Vòng tay Công đoàn Trường THCS Bình Thọ - Nơi chắp cánh cho những yêu thương
Công đoàn - 26/09/2024 16:13 Tổ Ngữ văn (Trường THCS Bình Thọ)
Nữ Chủ tịch Công đoàn trường tài năng, nhiệt huyết và sáng tạo |
Người thầy tận tụy với nghề, truyền cảm hứng cho đồng nghiệp
Đôi khi bạn tự hỏi rằng, lúc gặp những con sóng dữ thì theo bản năng bạn sẽ làm gì? Khi ta gặp những biến cố thì điều gì giúp ta có thể vượt qua? Câu trả lời có lẽ là tình yêu thương. Trời đủ nắng thì hoa sẽ nở. Con người khi được sống trong tình yêu thương thì sẽ được hạnh phúc. Tình yêu thương, sự sẻ chia đó là tài sản quý giá nhất trong cuộc đời của mỗi con người, là đóa hoa bất tử giữa dòng thời gian. Tại Trường THCS Bình Thọ này, chúng tôi đã được cảm nhận trọn vẹn tình đời, tình người từ sự ấm áp của vòng tay Công đoàn.
Thầy giáo Nguyễn Như Hòa – Tổ Ngữ văn Trường THCS Bình Thọ. Ảnh: ĐVCC |
Khi nhắc đến thầy, giáo viên Nguyễn Như Hòa của Trường THCS Bình Thọ, mỗi giáo viên của trường và các em học sinh đều cảm nhận được tấm gương cao cả, nhân hậu và nghị lực của thầy. Năm nay thầy đã gần sang cái tuổi 60, gắn bó với nghề dạy học hơn 30 năm nhưng dường như trong thầy nhiệt huyết vẫn còn chảy tràn trong trái tim độ lượng.
Từ mái Trường THCS Bình Thọ, biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành và cất cánh bay cao, bay xa và chắc chắn trong tâm trí các em, một trong những người thầy mẫu mực nhất mà các em không bao giờ quên được, đó là hình ảnh thầy giáo Nguyễn Như Hòa. Nhìn vào những đôi mắt lấp lánh của các em, chúng tôi hiểu thầy đã được học trò yêu quý như thế nào.
Mỗi giờ lên lớp, ngoài truyền thụ kiến thức, thầy còn luôn chú trọng làm giàu cho tâm hồn các em qua những thông điệp nhân văn, bài học làm người, tình người nhẹ nhàng mà sâu sắc, thấm thía vô cùng. Mấy đứa nhỏ luôn truyền tai nhau những câu nói như slogan của thầy Hòa, chẳng hạn “Biết gì cũng tốt nhưng cần biết mình trước”- phải hiểu mình là ai trước để rèn cho mình tính khiêm tốn.
Nếu nhìn thấy bóng thầy trên hành lang thì đứa nào đứa nấy nhanh chóng nhìn xung quanh, nhìn từ trên xuống. Vì biết rằng nếu có rác hay quần áo xộc xệch thì thầy chỉnh đốn ngay… Nhưng chẳng có bạn học sinh nào ghét thầy cả. Chúng luôn trân quý thầy. Rồi cứ thế bao lớp học trò lớn lên và ra trường, mang theo hình ảnh một người thầy nghiêm khắc, bình dị và ấm áp như một người cha, mang theo cả những bài học nhân văn của thầy để làm hành trang cho cuộc đời mình.
Với công việc chuyên môn, chúng tôi luôn học hỏi thầy với những kiến thức thâm sâu và uyên bác. Trong môi trường hiện đại, tiên tiến công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, thầy luôn cho rằng mình lạc hậu nhưng chúng tôi không nhận ra điều ấy. Ngược lại, thầy luôn chịu khó tìm tỏi, học hỏi để theo kịp mọi người với những bài học từ công nghệ vô cùng sinh động, sáng tạo.
Những bạn trẻ mới về trường, buổi đầu còn lạ nước lạ cái thì thầy luôn gần gũi, chỉ bảo, động viên. Nhờ điều ấy mà các em trưởng thành hơn về tất cả mọi thứ. Có lần thầy tâm sự với chúng tôi rằng: “Thầy không thích đăng kí một danh hiệu nào bởi theo thầy chỉ cần tận tâm, tận tuỵ trong giảng dạy. Các em học sinh thành người đó là danh hiệu lớn nhất của thầy”. Nghe thầy nói mà chúng tôi thêm yêu quý bởi tuy là suy nghĩ giản di mà nhưng vô cùng cao quý.
Một cuộc đời giông bão
Những lúc rảnh rỗi thầy thường tâm sự với chúng tôi về hoàn cảnh của mình. Cũng như bao chàng trai khác, thầy có một gia đình hạnh phúc nhưng dường như may mắn không mỉm cười với thầy về mặt con cái. Và rồi sau bao nhiêu nỗ lực thầy cô cũng có một niềm an ủi lớn nhất đó là cô bé Nguyễn Hoà Mỹ Duyên, năm nay tròn 12 tuổi. Thầy cô luôn tâm niệm rằng hạnh phúc chỉ đơn giản là được ăn cùng nhau bữa cơm, được đưa con gái đến trường, được chăm sóc, an ủi động viên nhau vậy nên luôn dành những điều tốt cho nhau và gia đình nhỏ ấy luôn đầy ắp tiếng cười.
Cuộc sống này đúng là luôn biết thử thách lòng người. Trong một lần khám sức khoẻ, vợ thầy đã mang một cái án tử với căn bệnh ung thư quái ác. Tất cả mọi thứ dường như sụp đổ dưới chân thầy. Bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên đôi vai mạnh mẽ của thầy. Nhờ tình yêu thương mãnh liệt, sự chăm sóc bằng cả trái tim của mình mà cô đã khoẻ lại đôi chút.
Tổ Ngữ văn Trường THCS Bình Thọ. Ảnh: ĐVCC |
Nhớ nhất là cả tổ Văn đến thăm cô, cô cười thật tươi nói rằng: “Cô đã khoẻ lại rồi, cả nhà mình cứ yên tâm nhé”. Nghe cô nói mà chúng tôi nhẹ lòng ra về. Rồi sau một thời gian điều trị, bệnh cô lại trở năng hơn. Gánh nặng lại nặng thêm trên vai thầy. Tất bật chăm vợ, thầy không ngại khó, đau với nỗi đau của vợ. Nhưng nỗi đau ấy thầy phải nén lại để tiếp tục với những bài giảng trên lớp. Lúc nào thầy gặp chúng tôi đều tươi cười nhưng dường như trong nụ cười và ánh mắt ấy chứa đựng một nỗi đau vô cùng lớn.
Tháng ̣8 năm 2023, vợ của thầy đã rời xa thầy và con gái mãi mãi. Chúng tôi đến viếng cô trong một buổi chiều mưa dầm mà trong lòng ngổn ngang bao cảm xúc. Thầy tiếp chúng tôi trong một hình hài gầy gò và xanh xao. Kể về người vợ quá cố mà thầy rơm rớm nước mắt bởi thầy cô đã đi cùng nhau vượt qua bao gian khó của cuộc đời, không biết khi vắng cô thì hai cha con sẽ ra sao? Ai sẽ nhắc nhở thầy uống thuốc đúng giờ? Ai sẽ chờ cơm thầy sau một ngày lao động mệt mỏi?... Nghe thầy kể mà chúng tôi chẳng biết nói gì hơn chỉ biết giấu những giọt lệ đang tuôn rơi để thầy bớt đau hơn. Ra về mà chỉ biết nắm chặt tay và siết thật chặt để thầy cảm thấy ấm áp hơn…
Công đoàn trường- nơi trao gửi niềm tin
Những biến cố thầy đã trải qua luôn có sự đồng hành của Công đoàn Trường THCS Bình Thọ. Từ những ngày đầu khi biết được căn bệnh của cô, Ban chấp hành Công đoàn đã cử đại diện đến động viên thăm hỏi, hỗ trợ thầy cả về vật chất lẫn tinh thần, sắp xếp người ở lại hỗ trợ cho thầy. Thế mới thấy sức mạnh của Công đoàn, đây là một tổ chức không chỉ bảo vệ quyền lợi cho mọi người và còn là nơi gắn kết, sẻ chia, thấu hiểu như một đại gia đình.
Để chia sẻ khó khăn với thầy, Ban Chấp hành Công đoàn làm tốt công tác tham mưu với Ban Giám hiệu nhà trường và tổ chuyên môn hỗ trợ dạy thay cho thầy. Vận động quyên góp hỗ trợ về mặt vật chất cùng thầy vượt qua khó khăn. Trong thời gian vợ thầy điều trị bệnh, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường đã 4 lần kêu gọi Công đoàn viên nhà trường hỗ trợ thầy gần 100 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, mỗi Công đoàn viên nhà trường đã lan tỏa thông điệp chia sẻ đến người thân của mình, đồng nghiệp cũ, những cựu học sinh của thầy… Tất cả đều mong muốn được góp phần nhỏ, cùng thầy bước qua những ngày bão giông.
Đại diện Công đoàn nhà trường gửi đến thầy tình cảm của Công đoàn viên nhà trường. Ảnh: ĐVCC |
Thầy từng tâm sự với chúng tôi rằng, trong những ngày vợ thầy bệnh như thế nếu không có đồng nghiệp, không có tổ chức công đoàn thì không biết thầy sẽ như thế nào nữa. Bởi những lúc thầy tưởng tưởng như rớt xuống hố sâu của vực thẳm thì có một bàn tay mang tên “Công đoàn” đã kéo thầy lên. Không cần cầu kì hoa mỹ, đôi khi chỉ là những lời động viên, những cái ôm thật chặt thì Công đoàn đã xây nên một gia đình lớn bằng những viên gạch mang tên tình yêu thương.
Rồi sau những ngày tháng ấy, Công đoàn đã “vực” thầy trở lại thành một người thầy vui vẻ như ngày nào. Sau cơn mưa trời lại sáng, với sự năng động, sáng tạo và nhiệt huyết của tuổi trẻ thì Ban chấp hành Công đoàn luôn tạo ra những sân chơi giúp nối lại những vòng tay đang còn cô đơn trong đó có thầy Hoà. Thầy luôn tham gia hết mình với những trò chơi mà chỉ có người đàn ông duy nhất trong tổ làm được. Nhìn nụ cười của thầy mà chúng tôi thấy lòng mình ấm lại. Cảm ơn tổ chức Công đoàn đã mang hạnh phúc đến cho thầy nói riêng và mọi người nói chung, bởi chúng tôi hiểu rằng: “Nơi lạnh nhất không phải Bắc cực” mà nơi ấy thiếu vắng tình thương yêu.
Câu chuyện về thầy Hoà là một minh chứng sống động cho sức mạnh Công đoàn trường THCS Bình Thọ, Thành phố Thủ Đức. Ban chấp hành công đoàn trường biết rằng trong cuộc sống thì không thể tránh khỏi những biến cố nhưng với một tình thần sẻ chia, thấu hiểu thì “vòng tay” sẽ được nới rộng ra hơn để luôn là nơi mọi người tin tưởng và trao gửi niềm tin. Đây cũng là một câu chuyện về tình đoàn kết, gắn bó với nhau không chỉ trong môi trường nhỏ mà có thể vươn rộng khắp năm châu để xây dựng một đất nước bền vững, vững mạnh hơn.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: [email protected] |
Công đoàn Trường Tiểu học Lại Hùng Cường - nơi “truyền lửa” cho giáo viên mới vào nghề Từ một sinh viên mới ra trường, thiếu kinh nghiệm đứng lớp và vấp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống, tôi đã được Công ... |
May mắn khi được sống và công tác trong “trường học hạnh phúc” 12 năm công tác tại Trường Tiểu học Hiệp Phú (phường Hiệp Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) tôi cảm nhận được rằng, ... |
Công đoàn Trường Tiểu học Trần Văn Vân - những trái tim rực lửa yêu thương Thời gian qua, Công đoàn Trường Tiểu học Trần Văn Vân (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã tích cực tổ ... |