Vì sao nuôi con bằng sữa mẹ vẫn là lựa chọn tốt nhất?
Sức khỏe - 04/08/2024 07:10 Gia Hưng
Từ năm 2021, trên 1.000 lao động nữ, doanh nghiệp phải có phòng vắt sữa mẹ |
Công nhân ngành Dệt may sử dụng phòng vắt sữa mẹ. Ảnh: CĐDM. |
Nhiều người lầm tưởng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ
Theo Tổ chức Y tế thế giới, các nhà sản xuất, bán hàng đã sử dụng thông điệp tiếp thị bóng bẩy, tuyên bố sai lệch về khoa học, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng sữa công thức gần bằng hoặc tốt hơn sữa mẹ.
Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Hiên (xã Đông Quang, huyện Đông Hưng, Thái Bình) không thi đại học mà đi làm công nhân may tại Công ty TNHH May xuất khẩu Đông Thọ rồi nhanh chóng lập gia đình và có con. Tuy nhiên, thay vì nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, Hiên đã cho con uống thêm sữa công thức từ tháng thứ 3 để “bé bụ bẫm hơn”.
“Việc cho trẻ uống sữa công thức sẽ tăng chiều cao và phát triển trí não của trẻ. Sữa công thức sẽ cung cấp HMO và DHA”… Những phát ngôn và quảng cáo này phổ biến trên các phương tiện truyền thông, nhưng theo Bộ Y tế, là đều thiếu căn cứ khoa học.
Bộ Y tế khẳng định: Sữa mẹ cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết và dễ tiêu hoá cho sự phát triển của trẻ như: chất đạm, chất béo, đường, các vitamin và khoáng chất. Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể giúp phòng ngừa các nhiễm khuẩn hô hấp, tiêu hoá và các nhiễm khuẩn khác ở trẻ nhỏ. Trẻ được bú mẹ thường phát triển trí não tốt hơn, giảm nguy cơ thừa cân béo phì và mắc đái tháo đường khi trưởng thành.
Nghị định 100/2014/NĐ-CP ngày 06/11/2014 của Chính phủ về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Trong đó, nghiêm cấm các hành vi quảng cáo, khuyến mãi đối với sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi (như sữa công thức, bình bú, vú ngậm nhân tạo). |
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho rằng: “Nuôi con bằng sữa mẹ mang lại lợi ích suốt đời cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của trẻ cả về thể chất và trí tuệ”. Do đó, UNICEF khuyến nghị: Bắt đầu cho trẻ bú trong vòng một giờ sau khi sinh; cho trẻ bú mẹ hoàn toàn, không dùng bất kỳ thức ăn, nước, hoặc các chất lỏng khác trong sáu tháng đầu đời; tiếp tục cho trẻ bú mẹ sau sáu tháng đầu đời, kéo dài đến hai năm hoặc hơn, kết hợp với ăn bổ sung các loại thực phẩm đa dạng và giàu dinh dưỡng.
Để mọi trẻ em đều có cơ hội hưởng nguồn dinh dưỡng không thể thay thế từ sữa mẹ, Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ (ngày 1/8 đến 7/8 hàng năm) đã được triển khai từ năm 1991.
Năm 2024, Tuần lễ Thế giới Nuôi con bằng sữa mẹ có chủ đề “Thu hẹp khoảng cách - Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ cho tất cả các bà mẹ - Kết nối vòng tay yêu thương” (Closing the Gap – Breastfeeding Support for All)nhằm: đẩy mạnh hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ để giảm bất bình đẳng trong việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, đặc biệt tập trung vào hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong các tình huống khẩn cấp; không ai bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những bà mẹ dễ bị tổn thương, những người có thể cần thêm sự hỗ trợ để giảm bất bình đẳng trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của nuôi con bằng sữa mẹ, đóng góp vào giá trị kinh tế toàn cầu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính bên cạnh những lợi ích về sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em.
Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh bàn giao phòng vắt và trữ sữa cho doanh nghiệp. Ảnh: CĐCC. |
Mẹ đi làm, duy trì nuôi con bằng sữa mẹ thế nào?
Khi mẹ trở lại làm việc, việc duy trì việc cho con bú có thể gặp nhiều thử thách. Tuy nhiên, có nhiều giải pháp thực tiễn có thể giúp mẹ tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ.
Nếu nhà gần nơi làm việc người mẹ có thể tranh thủ thời gian nghỉ về nhà cho con bú. Nếu nhà ở xa, thì người mẹ có thể vắt sữa ở nơi làm việc để người nhà đến lấy mang về cho con bú hoặc trữ sữa tại nơi làm việc (nếu cơ quan có phòng vắt, trữ sữa mẹ).
Với nữ công nhân, do đặc thù làm ca kíp nên nhiều người đang nuôi con nhỏ không thể tranh thủ giờ nghỉ trưa, giờ nghỉ sớm theo quy định để về cho con bú. Để khắc phục tình trạng này, nhiều đơn vị đã tổ chức lắp đặt các phòng vắt, trữ sữa tại doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho các nữ công nhân lao động nuôi con bằng sữa mẹ, qua đó giúp chị em yên tâm làm việc.
Nghị định 145/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/02/2021 quy định người sử dụng lao động sử dụng từ 1.000 lao động nữ trở lên thì phải lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Đối với những trường hợp khác, khuyến khích người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. Nguồn video: UNICEF |
Ngoài ra, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là lựa chọn thay thế hữu ích cho những trường hợp không thể cho con bú trực tiếp. Được biết, Tổ chức Alive & Thrive và Bộ Y tế đã xây dựng hệ thống Ngân hàng sữa mẹ với quy trình thu nhận, sàng lọc và thanh trùng để đảm bảo chất lượng và an toàn cho trẻ.
Theo Ths. BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), nếu mẹ vắt sữa thường xuyên, đều đặn, nguồn sữa sẽ được duy trì. Buổi sáng trước khi đi làm, mẹ nên vắt sữa càng nhiều càng tốt, khi mẹ vắt sữa xong thì nên cho bé bú tiếp để trẻ nhận được sữa cuối.
Ths. BS Nguyễn Văn Tiến khuyên, để vắt được nhiều sữa, mẹ nên vắt sữa theo từng cữ bú trong ngày của bé, lý tưởng nhất là 3 tiếng vắt một lần. Mỗi lần vắt sữa, mẹ nên cho sữa vào một túi hoặc bình riêng và đánh số để chú ý không cho bé bú sữa đã để quá lâu. Đặc biệt, không nên đổ sữa cũ và sữa mới vào cùng một bình.
Trong ngăn mát tủ lạnh, sữa bảo quản được khoảng 24h, và nếu để trong ngăn đá thì có thể giữ được vài tuần, thậm chí vài tháng nếu điều kiện vô trùng tốt. Sữa mẹ có thể bảo quản lâu hơn sữa bò vì có chất chống nhiễm khuẩn.
Ngoài ra, các bà mẹ cần lưu ý, trước khi vắt sữa, người mẹ phải rửa tay sạch bằng xà phòng và nước. Nếu không có xà phòng và nước, hãy sử dụng dung dịch khử trùng tay có chứa ít nhất 60% cồn. Các mẹ có thể vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa. Nếu sử dụng máy hút sữa, hãy kiểm tra các bộ phận máy hút và đường ống đảm bảo sạch sẽ. Thay thế các ống dây hút đã bị bẩn, mốc.
Bảo quản sữa mẹ sau khi vắt bằng cách: - Sử dụng túi trữ sữa mẹ hoặc hộp đựng thực phẩm sạch để đựng sữa mẹ đã vắt ra. Nên dùng hộp đựng được làm bằng thủy tinh hoặc nhựa và có nắp đậy kín. - Tránh các loại chai/ túi có ký hiệu tái chế số 7 (Bisphenol-A), biểu tượng này cho thấy rằng vật chứa có thể được làm bằng nhựa có chứa BPA. - Không bảo quản sữa mẹ trong túi nhựa không dùng để đựng sữa mẹ. |
Công ty May Tiến Thuận mở phòng vắt, trữ sữa mẹ cho chị em nữ công nhân Công đoàn Khu kinh tế - KCN tỉnh Ninh Thuận vừa khánh thành phòng vắt sữa mẹ cho nữ công nhân tại Công ty TNHH ... |
Nuôi con bằng sữa mẹ thời đại dịch Covid-19 sao cho an toàn? Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca nhiễm, số ca tử vong tăng, Tổ chức Y tế ... |
826 phòng vắt, trữ sữa mẹ tại doanh nghiệp được lắp đặt Theo số liệu thống kê của các cấp công đoàn, cả nước có 826 phòng vắt, trữ sữa mẹ tại 372 doanh nghiệp. Có hơn ... |
- Nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân trong tình hình mới
- Xót xa mùi nhựa cây ngập tràn sau bão
- Clip ghi lại khoảnh khắc cầu Phong Châu sập: 1 xe khách và 1 xe tải rơi xuống sông
- Sau bão vẫn còn mưa lớn, người lao động cẩn trọng với lũ quét, sạt lở đất
- Sập cầu Phong Châu khi có nhiều ô tô, xe máy đang lưu thông