'Chẳng có gì ngạc nhiên khi giải VOC phát triển đến mức như bây giờ'
Kinh tế - Xã hội - 31/10/2022 15:57 PHƯƠNG HUYỀN
[PVOIL VOC 2022] 'Biết sao giờ, máu nhiễm bùn mất rồi!' |
Hẹn gặp Nam Vũ (Vũ Hoài Nam) vào một ngày đầu tháng 10, xưởng ô tô của anh tấp nập với biết bao nhiêu chiếc xe đến nâng cấp, độ đẽo. Ở bên trong gian phòng tiếp khách, âm thanh xe sửa ồn ào thi thoảng lại vang lên làm gián đoạn cuộc nói chuyện. Cứ mươi mười lăm phút, chuông điện thoại của Nam Vũ lại reo lên một lần. Những cuộc gọi liên tiếp hỏi về vấn đề xe cộ trước khi thi đấu được ông chủ xưởng Namvu4x4 trả lời nhanh gọn. Nhiều năm trở lại đây, nhà vô địch hạng Bán chuyên VOC 2011 đã trở thành "quân sư" tư vấn, cung cấp nhiều sản phẩm độ xe của nhiều thương hiệu, hỗ trợ anh em thi đấu VOC rất tích cực.
Sau 10 năm bền bỉ tranh tài ở VOC, Nam Vũ đã thay đổi nhiều. Anh già hơn, gầy hơn và đặt mục tiêu cũng ... khiêm tốn hơn trước. Với Nam Vũ bây giờ, được chơi ở VOC đã là điều hạnh phúc. Cái anh mong muốn hơn cả là mang thật nhiều sản phẩm của mình đến phục vụ đam mê offroad của anh em thi đấu. Với anh, vậy là đủ!
Nam Vũ, nhà vô địch VOC 2011 hạng Bán chuyên. |
- Cũng ngót nghét gần hai thập kỷ theo đuổi offroad, tại sao anh đam mê môn thể thao tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến vậy?
Môn offroad dễ tiếp cận, địa hình tự nhiên đâu cũng có, đây là khởi đầu tốt để thử thách tay lái hay chiếc xe của mình.
Nguy hiểm thì chỗ nào cũng tiềm ẩn. Đi ngoài đường bình thường còn có thể bị tai nạn. Offroad khác ở chỗ mình tham gia nhưng có sự tính toán, chuẩn bị trước. Nó sẽ tốt hơn nhiều so với việc bạn bất ngờ đi đường mà phải nhảy vào đường xấu. Anh em chơi offroad luôn có sự tìm hiểu, chuẩn bị học hỏi nhau. Bên cạnh đó, chơi offroad luôn phải chơi đồng đội, phải hỗ trợ nhau, offroad không đi một mình mà ít nhất phải có một xe nữa đi cùng, nên chẳng có gì nguy hiểm.
Yêu xe, độ xe, nhưng đến độ lôi xe vào đường xấu là cả một quá trình tập luyện đấy. (cười)
- Anh tham gia đua VOC liên tục từ lúc bắt đầu chơi giải này chứ?
Năm 2009 bắt đầu chơi Vô lăng vàng, mùa VOC 2010 chơi được giải Nhì, và năm 2011 thì lên ngôi vô địch hạng Bán chuyên cùng đội Đánh bật bóng đêm.
Sau đó mình nghỉ mấy năm làm trong Ban tổ chức, làm trọng tài, đến 2015 đua lại ở hạng Nâng cấp, làm chã. Năm 2018 được giải ba hạng Cơ bản.
- Năm 2009, ai dẫn dắt anh đến với Vô lăng vàng?
Từ 2003 mình đã chơi offroad rồi. Chẳng ai dẫn dắt, mình là một trong những người lập ra giải. Năm 2009 hồi đó sân bãi to, chính mình và anh Minh Râu Bạc đi tìm địa điểm Đồng Mô để chơi. Hồi đó mọi thứ hoang sơ, giải tổ chức tự phát cho mấy anh em đam mê tham gia, đợt đó có khoảng 20-30 xe gì đó.
- Mất 3 năm từ Vô lăng vàng 2009 đến chức vô địch đầu tiên, cảm xúc của anh khi đó là gì?
Tất nhiên là vui, vì sự đầu tư đã đem lại kết quả. Vô lăng vàng 2009 mình bị lật xe, VOC 2010 mình về hạng Nhì, và đến VOC 2011 thì vô địch hạng Bán chuyên.
Năm 2011 xe mình ổn định tối ưu nhất giải. Năm đó mọi người chưa chơi nhiều mà cũng chẳng tập. Nhớ có bài tời qua 4-5 hố liên tục, mình và chã rất ăn ý, tìm điểm đặt tời chuẩn, qua bài mà vẫn dư mấy chục giây, đội sau xe mình không qua được bài đó, cách biệt 100 điểm. Đây là bài thi mang tính quyết định để lên ngôi vô địch.
- Sự khác nhau của Vô lăng vàng 2009 và các mùa VOC tiếp theo là gì?
Khác nhiều chứ! Đường thi Vô lăng vàng là đường tự nhiên, chỉ cắm cọc cho thành đường thi. Anh em chơi vô tư chưa tính toán. Năm đó mình thi mà cũng không xem đường trước.
Từ năm 2010 giải được công nhận, sự quyết tâm cao hơn, chơi nghiêm túc hơn và chuẩn bị xe tốt hơn, trước thi là mình đã cẩn thận dò đường thi. Từ năm trước đến năm sau xe mình trang bị khác hẳn luôn. Năm 2011 mình gần như là người đầu tiên vượt qua đường đua bò.
Chơi nghiêm túc là mình phải biết có chỗ nào chưa tối ưu, lỗi sai nào: phóng nhanh, thiếu đà, cua hẹp rộng. Cần trao đổi sau bài, rút kinh nghiệm, thi xong mà bảo kệ thì không còn là thi rồi.
So với 2009, càng về sau, giải càng có sự chuyên nghiệp hơn. Ví dụ năm 2010 vẫn thi kiểu chạy một lượt một bài là xong. Nhưng sang 2011 format lạ hơn ở chỗ, cách hôm thi chính thức một tuần là vòng loại, 40 xe thì chỉ chọn ra 20 xe vào vòng chung kết. Tiếp nữa, năm 2011 có 6 bài thi, địa hình trải rộng ra chứ không chỉ có một bài như 2010. Năm đó Lào còn sang 4-5 xe đấu cơ mà.
- Kỷ niệm đáng nhớ của mùa Vô lăng vàng 2009 là gì?
Năm đó mình bị lật xe, do xem đường không kỹ. Vào ngày thi đấu, bài thi đổi một chút so với ban đầu để đảm bảo an toàn, thay vì chạy thẳng từ dốc lên, mọi người cho thêm một đoạn cua trái rồi mới leo lên.
Mình lúc đó chạy hăng, ôm cua trái rất sát và mở của phải rộng ra, vì vậy không nhìn kỹ cái mô đất bên cạnh. Xe lao lên mô đất rồi lật luôn, "kềnh" một cái. Bà con ồ ra, rồi đẩy xe lại, mình nổ máy ra tiếp.
- Năm 2009, anh có nghĩ giải Vô lăng vàng phát triển được đến như giờ không?
Năm 2009, các nước xung quanh mình như Thái Lan, Indonesia, Lào đã có những sự kiện xe rất đông, vài trăm xe tham gia. Việt Nam thời điểm đó kinh tế chưa phát triển, xe cá nhân chưa nhiều, nhưng mình nghĩ đến lúc nào đấy phong trào sẽ đi lên, ngang tầm, không bị thua quá nhiều.
Giờ thì mỗi năm VOC đều có sự đi lên, điều này là rất tốt. Vì thế chẳng có gì ngạc nhiên khi giải VOC phát triển đến mức độ bây giờ. Ban tổ chức đừng để giải đi ngang hay đi lùi là được.
VOC 2011 đánh dấu một mùa giải có số đội tham gia kỉ lục (40 đội). |
- Trở lại với giải năm nay, anh dự đoán những ai là "hạt giống" của PVOIL VOC 2022?
Cá nhân mình thấy anh Thông Dê là tay đua có khả năng thi đấu bùng nổ, xử lý kỹ thuật nhanh. Bên cạnh đó anh còn có chã giỏi. Một cái tên nữa là Đỗ Hoàng Trung (lẩu dê) khá xuất sắc. Nhìn chung năm nay ông nào cũng có xác suất đúng bục. Vì thế đến với VOC năm nay, trong mỗi bài thi mình sẽ chơi hết sức, đẩy tốc độ lên tối đa.
- Mục tiêu của anh tại PVOIL VOC 2022?
Năm nay mình thi hạng Cơ bản, đặt mục tiêu top 6. Trước mình lọt top 7 mà, năm nay phải đi tốt hơn năm ngoái, phải đẩy sự cạnh tranh lên cao hơn.
- Anh đặt mục tiêu vậy có khiêm tốn không?
Năm nay đặt mục tiêu vừa thôi, vì xe mới đi được một năm, hơn nữa VOC 2022 tập trung nhiều cao thủ. Bản thân mình năm nay cũng 47 tuổi rồi, phản xạ không bằng các tay đua 9x, vì thế mình chơi bằng kinh nghiệm, bằng sự dẻo dai.
Khi vào đường đua, mình muốn xe đi được hết bài. Còn đạt đến ngưỡng nào thì còn phụ thuộc cả người cả xe. Ai cũng muốn hoàn thành bài thi đã, còn thành tích là thứ bên lề. Đương nhiên ai cũng thích đứng bục, nhưng không đứng bục thì vẫn bình thường, chơi hết khả năng, được hay không thì do cả đội bạn, suy nghĩ thế cho nhẹ đầu.
- Năm nay anh thi xe gì?
Mình thi xe Triton, nhỏ gọn linh hoạt. Tầm này bọn mình chuẩn bị xe rồi.
- Anh thấy xe phải chuẩn bị những gì cho giải năm nay?
Năm ngoái thi VOC mình nhận ra có những bài khó cua. Vì thế kết thúc giải 2021 mình quyết chơi một chiếc xe nhỏ gọn hơn, là Triton. Năm ngoái mua xe mới rồi đi dần dần, độ đẽo các thứ, chạy thử xem có trục trặc không còn sửa.
- Tại hạng Cơ bản, anh thích đường đua nào nhất?
Mình thích đường 2A, 2B, mình chạy đường đấy tốt.
Ngoài ra thích bài rally địa hình đa dạng, hố song song, hố nước, bãi đá to, bài mang tính địa hình, thử thách người và xe nhiều hơn.
- Đường 2A, 2B cũng là cung đường phá xe khét tiếng ở hạng Cơ bản VOC đấy?
Mình biết, đường đó có mô đất mà xe đua hay bay lên. Xe bay lên thì đẹp nhưng không tối ưu được khi thi đấu. Xe bay lên thì bánh không chạm đất và không đẩy đi được. Sau đó lúc rơi xuống, xe chạm đất lại nảy lên tiếp, xe vẫn không đẩy đi mà chỉ có quán tính. Bản thân người lái ngồi trong xe bị mất 1-2 giây ổn định tinh thần rồi mới lái tiếp được.
- Anh xử lý thế nào trong đường này?
Mình không bay, bay vừa phải thôi, không bay quá. Mình không phải tín đồ của bay. Bay cũng thích đấy nhưng sau đó khổ lắm. Để hiệu quả thì bay vừa thôi, xe đua chứ không phải xe đặc chủng có hệ thống giảm xóc chuyên biệt.
- Ở hạng của anh, xe quyết định bao nhiêu phần trăm?
Hạng Cơ bản thì xe và người là 50-50. Nâng cao xe chiếm 60-70 phần trăm, Mở rộng xe chiếm 80-90 phần trăm. Hạng Bán tải thì xe 30, tay lái người 70.
Nhưng dù gì người vẫn quan trọng. Xe làm rất nhanh nhưng người "làm" lâu hơn một chút.
- Tại sao anh chỉ chơi đến hạng Nâng cao (Nâng cấp) là cao nhất?
Hạng Mở rộng đầu tư nhiều, mình không "đu" được. (cười)
Mình thấy hạng Nâng cao phù hợp số đông hơn. Mình thích Nâng cao và Cơ bản, Mở rộng không thích, xe chơi hạng Mở rộng nhìn như máy kéo, máy cày, rất khác biệt, không đi được trên đường. Mình thích xe đa năng hơn, đi đâu cũng được.
Thi Mở rộng là chạy đua về thiết bị. Ví dụ hạng này bắt buộc phải có tời, tời rẻ nhất đã 36 triệu. Được cái là cái tời dùng nhiều năm, nhiều lần. Qua mỗi lần offroad, dây tời cũng hay hỏng vì đứt, bị cứa vào đá, nên mỗi giải VĐV nên thay một sợi để tránh rủi ro. Mình sao biết được dây tời còn tốt hay không, nhỡ dùng dây cũ, đến đoạn dốc đứng tời đứt thì xe lộn xuống, người ngồi trong khó đảm bảo tính mạng.
- Trở lại đường đua năm 2015, vì sao anh "nhảy" xuống làm chã?
Vì muốn hỗ trợ anh em, chứ thực ra ai đã làm giống thì không muốn xuống làm chã đâu.
Mình thích làm giống, thích lái, điều khiển, nó "phê" hơn. Tuy nhiên, thi hạng tời thì làm chã cũng được, chơi phải đa dạng chút chứ.
- Làm chã có vất vả hơn giống không?
Chã là người nhắc bài, khi thi đấu người giống tập trung lái, tầm nhìn của họ chỉ là 20 m trở lại trước đầu xe. Họ không hình dung về đường thi nên chã ngồi bên nhắc chỗ nào phanh, chỗ nào ga. Đường offroad mấy chục mét đã khác nhau rồi, chỗ đá, chỗ hố, nên phải rà từng tí một. VOC còn dây, cọc, không nhắm mắt mà phóng được.
Chã Nâng cao phải nhảy xuống, lội bùn, móc tời móc cáp, vất vả lắm. Vì có những cái hố không đi men được, buộc phải nhảy xuống lội bùn để móc tời.
- Anh làm chã những mùa nào?
2015 làm chã hạng Nâng cao, kéo tời, năm 2018 làm chã Cơ bản, đi một chiếc Vitara nhưng không dùng tời, đạt hạng ba.
- Năm nay hạng Cơ bản không đua đêm, anh có tiếc không?
Năm nay chắc đường đua đêm khó hơn, vì chỉ dành cho Nâng cao, Mở rộng. Hai hạng dưới thì có lẽ xe dễ hỏng, mà xe hỏng thì ảnh hưởng tâm lý nên Ban tổ chức đã tính toán rồi.
Bản chất bài đua đêm cũng ảnh hưởng đến ngày thi hôm sau. Thi xong sáng lơ tơ mơ, về khách sạn nghỉ 2-3 tiếng rồi lại thi, khá ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng tất cả mọi người đều vậy, lúc thi mà phấn khích thì không mệt lắm, lúc về khách sạn có giấc ngủ sâu thì hồi sức nhanh.
- Anh có áp lực khi thi 3 ngày không?
Không, mình chuẩn bị xe trước một năm rồi, lại vừa thi HTV cọ sát, lọt top 8. Mình cũng có đội hậu cần quen việc, hậu phương vững thì thi đấu thoải mái tâm lý.
- Vợ anh có ủng hộ đam mê của anh không?
Thực ra cái đam mê là công việc, sống bằng cái đấy, không ủng hộ thì làm gì được? Mình thử nghiệm sản phẩm lên cái xe, đó cũng là lí do chọn hạng Cơ bản và Nâng cao để thi đấu.
Làm về xe thì phải tìm hiểu, phải mang xe ra chạy, test. Năm nay dự kiến nhiều đội sẽ mang sản phẩm của mình đi đua. Bình thường anh em thích chơi đã hay đến đây nâng cấp hệ thống giảm xóc, lốp bên mình rồi.
Vợ mình chứng kiến quả "kềnh" năm 2009, bảo cũng lo lo nhưng nhìn xe dựng chạy về đích thì thấy không vấn đề. Thực ra, Ban tổ chức luôn đặt yếu tố an toàn, nhỡ có VĐV tử vong thì sẽ ảnh hưởng lớn đến gia đình, bạn bè, giải có tổ chức được nữa không. VOC ngay từ đầu chơi trong khuôn viên không quá rộng, dài, lại thêm nhiều khúc cua giảm tốc độ, đây là yếu tố tạo nên sự ổn định lâu dài.
- Được biết mấy năm gần đây, anh Nam Vũ luôn có gian hàng trên Đồng Mô?
Mấy năm gần đây mình có gian hàng tại VOC, có chỗ để anh em giao lưu với nhau. Cuộc thi ngày càng xã hội hóa, nên mình có cơ hội mang gian hàng tới đây cùng nhiều công ty hay doanh nghiệp khác. Một điều vui muốn chia sẻ với bạn, đồ mình làm có ưu điểm, anh em trong giới thấy và trải nghiệm thi đấu có thành tích tốt, mình rất vui. Đó là lời quảng cáo tốt hơn bất cứ cái gì.
- Năm nay gian hàng Nam Vũ 4x4 mang gì đặc biệt đến cho anh em đua offroad?
Năm nay mình cho thuê thụt để đi đua, rất muốn hỗ trợ anh em thi cho thành tích tốt lên. Đồ tốt vào tay người lái giỏi thì còn gì bằng?
- Anh đánh giá sao về khâu tổ chức với khán giả đến xem VOC?
Mình nghĩ là tốt. Trước đây, hậu cần vừa thiếu vừa yếu, ai đưa vợ con đi không biết ăn chỗ nào, nghỉ chỗ nào khiến khán giả ngại không muốn đến, năm nay tổ chức 3 ngày khâu hậu cần khá quan trọng đấy!
- Xin cảm ơn anh, chúc Nam Vũ thi đấu thật tốt tại PVOIL VOC 2022!
Tên: Vũ Hoài Nam Nick OF: Nam Vũ Vị trí: Giống Đội: PVC NamVu4x4 Thành tích: Vô địch hạng Bán chuyên VOC 2011, Nhì VOC 2010, giải ba hạng Cơ bản VOC 2018 |
[PVOIL VOC 2022] Nhìn lại VOC qua các thời kỳ: Vietnam Offroad Cup 2015 VOC 2015 có ba hạng thi đấu: Bán tải nguyên bản, Cơ bản, Bán chuyên và một hạng trình diễn. Đáng chú ý, sẽ có ... |
[PVOIL VOC 2022] 'Thích VOC vì các bài thi ngày càng khó và nhiều thử thách' Trẻ tuổi nhưng chỉ thích "bắt cặp" với các lão làng khi chơi offroad, Hà Văn Thông, tay đua 9x gốc Huế chạm vào cúp ... |
[PVOIL VOC 2022] 'VOC cho mình cái cảm giác phấn khích' "Mình rất háo hức khi giải VOC sắp diễn ra, cảm xúc ngày bé đợi mẹ đi chợ về như thế nào thì bây giờ ... |
Tin cùng chuyên mục
Kinh tế - Xã hội - 14/09/2024 13:45
Xuyên Việt bằng xe điện VF 5 từ Hải Phòng đến Bình Dương để đua xe gymkhana
Hai tay đua và hai thành viên hỗ trợ thuộc Hai Phong Motorsports Club đã xuyên Việt ba ngày từ Hải Phòng vào tới Đại Nam để tham dự Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024.
Kinh tế - Xã hội - 14/09/2024 13:10
Thầy dạy lái ô tô đua gymkhana: Cố gắng lọt vòng trong và có giải
Đặng Công Minh (sinh năm 1989), đến từ Bình Phước, thi hạng FWD cùng chiếc xe Toyota Altis 1.8 MT tại Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024.
Kinh tế - Xã hội - 14/09/2024 12:06
10 xe bán chạy tháng 8/2024: Hầu hết xe gầm cao, không có xe cỡ A
Mitsubishi Xfroce tiếp tục là mẫu xe bán chạy nhất tháng lần thứ hai liên tiếp, xếp ở vị trí thứ hai và ba lần lượt là Ford Ranger và Mazda CX-5.
Kinh tế - Xã hội - 14/09/2024 11:00
Khai mạc Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024
Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền nam PVOIL Cup 2024 sẽ tìm ra các vận động viên tham dự thi đấu tại giải vô địch quốc gia.
Kinh tế - Xã hội - 13/09/2024 18:46
Doanh nghiệp, người lao động Đà Nẵng hỗ trợ miền Bắc khắc phục hậu quả bão số 3
Các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng cử nhân lực và vận động thành công nhiều hàng hóa và tiền; người lao động ủng hộ 1 ngày công hỗ trợ các tỉnh, thành miền Bắc khắc phục hậu quả thiên tai.
Kinh tế - Xã hội - 13/09/2024 13:12
Tay đua Tô Phước Dương: "Sắm được xe là đi đua gymkhana ngay"
Tay đua trẻ nhất tại Giải đua Ô tô Gymkhana Vô địch Miền Nam PVOIL Cup 2024 sẽ mang Toyota Corolla Altis 2005 tới trường đua Đại Nam (Bình Dương) thi đấu trong ngày 14/9 tới.