6 giờ sáng, đúng hẹn tôi lên chiếc ô tô bán tải của vợ chồng thương nhân Trương Thị Toàn để trực chỉ từ TP. Buôn Ma Thuột vào các bản làng xa xôi của hai huyện Krông Pắc, Ea Kar của tỉnh Đắk Lắk. Hành trình dự kiến của chúng tôi có nơi xa nhất cũng cách Buôn Ma Thuột cả trăm kilomet nên mọi người phải rất khẩn trương. Chị Toàn 35 tuổi, gốc Huế và Quảng Bình, đã cùng gia đình vào cư ngụ ở Đắk Lắk từ năm lên 10. Đoàn chúng tôi có 8 người, đi trên 2 xe bán tải, do chị Toàn làm nữ tướng chỉ huy. Tôi “nhập môn” theo đoàn và nhất mực theo chỉ huy và nguyên tắc thương trường mà chị Toàn đặt ra. Từ ăn nói giao dịch, thái độ đến giá cả. Theo Quốc lộ 26 hướng Buôn Ma Thuột – Nha Trang, cứ thế xe chúng tôi phóng qua nhiều buôn làng ngút ngàn cây, trái, củ, quả. Điều dễ thấy trên Quốc lộ 26 lẫn các tuyến rẽ nhánh vào các buôn làng là ngược xuôi các đoàn xe sọt. Hầu như mùa nào cũng có sự hiện diện của họ. Người lái xe sọt trùm kín mặt ngồi trên những chiếc xe máy cũ, cà tàng, hai chiếc sọt (bội) bằng tre, mây, nhựa, hoặc sắt hai bên để đựng nông sản, trên xe còn có chiếc khoèo có móc ngoéo nẹp dọc theo thân xe rong ruổi cả ngày trên từng cây số đi hái quả. Hình ảnh này đã quá quen thuộc với vùng đất Tây Nguyên. Người lái sọt giỏi, có thể chở mỗi lần 500kg quả. Nặng và cồng kềnh nhất là mít và sầu riêng. Kiểu gì họ cũng chở được. Chị Toàn ngồi trên ô tô nghe và gọi điện thoại liên tục. Cứ năm, ba phút chị lại nghe hoặc gọi một cuộc điện thoại nói chuyện với “tập đoàn” các xe sọt và nông dân. “A Lô. Anh ngang mô rồi? Tui cây số 52 rồi nè. Ok... Ok”. Cứ sau những cuộc điện thoại ấy là chúng tôi đánh xe vào những địa điểm khác nhau ở hai huyện Krông Pắc hoặc Ea Kar tùy nơi để chờ những thương lái xe sọt. Sau cú đá chân chống, chưa đầy 15 phút tất tần tật từ cân, đưa hàng lên xe bán tải, tính tiền là xong một cuộc giao dịch. Có khi trên đường chúng tôi gặp một số xe sọt chạy ngược chiều, tài xế chúng tôi thắng gấp, quay xe lập tức đuổi theo hỏi mua bằng được những trái mãng cầu nếu có. Mặt hàng mà đoàn chúng tôi “săn” chủ yếu là mãng cầu Xiêm Thái. Do thị trường đang hụt mặt hàng này, mà đơn hàng đến hẹn phải giao cho đối tác đang gấp nên nhiều ngày qua cơ sở của chị Toàn huy động lực lượng đi về các địa phương thu mua, thu gom. Bất kể lớn bé, ít nhiều, đi trên đường hễ thấy xe sọt là chúng tôi dừng xe “hốt” hết. Giá cả mua bán “rẹt rẹt” không cò kè. Tùy vào chất lượng mà giá có thể 12 – 17 ngàn đồng/kg. Nhiều nông dân người Ê Đê cũng rất sốt sắng bán mãng cầu cho chị Toàn vì là bạn hàng quen. Dẫu mới “bòn” trong vườn được mươi quả, họ cũng chờ chị Toàn đến lấy. “Nhà mình có 3 cây thôi. Khoảng 10 ngày mình mới hái một lượt. Nhiều người hỏi mình để mua, nhưng mình không bán. Mình để dành cho chị Toàn vì là chỗ quen biết nhiều năm.”, một phụ nữ đồng bào Ê Đê ở gần QL26, xã Krông Búk, huyện Krông Pắc, kể ngay vừa khi bán được gần 6kg mãng cầu cho đoàn chúng tôi. Mãng cầu Xiêm Thái được bà con nông dân ở Đắk Lắk trồng quanh vườn nhà, hàng rào để phủ xanh, vốn như loại cây trồng phụ, không phải chủ lực trong sinh kế. Những năm gần đây, loại trái cây này được thị trường ưa chuộng, dùng để pha chế nguyên liệu, hương liệu cho một số nước ép hoa quả cung ứng thị trường nội địa hay xuất khẩu, nên được tiêu thụ nhiều. Mỗi cây trưởng thành có thể cho chu kỳ 2 tuần một lượt thu hoạch. Chị Toàn nói có hai vùng nguyên liệu lớn của nước ta trồng loại trái cây này là ở miền Tây và Tây Nguyên. Thời gian gần đây, loại trái cây này hụt hàng ở miền Tây thì Tây Nguyên, nhất là Đắk Lắk vẫn còn dồi dào. Tuy nhiên, khi mà chưa đúng chu kỳ thu hoạch thì khó nguồn hàng, nên “hụt hàng” và phải “săn” từng kí lô một. Còn khi vào chính chu kỳ thu hoạch, thì mỗi ngày nhóm chị Toàn thu vào vài chục tấn là chuyện bình thường. Không chỉ vậy những lái sọt lẫn ô tô tải sẽ vận chuyển mãng cầu đến tận cơ sở của chị Toàn chứ không phải đi săn từng kí lô như chúng tôi lúc này. Lực lượng lái sọt ở Đắk Lắk là bạn hàng của chị Toàn có cả trăm người, người nào cũng làm ăn gắn bó 5 – 7 năm. Họ từng là đồng nghiệp, nay thành đối tác trong chuỗi liên kết đưa sản phẩm nông dân ra khỏi nương rẫy, có mặt trên thị trường lớn trong và ngoài nước. Để đáp ứng nguồn hàng cho chị Toàn, hằng ngày cánh lái sọt thường ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng, vào nương rẫy, vườn nhà dân lựa chọn, thu hái rồi mang về nhập cho cơ sở của chị Toàn. Hoặc chị Toàn hẹn địa điểm thích hợp nhận hàng. Anh Vũ Đức Anh, 42 tuổi, ở thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar, Đắk Lắk làm nghề lái sọt được 10 năm nhưng đã có chừng 6 năm làm ăn với chị Toàn. Anh kể hằng ngày anh đi ít thì 100km, nhiều hơn thì 150km. “Như hôm nay mình đi từ nhà qua cây số 52, rồi qua huyện M’Drắk, về Cư Yang sang Cư Bông, quay về lại 52 mới được mấy chục kí lô mãng cầu đó. Chiều nay tranh thủ đi tiếp.”, anh An nói rồi lên xe hướng thẳng vào làng. Anh “Teo 47”, biệt danh của một lái sọt có tiếng đất Krông Pắk, kể rằng 4 giờ anh đã ra khỏi nhà, đi vào rất nhiều buôn làng. Từ Eakar, qua Krông Pắk thậm chí xa hơn, để săn từng kí lô mãng cầu. Tùy theo nhu cầu thị trường mà anh “chạy” các loại nông sản khác nhau. Sầu riêng, dứa (thơm), dâu, mít, chuối, bơ, chôm chôm... thứ gì vào vụ thu hoạch, thị trường tiêu thụ thì anh “Teo 47” đều thu mua của nông dân về nhập cho các cơ sở trái cây, nông sản như chị Toàn. Đội ngũ xe sọt như anh “Teo 47” có hàng trăm người. Họ rời khỏi nhà từ 4 giờ đến chiều muộn mới về nhà. “Nghề này gặp mặt hàng gì thị trường cần thì đi thu mua về nhập cho các cơ sở lớn. Suốt ngày về với nông dân và chạy từ làng này qua buôn khác. Cực nhưng cũng rất vui.”, anh “Teo 47”, tâm sự. Nghề lái sọt có cả nam lẫn nữ. Ai cũng đen đúa vì đi giữa nắng mưa. Chị Nguyễn Thị Lan, 36 tuổi, ở thôn 3, xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, Đắk Lắk đã có nhiều năm đi thu mua nông sản và cũng là bạn hàng thân thuộc của chị Toàn. Họ đã có mối giao thương nhiều năm qua và cứ có mặt hàng gì cần thu mua là chị Toàn kết nối ngay với chị Lan. “Mình đi từ 5 giờ sáng đến giờ mà mới được có vài chục kí lô. Đợt này mãng cầu chưa ra nhiều nên mua hơi khó. Có cây phải trèo lên cao mới hái được vài trái. Cũng vất vả lắm nhưng làm nghề lâu thành quen. Tới mùa sầu riêng mình lại đi hái sầu riêng. Nông dân bán được tiền mình cũng rất vui.”, chị Lan kể. Tây Nguyên mùa này nắng mưa bất chợt. Mới nắng đấy nhưng hứng trọn cơn mưa nặng hạt suốt cả giờ cũng là chuyện thường. Với vợ chồng chị Toàn, chuyện này càng quen. Đi suốt chặng đường gần cả trăm cây số, lùng sục các ngõ hẻm, đoàn chúng tôi từ sáng tới trưa cũng chỉ mới thu gom được chừng vài tạ mãng cầu. Đây là con số không tồi, nhưng quá ít so với ngày thường. Chúng tôi nhẫn nại chờ sang buổi chiều, để gom được kí nào thì gom. 12 giờ trưa, chúng tôi quay về tránh nóng và soạn bữa ăn trưa ngay dưới cổng chào ở cây số 68, trên QL 26, thuộc xã Ea Đar, huyện Ea Kar. Bữa trưa “dã chiến” đã được chuẩn bị với khẩu phần một người một hộp cơm. Sở dĩ chúng tôi ngồi dưới cổng chào để ăn trưa là vừa tránh nóng, vừa thuận đường cho các lái sọt, vừa không để “sổng” bất cứ chiếc xe sọt vãng lai nào nếu có chở mãng cầu. Chị Toàn mặt đờ đẫn, đỏ ong vì nắng nóng. “Nữ tướng” vừa ăn lấy lệ vừa động viên mọi người cùng ăn. Chúng tôi biết “sếp” mình mệt, khó nuốt nổi cơm nên mọi người lôi chuyện tào lao vạn tượng vào mâm cơm dã chiến cho khuây. Đang những tiếng cười giòn thì một số lái sọt đội nắng đưa hàng đến. Lại có chị nông dân Ê Đê gom được khoảng chục kí lô mãng cầu trong vườn, hớn hở đèo theo con nhỏ trên chiếc xe máy mang đến bán cho chị Toàn. Lấy được 100 ngàn đồng có lẻ, người phụ nữ quay xe trở về nhà trong niềm vui nhỏ. Chúng tôi bỏ bữa, nhận hàng giữa nắng cháy mà càng thêm vui. Đắk Lắk - thủ phủ Tây Nguyên - cũng là tỉnh sản xuất nông nghiệp lớn nhất, nhì đất nước với khoảng 627.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Tây Nguyên trù phú và là nơi cung ứng cho thị trường rất nhiều nguồn nông sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mắc ca, cà phê, cao su, điều, tiêu... cùng rất nhiều loại nông sản “bình dân” khác như dứa, chuối, mít, nhãn, chôm chôm, mãng cầu, thanh long... Nông sản Đắk Lắk hiện diện cả bốn mùa, tùy mùa mà có những loại cây trái củ quả khác nhau để cung ứng cho thị trường. Gần 10 năm “lăn lộn” trong ngành buôn bán nông sản, chị Toàn có hàng tá số điện thoại của những người lái xe sọt. Đây là lực lượng lớn, trực tiếp vào các buôn làng thu mua nông sản, sau đó họ mang đến nhập bán cho các cơ sở thu mua nông sản. Sau này vợ chồng chị Toàn thành lập cơ sở thu mua lớn ở huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk thì mạng lưới các lái buôn đi xe sọt trở thành những đối tác làm ăn với những nguyên tắc rất chặt chẽ. Họ xác định khi làm ăn với nhau là những “bạn hàng” chứ không chỉ là người “bán hàng”. “Trong nghề này, thiếu chữ tín, chữ tình là hỏng, thua. Mình với họ sống tốt với nhau là không ai bỏ ai, dẫu khi khó khăn, nguồn nông sản có bấp bênh cỡ nào.”, chị Toàn tranh thủ cho tôi những kiến thức cơ bản để bỏ túi. Thuở mới bước vào nghề, vợ chồng chị Toàn cũng là những người trực tiếp vào buôn làng, đánh bạn với nông dân thu mua từ kí lô nông sản. Khi chưa có ô tô bán tải, vợ chồng chị Toàn đi xe máy rảo khắp Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, thậm chí sang cả Bình Phước. Trên dặm dài làm ăn, với họ đâu cũng có thể là nhà. Do không có người chăm, có khi họ phải bồng con nhỏ theo mình đi các tỉnh thu mua nông sản. Đi cả tháng trời mới về nhà. Đôi chân của vợ chồng quê miền Trung vào Tây Nguyên lập nghiệp này đã đi qua vô số các buôn làng trên bước hành trình đồng hành với nông dân tiêu thụ sản phẩm. “Người nông dân bình thường đã khổ, người nông dân đồng bào vùng cao còn khó khăn hơn khi thiếu phương tiện vận chuyển, tập quán canh tác, phương tiện sản xuất, giao thông đi lại. Người ta nói thương lái hay ép giá nông dân, cái đó khó phủ nhận, nhưng cũng tùy người. Cái chính là mình để lại chữ tín với bà con. Họ quý mình như con cháu, như người thân, bạn bè thì quả đắng cũng thành ngọt.”, chị Toàn chia sẻ. Cách đây khoảng 6 năm, sau một thời gian bôn ba thu mua nông sản, vợ chồng chị Toàn ít đi hơn do mở rộng quy mô, hoạt động của cơ sở thu mua nông sản “Bốn mùa Tây Nguyên” của mình. Từ người buôn bán nhỏ lẻ, chị Toàn kết nối với một số đối tác lớn tại vùng Đông Nam Bộ, nhất là TP.HCM và Bình Dương. Chị Toàn đảm bảo cung ứng cho các hợp đồng, đơn hàng của đối tác. Tùy vào nhu cầu của doanh nghiệp mà chị Toàn thu mua các loại nông sản khác nhau. Mãng cầu, sầu riêng, dứa, dâu tây, xoài... loại nào có đơn hàng, chị Toàn tổ chức lực lượng đi mua, hoặc thông qua đội ngũ xe sọt, những lái buôn khác thu gom từ các buôn làng mang về tận cơ sở của chị Toàn nhập. Từ đó cơ sở thu mua, sơ chế nông sản của vợ chồng chị Toàn nằm bên Tỉnh lộ 8, xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar, Đắk Lắk luôn tấp nập không khí lao động hăng say. Có những thời điểm, chưa kể đội ngũ lái sọt, cơ sở thu hút và tạo việc làm cho cả trăm người lao động. Công nhân làm việc tại Cơ sở Nông sản Bốn mùa Tây Nguyên của vợ chồng chị Toàn phần lớn là lao động nữ, làm việc thời vụ có, dài hạn cũng có. Có những người gắn bó với chị Toàn cả 6 năm qua từ khi mới thành lập. Họ xem cơ sở là nhà thứ hai của mình, xem vợ chồng chị Toàn như em út, người thân. Chị Toàn cho biết, trung bình hằng ngày có khoảng 50 lao động làm việc cho cơ sở, chiếm đa số là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, sống ở huyện Cư M’Gar. Điều đáng quý là anh chị em công nhân làm việc luôn hăng say, nhiệt tình, tuân thủ quy trình quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh lao động. Sau khi được theo chân “học nghề” làm lái buôn đi thua mua nông sản, tôi có dịp vào cơ sở thu mua, sơ chế nông sản của chị Toàn, được chuyện trò với nhiều công nhân, người lao động nơi đây. Cảm giác đầu tiên bước vào cơ sở này là thơm lừng mùi hoa quả. Ong mật là khách không mời nhưng lúc nào cũng hiện diện, nhưng điều đó không làm các công nhân phiền lòng, thậm chí họ thấy vui. Hàng tấn mãng cầu chị Toàn mua về được lót và ủ bạt thủ công để quả chín, không hề dùng hóa chất. Mãng cầu sau đó sẽ được sơ chế, tách vỏ, hạt và đóng vào bao bì, cấp đông để chuyển vào các tỉnh phía Nam cung ứng cho đối tác. Cứ 1 – 2 ngày, chị Toàn lại “đi” một container nhập vào cho các đối tác TP.HCM, Bình Dương... Đối với những loại nông sản khác như dứa, dâu tây công nhân tỉ mỉ dùng dao tách vỏ, lựa những phần chất lượng nhất để cung ứng cho đối tác. Nguồn nông sản chị Toàn cung ứng sẽ được chế biến thành những thức uống, thực phẩm để xuất khẩu ra nước ngoài, hoặc cung ứng cho thị trường trong nước. Tất cả công nhân, người lao động đều được chị Toàn đào tạo lại, hướng dẫn quy cách kỹ thuật để đảm bảo các yêu cầu theo đơn hàng của đối tác. Chỉ sau một thời gian ngắn, ai cũng thành thạo. Chị Mỹ Vân, nữ công nhân người đồng bào Ê Đê có 4 năm làm việc cho cơ sở chị Toàn kể rằng nhà chị ở xã Cư Suê. Ban đầu cũng được chị Toàn đào tạo, hướng dẫn, nay thì chị Vân đã thạo nghề. Mỗi sáng chị cùng với các công nhân khác đến cơ sở làm vệ sinh dụng cụ lao động, vệ sinh các loại quả, sau đó ngồi vào bàn làm việc bóc tách vỏ hạt, gọt bỏ các chất bẩn, hư của các loại quả. Mỗi ngày làm 8 giờ, nếu tăng ca đều có tiền làm thêm. “Mỗi tháng mình được 8 triệu đồng. Làm ở đây rất vui. Chị em đoàn kết, vợ chồng chị Toàn luôn xem mình như người nhà nên ai nấy cũng cởi mở, thích làm việc gắn bó lâu dài.”, chị Vân tâm sự. Còn chị Vũ Thị Huyền, 45 tuổi, ở thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’Gar, người gắn bó với Cơ sở Nông sản Bốn mùa Tây Nguyên, kể rằng chị vốn dĩ làm nương rẫy, nhưng sau khi có cơ sở nông sản của chị Toàn thì chị đến gia nhập làm công nhân sơ chế. Việc nương rẫy để chồng đảm trách. Nhà chị có 200 – 300 cây mãng cầu Xiêm Thái. Vào vụ thu hoạch đây là nguồn thu khá ổn của gia đình. Cũng với mức lương công nhân 7 – 8 triệu đồng, chị Huyền có thể yên tâm các chi phí sinh hoạt, học tập của con cái. “Chị Toàn rất thương và sống tình cảm công nhân. Thu nhập và công việc ở đây đều rất phù hợp với chị em. Vừa làm việc ở đây gần nhà, ngoài giờ làm việc chính, về nhà còn có thể làm việc thêm ở nhà, chăm sóc vườn tược cây cối nên ai cũng muốn gắn bó.”, chị Huyền chia sẻ. “Nghề này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vợ chồng mình không biết bao lần khóc ròng vì nông sản mua về bị hư, sâu, úng, không đảm bảo chất lượng. Những lần như thế hàng chất thành đống, lỗ toe tua. Rồi vợ chồng động viên nhau gượng dậy. Làm lại. Cũng có lời có lỗ. Nhưng không có thành công nào mà không trải qua thất bại. Bây giờ thì thấy anh chị em lao động, công nhân làm việc miệt mài, vui vẻ, đầm ấm. Ngày nào cũng rộn rã tiếng cười, là mình vui rồi.”, chị Toàn kể. |