Công đoàn Phú Thọ khẩn trương nắm bắt tình hình vụ sập cầu Phong Châu
Hoạt động Công đoàn - 09/09/2024 17:25 Hà Vy
Sập cầu Phong Châu khi có nhiều ô tô, xe máy đang lưu thông |
Vào khoảng 10h ngày 9/9 xảy ra sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ). Vụ việc khiến không ít người hoang mang lo lắng. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại có 10 ô tô, 2 xe máy và 13 người dân mất tính do sự cố này. Hàng chục người dân đã đến hiện trường trình báo người thân mất tích và chờ đợi tìm kiếm.
Trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, đồng chí Phạm Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Phú Thọ cho biết, ngay khi có thông tin về vụ sập cầu Phong Châu, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn khẩn trương nắm bắt, rà soát tình hình trong công nhân lao động tại địa phương.
Cầu Phong Châu bị sập xuống dòng nước chảy xiết. Ảnh: Nguyễn Chí Cường |
Cũng theo lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Phú Thọ, đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện trường hợp đoàn viên, người lao động nào hoặc có người nhà trình báo về việc mất tích.
Mặc dù vậy, LĐLĐ tỉnh Phú Thọ phân công bộ phận chuyên môn nghiệp vụ tiếp tục sát sao nắm bắt, cập nhật tình hình.
Đồng chí Bùi Thị Thu Hương - Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ cho biết, đơn vị hiện quản lý trực tiếp gần 100 công đoàn cơ sở với gần 50.000 đoàn viên, người lao động. Thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh Phú Thọ, từ sau khi xảy ra vụ sập cầu Phong Châu, đơn vị đã rà soát tại từng công đoàn cơ sở về tình hình đi lại của đoàn viên, người lao động. Hiện tại, chưa có thông tin về đoàn viên, người lao động bị thương vong do sự cố trên.
Trong bối cảnh một số huyện của tỉnh Phú Thọ đang có hiện tượng lũ lớn, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đôn đốc công đoàn cơ sở thường xuyên cập nhật tình hình đi lại của đoàn viên, người lao động trên đường đi làm. Ngoài ra, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cảnh báo nguy cơ sạt lở, lũ quét và hướng dẫn về công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của cơ quan chức năng.
Vừa qua, do ảnh hưởng của siêu bão Yagi, tỉnh Phú Thọ dù không bị gió bão làm hư hỏng nhưng lượng mưa lớn và kéo dài khiến nước các sông dâng cao, chảy xiết.
Các cấp Công đoàn tỉnh Phú Thọ đang phối hợp chính quyền đồng cấp kiểm tra, nắm bắt tình hình nhà cửa của đoàn viên, người lao động. Hiện nay, điều kiện về nhà ở của một bộ phận đoàn viên, người lao động còn khó khăn. Một số ngôi nhà không may bị gió thổi bay mái. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đang đôn đốc và chờ các cấp công đoàn báo cáo để có phương án chia sẻ, hỗ trợ phù hợp.
Dòng nước chảy xiết dưới chân cầu Phong Châu - Ảnh: Nguyễn Chí Cường |
Liên quan vụ việc sập cầu Phong Châu, theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ, nguyên nhân ban đầu được xác định là do ảnh hưởng của bão Yagi gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông khu vực cầu Phong Châu, kéo đổ trụ T7 và làm sập hai nhịp dàn chính là nhịp 6 và nhịp 7.
Cây cầu này được đưa vào sử dụng năm 1996 với tải trọng thiết kế H18-X60 gồm 8 nhịp, trong đó có 4 nhịp giản đơn dầm T33m bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, 3 nhịp dàn thép (66m+64m+80m) và một nhịp giản đơn dầm T21m bằng bê tông cốt thép thường. Trong đó hai nhịp 6 và 7 được chế tạo từ hai nhịp giàn giản đơn 64 m do Bungari chế tạo.
Sau gần 20 năm khai thác, cầu bị hư hỏng nặng do lượng xe hạng nặng qua lại quá nhiều khiến. Đến tháng 9/2013, cầu Phong Châu được tiến hành sửa chữa quy mô lớn.
Cầu từng trải qua đợt bảo trì, sửa chữa vào năm 2013. Theo kết quả kiểm định sau khi sửa chữa, cầu không phải cắm biển hạn chế tải trọng. Vào năm 2019, cầu đã được xử lý xói lở tại trụ T7, tăng cường 8 cọc khoan nhồi bêtông cốt thép và gia cường khả năng chống va xô. Kết quả kiểm định cầu vào thời gian này cũng đánh giá không phải cắm biển hạn chế tải trọng xe qua cầu.
Gần đây nhất, tháng 3/2023, cầu tiếp tục được Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Ngọc Việt (trụ sở tại huyện Kim Bảng, Hà Nam) là nhà thầu sửa chữa, tẩy gỉ, sơn lại toàn bộ các thanh mạ thượng, thanh đứng, thanh xiên; thay thế khe co giãn trên trụ T5, T6, T8 bằng khe co giãn răng lược và sửa chữa phần bêtông phía trước khe đã bị nứt vỡ; kiểm định cầu.
Sau sự cố sập hai nhịp dàn chính vào sáng nay, cơ quan chức năng đã tiến hành cấm người đi vào bằng rào cứng, đặt biển báo và có lực lượng ứng trực, hướng dẫn tài xế đi vào đường tránh và lên phương án thay thế đi lại bằng cầu phao qua sông.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đơn vị này đã yêu cầu Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ khẩn cấp điều động nhân lực, thiết bị tham gia khắc phục sự cố và tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ công trình và đường. Cục đề xuất sử dụng vật tư dự phòng tại Khu quản lý đường bộ 1 và các đơn vị để khắc phục sự cố hư hỏng.
Khu quản lý đường bộ 1 bố trí người, phương tiện tham gia hỗ trợ với Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ để nhanh chóng khắc phục sự cố hư hỏng công trình, rà soát vật tư dự phòng và các bộ dầm cầu dùng cho công tác khắc phục thiên tai, sẵn sàng điều động khi có yêu cầu.
Kịp thời thăm hỏi, động viên công nhân Thủ đô làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả bão số 3 Chiều 8/9, dù Hà Nội vẫn có mưa to, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội Phạm Quang Thanh đã cùng đoàn công tác đội mưa, ... |
Sau bão vẫn còn mưa lớn, người lao động cẩn trọng với lũ quét, sạt lở đất Tuy bão số 3 đã tan, nhưng hoàn lưu cơn bão vẫn sẽ tiếp tục gây mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ đến Thanh ... |
Xót xa mùi nhựa cây ngập tràn sau bão Bão Yagi đi qua để lại những thiệt hại lớn vô cùng với người dân các tỉnh phía Bắc. Ở Hà Nội, thiệt hại về ... |
- Sập cầu Phong Châu, người lao động ở Phú Thọ sẽ di chuyển như thế nào?
- Công đoàn Phú Thọ khẩn trương nắm bắt tình hình vụ sập cầu Phong Châu
- Nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới
- Xót xa mùi nhựa cây ngập tràn sau bão
- Clip ghi lại khoảnh khắc cầu Phong Châu sập: 1 xe khách và 1 xe tải rơi xuống sông