Những tháng năm gian nan bám cơ sở của vị bác sĩ nhiệt huyết
Phóng sự điều tra - 10/10/2024 13:13 ĐÌNH TOÀN
Nhớ lần bác sĩ được Hà Bá tha mạng
Phú Lộc là huyện phía Nam tỉnh Thừa Thiên Huế, giáp Đà Nẵng. Đây là vùng đất đặc thù duy nhất của Thừa Thiên Huế bao bọc bởi cả núi lẫn biển, đầm phá. Ở huyện Phú Lộc đường sá cách sông trở đò, thậm chí “khỉ ho cò gáy” một thời như Hói Dừa, Hói Mít, Cù Dù (còn tên gọi khác là Cổ Dù)...
Bác sĩ Thu (bìa trái) và cùng những "chiến binh" trong đội vệ sinh phòng dịch - phòng chống sốt rét, TTYT huyện Phú Lộc cách nay khoảng 30 năm. Ảnh: T.L |
Phú Lộc lại nằm trong hệ đầm phá Tam Giang – Cầu Hai nên có một bộ phận cư dân vạn chài rất lớn cư trú ven đầm phá, ven núi non, biển cả. Mà vạn chài (ngư dân đánh bắt nhỏ bằng chài lưới) thì cơ hội tiếp cận y tế, giáo dục rất hạn chế. Công tác y tế và giáo dục với những xứ sở này vô cùng gian nan. Bác sĩ, y tá giáo viên đi đến đây làm việc thật sự là những chiến binh. .
Bác sĩ (BS) Lê Khắc Thu (SN 1965) vào ngành Y những năm 80 thế kỷ trước. Lại đúng vào cao trào phòng, chống sốt rét. Ông có lẽ là người xếp đầu bảng của TTYT huyện Phú Lộc đi công tác cơ sở, với đa số xã trên toàn huyện, nhất là các xã vùng sâu, xa, khó khăn.
Phú Lộc có toàn bộ 3 phòng khám khu vực, mỗi phòng khám phụ trách 4 – 5 xã thì BS Thu có mặt công tác cả 3/3 nơi, trong đó làm trưởng hoặc phó 2 phòng khám, làm chuyên môn 1 phòng khám. Từ chốn “thâm sơn” đến những miền chân sóng, không thiếu vắng dấu chân của vị bác sĩ này.
Năm 1989 BS Thu đã vác ba lô vào công tác ở Phòng khám Khu vực II xã Lộc Tiến (gồm Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và Lộc Hải - thị trấn Lăng Cô bây giờ). Suốt 4 năm ông gắn bó vùng đất khó này. Mỗi lần công tác phòng, chống dịch, khám bệnh, BS Thu cùng đồng nghiệp phải đi bộ cả giờ mới tới.
Video Tâm sự về bệnh tình và định hướng công việc những ngày sắp tới của BS Lê Khắc Thu
Hay những chuyến ông Thu đạp xe xuôi về vùng biển để “chiến đấu” với dịch bệnh sốt rét hoành hành. “Đáng nhớ nhất là nhóm 3 người đi Cù Dù (một ốc đảo biệt lập bao quanh bởi núi, biển ở xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc) phun thuốc và điều tra sốt rét”, BS Thu lật lại các trang ký ức.
Sáng sớm anh em đạp xe từ TTYT Phú Lộc vào bãi biển Cảnh Dương. Do đường đất đỏ nhỏ, xe đạp cũ kỹ, kẽo cà kẽo kẹt. Khoảng 8 giờ mới tới eo sông Bù Lu cũng là cửa biển để đi đò ngang vào núi Cù Dù.
Eo sông Bù Lu và cũng là cửa biển ngăn thôn Cù Dù với bên ngoài. Đây là nơi nhóm công tác phòng chống dịch của bác sĩ Thu mạo hiểm bơi qua sông từ 30 năm trước. Ảnh: Đình Toàn |
Anh em ngồi chờ có chuyến đò ngang nào xin qua, nhưng mãi không có. Đoạn nghĩ công việc phải triển khai để kịp quay về trước tối. Họ dùng 3 bình phun thuốc, bơm căng làm phao. 3 người cởi hết áo quần gói vào áo mưa. Người đeo lên vai, người đội lên đầu, mình trần cứ thế bơi qua sông Bù Lu để vào thôn Cù Dù. Lên được bờ bãi bên kia, ngoảnh lại đoạn sông thấy rợn người, nhất là những tích xưa ở đoạn sông thiêng này.
Cù Dù nằm dưới ngọn núi Rẫm, từng là cứ địa cách mạng bởi đặc thù rất nhiều đá lớn, hang sâu. Nhóm ông Thu vượt những rặng núi đá, đi bộ theo bờ biển dài hơn 30 phút mới đến nơi ở của nhân dân.
“Bữa ăn đạm bạc, tiếp đón của bà con nhân dân ấm áp tình người nhớ mãi không thôi. Rồi họ hỏi, chúng tôi đi vào thôn bằng cách nào. Kể lại việc tự làm phao bơi qua, ai cũng liếc mắt nhìn nhau, lắc đầu ngao ngán. Họ bảo một số người không biết sự nguy hiểm, hoặc mạo hiểm bơi qua sông như thế đã vĩnh viễn không lên được bờ. Chúng tôi đã được Hà Bá tha cho một mạng. Chiều tối trở ra bên ngoài thôn, đích thân Tập đoàn trưởng điều ghe thuyền để chở chúng tôi vượt sông an toàn để về cơ quan”, BS Thu kể thêm.
Hành nghề bên chân sóng, vợ suýt sinh giữa đầm
Năm 1998, BS Thu học xong chuyên khoa Định hướng Răng Hàm Mặt tại Bệnh viện Trung ương Huế. Lúc ấy bác sĩ, Giám đốc TTYT huyện Phú Lộc Nguyễn Văn Hường gọi lên phòng ông uống trà.
Nhấp ngụm trà thơm xong, bác sĩ Hường chậm rãi: “Chú mới được đi học về, bây giờ giúp cơ quan nhé?”.
- “Dạ bác. Đến lúc phải thể hiện thôi chứ học về kiến thức phải dùng”.
- “Thế thì chuẩn bị đi Khu 3 nghe, có gì băn khoăn không”.
“Tôi gật đầu vui vẻ. Trong chiều đó, quyết định được trao, tôi bắt đầu một hành trình mới”, BS Thu kể.
BS Lê Khắc Thu (bìa phải) thuở còn trẻ khỏe đi công tác cơ sở. Ảnh: T.L |
Phòng khám Khu 3 đặt tại xã Vinh Giang. Ở Huế mà nói khu 3 thập niên 1980, 1990 ai cũng “ngán” vì là vùng đất có 5 xã nằm giữa vùng biển và đầm phá. Từ trung tâm huyện muốn qua vùng đất này phải đi gần cả giờ bằng tàu biển.
Nhận quyết định điều động, BS Thu nhanh chóng khăn gói sang vùng đất khó, nằm bên chân sóng “nhiệm trú”. Lúc này, đứa con trai đầu lòng ông Thu mới được 4 tháng tuổi, người vợ giáo viên tiểu học khá vất vả để chăm con. Ông Thu đi công tác được 9 tháng thì bà Trần Thị Mỹ Chi - vợ ông đã xin chuyển cùng về Khu 3 dạy học, để vợ chồng con cái bên nhau.
Năm 2000, cô Chi mang thai người con thứ 2. Đêm tháng 8 mùa thu năm ấy, cô Chi chuyển dạ. Sáng sớm ông Thu đưa vợ lên đò máy (gọ) vốn chuyên chở bệnh nhân để sang TTYT huyện Phú Lộc để sinh. Đò chạy ra được giữa đầm Cầu Hai thì "chết" máy. Giữa đầm phá mênh mông sông nước, gió lộng tứ bề vợ chồng ông Thu chỉ biết chắp tay khấn vái lên trời. "Chừng 30 phút sau thì chú Nghệ - người lái đò - sửa được máy, đò nổ lai. Vợ chồng tui chỉ biết cảm ơn người lái đò và tại ơn trời Phật. Sang tới TTYT huyện chúng tôi nhờ xe cấp cứu chuyển lên Bệnh viện Trung ương Huế, mới sinh được đứa con trai thứ 2 mẹ tròn con vuông", cô Chi bùi ngùi góp thêm câu chuyện với chồng.
Đầm Cầu Hai thuộc hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, nơi 24 năm trước vợ BS Thu chuyển dạ, lên đò chở về trung tâm huyện sinh nở nhưng ra giữa đầm thì đò bị "chết" máy trong 30 phút. Vùng sông nước này cũng là nơi BS Thu gắn bó công tác 4 năm. Ảnh: Đình Toàn |
Do đặc thù là nơi có đông ngư dân, nhiều người sống trên sông nước nên nhận thức vệ sinh phòng dịch, biện pháp tránh thai, dinh dưỡng bà mẹ trẻ em hay thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia nói chung đều là những thách thức với những người làm công tác y tế như BS Thu.
“Khó khăn về thuốc men, thiết bị y tế, đặc biệt là công tác vận chuyển cấp cứu là khó khăn hàng đầu. Đơn vị có chiếc đò ngang, nhỏ thôi, luôn đặt ở bến đò ở bến đầm Cầu Hai. Ngày đêm gì có bệnh nhân cấp cứu cũng dùng đến phương tiện duy nhất này. Đi trên sông nước sóng đánh dập dềnh nên khổ cho bệnh nhân. Cũng may chưa từng xảy ra tai biến nào”, BS Thu kể thêm.
Đặc biệt, thời gian này có những bất thường về căn bệnh ung thư xảy với những ngư dân. Tỷ lệ ung thư với những ngư dân vá lưới và ngậm chì khá cao. BS Thu cùng nhiều đồng nghiệp thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với bà con ngư dân việc ngậm chì có thể thành tác nhân nguy hiểm gây nên ung thư. Những kiến thức này góp phần cảnh tỉnh giúp bà con hạn chế hoặc cẩn trọng hơn trong nghề nghiệp.
Sau 4 năm công tác, kinh qua chức Phó phòng, rồi Quyền Trưởng phòng khám, tháng 2/2002 ông Thu được điều về Phòng khám - Hồi sức của TTYT Phú Lộc. Vậy là vợ chồng con cái bồng bế nhau về lại được gia đình.
Do thiếu nhân sự, ông lại xông pha đi cơ sở thêm lần nữa. Lần này là tăng cường khám chữa bệnh ở Phòng Khám khu vực 1 với 6 xã. Vậy là cả 3 khu toàn huyện ông Thu đều có mặt.
BS Lê Khắc Thu sau khi được phẫu thuật khớp gối bên phải tại Bệnh viện Trung ương Huế. Bác sĩ điều trị chỉ định sẽ tiếp tục phẫu thuật khớp gối bên trái trong thời gian tới. Ảnh: Đình Toàn |
“Mình không ngại gian khổ vì thực tế đã từng nhiều năm đi cơ sở. Bây giờ chỉ còn 2 năm nữa nghỉ hưu mà tổ chức có điều động đi cơ sở thì mình vẫn sẵn lòng mà thôi. Chỉ tiếc lực bất tòng tâm vì bệnh nặng, rất khó để có thể tiếp tục làm quản lý, chuyên môn... Sắp tới mình cũng sẽ xin rời vị trí Trưởng khoa để các bạn khác trẻ khỏe hơn có điều kiện tiếp nối, cống hiến vì người bệnh.”, BS Thu tâm sự.
Anh Thu là người nhiệt huyết, giỏi nghề. Chia sẻ với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, một bác sĩ công tác nhiều năm ở cơ sở y tế ở huyện Phú Lộc (đề nghị không nêu tên), kể rằng ông và bác sĩ Thu từng sát cánh bên nhau những năm tháng gian nan khám chữa bệnh ở cơ sở, nhất là làm công tác y tế dự phòng, chống dịch sốt xuất huyết, dịch tả và nhiều chương trình khám chữa bệnh cho nhân dân. “Chúng tôi đâu phải lúc nào cũng được đi xe đạp đâu? Có nơi vì cách sông trở đò chúng tôi phải đi bộ hàng giờ, không đường chính phải men theo đường mòn mới vào được trong thôn xóm. Khổ ải khó thể kể hết, nhưng bác sĩ Thu thì rất nhiệt huyết. Sau này anh ấy còn học chuyên môn sâu, học đến bác sĩ chuyên khoa 1 và rất giỏi nghề. Mấy ngày nay đọc báo về chuyện của bác sĩ Thu mà lòng tôi rất buồn. Thương cho bệnh tình của anh ấy và buồn cho những cư xử ảnh hướng đến thành tích lâu nay của cả TTYT Phú Lộc, thậm chí là ngành Y tế của tỉnh. Tôi mong sự việc sớm được giải quyết thấu tình, đạt lý, lấy đại cuộc làm trọng”, vị bác sĩ lớn tuổi bộc bạch. |
Giám đốc TTYT huyện Phú Lộc: “Vấn đề sức khỏe bác sĩ Thu không có ảnh hưởng chi cả” Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Viết Cường đã có cuộc làm việc với phóng viên Tạp ... |
Anh Vũ Hữu Thiết - đoàn viên tâm huyết, sáng tạo của Nhiệt điện Phả Lại Giỏi chuyên môn, tâm huyết với công việc và thân thiện với đồng nghiệp, đoàn viên Vũ Hữu Thiết là người anh, người đồng nghiệp, ... |
Vụ điều động bác sĩ ở Thừa Thiên Huế: Bác sĩ từng góp ý, phản biện nhiều vấn đề chuyên môn Là người tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp, bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Khắc Thu - Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, ... |
- Công nhân Công ty CP Phân lân Ninh Bình tử vong khi sửa máy: Cần nâng cao ý thức an toàn lao động
- Những tháng năm gian nan bám cơ sở của vị bác sĩ nhiệt huyết
- Người thầy đổi mới, cải tiến phương pháp dạy của Trường Tiểu học Thới Lai
- Ba đặc trưng của thời chuyển đổi số đòi hỏi người lãnh đạo phải thay đổi
- Hyundai Santa Fe máy dầu đời cũ đội giá lên 1,3 tỷ đồng