Lạc quan đầy thận trọng bức tranh toàn cảnh kinh tế Việt Nam
Kinh tế - Xã hội - 26/01/2023 09:49 VŨ HÙNG
Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, dự báo đạt mức cao nhất kể từ năm 1997. Theo đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2022 đạt 8,83% so với cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất của 9 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 – 2022. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả. Nhiều ngành nghề đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước dịch Covid-19, như công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa. Dự kiến tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%), là mức tăng trưởng GDP theo năm cao nhất kể từ năm 1997. Trong bối cảnh có tới hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên toàn thế giới, được Moody’s và S&P nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm 2022, phản ánh đánh giá của các tổ chức này về sức mạnh kinh tế ngày càng được tăng cường và khả năng chống chịu của Việt Nam trước các cú sốc vĩ mô bên ngoài tốt hơn so với các nước cùng mức xếp hạng tín nhiệm, thể hiện hiệu quả của các chính sách được thực thi.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 với chủ đề: “Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững”, tháng 9/2022. Ảnh: T. Hoàng. |
Thứ hai, lạm phát là thách thức lớn nhưng đã được kiềm chế trong tầm kiểm soát nhờ sự chủ động các giải pháp ứng phó. Trong năm 2022, lạm phát trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia châu Âu và Mỹ tăng cao nhất trong vòng 40 năm qua do giá cả hàng hóa tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng nguyên vật liệu đầu vào chính của sản xuất như xăng dầu, gas, phân bón, sắt thép và giá thực phẩm. Ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã xác định lạm phát là nhân tố tiềm ẩn gây bất ổn vĩ mô, từ đó chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương cùng thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp cụ thể như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ 10% xuống còn 8%; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; đảm bảo nguồn cung cho các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm luôn dồi dào, đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người dân; chưa tăng giá các dịch vụ công như giá điện, giá các dịch vụ y tế, giáo dục; sự điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam góp phần kiềm chế lạm phát. Do đó, mặc dù giá cả một số mặt hàng thiết yếu tăng cao tại một số thời điểm nhất định đã tác động đến đời sống của người dân, tuy nhiên, so với tình hình chung của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang kiểm soát tốt lạm phát, không để xảy ra bước tăng “sốc” về lạm phát gây bất ổn kinh tế vĩ mô và ảnh hưởng quá lớn tới đời sống người dân. CPI tháng 11/2022 tăng 4,56% và so với cùng kỳ năm trước, tăng 4,37% so với tháng 12/2021; bình quân 11 tháng, CPI tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 2,38%. Dự báo CPI cả năm 2022 ở mức dưới 4%, hoàn thành mục tiêu do Quốc hội giao.
Thứ ba, thị trường tài chính biến động mạnh, trong đó đáng lưu ý phát sinh rủi ro liên thông giữa khu vực thị trường chứng khoán (cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp), khu vực ngân hàng, lĩnh vực bất động sản. Trái ngược với bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước không biến động quá xấu và trong tầm kiểm soát, thị trường chứng khoán Việt Nam lại nằm trong nhóm các chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới. Tính tại thời điểm ngày 16/11/2022, chỉ số VN Index sụt giảm xấp xỉ 43% so với mức đỉnh 1.536 điểm (thiết lập ngày 10/01/2022).
Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã xảy ra cuộc khủng hoảng về tâm lý, thanh khoản và khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của một bộ phận tổ chức phát hành, đặc biệt nhóm các doanh nghiệp bất động sản có đòn bẩy nợ cao, gặp khó khăn trong cân đối dòng tiền trả nợ và nhóm các doanh nghiệp “sân sau” của các tập đoàn bị xử lý pháp luật trong thời gian vừa qua như Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC. Yếu tố rủi ro lan truyền giữa thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường ngân hàng và bất động sản được tích tụ nằm ở dòng vốn ngân hàng chảy vào các doanh nghiệp sân sau của cổ đông lớn của ngân hàng để rót vào lĩnh vực bất động sản; việc sử dụng một mạng lưới công ty “bình phong” có cấu trúc sở hữu phức tạp để huy động vốn thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (trong đó một số trường hợp “lách luật” huy động vốn từ nhà đầu tư cá nhân không chuyên nghiệp) nhằm thâu tóm dự án, doanh nghiệp, đầu tư vào các dự án bất động sản hoặc sử dụng vốn huy động sai mục đích.
Trong khi đó, một số yếu tố hạ tầng thị trường tài chính Việt Nam còn mang tính sơ khai do việc định mức tín nhiệm khi phát hành chứng khoán chưa trở thành thông lệ; trình độ nhận thức của một bộ phận nhà đầu tư cá nhân về các sản phẩm tài chính ở mức thấp trong khi vẫn chiếm một tỷ trọng lớn trong nắm giữ và giao dịch dẫn tới việc mua, bán, giao dịch theo tâm lý bầy đàn, đám đông; việc quản lý, giám sát các tin đồn, thông tin chưa được kiểm chứng trên thị trường tài chính chưa thực sự chặt chẽ; công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành chứng khoán riêng lẻ còn thiếu minh bạch; vấn đề giám sát rủi ro liên thông giữa các phân khúc thị trường tài chính cần sự phối hợp chặt chẽ và chủ động hơn giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành… Những rủi ro liên thông nêu trên nếu không được bóc tách, xử lý một cách kịp thời và xây dựng các thiết chế có đủ năng lực và khả năng giám sát, xử lý rủi ro hiệu quả sẽ kéo theo hậu quả lâu dài cho nền kinh tế, làm gia tăng nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng và luôn tiềm ẩn gây khủng hoảng trên thị trường tài chính.
Mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 tiếp tục ưu tiên theo hướng thận trọng, ổn định và bền vững. Trong ảnh: Công nhân sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Điện tử Canon Việt Nam (Hưng Yên). Ảnh: PV. |
Thứ tư, xu thế chuyển đổi số trở thành tất yếu khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng hậu đại dịch Covid-19, trở thành điều kiện bắt buộc để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững. Nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch thì năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số. Trong quá trình phục hồi hậu Covid, ngành bán lẻ là điển hình về lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất từ chuyển đổi số. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng hoặc hơn trước mức đại dịch, các doanh nghiệp có tốc độ chuyển đổi số càng nhanh thì càng có sự phục hồi mạnh mẽ. Ngành Ngân hàng cũng đóng vai trò tiên phong trong chuyển đổi số với giá trị đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho chuyển đổi số trong vài năm qua và đã thu được những thành quả rất tích cực.
Đến nay, Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu, trong đó hệ sinh thái số, thanh toán số đã được thiết lập với việc kết nối dịch vụ ngân hàng số với nhiều dịch vụ số khác trong nền kinh tế mang lại các trải nghiệm liền mạch và lợi ích to lớn cho người sử dụng dịch vụ trên không gian số. Nhiều nghiệp vụ ngân hàng như mở tài khoản thanh toán, thanh toán chuyển tiền, gửi tiền/gửi tiết kiệm đã được số hóa toàn diện 100%, cho phép khách hàng thực hiện hoàn toàn trên kênh số; nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu đã ghi nhận tỷ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức tối ưu, chỉ từ 30-40%. Tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% cuối năm 2021 và đang nỗ lực hướng tới mục tiêu đề ra cho năm 2025 khi tỷ trọng kinh tế số chiếm 20% GDP. Ngoài mục tiêu nêu trên, theo nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, Việt Nam cũng có cơ hội trở thành trung tâm số (digital hub) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong vòng 10 năm tới bên cạnh các trung tâm số hiện tại như Singapore, Hồng Kông.
Châu Á là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam. Ảnh minh họa (Nguồn: vneconomy.vn). |
Năm 2023, tiếp tục có nhiều thách thức không nhỏ đối với kinh tế Việt Nam trong bối cảnh rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu tăng lên; các động lực tăng trưởng chính trong năm 2022 như xuất khẩu, tiêu dùng có xu hướng suy giảm; rủi ro suy thoái trên thị trường bất động sản và biến động trên thị trường tài chính tác động đến nền kinh tế thực. Trên cơ sở đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 tiếp tục ưu tiên theo hướng thận trọng, ổn định và bền vững để tránh nguy cơ “phục hồi chữ W” với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 là 6,5%, lạm phát 4,5% do Quốc hội phê duyệt.
Chia tay 2022 đầy gian khó, kinh tế Việt Nam bước vào năm mới 2023 trong sự thận trọng nhưng đầy lạc quan, sẵn sàng đối mặt mọi thách thức và khơi dậy các tiềm năng để vững vàng vươn lên một tầm cao mới, so với chính mình và so với mọi nền kinh tế trên thế giới hiện nay.
Việt Nam: Cơ hội lớn từ các yếu tố định hình kinh tế thế giới năm 2023 Theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Trung Quốc, với các yếu tố định hình kinh tế thế giới năm ... |
Chuyên gia nhận định về những “cơn gió ngược” với kinh tế Việt Nam năm 2023 Bên cạnh các kết quả đạt được, các chuyên gia cũng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam năm 2023 có những cơ hội ... |
Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 Nếu nỗ lực duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể có điều kiện thuận lợi để tiếp tục cải cách ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 21/09/2024 20:19
Cơn bão Yagi, cây xanh đô thị và trách nhiệm của chúng ta
Bão Yagi vừa qua đã gây thiệt hại lớn đối với hệ thống cây xanh ở nhiều thành phố miền Bắc Việt Nam.
Kinh tế - Xã hội - 21/09/2024 17:57
3 mẫu xe điện AION sắp ra mắt thị trường Việt Nam
Hãng xe điện AION của Trung Quốc công bố kế hoạch ra mắt ba mẫu xe điện hoàn toàn mới tại Việt Nam trong quý IV/2024, bao gồm Y Plus, ES và mẫu SUV cao cấp Hyptec HT.
Kinh tế - Xã hội - 21/09/2024 17:47
Honda Dream 2025 ra mắt Đông Nam Á
Honda Dream 125 2025 sản xuất tại Campuchia vừa chính thức trình làng với mức giá 2.500 USD, quy đổi ra tiền Việt là 60 triệu đồng.
Kinh tế - Xã hội - 21/09/2024 14:52
Việt Nam đã có vắc xin sốt xuất huyết, tiêm đầu tiên tại VNVC
Ngày 20/9/2024, gần 200 trung tâm trong hệ thống tiêm chủng của VNVC đã chính thức triển khai tiêm vắc xin sốt xuất huyết của Takeda, Nhật Bản, kịp thời phòng bệnh cho người dân khi cả nước bước vào mùa mưa lũ.
Kinh tế - Xã hội - 21/09/2024 09:34
Sacombank giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại do bão lũ
Sacombank giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại do bão lũ vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kinh tế - Xã hội - 20/09/2024 20:49
Phát hiện thi thể trong xe đầu kéo vụ sập cầu Phong Châu
Thi thể được tìm thấy trong ca-bin xe đầu kéo rơi xuống sông, trong vụ cầu Phong Châu (Phú Thọ) sập xuống hôm 9/9.