27 người từng là công nhân vệ sinh môi trường của Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân – hiện đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội, đồng loạt ký vào lá đơn gửi tới Tạp chí Lao động và Công đoàn, trình bày về việc họ bị công ty này nợ lương 5 tháng của năm 2020, đến nay vẫn chưa được thanh toán. Chúng tôi xin trích lại nguyên văn một phần lá đơn của tập thể công nhân: “Do công ty không trúng gói thầu thu gom rác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm năm 2021 nên công ty đã chấm dứt hợp đồng lao động với chúng tôi. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn còn nợ lương của chúng tôi, tiền lương từ tháng 8/2020 đến hết tháng 12/2020, tổng cộng là 5 tháng. Đến nay đã hết tháng 4/2021 mà công ty vẫn chưa trả. Công nhân chúng tôi đã nhiều lần tới công ty yêu cầu thanh toán tiền lương đang nợ nhưng công ty đều hẹn lại…” |
Công nhân phải đi vay lãi để sống Chị Lê Thị Thịnh, 42 tuổi, làm việc tại Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân (nay là Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội) từ năm 2017. Công việc chính của chị là đi quét đường, thu rác khu vực cầu Ngà; thôn Lò, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Sau này, chồng chị cũng vào công ty, hằng ngày cùng vợ đi thu rác. Công việc vất vả, đồng lương ít ỏi (trên 5 triệu/người/tháng) nhưng cũng đủ để anh chị trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học. Và thực tế, mọi chuyện vẫn ổn cho đến khi công ty nợ lương của anh chị suốt từ tháng 8 đến tháng 12/2020, tổng cộng khoảng 50 triệu. “Tôi từng đến công ty nhiều lần. Công ty khất lần khất lượt, tháng này hẹn sang tháng sau. Vợ chồng tôi cứ hy vọng nên cũng gắng gượng làm việc, rồi đi vay tiền để sống. Vay hết người thân quen rồi cực chẳng đã phải đi vay lãi đến bây giờ chưa trả xong nợ”, chị Thịnh nói. |
Bị công ty nợ lương, chị Lê Thị Thịnh phải đi vay lãi để trang trải cuộc sống gia đình |
Cùng cảnh ngộ, hai mẹ con bà Nguyễn Thị Tính (62 tuổi), ở Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng bị Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội nợ mỗi người 4 tháng lương. Bà Tính nói trong nước mắt: “Họ hẹn hết tuần này sang tuần khác. Họ hứa trả lương khiến chúng tôi mừng thầm nhưng rồi họ lại thất hứa. Tôi phải vay mượn anh em từng đồng để ăn”. |
Vợ chồng lục đục chuyện tiền nong Chị Nguyễn Thị Cành, 48 tuổi, tỏ ra ái ngại khi tiếp PV trong căn nhà tuềnh toàng hình lưỡi cày có diện tích chưa đến 10m2 nằm sâu trong con ngõ nhỏ ở làng Phú Đô. Vợ chồng chị làm việc tại công ty từ năm 2017, thời điểm công ty trúng thầu thu gom rác thải ở 6 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. “Thời gian đầu, công ty trả đúng hạn nhưng đến năm 2018 thì nợ lương công nhân triền miên. Việc nợ lương kéo dài đến năm 2020, càng về sau, công ty càng nợ nhiều”, chị Cành cho biết. Hiện vợ chồng chị Cành bị công ty nợ lương tổng cộng 11 tháng. Từ năm ngoái đến nay, gia đình phải đi vay tiền họ hàng để trang trải cuộc sống, nuôi 2 đứa con đang tuổi đi học. |
Chị Nguyễn Thị Cành buồn bã kể về những lần chạy vạy khắp nơi "xoay" tiền đóng học cho các con |
Chị cho biết, nhiều lần giáo viên gọi điện nhắc đóng tiền học cho các con mà không có. Chồng chị - anh Ngô Văn Quang bị câm điếc bẩm sinh, vốn hiền lành nhưng vì chuyện tiền nong túng thiếu mà sinh ra ức chế, thỉnh thoảng “đá thúng, đụng nia”, có lần đuổi đánh vợ. “Tôi xấu hổ, tủi nhục lắm! Tiền vay mượn cũng chỉ đủ để ăn uống tằn tiện qua ngày. Người ngoài nhìn vào thấy hai vợ chồng đi làm ngày đêm ai cũng bảo có tiền nhưng đâu biết công ty nợ lương”, chị Cành nói. Trong hai đợt dịch Covid-19 năm ngoái, vợ chồng chị Cành được công ty bố trí tăng cường thu gom rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tại bệnh viện dã chiến (Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm).
Bộ quần áo đồng phục cũ vẫn được treo trong căn nhà chị Cành nhắc nhớ về một khoản nợ "khó đòi". Khối lượng công việc nhiều, tiềm ẩn nguy hiểm, họ được công ty hứa hẹn có phụ cấp thêm cho mỗi người vài chục nghìn/ngày. Dù biết là nguy hiểm, dù có lo sợ nhưng vì cuộc sống mưu sinh anh chị vẫn bất chấp để đi làm. Nhưng tất cả các khoản tiền lương, phụ cấp trong từng ấy thời gian đến bây giờ vẫn chỉ nằm trên giấy tờ. Chị Đào Thị Tình, 50 tuổi, công nhân cũng được tăng cường thu gom rác tại bệnh viện dã chiến trong 2 đợt bức xúc nói: “Vì hoàn cảnh quá khổ mới phải đi bốc cái rác bẩn thỉu, ô nhiễm để ra đồng tiền. Thế mà công ty không trả cho công nhân, để các chị em đói khổ. Lúc nào lên công ty cũng chỉ mong được trả tiền, 30 Tết chờ công ty để yêu cầu thanh toán cũng không thanh toán. Gần đây nhất công ty hẹn tháng 4 trả mà bây giờ sang giữa tháng 5 rồi vẫn không thấy trả”. |
Công ty liên tục thất hứa Trao đổi với PV, chị Nguyễn Thị Phương, Tổ trưởng Tổ Môi trường phường Cầu Diễn – người được công ty giao phụ trách theo dõi, quản lý, trả lương cho công nhân vệ sinh môi trường thuộc hai địa bàn phường Cầu Diễn; Tây Mỗ và Tổ Dịch vụ; lái xe (quận Nam Từ Liêm), cho biết: “Công ty hiện đang nợ lương công nhân từ 4 - 6 tháng. Có những gia đình cả nhà làm cùng công ty, mỗi người bị nợ từ 20 - 30 triệu”. Từ năm ngoái đến nay, các công nhân nhiều lần yêu cầu công ty thanh toán tiền lương nợ đọng nhưng không được giải quyết. Là tổ trường, hằng tháng, chị Phương lại lên công ty vài lần để yêu cầu công ty trả lương cho công nhân. Nhưng, như chị nói: “Công ty hứa hết ngày này sang ngày khác. Có những lúc hứa nhiều lần không trả, tôi phải đề nghị các đồng chí ở Ban dự án quận can thiệp. Họ tổ chức cuộc họp có đại diện công ty, các tổ trưởng, trong đó có tôi, họp để thống nhất ngày trả lương. Sau mỗi lần như vậy, công ty lại ứng cho mấy chục triệu về cân đối cho mọi người”. |
Công nhân mệt mỏi chờ lương tại công ty trong những ngày giáp Tết 2021. |
Cuối năm 2020, trước sức ép đòi lương, Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội tiến hành bàn giao danh sách các hợp đồng rác dịch vụ để chị Phương đôn đốc, thanh toán với lời cam kết “tổng số tiền dự kiến thu về từ các hợp đồng rác dịch vụ được xem là trả lương cho tổ vệ sinh môi trường”. Mặc dù vậy, khi các đơn vị đã thanh toán, tiền đã về tài khoản công ty, nhưng công ty vẫn không giữ đúng lời cam kết, và vẫn tiếp tục “ứng” tiền nhỏ giọt, mỗi lần vài chục triệu, nhiều nhất là 200 triệu cho việc trả lương. Nhưng số tiền đó chẳng thấm vào đâu so với số tiền mà công ty nợ công nhân. Chị Phương thông tin, thời điểm hiện tại chỉ tính riêng Tổ Môi trường phường Cầu Diễn và Tây Mỗ có 66 công nhân, đều đang bị công ty nợ lương, tổng số tiền trên 1,8 tỷ đồng. |
|
Hiện nhóm công nhân đang gửi đơn tới các cơ quan chức năng đề nghị giúp đỡ giải quyết quyền lợi. Họ cũng kêu gọi các công nhân đang còn bị Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội nợ lương cùng lên tiếng đòi quyền lợi. Công ty CP Tập đoàn Nam Hà Nội có địa chỉ đăng ký tại số 28A, TT10, Khu đô thị Văn Quán, phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP Hà Nội; mã số doanh nghiệp: 0500559163. Người đại diện pháp luật hiện tại là ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc công ty. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin! |
Bài, ảnh & video: Ý YÊN - NGỌC CHÂM |
Chống dịch kiểu nhà nghèo
Y bác sĩ trên chiếc xe cà tàng chào nhau vào tâm dịch ở Hà Nội, y bác sỹ nằm vật ra sàn, trên ghế ... |
Phát động “Trai xinh – Gái đẹp các khu công nghiệp” tuần 12 trong năm 2021
Qua 11 tuần thi, Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn đã nhận được nhiều bức ảnh của các bạn công nhân trên cả ... |
Anna Jung - Nữ giám đốc khiến công nhân cảm kích
Là giám đốc của một doanh nghiệp FDI 100% vốn nước ngoài, nữ giám đốc người Hàn Quốc Anna Jung đã đến với công nhân ... |