Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ - người cống hiến hết mình nơi biên cương phía Bắc
Hoạt động Công đoàn - 18/10/2024 09:51 Phạm Thị Hiền
Mệnh lệnh trái tim hướng về nơi bão lũ của Công đoàn |
Kỹ sư trẻ tình nguyện lên miền núi cực Bắc giúp dân
Đồng chí Cao Hồng Kỳ sinh năm 1965 tại một miền quê Kinh Bắc thuộc tỉnh Bắc Ninh, vùng đất giàu truyền thống nhân văn. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành Quản lý đất đai Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, theo tiếng gọi của Đảng, đồng chí Kỳ đã tình nguyện lên công tác tại tỉnh miền núi Hà Tuyên xa xôi. Với công việc ban đầu được phân công là cán bộ khoa học, kỹ thuật tổng hợp thuộc Công ty dịch vụ nông nghiệp tỉnh Hà Giang. Công việc hàng ngày là xuống các xã giúp bà con nông dân phát triển sản xuất, trồng lúa, rau, nuôi lợn và kiêm làm công tác bảo vệ thực vật.
Đồng chí Cao Hồng Kỳ tại Hội thảo tư vấn, phản biện đối với với một số Dự án Luật. Ảnh: ĐVCC |
Đây là công việc vô cùng khó khăn, thử thách cho một người kỹ sư trẻ mới vào nghề. Thế nhưng chỉ trong vòng 02 năm công tác, đồng chí không ngừng học hỏi những người thầy, người bạn đi trước, đọc sách để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Liên đoàn Lao động tỉnh trình UBND tỉnh tặng Bằng khen “Cán bộ Công đoàn vượt khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lần thứ nhất giai đoạn 1991-1994”.
Năm 1994, đồng chí được UBND tỉnh lựa chọn là một trong 6 cán bộ của tỉnh đi đào tạo phó tiến sỹ trong nước. Vì điều kiện kinh tế khó khăn, một mình công tác trên vùng cao, đồng chí đã xin ở lại để tiếp tục công việc của mình với cương vị là Kỹ sư trưởng công trình đo đạc trắc địa bản đồ, rồi đến Đội trưởng Đội đo đạc bản đồ, sau đó làm Trưởng Phòng Nghiệp vụ thuộc Sở Địa chính tỉnh Hà Giang.
Tôi hỏi: Nguyên do gì mà đồng chí lại tình nguyện lên Hà Giang, một tỉnh thời đó còn rất nghèo, xa xôi, hẻo lánh mà nhiều người gọi là “nơi rừng thiêng nước độc”, hay có một trái tim “hồng” nào thu hút anh?
Đồng chí tươi cười bảo: Thời đó là sinh viên, tôi chưa có một mối tình nào cả. Mấy năm học tôi chỉ vùi đầu vào sách vở và lo cho việc học tập sao cho kết quả tốt để sau này ra làm việc được thuận lợi. Còn việc lên Hà Giang lúc đó là khao khát từ đáy lòng mình của tuổi trẻ. Tôi cứ tâm niệm mãi trong lòng câu nói của Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Vì vậy, tôi quyết định cống hiến tuổi trẻ của mình cho một vùng biên cương cực Bắc xa xôi là Hà Giang và cũng là thử sức bền chí của mình…
Vậy là anh đã toại nguyện ước mơ cống hiến của mình rồi nhé? Tôi nói.
“Vâng, không những tôi không chỉ cống hiến cả tuổi trẻ mà ngay cả bây giờ đến tuổi sắp nghỉ hưu, tôi vẫn sống và làm việc ở Hà Giang. Gia đình tôi và các con của tôi cho đến bây giờ vẫn đang sinh sống và làm việc ở Hà Giang để cống hiến sức lực, trí tuệ dựng xây cho tỉnh Hà Giang thêm giàu mạnh”, đồng chí Cao Hồng Kỳ cho biết.
Năm 1996 với tinh thần tích cực hăng say trong học tập, được sự tín nhiệm của Đảng và những đóng góp của mình, đồng chí Cao Hồng Kỳ đã được UBND tỉnh bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Địa chính tỉnh Hà Giang khi mới bước sang tuổi 31. Dạo đó đồng chí là một lãnh đạo cấp sở, ngành ở tỉnh trẻ tuổi nhất trong cả nước.
Năm 2004 được UBND tỉnh bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Sau 15 năm với cương vị là Phó Giám đốc Sở, năm 2011 Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ được UBND tỉnh điều động, bổ nhiệm chức vụ Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh. Và năm 2015 được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang cho đến nay.
Có nhiều công trình khoa học phục vụ địa phương
Trải qua 14 năm công tác tại Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, với 10 năm giữ cương vị là Chủ tịch Liên hiệp Hội, Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ luôn tích cực, chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Hội đồng Trung ương Liên hiệp Hội Việt Nam làm tốt công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ ở trong và ngoài tỉnh cống hiến trí tuệ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.
Chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy vai trò trách nhiệm thành viên của Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hà Giang. Làm tốt công tác tư vấn, phản biện (TVPB) và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm về phát triển KT-XH triển khai trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh giao.
Đồng chí Cao Hồng Kỳ nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2023. Ảnh: ĐVCC |
Đồng chí tích cực tổ chức triển khai phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đưa KHCN vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa hoạt động của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh từng bước phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển KT-XH của tỉnh Hà Giang.
Với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Liên hiệp Hội, trong những năm qua đồng chí Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp Hội đã chủ trì, tổ chức thực hiện TVPB, đóng góp ý kiến đối với 28 dự thảo Dự án Luật, 34 đề án, dự án trọng tâm trọng điểm và 18 dự thảo nghị quyết, chương trình, kế hoạch về phát triển KT-XH triển khai trên địa bàn tỉnh do Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND và UBND tỉnh giao.
Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ cho biết: “Trong quá trình công tác, tôi đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin và phổ biến kiến thức KHCN trong nhân dân. Đưa KHCN đến với các đối tượng, tầng lớp nhân dân nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho mọi người bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, tin bài tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và ở tỉnh”.
Mặc dù rất bận rộn với công việc lãnh đạo quản lý, Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ với lòng nhiệt huyết, đam mê tình yêu khoa học, đồng chí đã dành rất nhiều công sức, miệt mài, trăn trở cho công tác tìm tòi, nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Và khoa học đã không phụ lòng anh, các công trình, đề tài, dự án đó đã mang lại hiệu quả đích thực trong thực tiễn sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Trong đó phải kể đến như: “Ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng bản đồ điện tử thông tin KT-XH, tài nguyên môi trường tỉnh Hà Giang (E-map) phục vụ công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang”; Sáng kiến “Phát huy vai trò giám sát của cộng đồng bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản”;
Đề tài “Đánh giá tác động của chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Hà Giang giai đoạn 2016-2019, đề xuất giải pháp nhằm thúc đẩy thực thi chính sách hiệu quả, bền vững trong giai đoạn tới”, Đề tài “Phát huy vai trò của trí thức KHCN với sự nghiệp phát triển tỉnh Hà Giang trong giai đoạn mới 2021-2030”… đã được các cấp, ngành của tỉnh và Trung ương đánh giá cao. Kết quả các đề tài, dự án đã được nhân rộng ứng dụng vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy việc đưa tiến bộ KHCN vào phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Với những đóng góp, cống hiến về công sức, trí tuệ cho lĩnh vực khoa học và nhiệm vụ được tỉnh giao trong hơn 30 năm qua, Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ đã được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh Hà Giang tặng Bằng khen, danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và cấp tỉnh.
Đồng chí Cao Hồng Kỳ nhận Giải thưởng Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Ảnh: ĐVCC |
Đồng chí Cao Hồng Kỳ tâm sự: “Phần thưởng dù ở mức nào, cấp nào khen đều là quý giá, rất đáng trân trọng, vì đó là công sức, trí tuệ của mình được phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước. Tôi đã cố gắng hết sức để làm đúng như lời Bác Hồ đã dạy: Người trí thức hoàn toàn thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”.
Với những cống hiến của mình, đồng chí Cao Hồng Kỳ đã 02 lần được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2014 và năm 2023; năm 2015 được tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ (KHCN) tiêu biểu toàn quốc; năm 2017 được nhận “Giải thưởng Môi trường toàn quốc”; năm 2018 được nhận danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”; năm 2022 đoạt giải khuyến khích “Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam”; năm 2023 được nhận Giải thưởng “Sách vàng Sáng tạo Việt Nam”.
Câu chuyện về Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ có thể để cho chúng ta những suy ngẫm về cuộc sống và cống hiến, với tinh thần nhiệt huyết, khát vọng, vươn lên của một cán bộ đoàn viên công đoàn đóng góp cho sự nghiệp phát triển của tỉnh Hà Giang nói riêng và đất nước nói chung.
Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” lần thứ IV do Tạp chí Lao động và Công đoàn tổ chức từ 30/10/2023 đến hết ngày 30/9/2024. Cuộc thi nhằm tuyên truyền, cổ vũ những trường hợp đoàn viên, người lao động được tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn chăm lo, bảo vệ thiết thực, hiệu quả; nhờ đó có sự thay đổi tích cực trong cuộc sống. Thông qua bài viết nêu bật nỗ lực của tổ chức Công đoàn, cán bộ công đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi đại diện bảo vệ, chăm lo cho đoàn viên, người lao động; góp phần khẳng định Công đoàn Việt Nam đã, đang và sẽ mãi là chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi gửi gắm niềm tin của đoàn viên, người lao động. Mời độc giả xem thêm TẠI ĐÂY Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi: [email protected] |
Mẹ 8x kể chuyện cầm lái ô tô đưa con vượt đường đèo Hà Giang Nữ Ofer 8x (Hà Nội) tự cầm lái ô tô đưa con gái nhỏ đi chơi Hà Giang chia sẻ, chuyến đi có nhiều trải ... |
Huyện Hoàng Su Phì bị cô lập do sạt lở, 2 người chết Nhiều ngày qua, địa bàn huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) xảy ra mưa lớn. Tính đến 14h ngày 10/6, các tuyến đường giao thông ... |
Ghi chép về một thầy giáo - Chủ tịch Công đoàn gương mẫu, tận tụy Thầy giáo Phạm Văn Chức - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (xã Quang Minh, huyện Bắc Quang, ... |
- Niềm hạnh phúc trong những nghiệp đoàn vé số đầu tiên
- Đã hỗ trợ trên 141 tỷ đồng cho đoàn viên, người lao động bị giảm việc
- Phát động cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số
- Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ - người cống hiến hết mình nơi biên cương phía Bắc
- Công đoàn Trung tâm Thông báo tin tức hàng không làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa