muốn “thu nhập ổn định”, “cuộc đời nhàn nhã” như đa số những người "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" khác.
Rõ ràng, việc công chức, viên chức Nhà nước bỏ việc ngày càng tăng, trong đó có cả người mới được tuyển dụng và cả người đã làm việc lâu năm là tín hiệu cảnh báo cho thấy cơ chế quản lý và sử dụng nhân lực trong cơ quan Nhà nước – điều quyết định của chất lượng công vụ - đang có vấn đề rất đáng quan ngại về những khả năng xấu trong hiện tại và tương lai gần. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có sự nghiên cứu, đánh giá nghiêm túc về các nguyên nhân và đưa ra các giải pháp kịp thời để khắc phục tình trạng này.
Công chức nhận thêm khoản tiền nếu nghỉ hưu trước tuổi theo nguyện vọng Bộ Nội vụ đang Dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định tại Nghị định 46/2010/NĐ-CP về công chức, viên chức, trong đó ... |
Đề xuất sửa đổi một số quy định về cán bộ, công chức, viên chức Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến góp ý của Nhân dân với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định ... |
Chính sách mới liên quan tới công chức, viên chức có hiệu lực từ tháng 6/2022 Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành Y tế; Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 20/09/2024 12:15
Sắp thêm 2-4 dự án hoạt động tại các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, trong tháng 9/2024, dự kiến sẽ có thêm 2-4 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài (FDI) dự kiến đạt khoảng 40-45 triệu USD, trong khi các dự án đầu tư trong nước (DDI) sẽ đạt khoảng 200-300 tỷ đồng.
Kinh tế - Xã hội - 20/09/2024 10:47
Tiết kiệm xanh - đón xe sang Vinfast cùng Sacombank Pay
Hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, từ ngày 12/9 đến hết ngày 07/12/2024, Sacombank triển khai chương trình “Tiết kiệm xanh cùng Pay” trúng xe Vinfast và e-Voucher Lock&Lock dành cho khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm trực tuyến trên ứng dụng Sacombank Pay.
Kinh tế - Xã hội - 20/09/2024 10:41
Sacombank triển khai thanh toán vé xe buýt qua thẻ NAPAS
Từ tháng 9/2024, khách hàng có thể sử dụng thẻ chip nội địa NAPAS do ngân hàng Sacombank phát hành (thẻ NAPAS Sacombank) để thanh toán không tiền mặt ở một số tuyến xe buýt ở Hà Nội, TP.HCM,… Đồng thời, tiến tới hỗ trợ thanh toán ở các loại hình giao thông công cộng khác trong giai đoạn tiếp theo.
Kinh tế - Xã hội - 20/09/2024 06:38
Bán tải giá hơn 900 triệu, chọn Mitsubishi Triton, Ford Ranger hay Toyota Hilux?
Phiên bản cao cấp nhất của mẫu bán tải Mitsubishi Triton với giá rẻ hơn, nhiều trang bị an toàn, sẽ cạnh tranh ra sao với Ford Ranger Wildtrak và Toyota Hilux Adventure.
Kinh tế - Xã hội - 20/09/2024 06:29
Giảm mỡ hiệu quả, bền vững với Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì đầu tiên tại Việt Nam
Ngày 18/9, Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì chuyên sâu, toàn diện, đa mô thức thuộc hệ thống BVĐK Tâm Anh chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu cột mốc mới trong công cuộc chống lại đại dịch béo phì tại Việt Nam.
Kinh tế - Xã hội - 19/09/2024 21:00
Nước làm mát ô tô có được giảm thuế GTGT không?
Các chủ xe sở hữu ô tô thắc mắc nước làm mát ô tô có được giảm thuế GTGT không có thể tìm câu trả lời trong phần dưới đây.
- Ban Công đoàn Quốc phòng “tiếp sức” cho cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên vùng lũ
- Thưởng tiền, tăng lương cho công nhân ưu tú
- Cô hiệu trưởng giàu lòng nhân ái của thành phố Gia Nghĩa
- "Bẫy nợ" thẻ ngân hàng - Bài 1: Công nhân vướng nợ xấu gần chục năm mà không biết
- An toàn lao động đã trở thành thói quen, hành vi của từng cán bộ, nhân viên ngành Điện lực