Ban hành chính sách đặc thù dẫn đến đặc cách lỡ dở
Việc làm - tuyển dụng - 16/07/2020 19:12 Mai Liễu
3 năm đi dạy học ở Lào và 6 năm về quê chờ đợi, Phan Thị Thùy Trang vẫn chưa được xét tuyển đặc cách viên chức |
Ngỡ ngàng vì chính sách thay đổi
Từ năm 2008 đến nay, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Trị đã cử 35 giáo viên sang Lào dạy học. Số giáo viên này phần lớn là sinh viên mới ra trường, chưa có việc làm. Có giáo viên đi từ những năm đầu tiên vì tình nguyện, vì mong muốn được dạy chữ cho con em Việt kiều. Đến năm 2013, ghi nhận sự cống hiến của những giáo viên này, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Quảng Trị đã tham mưu cho UBND tỉnh xem xét, quyết định xét tuyển đặc cách viên chức đối với họ. Sau đó, trong Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ngày 27/2/2014 của UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quy chế xét tuyển đặc biệt trong tuyển dụng công chức; xét tuyển và xét tuyển đặc cách trong tuyển dụng viên chức đã dành riêng một mục tại Điều 16, quy định rõ: “Xét tuyển đặc cách người được UBND tỉnh cử và đã hoàn thành nghĩa vụ giảng dạy ít nhất là 3 năm ở nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về nước”.
Thực hiện Quyết định này, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị đã gửi văn bản cho Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị về việc ưu tiên xét tuyển đặc cách các giáo viên được tỉnh cử đi dạy ở Lào về. Có giáo viên đã được xét tuyển đặc cách tại địa phương, có giáo viên do địa phương chưa có chỉ tiêu biên chế nên chờ đợi. Có người chờ đợi 3 năm và có người chờ đợi đến 6 năm nay. Thế nhưng đến ngày 09/7/2019, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND về việc bãi bỏ Quyết định số 10/2014/QĐ-UBND ngày 27/2/2014 của UBND tỉnh Quảng Trị. Lý do UBND tỉnh Quảng Trị bãi bỏ Quyết định số 10 vì Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ mới ban hành quy định lại các trường hợp được đặc cách xét tuyển viên chức.
Trong 6 tháng đầu năm nay, 5 giáo viên đi dạy ở Lào trở về đã ngỡ ngàng khi biết họ không còn thuộc đối tượng được xét tuyển đặc cách theo chính sách đặc thù của tỉnh. Vì hoang mang nên họ liên tục tìm lên Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị để tìm cách giải quyết và câu trả lời vẫn là chờ đợi.
Những tháng ngày nơi mưa dầm nắng lửa...
Mỗi năm, tỉnh Quảng Trị lại cử giáo viên sang Lào dạy học, cứ thế luân phiên, cô này về thì cô khác sang thay thế. Những lần chia tay, người trở về nắm tay động viên người ở lại cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Ba năm ở khu vực vùng biên, ở các điểm trường chỉ có từ 1 đến 2 giáo viên người Việt là quãng thời gian không dễ dàng đối với các cô giáo trẻ.
Nhớ về những ngày tháng ở Lào, Hoàng Thị Ly Ly chia sẻ: “Lúc mới sang, em chưa thể thích nghi với cuộc sống ở Lào. Ở bên đó hai mùa rõ rệt, nắng nóng kéo dài và mưa dầm cả tháng nên cảm giác buồn và rất nhớ nhà. Khi xảy ra ốm đau, em phải tự lo lắng thuốc men vì bệnh viện ở xa và điều kiện chữa bệnh cũng khó khăn. Tiền lương của em được 3 triệu đồng mỗi tháng nên cha mẹ phải gửi đồ sinh hoạt và thức ăn sang. Do không biết tiếng Lào nên em phải mất nhiều thời gian để học. Chương trình dạy học cũng không có giáo trình cụ thể nên em mày mò nghĩ ra nội dung và cách dạy. Ba năm ở Lào là quãng thời gian vất vả đối với một giáo viên là sinh viên mới ra trường như em. Giờ đây trở về quê, biết mình không còn được xét tuyển đặc cách, em hoang mang và chưa biết bắt đầu lại công việc từ đâu".
Các giáo viên dạy học tại Trường Thống Nhất (thị trấn Seno, tỉnh Savannakhet) chờ đợi ngày trở về được xét tuyển đặc cách viên chức |
Còn với Phạm Minh Hạnh, giáo viên dạy ở Trường Tiểu học Thống Nhất (Lào) thì ba năm dạy học dài hơn nhiều so với ba năm đi học ở trường sư phạm. Hạnh chia sẻ: Nhiều hôm nhìn mưa kéo dài nơi sân trường, cảm giác buồn, cô đơn và nhớ nhà phát khóc. Đêm đến chỉ có em và một cô giáo người Việt ở cùng phòng với nhau nên rất sợ. Từng ngày trôi qua, được người thân, đồng nghiệp, các anh chị Việt kiều động viên nên em lại cố gắng tập trung giảng dạy.
Vừa sang Lào dạy học được 1 năm, Võ Thị Ánh Ly chia sẻ: Các trường của con em Việt kiều ở Lào có rất đông học sinh. Ở trường em, mỗi cô dạy tiếng Việt là dạy luôn cả khối. Bọn em dạy tiểu học nên phải dạy cả ngày rất vất vả.
Là người tiên phong tình nguyện đi Lào dạy học từ năm 2011, khi điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn, Phan Thị Thùy Trang, ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị chia sẻ: Lúc vừa sang Lào, em rất bỡ ngỡ bởi phong tục, tập quán và điều kiện sinh hoạt khác bên mình. Giảng dạy được một năm thì em bị bệnh ruột thừa phải quay về quê để điều trị. Nhiều người khuyên em không nên sang Lào dạy nữa vì vất vả. Do yêu nghề và muốn được xét tuyển đặc cách khi hoàn thành nhiệm vụ nên em quay sang dạy học 2 năm nữa. Nhóm em đi năm đó có 8 người thì 7 người khi trở về đã được xét tuyển đặc cách vào viên chức. Riêng em ở thành phố Đông Hà lại rất khó khăn, 6 năm qua thành phố có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên tiểu học trong biên chế nhưng em vẫn không được đặc cách xét tuyển. Phòng GD&ĐT thành phố Đông Hà trả lời rằng trường hợp của em do Sở GD&ĐT đưa đi Lào thì lên hỏi Sở. Em lên Sở thì được trả lời chưa có chỉ tiêu xét tuyển.
Đưa cho phóng viên xem thông báo về việc xét tuyển đặc cách viên chức sự nghiệp giáo dục năm 2017 của UBND thành phố Đông Hà, Phan Thị Thùy Trang nghẹn ngào nói: "Như trong thông báo này thì tuyển dụng đến 13 chỉ tiêu biên chế bậc tiểu học, lần nào có thông báo em cũng lên Phòng GD&ĐT thành phố Đông Hà nộp hồ sơ nhưng đều không được xét tuyển. Ba năm đi dạy ở Lào và 6 năm mỏi mòn chờ đợi, Phan Thị Thùy Trang đành xin đi dạy hợp đồng theo tiết, mỗi tháng được nhà trường chi trả khoảng 2 triệu đồng. Trang chia sẻ: "Em cứ dạy được mấy tháng lại phải nghỉ việc vì có giáo viên biên chế về thay thế. Cứ nhiều lần như vậy nên em rất tủi thân".
Thông báo về viêc xét tuyển đặc cách của UBND thành phố Đông Hà |
Mỗi nơi một ý kiến
Trao đổi về những vấn đề giáo viên phản ánh, ông Ngô Viết Đức - Trưởng phòng Tổ chức, Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Việc xét tuyển đặc cách viên chức cho các giáo viên có ít nhất 3 năm đi dạy học ở Lào về là đặc thù riêng của tỉnh Quảng Trị. Vì chính sách đặc thù nên sau này Bộ Nội vụ không cho phép thực hiện và Sở Nội vụ đã tham mưu cho UBND tỉnh bãi bỏ việc đặc cách xét tuyển giáo viên đi dạy từ Lào về. Ông Đức cho rằng vì chính sách đặc thù và những người được cử đi Lào dạy học là trước khi có quyết định bãi bỏ nên cần giữ nguyên việc xét tuyển đặc cách cho họ. Còn trường hợp cô Phan Thị Thùy Trang phản ánh là đúng. Phòng GD&ĐT thành phố Đông Hà lấy lí do cần chọn đội ngũ giáo viên chất lượng cao cho thành phố, với các tiêu chí tuyển dụng nâng cao nên họ đã không ưu tiên cho giáo viên đi Lào về, không thực hiện theo Quyết định số 10 của UBND tỉnh. Quyền tuyển dụng đã được phân cấp cho thành phố và tiêu chí tuyển dụng được Sở Nội vụ phê duyệt nên Sở GD&ĐT không can thiệp.
Thế nhưng ông Hồ Ngọc An, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị lại cho rằng: "Phòng Tổ chức Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị trả lời như vậy là không đúng, không có việc Bộ Nội vụ không cho phép. Tỉnh Quảng Trị thực hiện theo Nghị định số ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, có quy định các trường hợp đặc cách tuyển dụng viên chức. Trong đó quy định rõ đối tượng được đặc cách xét tuyển là người có kinh nghiệm công tác trong ngành hoặc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp cần tuyển, có thời gian liên tục từ 36 tháng trở lên thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển. Việc giáo viên đi Lào giảng dạy ít nhất 3 năm trở về được đặc cách xét tuyển là thực hiện theo Nghị định số 29. Tỉnh thực hiện xét tuyển đặc cách theo quy định và không có đặc thù ở đây. Khi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ ban hành đã thay thế các Nghị định và Quyết định trước đó và tỉnh Quảng Trị thực hiện theo đúng quy định”. Ông Hồ Ngọc An cho biết: "UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo Sở Nội vụ và Sở GD&ĐT tổ chức họp để bàn bạc, thống nhất việc giải quyết cho các trường hợp giáo viên đi dạy học ở Lào về. Quan điểm của chúng tôi là sẽ giải quyết mọi việc đảm bảo thấu tình đạt lý nhưng phải xem xét trong quy định của Nghị định 161. Mà Nghị định 161 thì các tiêu chí xét tuyển đặc cách đã thay đổi. Hơn nữa, việc xét tuyển đặc cách giáo viên là được bỏ qua thi tuyển nhưng vẫn phải sát hạch, có giáo viên không đạt khi sát hạch thì cũng không được tiếp nhận".
Trong khi đó, các văn bản được Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị gửi UBND tỉnh và Phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị đều ghi rõ theo chính sách địa phương đề nghị xét tuyển đặc cách cho các giáo viên dạy học ở Lào trở về. Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Sở đã có văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Nội vụ về việc đề nghị UBND tỉnh quy định việc tuyển dụng đối với giáo viên tham gia giảng dạy tại Lào. Trong văn bản ghi rõ: Phương án tuyển dụng đối với giáo viên tham gia giảng dạy tại Lào trước tháng 7/2019 là UBND tỉnh ban hành văn bản (theo chính sách địa phương) quy định ưu tiên việc xét tuyển đối với những giáo viên này. Còn đối với giáo viên tham gia giảng dạy tại Lào từ tháng 7/2019 trở về sau: Tuyển dụng (theo chính sách địa phương) như tuyển dụng đối với giáo viên tham gia giảng dạy tại Lào trước tháng 7/2019 hoặc trên cơ sở nhu cầu của Hội Việt kiều tỉnh Savannakhet, Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ thông báo chỉ tiêu cho các huyện, thành, thị tuyển chọn những viên chức trong chỉ tiêu biên chế của đơn vị mình để cử sang dạy.
Bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết: Sở đã gửi văn bản cho UBND tỉnh và Sở Nội vụ về việc đề nghị tỉnh quy định việc tuyển dụng đối với giáo viên tham gia giảng dạy tại Lào |
Đối với trường hợp cô Phan Thị Thùy Trang, bà Lê Thị Hương cho rằng, Sở không nhận được văn bản phản ánh của cô Trang về việc Phòng GD&ĐT Đông Hà không đặc cách tuyển dụng cô. Nếu có phản ảnh, Sở sẽ có văn bản đề nghị Phòng thực hiện theo đúng Quyết định số 10 của tỉnh.
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 12/09/2024 18:33
May 10 tuyển nhiều vị trí hấp dẫn tại Hà Nội: Cơ hội thu nhập cao và phát triển lâu dài
Tổng Công ty May 10 hiện đang tuyển dụng nhiều vị trí làm việc tại trụ sở chính ở Hà Nội nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng. Tổng Công ty May 10 mang đến cho người lao động môi trường làm việc ổn định và cơ hội phát triển sự nghiệp lâu dài.
Việc làm - tuyển dụng - 12/09/2024 18:31
Thông báo dời lịch tổ chức thi vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024
Tạp chí Lao động và Công đoàn thông báo dời lịch tổ chức thi vòng 2 kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024 do ảnh hưởng của tình hình mưa bão.
Việc làm - tuyển dụng - 06/09/2024 12:24
Quảng Bình: Hơn chục doanh nghiệp tuyển lao động, nhiều vị trí việc làm hấp dẫn
Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Bình cho biết, phiên giao dịch việc làm lần thứ 16 được tổ chức vào ngày 6/9 có 12 doanh nghiệp uy tín đăng ký tham gia tuyển dụng, với 70 chỉ tiêu việc làm hấp dẫn cho người lao động.
Việc làm - tuyển dụng - 03/09/2024 08:55
Công ty may ở Nam Định tuyển hàng trăm công nhân, thưởng 1-3 triệu cho người giới thiệu thành công
Công ty TNHH Smart-Shirts Garments Manufacturing Bảo Minh đang tuyển 100 công nhân may, 30 công nhân hoàn thiện, 30 công nhân QC (kiểm tra chất lượng), và 50 công nhân cắt.
Việc làm - tuyển dụng - 30/08/2024 07:00
Triệu tập thí sinh đủ điều kiện dự thi Vòng 2 kỳ thi tuyển viên chức Tạp chí Lao động và Công đoàn
Thông báo về việc triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi Vòng 2, kỳ thi tuyển viên chức đợt 1 năm 2024 của Tạp chí Lao động và Công đoàn.
Nhịp cầu lao động - 29/08/2024 20:40
Thông báo kết quả bài thi vòng 1 kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024
Tạp chí Lao động và Công đoàn thông báo kết quả bài thi vòng 1 kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024
- Nữ giảng viên giàu nghị lực của Học viện Ngân hàng
- May mắn khi được sống và công tác trong “trường học hạnh phúc”
- Đà Nẵng: Công đoàn trao 430 suất quà Trung thu cho con đoàn viên khó khăn
- Trao xe đạp, học bổng cho con đoàn viên khó khăn dịp Trung thu
- Công đoàn Petrolimex Hà Tây - vòng tay ấm áp yêu thương