Cảnh giác chiêu trò quảng cáo “thần dược” Lipixgo - Kỳ 3: Tội quảng cáo gian dối có thể bị xử lý hình sự
Pháp luật lao động - 01/09/2024 07:31 Gia Hưng
Cảnh giác chiêu trò quảng cáo “thần dược” Lipixgo - Kỳ 1: Bịa đặt thông tin, thổi phồng công dụng |
Cẩn trọng khi quyết định mua bất kỳ sản phẩm nào qua quảng cáo trực tuyến
Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, hiện nay người tiêu dùng có thể kiểm tra sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đã được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm hay chưa được cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm trên các trang dịch vụ công của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế).
Tuy nhiên, trên thực tế người tiêu dùng chỉ có thể xem được cái “vỏ”, tức là chỉ nhìn được hình ảnh của Giấy tiếp nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp chứ chưa được tiếp cận cái “lõi” bao gồm Bản công bố, nhãn sản phẩm… đã được phê duyệt.
Vì thế, người tiêu dùng không thể biết được thành phần, công dụng trên nhãn sản phẩm đang lưu hành có giống với nhãn, công dụng đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép lưu hành hay không.
Trên thực tế người tiêu dùng chỉ có thể xem được cái “vỏ”, tức là chỉ nhìn được hình ảnh của Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm Lipixgo do cơ quan có thẩm quyền cấp chứ chưa được tiếp cận cái “lõi” bao gồm Bản công bố, nhãn sản phẩm… đã được phê duyệt. Ảnh T.H |
Nếu người tiêu dùng được tiếp cận các nội dung này như: công dụng sản phẩm, nhãn sản phẩm, tài liệu khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm… thay vì chỉ tiếp cận cái vỏ là Giấy tiếp nhận thì họ được chủ động kiểm tra đối với nội dung quảng cáo, cơ quan quản lý nhà nước cũng không phải chạy theo để kiểm tra vi phạm vì người dân đã chủ động tự kiểm tra, so sánh rồi.
“Vì vậy, tôi cho rằng trên các trang dịch vụ công của Bộ Y tế nên công khai bản công bố, nhãn sản phẩm các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ đã được phê duyệt”, Luật sư Trần Tuấn Anh nhấn mạnh và lưu ý, người tiêu dùng hãy cẩn trọng và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi quyết định mua bất kỳ sản phẩm nào qua quảng cáo trực tuyến để tránh rủi ro không đáng có.
Trong nội dung quảng cáo, người viết đã khẳng định Lipixgo có tác dụng chữa bệnh, điều này là hoàn toàn trái quy định pháp luật. Ảnh chụp màn hình |
Làm gì để bảo vệ quyền lợi khi bị lừa dối bởi quảng cáo sai sự thật?
PV: Thưa Luật sư Trần Tuấn Anh, các bước pháp lý mà một cá nhân hoặc tổ chức có thể thực hiện để bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp bị lừa dối bởi quảng cáo sai sự thật là gì?
Luật sư Trần Tuấn Anh: Theo khoản 4 Điều 16 Luật Quảng cáo, người tiếp nhận quảng cáo có quyền “Được tố cáo, khởi kiện dân sự theo quy định của pháp luật”.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân bị lừa dối bởi quảng cáo sai sự thật, có quyền tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại thực tế xảy ra bởi nguyên nhân quảng cáo sai sự thật.
Điều này được quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Quảng cáo: “Khi tổ chức, cá nhân tố cáo hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị lừa đối bởi quảng cáo sai sự thật, phải cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ về hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo với cơ quan quản lý nhà nước và chứng cứ chứng minh thiệt hại mà quảng cáo gây ra; được quyền yêu cầu người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo hoặc người quảng cáo cung cấp tài liệu liên quan đến sản phẩm quảng cáo”.
Như vậy, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn tố cáo hoặc khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Luật sư Trần Tuấn Anh – Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch (Hà Nội). Ảnh: NVCC |
PV: Xin luật sư cho biết, các cơ quan chức năng nào có thẩm quyền giải quyết vấn đề này và người tiêu dùng nên liên hệ với họ bằng cách nào?
Luật sư Trần Tuấn Anh: Khi phát hiện hành vi quảng cáo sai sự thật nhưng chưa có dấu hiệu hình sự, có thể tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
Căn cứ quy định về tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo tại Điều 23, Điều 24, Điều 27 Luật Tố cáo.
Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thì người tiếp nhận hướng dẫn người tố cáo viết đơn tố cáo hoặc ghi lại nội dung tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định.
Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp thì cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.
Tội quảng cáo gian dối có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự. Ảnh chụp màn hình. |
Vì vậy, khi phát hiện hành vi vi phạm, tổ chức cá nhân có thể tố cáo đến các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương hoặc trung ương. Theo nguyên tắc phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn tố cáo sẽ được chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo được biết.
Trong quá trình tiếp nhận, xử lý tố cáo, nếu thấy hành vi bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ, tài liệu đến Cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát Nhân dân có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, người bị hành vi quảng cáo gây thiệt hại trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp có thể khởi kiện đến Toà án Nhân dân, trình tự thủ tục được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Đơn khởi kiện có thể gửi trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
Tội quảng cáo gian dối có thể bị xử lý hình sựTrường hợp hành vi quảng cáo chưa cấu thành tội phạm, tổ chức cá nhân vi phạm vẫn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, vi phạm quy định về hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo quy định tại Điều 34 và Vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm tại Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Mức phạt từng hành vi có thể lên đến 30 triệu đồng, tổ chức, cá nhân vi phạm nhiều hành vi có thể bị xử phạt cho từng hành vi đó. Trong trường hợp hành vi quảng cáo sai sự thật đã cấu thành Tội quảng cáo gian dối tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 thì phải xử lý hình sự. “- Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. - Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” |
Cảnh giác chiêu trò quảng cáo “thần dược” Lipixgo - Kỳ 1: Bịa đặt thông tin, thổi phồng công dụng Đường link “//mydb.mynature.site/...” đang bịa đặt ra một câu chuyện gây sốc liên quan tới bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn (Tuấn “tim”) để quảng cáo ... |
Cảnh giác chiêu trò quảng cáo “thần dược” Lipixgo - Kỳ 2: Những cuộc gọi thúc giục chốt đơn Đường link quảng cáo về loại “thuốc Lipixgo" lặng lẽ được lan truyền trên mạng xã hội, cho biết không thể tìm thấy sản phẩm ... |
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm bị “thổi còi” vì quảng cáo sai sự thật Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết, đơn vị này đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý ... |