Dấu mốc 30 năm thị trường bảo hiểm Việt Nam: Phần lớn trong tay nước ngoài
Kinh tế - Xã hội - 03/03/2023 14:00 Tuấn Việt
Trước năm 1993, tại Việt Nam chỉ có duy nhất một doanh nghiệp bảo hiểm, hoạt động theo hình thức bao cấp là Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam. Và phải đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100-CP ngày 18/12/1993 về kinh doanh bảo hiểm mới tạo ra một cơ sở, hành lang pháp lý ban đầu, rộng đường cho thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, chất lượng về sau...
Tròn 30 năm sau dốc mốc trên, Việt Nam hiện đã có 79 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đang hoạt động. Trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, 19 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 26 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm.
Theo số liệu của Bộ Tài chính, tới cuối năm 2022, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 811.312 tỷ đồng, tăng 14,51% so với năm 2021. Tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 162.814 tỷ đồng, tăng 3,83% so với năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 251.306 tỷ đồng, tăng 15,09%.
Nguồn: Tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV). |
Trong đó, riêng tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ước đạt 694.083 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2021. Các doanh nghiệp này đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 592.811 tỷ đồng, tăng 13,9% so với năm 2021; tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 493.658 tỷ đồng, tăng 14,5% với năm 2021.
Đồng thời, tổng doanh thu phí bảo hiểm của thị trường bảo hiểm nhân thọ ước đạt 183.105 tỷ đồng, tăng 15% với năm 2021. Số lượng hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng chính) ước đạt khoảng 14,3 triệu hợp đồng, tăng 5,6% so với năm 2021.
Với bảo hiểm nhân thọ, bên cạnh doanh nghiệp nội có thị phần lớn nhất là Bảo Việt Nhân Thọ, gần như toàn bộ "sân chơi" còn lại đều nằm trong tay của hơn một chục công ty TNHH 100% vốn nước ngoài.
Trong những năm qua, khối doanh nghiệp ngoại này đã không ngừng mở rộng quy mô tại thị trường Việt Nam. Riêng năm 2022, có tới 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ngoại tăng vốn điều lệ với tổng số gần 9.000 tỷ đồng. Trong đó, AIA tăng 5.000 tỷ đồng, Dai-ichi Life tăng 2.100 tỷ đồng, FWD tăng 1.585 tỷ đồng và Phú Hưng tăng 250 tỷ đồng.
Tới cuối năm 2022, dù Bảo Việt Nhân Thọ vẫn tiếp tục dẫn đầu về thị phần (18,8%), song khoảng cách ngày càng bị thu hẹp so với nhóm ngoại top đầu; Tiếp theo lần lượt là Prudential (17,7%), Manulife (17%), Dai-ichi (12,7%), AIA (10,3%), MB Ageas (3,7%), FWD (3,4%), Sun Life (3,1%), Generali (2,9%), Chubb (2,7%), Hanwha (2,5%), Cathay (1,5%), MVI (1,5%), BIDV MetLife (1%). Các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm thị phần nhỏ dưới 1%.
Đáng chú ý, tại thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong khi kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) liên tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng, tới trên 50% mỗi năm trong những năm gần đây, thì kênh bán bảo hiểm qua đại lý (agency) lại chỉ có mức tăng khiêm tốn.
Đơn cử, năm 2019, kênh bancassurance đạt mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 60% trong khi kênh đại lý chỉ tăng khoảng 5%. Ở thời điểm này, doanh thu phí bảo hiểm đến từ kênh bancassurance chiếm khoảng gần 30% tổng doanh thu phí bảo hiểm. Đây là một bước nhảy vọt khi năm 2016, mảng bancassurance mới chỉ chiếm khoảng 10%.
Thống kê của Bộ Tài chính tới hết quý 3/2022 cho thấy, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới 9 tháng năm 2022 đạt 11.506 tỷ đồng, chiếm chưa tới 10% tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác trong giai đoạn (hơn 127 nghìn tỷ đồng). Theo Tin nhanh Chứng khoán, trong giai đoạn trên, nếu như doanh thu phí khai thác mới từ kênh đại lý cá nhân tăng 23,6% thì kênh bancassurance tăng tới 80%.
Việc phát triển nhanh chóng trên của kênh bancassurance cũng kéo theo không ít bất cập đã được báo giới phản ánh thời gian gần đây như một số nhân viên ngân hàng ép khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, hoặc tư vấn không đầy đủ khiến một số khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng...
Một số "lương duyên" nổi bật giữa bảo hiểm và ngân hàng. |
Trái chiều lợi nhuận
Thống kê của chúng tôi, tổng hợp từ báo cáo tài chính đã công bố của 13 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài năm 2021 cho thấy, các doanh nghiệp này có tổng doanh thu của đạt khoảng 132.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2020. Trong đó, doanh thu thuần từ kinh doanh bảo hiểm đạt khoảng 105 nghìn tỷ đồng, chiếm 80% tổng doanh thu của nhóm.
Đặc biệt, năm 2021, chỉ riêng 4 “ông lớn” Prudential, Manulife, Dai-ichi và AIA đã chiếm khoảng 82%, lần lượt đạt 39.152 tỷ đồng, 30.739 tỷ đồng, 20.245 tỷ đồng và 18.124 tỷ đồng. Đây cũng là 4 doanh nghiệp có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài.
Tuy nhiên, ngoài Dai-ichi có lợi nhuận sau thuế năm 2021 tăng hơn 2 lần so với năm 2020, đạt 2.787 tỷ đồng thì 3 doanh nghiệp còn lại đều có lợi nhuận sụt giảm mạnh. Trong đó, Prudential giảm mạnh từ mức kỷ lục 2.251 tỷ đồng trong năm 2020 còn 473 tỷ đồng năm 2021; AIA cũng giảm từ 1.569 tỷ đồng năm 2020 xuống còn 891 tỷ đồng năm 2021.
Với Manulife, năm 2021 còn ghi nhận mức lỗ kỷ lục tới hơn 4.741 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với số lỗ của năm liền kề, kéo theo số lỗ lũy kế đến cuối năm 2021 lên gần 8.000 tỷ đồng.
Mặc dù thua lỗ như vậy nhưng cũng trong năm 2021, Manulife Việt Nam đã tăng vốn điều lệ lên 22.000 tỷ đồng, trở thành công ty bảo hiểm nhân thọ ngoại có vốn điều lệ lớn nhất nhóm.
Còn chiều ngược lại, kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tầm trung khác lại có sự cải thiện đáng kể. Trong đó, Chubb Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 5.112 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 784 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và 19% so với năm 2021. Tương tự, doanh thu của Generali Việt Nam cũng tăng 17% lên 4.620 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ đồng, vượt bậc so với số lỗ 968 tỷ đồng của năm 2020.
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 18/09/2024 13:33
Hyundai Santa Fe 2025 ra mắt với 5 phiên bản, giá từ 1,069 tỷ đồng
Sáng 18/9, thị trường ô tô Việt Nam một lần nữa trở nên sôi động với sự ra mắt của Hyundai Santa Fe thế hệ hoàn toàn mới.
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 20:00
VNVC tiêm nhiều nhất trong ngày đầu chiến dịch tăng cường vắc xin sởi cho trẻ
Với lợi thế hơn 400 dây chuyền khám và tiêm tại 39 trung tâm VNVC ở TP HCM, cùng gần 2000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế, hệ thống VNVC đã tiêm hàng ngàn mũi vắc xin trong ngày đầu triển khai chiến dịch tăng cường vắc xin sởi cho trẻ, trong đó có gần 200 mũi tiêm miễn phí.
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 16:27
Indonesia 'hồi sinh' cái tên huyền thoại Honda Spacy nhưng rất lạ lẫm
Thị trường Indonesia vừa ra mắt Honda Spacy 2024 nhưng khác hoàn toàn với những gì người Việt quen thuộc về mẫu xe được coi là huyền thoại này.
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 15:34
Hành trình 14 năm chinh phục khách hàng Việt của Nissan Navara
Không phô trương, ồn ào, Nissan Navara âm thầm trở thành chiếc xe bán tải có chỗ đứng vững vàng trong lòng khách Việt.
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 14:33
Vĩnh Phúc có thêm 2 dự án FDI đi vào hoạt động trong tháng 8/2024
Trong tháng 8/2024, tỉnh Vĩnh Phúc chào đón thêm 2 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) chính thức đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Sự kiện này góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Kinh tế - Xã hội - 17/09/2024 14:28
Suzuki Swift ngừng bán tại Việt Nam?
Tin đồn Suzuki Swift ngừng bán rộ lên sau khi website của Suzuki Việt Nam không còn xuất hiện tên sản phẩm này.