Cần quy định rõ công đoàn là ủy quyền đương nhiên bảo vệ người lao động trước tòa
Pháp luật lao động - 19/09/2024 06:32 HOÀI NAM - ĐÌNH TOÀN
Tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn |
Đó là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm đề xuất tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Đà Nẵng tổ chức chiều ngày 17/9.
Cán bộ công đoàn “mất ăn mất ngủ” vì khởi kiện đông người
Đại biểu Lương Công Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng, Hiến pháp quy định công đoàn là tổ chức đại diện cho đoàn viên, người lao động (NLĐ)... Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định về đại diện đương nhiên mà chỉ quy định đại diện theo ủy quyền. Vì vậy, các tranh chấp lao động cá nhân phải cũng phải thông qua ủy quyền.
Đồng chí Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng chủ trì Hội thảo. Ảnh: Vân Anh |
“Chẳng hạn doanh nghiệp có cả trăm công nhân khởi kiện thì từng người phải làm hồ sơ ủy quyền cho . Điều đó gây rất nhiều khó khăn trong khâu hoàn chỉnh hồ sơ khởi kiện. Cho nên, Luật Công đoàn sửa đổi cần quy định rõ công đoàn là đại diện đương nhiên cho NLĐ mà không cần ủy quyền của từng người.
Bởi trên thực tế, khi NLĐ tham gia vào tổ chức Công đoàn thì lúc đó, toàn bộ quyền và nghĩa vụ của họ đã được công đoàn đảm bảo. Chính vì vậy, luật cần phải điều chỉnh để làm sao quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ được bảo vệ kịp thời, nhanh chóng”, đại biểu Lương Công Tuấn nêu ý kiến.
Chủ trì Hội thảo, đồng chí Lê Văn Đại - Phó Chủ tịch đồng tình với đề xuất của đại biểu Lương Công Tuấn, đồng thời cho rằng đối với những doanh nghiệp có ít lao động thì có thể ủy quyền từng vụ việc được, nhưng đối với những doanh nghiệp có đông lao động thì nếu mỗi NLĐ có 1 giấy ủy quyền để công đoàn khởi kiện thì mất rất nhiều thời gian và công sức để có thể xử lý xong vụ việc ở một đơn vị.
“Luật lần này cần quy định cho phép tổ chức Công đoàn qua giám sát có thể thực hiện quyền của mình là khởi kiện trực tiếp chủ doanh nghiệp ra toà. Trên thực tế thì Công đoàn Đà Nẵng cũng đã từng khởi kiện nhiều doanh nghiệp ra toà rồi.
Mới nhất là tại Công ty Cổ phần Dệt Hoà Khánh thì công đoàn đại diện cho 62 NLĐ, mỗi NLĐ phải thực hiện 1 bộ hồ sơ, thủ tục theo trình tự thủ tục tố tụng dân sự nên đã gây rất nhiều khó khăn cho NLĐ. Vì với trình độ và kiến thức của NLĐ không đảm bảo thực hiện hồ sơ nên cán bộ công đoàn phải làm hộ để tư vấn cho NLĐ.
Bên cạnh đó, phải thực hiện ký uỷ quyền tại các phòng công chứng để thực hiện uỷ quyền nộp đơn, rồi thực hiện uỷ quyền để khởi kiện ra toà. Đó là 2 uỷ quyền mà phải thực hiện trong vụ việc làm cho cán bộ công đoàn “mất ăn mất ngủ”, đồng chí Lê Văn Đại nói.
Tiếng nói của người được nhận uỷ quyền
Tại Hội thảo, đồng chí - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng kể lại một số diễn biến và tình huống pháp lý thú vị liên quan đến đến vụ tranh chấp lao động, đòi nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên TBO VINA (Công ty TBO) cách đây hơn 5 năm.
Đồng chí Lê Thị Ngọc Oanh, Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng thu thập thông tin, hỗ trợ công nhân, người lao động khởi kiện doanh nghiệp đòi lương, BHXH và các khoản phụ cấp. Ảnh: Ngọc Phú |
Trong quá trình xét xử vụ án nói trên, đại diện bị đơn là Công ty TBO vắng mặt. Căn cứ hồ sơ cung cấp của nguyên đơn, xét thấy các yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn phù hợp với quy định pháp luật, TAND quận Liên Chiểu đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc công ty này phải trả tiền lương cộng với các khoản phụ cấp còn nợ cho người lao động nếu họ làm đủ ngày công theo thực tế; đồng thời, yêu cầu phải chuyển trả tiền nợ BHXH của người lao động vào quỹ BHXH, để người lao động có thể cập nhật quá trình tham gia BHXH trong thời gian làm việc tại công ty. Tất cả 196 hồ sơ của người lao động uỷ quyền cho cán bộ đã thắng kiện doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng.
Đồng chí Lê Thị Ngọc Oanh, Trưởng Ban Chính sách Pháp luật, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng, nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng, người đã nhọc nhằn và mất rất nhiều thời gian, thủ tục để giúp người lao động thắng kiện đòi quyền lợi trong vụ kiện Công ty TBO 5 năm trước. Ảnh: Ngọc Phú |
Đồng chí Lê Thị Ngọc Oanh nói lúc đó chị được phân công đứng ra nhận 124 bộ hồ sơ uỷ quyền của công nhân. Dù được đào tạo đúng chuyên ngành Luật nhưng chị Oanh cũng phải mất rất nhiều thời gian và công sức cho việc hoàn chỉnh hồ sơ khởi kiện ra toà.
“Nếu để NLĐ tự đi kiện cũng được, nhưng thường sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc bổ sung các tài liệu, chứng cứ chứng minh, các nội dung giải trình, trình bày, hòa giải với tòa án. Thời gian giải quyết vụ án có thể kéo dài từ 2 đến 3 tháng, việc đi lại để thực hiện vụ kiện gặp nhiều gian nan”, chị Ngọc Oanh chia sẻ.
Hay vụ NLĐ khởi kiện Công ty CP Dệt Hoà Khánh Đà Nẵng, thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động được quy định tại Điều 10 Luật Công đoàn năm 2012, Nghị định 43/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2013; căn cứ tình hình quan hệ lao động và điều kiện sản xuất kinh doanh hiện tại của Công ty CP dệt Hòa Khánh Đà Nẵng (doanh nghiệp đang nợ bảo hiểm xã hội và tiền lương với tổng số tiền hơn 2,5 tỷ đồng của hơn 100 công nhân, lao động), Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng xây dựng kế hoạch đại diện cho NLĐ khởi kiện tại toà.
Công đoàn đã thắng kiện, tạo được niềm tin rất lớn trong đoàn viên, NLĐ. Tuy nhiên, cũng như các vụ kiện trước đó, cán bộ công đoàn cũng gặp rất nhiều gian nan trong việc hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục khởi kiện.
Chị Oanh cho biết, đây là vụ kiện cuối cùng của chị trên cương vị là Phó Chú tịch Công đoàn Khu Công nghệ cao và các Khu Công nghiệp Đà Nẵng. Chuẩn bị cho vụ khởi kiện này, Công đoàn đã lên kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn.
Giai đoạn 1 từ khâu chuẩn bị hồ sơ, đến nộp hồ sơ mất 1 tháng. Giai đoạn 2 là nghiên cứu hồ sơ, bổ sung hồ sơ, thu thập tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của toà mất 1 tháng nữa. Giai đoạn 3 là tham gia tố tụng, rồi hướng dẫn hồ sơ thi hành án…
“Nói chung, để theo 1 vụ kiện mất rất nhiều thời gian, và cũng ảnh hưởng đến các công việc khác. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ việc sửa đổi Luật cũng không thể một sớm một chiều, vì liên quan đến nhiều quy định khác của Bộ luật tố tụng Dân sự, Bộ luật Dân sự…”, đồng chí Lê Thị Ngọc Oanh bày tỏ.
Đồng chí Lê Văn Đại, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng cho biết, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã trực tiếp tham gia nhiều Hội thảo do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức và có nhiều ý kiến tham gia góp ý. Đồng thời, cũng đã nhiều lần có Văn bản gửi đến Tổng Liên đoàn, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi.
Trong các kỳ tiếp xúc cử tri chuyên đề Đoàn đại biểu Quốc hội với cử tri là công nhân lao động, các buổi tư vấn, đối thoại với người lao động, đoàn viên, CNVCLĐ thành phố Đà Nẵng cũng thường xuyên có những ý kiến tham gia nhằm góp ý đối với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).
“Chúng tôi mong muốn có nhiều ý kiến đóng góp đối với nội dung trong dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đặc biệt là lãnh đạo 11 công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, xem đây là trách nhiệm quan trọng gắn liền với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn, để qua đó, LĐLĐ thành phố tổng hợp gửi Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Đồng thời, mong muốn Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng lắng nghe, ghi nhận các ý kiến của đại biểu để tham gia ý kiến tại kỳ họp trước khi Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trong thời gian tới”, đồng chí Đại nói.
Hòa giải bất thành vụ kiện Công ty Dệt Hòa Khánh Phiên hòa giải đầu tiên bất thành do người lao động không đồng ý với phương án trả nợ lương, trợ cấp thôi việc từ ... |
Đồng hành đòi quyền lợi cho người lao động Ngày 17/4/2024 vừa qua, người lao động Công ty Cổ phần Dệt Hòa Khánh vô cùng vui mừng khi doanh nghiệp đã thanh toán 1,420 ... |
Người lao động phấn khởi trước tin Công đoàn thắng kiện Người lao động phấn khởi khi được Công đoàn thông tin thắng kiện trong vụ án tranh chấp lao động xảy ra tại Công ty ... |