Tại Hội Báo toàn quốc 2022, người ta dễ dàng bắt gặp 2 người phụ nữ trong bộ đồng phục công nhân vệ sinh môi trường đi qua các gian trưng bày. Họ dừng lại rất lâu tại một quầy thư pháp nườm nượp khách ra vào. Một chị xin chữ “Học” còn một chị xin chữ “Tiền”. |
Chị Tình (52 tuổi, công nhân thu gom rác tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội), người xin chữ “Tiền” nói với người viết thư pháp: "Bây giờ tôi chỉ mong có tiền". Anh này tỏ vẻ ngạc nhiên. Quả thực, 2 ngày qua, dù đã viết hàng trăm chữ với những nét “rồng bay phượng múa” nhưng anh chưa thấy ai đề nghị cái chữ độc đáo một cách thực dụng như vậy.
Tư duy mất 5 giây, anh đặt nét bút đầu tiên. Chữ “Tiền” dần hiện ra trên mặt giấy ngà vàng thơm phức, nom cũng đèm đẹp. Anh còn khuyến mại cho khách hàng thêm dòng chữ: “Tiền vào như nước”. Trước đó, khi còn làm công việc tại Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội, chị Tình cùng hàng trăm công nhân khác từng bị nợ lương suốt 6 tháng. Tạp chí Lao động và Công đoàn đã phản ánh vụ việc này qua loạt phóng sự điều tra, đồng thời cung cấp thông tin cho nhiều báo, đài cùng vào cuộc. Sau loạt bài, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị kiểm tra, xử lý. Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội sau đó buộc phải chi trả lương cho công nhân. Nhiều người có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm. LĐLĐ TP Hà Nội cũng trao hỗ trợ xây, sửa 5 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có chị Tình. |
Chị Tình chăm chú xem ông đồ cho chữ - Ảnh: Ý Yên |
Hội Báo toàn quốc năm nay, Tạp chí Lao động và Công đoàn mời chị tới chia sẻ về câu chuyện của mình. Đồng thời, cũng để chị cảm nhận được tinh thần đoàn kết, nhân văn của các cơ quan báo chí trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động. Nữ công nhân kể rằng, chồng chị mất cách nay 16 năm vì bệnh tim, chị ở vậy nuôi con. Vài năm trước, con gái chị lấy chồng, sinh đứa thứ hai được 6 tháng thì vợ chồng lục đục, rồi ly hôn. Toà xử cho con chị nuôi đứa nhỏ nhưng được vài tháng sau thì phát hiện cháu bị suy thận. Mấy năm nay, chị Tình đi làm công nhân quét rác, nuôi 3 miệng ăn, lại lo thuốc thang chạy chữa cho cháu ngoại. Con gái chị mới đi bước nữa nhưng người phụ nữ lam lũ này vẫn thường xuyên phải hỗ trợ cho con tiền thuốc thang chữa bệnh cho cháu ngoại. Chị luôn bị ám ảnh bởi cảnh thiếu tiền. Trong không gian thư pháp, khi được hỏi muốn xin chữ gì, chị cũng chỉ nghĩ đến “Tiền”. |
Chị Tình (bên phải) ngồi tại gian trưng bày của Tạp chí Lao động và Công đoàn, tại Hội Báo toàn quốc 2022 - Ảnh: Ý Yên |
Một buổi chiều oi ả, trên con đường vào xã La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội), tôi bị kẹt cứng giữa những dòng xe tải lớn nhỏ chen chúc nhau ra vào. Địa phương này nổi tiếng gần xa, được báo chí đặt tên là “thủ phủ của bánh kẹo nhái”, nơi luôn nhộn nhịp với những chuyến hàng di chuyển đêm ngày. Trái ngược với bầu không khí buôn bán sôi động ấy, căn nhà chị Tình nằm yên ắng, sâu tít trong con ngõ ngoằn ngoèo, chật hẹp ngay thôn Chùa Tổng. Nó vốn là đất ruộng, diện tích khoảng 3 chục mét vuông, dài thượt. |
Gác xép bụi bặm là nơi đặt bàn thờ và chứa quần áo cũ - Ảnh: Ý Yên |
Nữ công nhân kể, gần 30 năm trước chị lấy chồng qua mai mối, chồng chị mồ côi từ nhỏ, gia tài chỉ có căn nhà ngói xập xệ, chật chội mà 3 gia đình ở chung. Về sau, chính quyền địa phương thấy khổ quá mới cấp cho vợ chồng chị thửa đất dựng nhà ở tạm, đến nay cũng không có giấy tờ, sổ đỏ. Bây giờ, căn nhà cũng thành hình nhưng trống trơn, không ti vi, không bàn ghế, có chiếc tủ lạnh cũ được người ta cho, bên trong là vài quả trứng, 2 quả xoài héo queo quắt. Sàn nhà vương vãi vỏ thuốc chữa bệnh, giẻ lau và những đôi giày bảo hộ nằm chỏng chơ... Chị Tình "khai quật" kho quần áo cũ - Ảnh: Ý Yên |
Gác xép được ghép lại từ những tấm cốp pha, nơi chị đặt bàn thờ chồng và chứa mấy bao tải quần áo cũ được người ta cho. Bụi bặm, mốc meo. Thỉnh thoảng chị lại lên “khai quật”, cái nào dùng được thì dùng, không thì mang xuống làm giẻ lau nhà. “Em vào cách đây một năm thì chỗ này như nhà hoang thôi, không có gì đâu. Công đoàn TP Hà Nội hỗ trợ mấy chục triệu đồng sửa sang lại nhà mới sáng sủa được vậy đấy”, chị Tình nói khi thấy tôi đưa mắt quan sát căn nhà. Chị Tình mời tôi ngồi xuống chiếc giường gỗ gấp lại thành ghế. Đây là chỗ tiếp khách, cũng là nơi chị nằm ngủ. Xoay chiếc quạt cây hướng về phía khách, chị cười: “Cả gia tài chỉ có cái quạt đẹp nhất thế giới”. |
Chiều ấy, Kim, 26 tuổi – con gái chị Tình đưa đứa con trai đi khám bệnh định kỳ tại Bệnh viện Xanh-Pôn. Kim nghỉ học sớm, lấy chồng sớm, đẻ được 2 đứa con trai, mỗi lần vợ chồng lục đục lại bế con về nhà ngoại. Một đêm, chị Tình thấy con gái ôm theo cháu ngoại về gọi cửa thì cấm không cho vào, còn khuyên con “sống làm người nhà chồng, chết làm ma nhà chồng”, đã chọn yêu, chọn lấy thì phải chọn chấp nhận. Nào ngờ, Kim bế con đi lang thang bặt tăm một tuần, chị đạp xe đi tìm khắp nơi, cuối cùng gặp con đang ôm cháu ngoại trong một cái cống ở tận trên thị trấn Phùng. Sợ con nghĩ quẩn, chị phải cầu xin để được cưu mang. |
“Có rau, có cháo cũng phải lo cho con, cho cháu. Vợ chồng chúng nó chính thức bỏ nhau khi đứa con thứ hai được 6 tháng tuổi. Lúc ra tòa, thằng bé vẫn còn bú mẹ, toà xử cho con gái tôi nuôi con. Vài tháng sau, người cháu cứ phù chướng lên, đưa đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai thì phát hiện cháu bị suy thận. Lúc ấy tâm trạng của tôi quá chán nản”, chị Tình kể lại. Mấy năm nay, chị gồng gánh cả gia đình 3 miệng ăn bằng đồng lương ít ỏi của mình. Chưa kể phải chi tiền thuốc men điều trị và chế độ ăn đặc biệt cho cháu ngoại. Những đợt dịch Covid-19, thuốc không về kịp, phải mua thuốc ngoài, tốn kém vài triệu đồng mỗi tháng. “Bệnh này chỉ chậm thuốc có vài ngày là cháu lại phù to lên”, chị cho biết. |
Cháu ngoại chị Tình trong một lần cấp cứu tại bệnh viện - Ảnh: NVCC |
Ngoài những lúc thu gom rác, chị lại tranh thủ đi rửa bát ở quán phở, khi thì đi bốc hàng, phụ xây, bê gạch để có thêm thu nhập. “Khoẻ lắm! Nhưng sang đến năm nay thấy sức khoẻ yếu đi. Chân tay nhiều khi run, mồ hôi thỉnh thoảng cứ tứa ra, nhiều khi cứ phải cố. Có lúc cả đêm nghĩ ngợi chẳng ngủ được, gần đến giờ đi làm thì mắt díu lại, nhưng đến giờ phải đi rồi, lại cố dậy. Đến trưa về phải uống thuốc ngủ. Không ngủ được thì lại đi nhặt ve chai bán, có đồng nào hay đồng ấy, dành dụm để nuôi con, nuôi cháu. Vừa rồi tôi bị ngã, giãn dây chằng, phải nghỉ ở nhà điều trị hơn nửa tháng”, chị Tình chia sẻ. Chị nói: “Nhiều lúc nghĩ rằng con cháu là gánh nặng quá lớn nhưng tôi chỉ có một đứa con, cũng xót con, không dám kêu. Xót nhất là đứa cháu mang bệnh”. |
Con gái chị dù thương mẹ nhưng không còn cách nào khác là phải ở nhà chăm con, làm việc nhà, chấp nhận mang tiếng “ăn bám” mấy năm. “Em cũng muốn đi làm nhưng con còn nhỏ quá, lại mang bệnh tật. Mà bệnh này phải thuốc thang thường xuyên. Mẹ em không biết chữ, lại hay quên, đơn thuốc bác sĩ kê mà cho cháu uống không đúng liều rất nguy hiểm. Em buộc phải ở nhà chăm con. Mấy năm qua mẹ con em sống được là nhờ mẹ”, con gái chị Tình bộc bạch. “Nó cũng suy nghĩ nhiều lắm, buồn nhiều lắm nhưng hoàn cảnh thế rồi, biết làm thế nào được. Vừa rồi nó “chát chít” trên mạng, quen một cậu ở Hà Tĩnh, thế là ra Tết chúng nó lấy nhau, chẳng tổ chức cưới hỏi gì. Bây giờ mẹ con nó ở trong đó, thỉnh thoảng ra Hà Nội khám bệnh, lấy thuốc, tá túc ở nhà tôi”, chị Tình cho biết. Kim thì thú thực với tôi rằng cô đi lấy chồng để cho mẹ bớt khổ. Nhưng cô cũng cho biết, hằng tháng mẹ vẫn hỗ trợ vài triệu để cô có chi phí chữa bệnh cho con. Ông Đỗ Thiện Hưng, Trưởng thôn Chùa Tổng xác nhận, gia đình chị Tình thuộc hộ cận nghèo. Chính quyền địa phương trước nay luôn quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, đặc biệt trong thời gian chị phải cưu mang con gái và cháu ngoại bị bệnh. |
Ý YÊN Đồ họa: An Nhiên |